𝐂𝐡𝐮̛𝐨̛𝐧𝐠 𝟐 - 𝐜𝐚𝐨 𝐭𝐨̂́𝐜 𝐤𝐡𝐨̂𝐧𝐠 𝐦𝐨̣̂𝐭 𝐛𝐨́𝐧𝐠 𝐧𝐠𝐮̛𝐨̛̀𝐢
Ngày thứ mười sáu ở trong căn nhà nhỏ giữa rừng bạch dương ngút ngàn. Tâm trạng của cả đoàn càng lúc càng trở nên cáu gắt. Hôm trước cái Phượng và bà Loan đã tranh cãi với nhau chỉ vì chút nước tắm ít ỏi. Gã Trung trọc vẫn tiếp tế đồ ăn theo tần suất vài ngày một lần. Hôm nay tôi để ý ngoài bánh mì và chút ít rau củ còn có thêm một hộp xúc xích. Gã lái người hất hàm:
"Mọi người cố mà ăn. Mai lên đường."
Lời nói của gã rất chỏng lỏn nhưng cũng đủ làm cho bất kỳ người nào đang sống trong căn nhà ọp ẹp cũng đều cảm thấy vui đến mức không giấu được. Tôi mang theo chiếc xô nho nhỏ ra phía sau để hứng nước từ vòi chảy li ti. Nào ngờ khi vừa mới ra khỏi cửa, bất chợt có một chiếc xe ô tô mười sáu chỗ đi tới. Từ trên xe bước xuống là một người đàn ông da đen cao lớn. Đi theo sau anh ta còn có mấy người khác. Tôi vội lùi lại phía sau để nhường đường cho đoàn người bước vào trong căn nhà. Gã Trung trọc nhìn thấy thì hồ hởi chào hỏi người đàn ông da đen kia bằng tiếng Nga. Sau một hồi tôi mới biết, những người mới tới này cũng có cùng mục đích như chúng tôi. Họ đến từ nhiều vùng miền khác nhau trên lãnh thổ nước này, sau đó được tập trung tại đây để chuẩn bị cùng đoàn chúng tôi đi qua biên giới.
Trạm trung chuyển bỗng dưng lại có thêm gần mười người vào ở khiến cho không gian bỗng trở nên chật chội. Kỳ thực việc ấy cũng chẳng phải là vấn đề quá lớn, điều khiến tôi bất an là trong số tám người vừa mới đến có hai lão già cứ nhìn chằm chằm về phía tôi và cái Phượng.
Ánh mắt của họ lướt nhanh qua chú Sang và Đức Hà Nội, rồi dừng lại rất lâu trên gương mặt những người phụ nữ trẻ tuổi. Tuy rằng bề ngoài tôi vẫn tỏ ra bình thường, nhưng trong thâm tâm vẫn liên tục trấn an bản thân. Cái Phượng cũng nhận thấy bầu không khí gượng gạo, nó thì thầm nói với tôi:
"Hai thằng già râu xồm kia cứ nhìn tao với mày. Chúng nó còn nhìn cả mấy đứa da đen ở trong đoàn nữa. Sao tao cứ có cảm giác nó đang so sánh chúng mình nhỉ?"
Tôi không trả lời vội, vẫn điềm nhiên xoay người lại rồi lắc đầu:
"Đừng sợ! Chúng nó cũng giống như mình thôi. Nếu dám ho he gì đã có gã Trung trọc xử lý. Bọn này cũng đang nóng lòng rời khỏi đây mà. Mày cứ yên tâm."
Cái Phượng không nói thêm gì nữa, chỉ liếc trộm về phía những kẻ mới đến. Tổng cộng có tám người. Trong đó có hai gã đàn ông có vẻ già nua, còn lại là sáu người phụ nữ còn rất trẻ, có khi chỉ bằng tuổi tôi. Nổi bật trong nhóm ấy là hai cô gái cao to, có làn da đen của người châu Phi, nhưng đường nét trên khuôn mặt lại là của người châu Á. Tôi chắc mẩm họ là con lai.
Trung trọc nói chuyện một lát rồi chỉ cho họ nằm trên mấy cái giường ở gian ngoài. Tách biệt với khu vực chúng tôi ngủ bên trong. Chú Sang cẩn thận kéo mấy chiếc ba lô giấu vào gầm giường. Đức Hà Nội và Duy Anh thấy vậy thì nhanh nhẹn giúp chú một tay. Chúng tôi đã có sự phòng bị đầu tiên, dù rằng trên danh nghĩa, những người kia là đồng hội đồng thuyền.
* * * * *
Đêm đầu tiên có người lạ mặt vào sống chung, tôi ngủ không ngon giấc. Hễ cứ nhắm mắt lại là hình ảnh cặp mắt của hai gã đàn ông kia lại xuất hiện. Trống ngực đập thình thịch, tôi trở mình rồi kéo chăn lên tận cổ. Không gian trong nhà lúc này rất im ắng, chỉ có tiếng ngáy khe khẽ vọng lại như muốn điểm thêm cho tiếng gió rít lên ở bên ngoài, rồi đập vào cửa sổ.
Người nào vô tâm đến mấy cũng không thể không nhận thấy rằng, từ lúc những người kia đến, nhóm chúng tôi ít nói hơn hẳn. Sáu cô gái kia cũng không giao tiếp với người khác nhiều. Họ đi đi lại lại như những cái bóng trong nhà. Họa hoằn lắm tôi mới nghe thấy tiếng họ nói chuyện, dù rằng chẳng hiểu gì. Đêm thứ hai cũng trôi qua trong yên bình, nhưng đến sáng ngày thứ ba thì xảy ra chuyện.
Chẳng là hôm đó bà Loan quyết định sẽ tắm sớm để cho đỡ lạnh. Phòng tắm chỉ cách giường chúng tôi vài bước chân, cho nên ở bên ngoài vẫn nghe rõ mồn một tiếng dội nước ào ào. Vào thời điểm chúng tôi đang ăn bánh mì ở gian ngoài, đột nhiên bà Loan gào lên:
"Thằng khốn nạn nào đấy?"
Tất cả mọi người, kể cả Trung trọc cũng giật mình. Tôi vội vàng chạy lại thì thấy lão già trong nhóm kia đang đứng ở trước cửa. Một phần râu tóc ướt nhẹp. Lão lướt nhanh qua tôi nhưng vẫn không quên nở một nụ cười bỉ ổi. Tôi hỏi vọng vào:
"Cô Loan ơi! Có chuyện gì thế?"
Từ trong nhà tắm, bà Loan gằn giọng:
"Mẹ nhà nó! Tao đang tắm thì phát hiện có thằng nào nhìn tao qua cái lỗ thủng ở cửa. Tao tức quá lấy nước hất vào mặt nó."
Bà Loan chưa kịp nói hết lời thì Trung trọc đã hiểu chuyện. Gã chờ cho tên đàn ông kia ra đến nơi rồi hất đầu lọc thuốc lá về phía ấy, đoạn lại nói bằng tiếng Nga. Tất cả mọi người đều hiểu rằng, gã đang cảnh cáo tên đàn ông vừa nhìn trộm.
Khoảng chừng hai phút sau, bà Loan đi ra ngoài, gương mặt vẫn đỏ bừng vì tức giận. Trung trọc thấy thế thì trấn an:
"Thôi! Không phải bực mình nữa. Tôi cảnh cáo thằng già ấy rồi. Còn một lần nữa mà tái phạm thì đừng có trách. Cứ yên tâm đi, ngày mai là khởi hành."
Nghe Trung trọc nói thế ai cũng cả mừng. Chỉ có điều tôi vẫn canh cánh nỗi lo âu, những người kia sẽ đồng hành cùng với chúng tôi trong suốt thời gian sắp tới. Hôm nay lão già trong đám ấy đã dám nhìn trộm, vậy thì những lần sau liệu sẽ xảy ra cớ sự gì nữa? Lúc ấy tôi không hề biết được rằng, một biến số bất ngờ đang chờ đón chúng tôi trên chặng đường ngày mai. Cuộc sống bao giờ cũng vô thường như thế.
Vào ngày đầu tiên đặt chân đến nước Nga, Trung trọc có nói với chúng tôi rằng đường dây đang "động", nên cả đoàn phải chờ một thời gian. Ban đầu tôi không hiểu rằng điều ấy có nghĩa là gì. Cho tới khi ngồi trên xe để rời khỏi căn nhà giữa rừng bạch dương thì gã mới bắt đầu giải thích. Thời điểm cơ quan chức năng của chính quyền sở tại thực hiện đợt vây bắt những đối tượng vượt biên trái phép, người trong nghề gọi là đường dây đang "động". Lựa chọn duy nhất vào lúc này là phải chờ đợi, chờ đợi và chờ đợi. Khoảng thời gian gần hai mươi ngày dài đằng đẵng mà chúng tôi vừa mới trải qua chính là như thế.
Vào cái ngày cả đoàn tiếp tục di chuyển, ngay từ khi trời còn chưa sáng hẳn tôi đã thức dậy. Một lúc sau, Duy Anh, cái Phượng, bà Loan và chú Sang cũng lục tục chuẩn bị đồ đạc để rời đi. Tôi liếc nhìn cái đồng hồ điện tử trên tay, sáng nay trời có nắng nhưng nhiệt độ vẫn dừng lại ở con số 9 độ C. Xem chừng hôm nay ấm hơn hôm qua, cũng có thể coi là điềm lành đầu tiên trong ngày.
Lộ trình hôm nay của chúng tôi là đến khu rừng phân cách giữa Nga và Ukraina. Chú Sang nói nhỏ với mọi người trong đoàn:
"Kể từ lúc đi tới khu rừng này là hành trình bắt đầu gian nan rồi đấy. Mấy thằng bạn của tôi lần trước cũng vượt biên từ Nga sang Anh có nói rằng rất nhiều người bị chết ở cột mốc này."
Thấy mọi người lộ rõ vẻ hoang mang, chú Sang khẽ thở dài:
"Lúc ấy tôi không hỏi kỹ rằng đoạn đường này có gì mà nguy hiểm như vậy. Giờ muốn biết để mà phòng tránh trước cũng chẳng được. Thôi thì, chúng ta nương tựa vào nhau vậy."
Bà Loan và cái Phượng nhìn nhau đầy uẩn tình. Đức Hà Nội gật đầu nói với giọng đầy khích lệ:
"Mọi người cố lên! Tất cả cùng đồng lòng thì không sợ không vượt qua được. Đứa nào thất đức thì sẽ chết trước. Cháu xin mạn phép đoán đó là thằng dê già hôm trước mới đắc tội với cô Loan."
Cả nhóm chúng tôi bật cười. Bà Loan đương cơn lo lắng, nghe thấy Đức Hà Nội nói như vậy cũng vừa cười vừa lấy tay gõ nhẹ vào đầu anh ta. Bầu không khí trở nên nhẹ nhõm hơn vài phần.
Nếu không tính hai tài xế, thì số lượng người trong đoàn là mười ba người. Trung trọc chia ra làm hai xe. Nhóm người Việt đương nhiên ngồi cùng với nhau, sau đó lại có thêm hai cô gái da đen từ nhóm bên kia sang nữa. Xe khởi hành vào lúc mười giờ sáng. Trước khi rời khỏi trạm trung chuyển này mãi mãi, tôi ngoảnh đầu lại nhìn. Ngôi nhà nhỏ xíu nằm giữa rừng bạch dương ngút ngàn ẩn mình trong sương sớm khiến người ta vừa trầm trồ trước vẻ đẹp, lại vừa cảm thán trước vẻ cô liêu. Duy Anh đưa mắt nhìn theo rồi cười mà như không:
"Chị Lam ơi! Thế là mình ở ngôi nhà này cũng được gần một tháng nhỉ."
Tôi gật đầu, mắt vẫn dán vào ngôi nhà nhỏ dần rồi khuất sau một rặng cây khẳng khiu. Hơn một tiếng đồng hồ sau, chúng tôi tới con đường để nhập làn vào cao tốc.
Trước kia tôi cứ nghĩ, đường cao tốc ở nước ngoài sẽ băng qua những rừng cây hùng vĩ. Mùa xuân sẽ có hoa nở, mùa hè sẽ thấy được những tàn cây xanh mướt mát, mùa thu rợp trời lá đỏ còn mùa đông khung cảnh giống hệt như những tấm thiệp giáng sinh. Ấy vậy mà con đường này chẳng giống với những gì mà tôi tưởng tượng. Mặc dù có tận tới bốn làn đường nhưng dải phân cách trải dài tít tắp không có điểm dừng. Cứ cách hai mét lại có một ụ đèn phản quang để báo hiệu cho lái xe căn lề.
Mải nhìn ra ngoài một hồi lâu, tôi có cảm tưởng rằng nơi này chỉ tồn tại màu xám của bê tông cứng ngoắc. Dải đường rộng lớn là thế mà chẳng có một bóng người qua lại, làm cho cảm giác rợn ngợp tăng lên bội phần. Chú Sang và Đức Hà Nội đã ngủ say. Bà Loan bảo tôi nên ngủ một chút để còn lấy sức, nhưng tôi lắc đầu. Tiếng xe phóng vun vút bên đường tạo cho người ta mang tâm trạng hồi hộp đến khó tả. Xe của nhóm người kia được một tay người Trung Đông lái đằng sau, xe chúng tôi đi trước mở đường. Mọi người ăn và uống ở trên xe. Để vơi bớt cảm giác buồn chán, Trung trọc mở radio để nghe nhạc. Một giọng hát nữ cất lên nhẹ nhàng trên nền nhạc dìu dặt. Trung trọc giải thích với tôi đây là bài hát kể về một người phụ nữ mãi mãi không có được tình yêu của đời mình. Đến ngày cuối cùng của cuộc đời, cô ấy phải ra đi trong cô độc.
Lòng tôi se lại. Bất giác tôi nghe thấy tiếng thở dài của cái Phượng. Thì ra con bé đã dậy từ lúc nào. Ba người chúng tôi nói chuyện về những miền đất kì lạ ở Việt Nam. Tôi chưa bao giờ ra khỏi ngôi làng muối trắng của mình nên chẳng có gì để nói. Trung trọc thì kể chuyện rất nhiều. Gã nói về vị chua chua của quả chay người miền Bắc hay dùng để kho cá, rồi cả những chiếc tò he đầy màu sắc ở làng quê nghèo nơi hắn lọt lòng. Tôi nghĩ thầm trong bụng, nếu ai đó nghe thấy cuộc nói chuyện của chúng tôi, làm sao có thể nghĩ rằng đây là một chuyến xe vượt biên cho được.
* * * * *
Xe đi cả đêm lẫn ngày, gần như không dừng lại lúc nào, trừ những khi tấp vào ở khu vực vệ sinh công cộng dọc đường. Chú Sang tấm tắc khen khả năng lái xe của Trung trọc. Gã khịt mũi đáp lời:
"Làm mãi cũng phải quen. Trước đây cũng có một thằng lái phụ. Nhưng mà không hiểu sao cứ lần nào tôi cho ai đó đi cùng thì đều gặp phải chuyện không may. Cuối cùng đành cố gắng lái. Lúc nào mệt quá thì dừng lại ngủ một lúc rồi lại lên đường. Sau này thì không cần nữa."
Nhóm chúng tôi vừa ăn uống vừa nói chuyện với nhau để giết thời gian. Vào lúc chạng vạng tối, khi tôi nghiêng đầu ngước lên nhìn bầu trời phía trên thì bỗng thấy một vì sao đổi ngôi. Ánh sáng xanh nhạt vụt qua bầu trời rồi biến mất nhanh như điện xẹt. Đối với nhiều người, khoảnh khắc ấy có thể lãng mạn, nhưng với tôi thì không. Người ở miền biển quê tôi tin rằng, mỗi khi nhìn thấy sao đổi ngôi là sẽ có người chết. Số lượng người chết cũng được phân định dựa vào sắc màu. Nếu sao màu trắng, đồng nghĩa với việc một người chết đi. Sao đổi ngôi màu xanh, ít nhất sẽ có ba người thiệt mạng. Nặng nhất là sao đổi ngôi màu đỏ, khi ngôi sao này xuất hiện chắc chắn âm ti địa ngục sẽ có thêm bảy vong hồn mới. Tôi không biết thứ quan niệm mê tín ấy có đúng hay không, nhưng vào thời điểm này, ngôi sao màu xanh vừa bay vụt qua khiến sống lưng tôi bỗng dưng lạnh toát. Tôi chưa kịp nghĩ đến điều gì xa hơn thì đột nhiên....
Rẹt..............Rẹt.............
Kít......kít.......
RẦM!!!
Một chuỗi âm thanh kéo dài rồi ngay sau đó là một tiếng động rất lớn. Tất cả mọi người đều hoảng hốt ngơ ngác. Bà Loan giật mình thức giấc:
"Tiếng gì thế? Tiếng gì thế?"
Phản xạ đầu tiên của tôi là ngoái đầu về phía sau. Trong ánh sáng vàng vọt của một góc đèn đường chiếu lại, tôi nhìn thấy rõ mồn một chiếc ô tô chở nhóm người vẫn đang bám sát chúng tôi từ nãy đến giờ đâm thẳng vào giải phân cách. Đầu xe bẹp rúm. Duy Anh và Đức Hà Nội gào lên:
"Tai nạn! Tai nạn rồi!"
Giọng chú Sang lạc đi:
"Trung! Dừng lại! Dừng lại đi! Tấp vào lề đường!"
Cái Phượng hùa theo, miệng lắp ba lắp bắp:
"Anh Trung dừng lại! Cứu người! Cứu người!"
Trung trọc hét lên đáp trả:
"Không được dừng lại! Cảnh sát đến bây giờ! Tiếp tục đi!"
Anh ta đạp chân ga để phóng nhanh hơn. Hai cô gái người da đen lúc này cũng đã nhận thức được chuyện gì vừa mới xảy ra. Họ kêu khóc thảm thiết. Trung trọc chửi bậy bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Nga, nhất quyết không dừng lại. Chúng tôi vẫn tiếp tục lao vào màn đêm, cứ như thể chưa hề nhìn thấy vụ tai nạn thảm khốc đó.
Bầu không khí trong xe lúc này khó chịu đế mức tôi tưởng chừng như có kẻ nào đó đã rút cạn hơi thở của mọi người. Không ai nói gì thêm nữa, chỉ có tiếng nấc nghẹn của hai cô gái ngồi hàng ghế cuối cùng. Lòng tôi như thắt lại, tôi nhoài người ra phía sau khẽ đặt tay mình lên vai họ. Ba cặp mắt nhìn nhau. Tất cả đều ầng ậng nước.
* * * * *
Xe vẫn chạy băng băng trên đường cao tốc. Trời vừa tảng sáng cũng là lúc xe tách làn để rẽ sang một lối đi khác. Trung trọc lúc này mới lãnh đạm nhắc lại cho chúng tôi biết nguyên tắc ban đầu:
"Dù có bất cứ chuyện gì xảy ra cũng không được phép dừng lại. Cắn răng mà đi tiếp."
Có lẽ gã đã quá quen với những trường hợp này, vậy nên khi nhìn thấy bộ dạng thất thần của mọi người trên xe. Gã còn bồi thêm một câu:
"Vượt biên bằng đường bộ còn đỡ. Có nhà kia vượt biên từ Hongkong bằng đường biển. Bố mẹ tận mắt nhìn thấy con rơi xuống biển nhưng ngoài gào thét ra chẳng làm gì được."
Bầu không khí còn nặng nề hơn lúc trước. Không biết rằng những người ngồi trong xe ấy giờ thế nào, liệu có ai còn sống sót hay không? Ngay cả bà Loan, người mà hôm qua còn mới nộ khí xung thiên vì gã đàn ông ngoại quốc kia nhìn trộm mình tắm. Thế mà giờ cũng thất thần nhìn đăm đăm ra cửa sổ. Tôi nhìn ánh sao mai trên bầu trời thăm thẳm. Con người ta thật kỳ lạ, rõ ràng căm ghét như thế, nhưng khi đối phương có chuyện gì không may, trong lòng vẫn không khỏi bồi hồi. Hình như người ta gọi đó là lòng trắc ẩn.
Xe vẫn lao vun vút trên đường vắng tanh vắng ngắt. Vụ tai nạn đã xảy ra được vài tiếng. Chúng tôi đến khu rừng biên giới vào lúc bảy giờ hai mươi lăm phút sáng. Tôi ngó xuống đồng hồ, nhiệt độ ngoài trời lúc này đã tụt xuống còn bảy độ. Nơi này thoạt nhìn chẳng khác gì với khu rừng bạch dương ở trạm trung chuyển, thế nhưng nhìn kỹ lại thì cây cối ở đây rậm rạp hơn rất nhiều. Tôi lo lắng hỏi Trung trọc:
"Giờ mình đi tiếp hả anh?"
Trung trọc không trả lời tôi. Gã bước xuống xe để rít thuốc lá. Hai cô gái da đen nhìn xung quanh rồi nói chuyện với nhau. Một lúc sau, từ đằng xa có bốn chiếc xe ô tô bốn chỗ đi tới. Trung trọc ném đầu lọc thuốc lá xuống đất rồi nhìn về phía trước chờ đợi. Mấy chiếc xe lần lượt đỗ thành một hàng dọc. Người ngồi trong chiếc xe đầu tiên nháy đèn ba lần. Trung dùng tay vỗ vào nắp capo đáp lại hai cái. Sau hành động đó, người thanh niên lái xe đầu tiên bước xuống. Đó là một người da trắng cao to, nhìn gương mặt ấy tôi đoán chừng anh ta chỉ hơn tôi vài tuổi. Cả hai nói chuyện nhưng vẫn không quên liếc nhìn về phía chúng tôi. Đức Hà Nội cau mày nói nhỏ:
"Bọn này như kiểu có mật mã ấy nhỉ?"
Chú Sang gật đầu tán đồng:
"Có thể lắm. Hôm đầu tiên gặp nhau, thằng Trung đã nói là đường dây đang bị "động" cơ mà. Chắc là bọn nó sợ có người nằm vùng trà trộn vào bên trong nội bộ. Mấy người quen của chú cũng đi vượt biên bằng đường này, nhưng chưa hề thấy chúng nó làm chặt chẽ đến thế bao giờ."
Cái Phượng có vẻ hoang mang:
"Giờ phải làm sao?"
Chú Sang nhún vai không đáp. Tôi siết chặt quai xách ba lô trên tay, chuẩn bị sẵn tinh thần để rời đi bất cứ lúc nào. Mọi người trên xe cũng bắt đầu sửa soạn. Để chống chọi với cái lạnh, tôi đội cái mũ len màu đen to sụ lên trên đầu, lại đeo thêm khẩu trang vải. Bên trong chiếc mũ len này có phần nếp gập ở viền rất kín đáo. Trước khi rời khỏi trạm trung chuyển, tôi đã khéo léo giấu vào trong đó mấy chiếc lưỡi lam phòng khi bất trắc.
Trung trọc bàn bạc với ba gã mới đến một hồi, rồi quay trở về xe nói với chúng tôi:
"Mọi người chuyển sang mấy chiếc xe ở bên này để đi vào rừng. Từ giờ cả đoàn sẽ đi với những người này."
Gã chỉ tay vào người thanh niên vừa lái chiếc xe đầu tiên rồi hắng giọng:
"Người này tên là Ivan, biết tiếng Việt. Tới địa phận này Ivan sẽ thay tôi dẫn đường cho cả đoàn. Tình thế bây giờ rất căng thẳng, không phải hành trình của đoàn nào cũng giống như đoàn nào. Mọi người tuyệt đối không được tự ý rời khỏi vị trí. Băng qua cánh rừng này là đến Ukraina. Lúc đó Ivan sẽ hướng dẫn tiếp cung đường tiếp theo."
Chúng tôi gật đầu tỏ ý đã hiểu. Trung trọc bắt tay từng người để từ biệt. Gã dẫn tám người chúng tôi đến địa điểm xe tập kết. Vừa mở cửa xe ra tôi đã thoáng ngạc nhiên, bên trong xe chỉ có hai hàng ghế ở phía trước, còn băng ghế đằng sau đã bị tháo ra từ bao giờ. Hai gã tây tóc hung đỏ ra hiệu cho chúng tôi nằm xuống sàn xe. Cứ mỗi sàn sẽ nằm được hai người. Đoàn của tôi có tổng cộng tám người, vừa phân chia đủ cho các xe. Tôi ngoái lại nhìn Trung trọc, gã khẽ gật đầu chào tôi rồi vội vã quay đi ngay. Chú Sang và bà Loan nằm ở xe cuối cùng, cái Phượng và Đức Hà Nội nằm ở xe thứ ba, hai cô gái da màu kia nằm ở xe thứ hai. Tôi cùng với Duy Anh nằm trên sàn xe đầu tiên, cũng chính là xe của Ivan.
Gã thanh niên này trông mặt non choẹt, không có dáng vẻ bụi bặm lạnh lùng như Trung trọc. Khi tôi vừa ép chặt lưng mình xuống sàn xe, thì Ian quay lại chỉ tay vào cái balo của Duy Anh rồi cất giọng lơ lớ:
"Kê cái ba lô vào đầu cho đỡ xóc. Đi đường rừng đấy."
Hai chị em lập tức làm theo. Nằm dưới sàn xe cũng có nghĩa là khoảng cách giữa thân thể và mặt đất càng gần. Hai tai tôi nghe rõ mồn một tiếng bánh xe nghiến vào mặt đường, cả tiếng xì khói của ống bô ngay dưới chân mình. Khoảng mười phút đầu tiên đường đi còn êm. Thế nhưng mà sau đó đường bắt đầu xóc dần. Để cho đỡ cụng đầu vào sàn xe, cả hai chị em tôi một mặt phải giữ thật chắc cái balo, mặt khác phải ghì chặt đầu xuống. Duy trì tư thế nằm co quắp này một khoảng thời gian dài, lưng của tôi bắt đầu mỏi. Tôi ngóc đầu dậy nói với Ivan:
"Anh ơi! Anh cho em hỏi bao giờ đi hết cánh rừng này?"
Ivan chẳng có gì tỏ ra là gã nghe thấy lời tôi nói. Tôi cũng không dám hỏi lại nên đành nằm xuống như lúc trước. Vài phút sau, gã mới lẩm bẩm như nói một mình:
"Không xa. Nhưng không dám đi nhanh. Dễ bị phát hiện."
Duy Anh nhìn tôi, thằng bé cố nhoẻn miệng cười để khích lệ. Toàn thân chúng tôi cứ trôi về phía cốp. Tôi nắm chặt lấy tay người nằm bên cạnh, chân chạm vào lớp ngăn cách giữa ghế phụ và thùng xe đằng sau. Cuối cùng cũng đành miễn cưỡng chống chịu thêm một thời gian nữa. Từ trước đến giờ tôi vốn khỏe mạnh, chẳng bao giờ biết đến hai từ say xe. Thế mà hôm nay đầu óc tôi quay cuồng, thức ăn trong dạ dày tựa hồ bị xóc lên đến tận cuống họng. Duy Anh có biểu hiện sắp ói mửa ra đến nơi. Tôi thều thào nói khó với gã tài xế:
"Ivan ơi! Đi chậm lại một chút được không? Buồn nôn quá."
Gã vẫn chẳng trả lời, nhưng rõ ràng chiếc xe có đi chậm lại một chút. Để cho quên đi cơn buồn nôn, tôi cắn răng nhắm mắt lại nghĩ đến một chuyện gì đó vui vẻ. Cảm giác bập bềnh này y hệt như ngày còn nhỏ được nằm giữa thuyền, tôi sẽ ngước mặt lên bầu trời rồi cười khanh khách. Chỉ có điều, nơi này chẳng có ánh nắng vàng rực rỡ chiếu xuống biển, cũng chẳng có từng con sóng vỗ vào mạn thuyền. Tôi chỉ nhìn thấy cành cây khẳng khiu đứng im lìm dưới sắc trời xám nhạt. Thế là tôi quyết định không hồi tưởng về ngày xa vắng ấy nữa. Cứ ngỡ đâu rằng tinh thần của mình sẽ thoải mái hơn, nào ngờ lại là tác dụng ngược.
Xe đi được gần ba mươi phút thì dừng lại. Ivan lùa chúng tôi xuống xe. Cơn chóng mặt ập đến khiến cho tôi cảm thấy mỏi mệt. Phải mất vài phút, cả đoàn mới tỉnh táo để nhận ra rằng đám người trong đường dây này vừa đưa mình tới một căn nhà bỏ hoang.
Gọi là nhà cho oai, chứ thực ra đó chỉ là một cái kho được dựng lên nhờ mấy tấm tôn quây lại. Ivan ra hiệu cho chúng tôi đi theo, còn ba gã đội mũ len kia thì đi cuối cùng. Trong đó có một gã đầu trọc, một gã tóc đen và một gã có mái tóc hung đỏ. Bên trong nhà kho tối như hũ nút, chỉ có vài tia sáng chiếu qua khe hở của những tấm tôn chắp vá. Nói trắng ra, nơi này giống như một cái hộp sắt chứa người.
Bên trong kho không có ghế, cũng chẳng có bàn, nhưng có ngổn ngang thân gỗ vất khắp nơi. Bà Loan mệt mỏi được tôi cùng cái Phượng dìu vào ngồi tạm trong một phiến gỗ khá bằng phẳng. Một gã đội mũ len hí hoáy mồi lửa bằng những mẩu củi khô vất rải rác trên nền đất xám xịt. Cơ hàm của tôi bắt đầu cứng lại vì lạnh, ngay cả việc cử động cơ mặt cũng khó khăn hơn bình thường. Ivan rải tấm bản đồ xuống đất cùng với la bàn để tìm phương hướng. Bắt đầu từ cánh rừng này trở đi, chúng tôi không được dùng điện thoại, cũng không được dùng bộ đàm, ngay cả nói chuyện cũng phải hạn chế tới mức tối đa. Đức Hà Nội tò mò hỏi vì sao, thì Ivan giải thích vắn tắt rằng âm thanh truyền trong rừng sẽ dễ bị trạm quan trắc của cơ quan kiểm lâm nghe thấy. Điều đó làm tăng nguy cơ bị phát hiện của cả đoàn. Bởi thế cho nên bất cứ ai đi vượt biên cũng phải giữ im lặng khi ở trong rừng.
* * * * *
Từ xưa tới giờ, con người ta đều sợ tiếng ồn, ít ai biết được rằng, sự tĩnh mịch bao trùm mới là thứ giết chết tâm lý nhanh chóng nhất. Tôi cúi đầu khẽ thở dài một tiếng. Khi ngẩng đầu lên, tôi bắt gặp ánh mắt của Ian đang nhìn mình. Bị tôi phát hiện, anh ta vờ quay mặt đi. Chiếc đồng hồ trên tay tôi nhấp nháy con số 6 độ C. Mưa lại bắt đầu rơi lộp bộp. Tôi đâu có ngờ rằng, cơn ác mộng bấy lâu nay tôi vẫn thường xuyên chiêm bao thấy cuối cùng cũng thành sự thực.
_____________________________________
Còn tiếp
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro