Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

𝐂𝐡𝐮̛𝐨̛𝐧𝐠 𝟕 - 𝐁𝐚 𝐋𝐚𝐧 𝐤𝐡𝐨̂𝐧𝐠 𝐲𝐞̂𝐧 𝐛𝐢̀𝐧𝐡


Sau rất nhiều ngày sống chui lủi trong rừng, chịu đói chịu khát, phải đến giờ tôi mới được nằm trong chăn đệm ấm áp để thiếp đi. Giấc ngủ nhanh chóng kéo đến, tôi lại nằm mơ thấy mình trở lại làm đứa trẻ con đi cùng bà ngoại trên con đê ven biển. Cơn gió mang theo hơi nước mằn mặn lướt qua gương mặt tôi làm tung bay làn tóc dài. Giấc mộng ấy đã có thể kéo dài lâu hơn, nếu như tôi không bất ngờ cảm thấy có người nào đó lục lọi vào quần áo.
Đầu tiên tôi nghe thấy tiếng sột soạt bên tai, sau đó là tiếng thở rất mạnh của một ai đó. Tiếp đến là một bàn tay sờ vào bên trong túi áo khoác bên ngoài, rồi chạm vào cổ. Tôi có thể cảm nhận được những ngón tay của người ấy lạnh như băng. Mới đầu tôi còn tưởng là cái Phượng hay ai đó trong đoàn trêu mình, liền ú ớ vài câu. Thế rồi đột nhiên đầu óc tỉnh táo, tôi choàng mở mắt thì thấy có một bóng người chạy vụt ra khỏi phòng, cánh cửa còn không kịp khép lại. Tôi kêu lên oai oái:
“Có trộm! Có trộm!”
Đức Hà Nội giật mình:
“Làm sao đấy?”
Tôi nhoài người sang bên cạnh để bật đèn cho sáng. Ánh sáng rọi khắp căn phòng, mọi người còn đang ngái ngủ. Chú Sang lè nhè trách móc:
“Đứa nào không ngủ đi còn ầm ĩ cái gì?”
Tôi lắp bắp trả lời:
“Có người vừa vào phòng mình chú ơi!”
Lần này thì chú Sang tỉnh hẳn. Giọng nói của chú lập tức nghiêm trọng.
“Làm sao? Ai vào phòng?”
Tôi không tiếp lời mà sờ soạng túi áo. Mấy tờ tiền giấy cất trong túi giờ đã không cánh mà bay.
“Cháu mất tiền rồi!”
Câu nói này khiến cho mọi người trong đoàn giật mình. Theo phản xạ tự nhiên, mọi người sờ ngay vào trong túi của mình để kiểm tra. Cái Phượng kêu lên khe khẽ:
“Dây chuyền... dây chuyền của cháu... còn cái nhẫn vàng... Ai lấy mất rồi!”
Chúng tôi hoang mang nhìn nhau, Jane và Anne tỏ vẻ lo lắng mặc gì số tư trang ít ỏi của cả hai vẫn còn nguyên. Đức Hà Nội hỏi Duy Anh:
“Chú mày bảo thức để trông cho mọi người ngủ cơ mà?”
Nghe thấy thế, Duy Anh cúi đầu lí nhí:
“Em... em ngủ quên lúc nào không biết. Tại... tại em mệt quá.”
Gương mặt Đức Hà Nội giãn ra một ít. Anh ta lại hỏi:
“Có mất cái gì không?”
Duy Anh buồn bã:
“Em còn gần một ngàn Euro để trong túi. Giờ mất sạch rồi.”
Bà Loan lên tiếng:
“Mọi người kiểm đếm lại đi. Xem xem mất những gì. Rồi mới bàn tiếp được.”
Vài phút đồng hồ trôi qua trong im lặng. Ngoại trừ tôi mất hơn hai trăm Euro để trong túi áo khoác, Duy Anh mất hơn một ngàn, cái Phượng mất sợi dây chuyền vàng, thì những người khác đều chỉ mất rất ít tiền. Nói là vậy, nhưng bị mất ngay trong trạm trung chuyển khiến người nào người nấy cũng đều tiếc của. Nhất là thằng bé Duy Anh. Nó ngồi phịch xuống giường, hai mắt vằn lên. Tôi nhanh chóng bước vào nhà vệ sinh để kiểm tra. Đống tiền tôi nhặt được ở trong rừng cũng hơn hai mươi ngàn bảng anh và ba nghìn Euro, được chia ra để trong áo ngực và hai chiếc tất hai chân. Mặc dù có hơi ướt nhưng không hề suy chuyển đi một đồng một cắc nào. Tôi khẽ thở phào nhẹ nhõm, nếu lúc ấy tôi không kịp thời thức dậy thì chắc hẳn giờ này đã mất trắng. Ngồi trên bệ bồn cầu mà tôi vẫn nghe được tiếng Duy Anh thổn thức vọng vào. Tôi lấy ra hơn một ngàn Euro định bụng cho nó, nhưng lại sợ mọi người chú ý nên thôi. Muốn làm việc này phải chờ đúng thời điểm mới được.
Nhìn gương mặt ỉu xìu như bánh đa ngâm nước của nó làm tôi chợt chạnh lòng. Cùng bằng tuổi nhau, nhưng em trai tôi thì được bố mẹ bao bọc, yêu chiều, còn Duy Anh thì phải bôn ba ở xứ người để tìm cách kiếm tiền lo cho gia đình. Đúng thực là hai thái cực đối lập.
Khi tôi bước ra thì bà Loan đang khuyên cái Phượng bình tĩnh. Con bé khóc lóc kể rằng, sợi dây chuyền không đáng giá là bao nhưng ấy là kỉ niệm của mẹ nó cho từ khi còn nhỏ. Tôi nhớ có lần Phượng còn khoe với tôi cái nhẫn trên tay nó là vật đính ước của nó và người yêu ở quê nhà. Đáng lẽ chàng trai kia cũng định đi vượt biên cùng nó, nhưng lại không thu xếp được đủ tiền để đưa cho người trong đường dây, nên đành ngậm ngùi ở lại. Không khí trong gian phòng nhỏ chùng lại, chỉ có tiếng sụt sịt của Duy Anh vang lên. Phượng ngước mắt nhìn xuyên qua ô cửa kính đầy bụi, bên ngoài âm u chẳng có chút ánh sáng nào. Con bé bật dậy nói nhanh:
“Không được! Cháu phải đi hỏi cho ra lẽ.”
Chúng tôi chưa kịp phản ứng thì nó đã lao ra bên ngoài. Chú Sang kêu lên:
“Mau cản nó lại! Không tìm kiếm được gì đâu.” Chú vừa nói vừa nhào người theo cái Phượng. Chúng tôi lập tức đi theo. Hành lang bẩn thỉu không có một ai, ngoại trừ tiếng ồn ào nói chuyện vọng ra từ bên trong hai căn phòng kế bên chiếc cầu thang ọp ẹp. Cái Phượng gõ cửa một căn phòng, tiếng một ai đó uể oải đáp lại:
“Vào đi”
Con bé đẩy cửa ló đầu vào. Bên trong căn phòng sặc mùi thuốc lá. Mười mấy người cả châu Á, Trung Đông đang nằm chềnh ềnh trên giường hút thuốc và cắn hạt hướng dương. Rác ngập ngụa, đùn lên thành từng đống khiến tôi hơi nhăn mặt. Gã Trung Đông có hình xăm một cái đầu sư tử ngay trước ngực hất hàm:
“Có chuyện gì?”
Nhuệ khí vừa nãy của con bé bị thổi sạch bay. Vậy mà giọng nói của nó vẫn cứng cỏi hơn bình thường. Nó hỏi:
“Bên phòng chúng tôi vừa nãy có người lạ vào. Không biết là mọi người có trông thấy không?”
Gã xăm hình cướp lời. Khả năng nói tiếng Việt của gã không thua kém Ivan là bao.
“Có mất gì không?”
Phượng chưa kịp trả lời thì ả váy đỏ phấn son lòe loẹt chúng tôi gặp lúc trước đã cười nhạt:
“Nhà này đâu phải của chúng mày mà là người lạ hay không lạ? Mất gì sang đây hỏi là sao? Định báo cảnh sát à?”
Ả nói xong, đám người trong phòng cười ré lên ầm ĩ. Gã hình xăm ôm ả vào lòng rồi hất hàm về phía chúng tôi:
“Đứng đấy làm gì? Đi đi!”
Tôi nhanh tay đóng cửa lại. Bà Loan kéo cái Phượng về phòng, vừa đi vừa trách nó:
“Mày dại lắm con ạ. Mày đến đó làm gì? Mất rồi thì thôi. Coi như là của đi thay người. Sau này còn làm ra được.”
Thấy Duy Anh và Phượng vẫn rầu rĩ, chú Sang hắng giọng:
“Thôi! Đừng có nghĩ nhiều nữa. Cố gắng sang được đến Anh mà làm ăn, còn người là còn của. Riêng cái Phượng thì gắng mà kiếm tiền gửi về cho mẹ. Gia đình ở Việt Nam vẫn khỏe mạnh là được.”
Chú Sang rút từ trong túi ra một điếu thuốc rồi bước ra ngoài, không để ý tới biểu cảm trên gương mặt Phượng thoáng phức tạp. Trước khi đi còn không quên vỗ nhẹ vào vai Duy Anh, coi như một lời an ủi. Tôi ngồi bên, không biết phải nói gì trong hoàn cảnh này. Chỉ lặng lẽ siết chặt tay Phượng và Duy Anh.
Những ngày tháng vừa qua, dù ngắn ngủi nhưng cũng đủ để cho chúng tôi có thể hình thành một sợi dây vô hình kết nối với nhau. Ban đầu chỉ là một nhóm người cùng chung mục đích, nhưng rồi trải qua những cơn hoạn nạn vào sinh ra tử, mọi người càng lúc càng trở nên khăng khít, coi nhau như người một nhà.
Cuối ngày hôm sau, trong trạm trung chuyển lại xảy ra sự cố. Chúng tôi đang ăn uống trong phòng thì nghe ở bên kia có tiếng người la hét rồi chạy bình bịch, làm sàn nhà rung chuyển. Một người đập cửa phòng tôi, la lên thất thanh:
“Cứu! Cứu với! Có người chết.”
Đức Hà Nội ngồi gần cánh cửa nhất, vừa nghe thấy thế vội vàng mở cửa. Trước mặt là ả mặc váy đỏ, mặt mũi vẫn còn lem luốc son phấn. Ả run rẩy cầu cứu chúng tôi:
“Bên phòng tôi...có...có người chết.”
Chú Sang, Đức Hà Nội chạy ra khỏi phòng ngay. Chúng tôi lập tức bám theo sau. Cánh cửa phòng hôm trước cái Phượng xông vào đã mở toang từ bao giờ. Không gian bên trong vẫn vương đầy khói thuốc. Ở giữa phòng là một người nằm úp mặt xuống dưới sàn nhà, những người còn lại xúm xít quanh, tất cả đều lộ rõ vẻ hoảng sợ. Có mấy đứa con gái trạc tuổi tôi đang sụt sịt khóc, nước mắt làm nhòe lớp mascara chuốt trên mi, vô tình tạo thành một vệt đen dài trên má. Bà Loan nhanh nhẹn cúi xuống lật gương mặt của người kia lên. Ấy là một chàng trai từa tựa như Đức Hà Nội nhưng già hơn. Khóe miệng của người này sùi ra một đống bọt mép. Bà Loan lại vạch mắt chàng trai lên để xem. Chú Sang hỏi nhỏ:
“Sao rồi?”
“Đồng tử co giãn rồi. Mới chết.” Bà Loan lắc đầu.
Chú nghiêm giọng hỏi ả mặc váy đỏ:
“Bọn mày làm gì để nó chết thế này?”
Ả òa lên khóc:
“Cháu không biết. Hôm nay vẫn dùng thuốc như mọi lần mà chẳng hiểu sao nó lăn ra chết.”
Đức Hà Nội chen ngang:
“Nó chết vì sốc thuốc chứ sao!”
Chú Sang nhìn quanh:
“Bọn lái người đâu? Sao không có ai ở đây?”
Một tên gầy còm đang quỳ dưới đất trả lời:
“Mấy thằng cai lệ ở đây đi theo Ivan để đón người từ biên giới rồi. Đi... đi được mấy tiếng rồi...”
Đức Hà Nội phẩy tay tỏ ý không muốn nghe thêm nữa. Dưới sự chỉ đạo của chú Sang, mấy người thanh niên khiêng cái xác ra bên ngoài hành lang rồi phủ tạm một tấm chăn lên che phủ thi hài người xấu số. Ả mặc váy đỏ cùng với mấy đứa con gái kia, bình thường vẫn hay cười hô hố. Vậy mà giờ đứa nào cũng run như cầy sấy. Xử lý xong xuôi, chú Sang nhìn cả đám một lượt rồi nặng nề đáp:
“Gia đình ở quê phải vay mượn để lo cho mấy đứa đi sang tới bên này. Vậy mà chưa kiếm được đồng nào thì đã vong mạng.”
Cả đám cúi đầu không dám hé răng nửa lời. Chúng tôi trở về phòng, đóng cửa lại, mỗi người đuổi theo một dòng suy nghĩ. Chưa đầy một tiếng sau, Ivan và mấy gã đàn ông kia về. Ngồi trong phòng, tôi nghe rõ thấy tiếng bước chân cộp cộp đi trên cầu thang. Ngay sau đó là tiếng mấy gã đàn ông tây gọi nhau í ới. Tôi biết chắc giờ này chúng đã phát hiện ra cái xác. Giọng Ivan the thé:
“Mẹ kiếp! Đứa nào rủ nó chơi thuốc để rồi chết trong nhà tao hả?”
Có ai đó lí nhí phân trần, rồi vài tiếng bốp bốp vang lên. Bọn cai đang đánh người. Trước khi vượt biên, tôi có nghe người ta nói rằng, những tên trong đường dây, dù là người Việt hay lũ tây, đều sẵn sàng thượng cẳng chân hạ cẳng tay với bất cứ ai đi chậm hoặc gây chuyện. Đi đường rừng mệt mỏi nên di chuyển chậm chạp là chuyện nhỏ, chết người trong nhà là chuyện lớn. Bởi lẽ việc xử lý cái xác dù ở bất cứ nơi đâu chưa bao giờ là điều đơn giản. Tôi, Phượng và Duy Anh cố gắng áp tai vào vách tường để nghe ngóng. Mấy thằng cai rất biết vòi tiền, chúng bắt mỗi người trong căn phòng kia phải nộp cho chúng hai trăm Euro để bọn nó đem xác đi vất. Cả phòng kia có tất cả mười mấy người, tính nhẩm cũng biết bọn cai kiếm được gần ba ngàn euro chỉ trong vòng một đêm. Có vài người trong nhóm nộp ngay, một vài đứa khác xin khất.
Khi chúng tôi còn đang nghe ngóng thì bên ngoài lại có tiếng gõ cửa cộc cộc. Bà Loan hỏi vọng ra:
“Ai đấy?”
Tiếng một đứa con gái đáp lại:
“Cô chú ơi! Cô chú giúp cháu với.”
Đức Hà Nội lầm bầm:
“Lại làm sao nữa đây?”
Một thằng nhóc độ chừng bằng tuổi Duy Anh đứng ngoài cửa, theo sau là ả váy đỏ. Không đợi chúng tôi lên tiếng, thằng nhóc vào thẳng vấn đề:
“Bọn em muốn bán ít đồ để đổi lấy tiền. Cô chú và anh chị giúp chúng em với.”
Đức Hà Nội thoáng ngạc nhiên, nhưng rồi lại bật cười:
“Bán đồ gì mới được? Mà vì sao lại bán đi?”
Vừa nói, anh ta vừa đứng tránh sang một bên cho hai người trước mặt bước vào bên trong. Ả váy đỏ khẽ cúi đầu, mất hẳn sự ngạo nghễ hôm qua:
“Bọn cai nó bắt tụi em nộp tiền để thuê chúng nó đem cái xác người chết ra khỏi nhà. Mỗi đứa hai trăm đồng, mà mấy hôm trước em lại đóng tiền để chuẩn bị đi qua Đức mất rồi. Bây giờ... bây giờ điện thoại về gia đình ở Việt Nam cũng không kịp. Vạn bất đắc dĩ chúng cháu mới phải làm thế này. Cô chú, anh chị thương tình...”
Bà Loan băn khoăn cắt lời:
“Vậy mấy đứa bán đồ gì?”
Ả khệ nệ kéo ra một bao tải bên trong toàn là quần áo. Mấy người đàn ông trong nhóm tôi không có nhu cầu nên tỏ ra hờ hững. Jane và Anne thì muốn để dành tiền, chỉ có mỗi tôi muốn thay bộ quần áo đang mặc trên người. Mặc dù trời châu Âu cuối thu lạnh lẽo chẳng khiến người ta đổ nhiều mồ hôi, nhưng nghĩ đi nghĩ lại mặc mãi một bộ quần áo vướng cát bụi dọc đường cũng chẳng hay ho gì.
Thế là tôi ngồi xuống bắt đầu lựa chọn. Tôi bỏ qua hết mấy bộ váy rườm rà, diêm dúa, chỉ chọn một chiếc áo khoác phao chống nước màu tím nhạt có rất nhiều túi, cùng với một cái khăn choàng len màu đỏ thẫm. Bà Loan khuyên tôi đừng lấy chiếc khăn đó, vì sợ rằng nó quá nổi bật. Nhưng không hiểu sao tôi lại thấy, chiếc khăn được đan tỉ mỉ bằng tay này lại giống vô cùng với chiếc mà bà ngoại tôi vẫn thường quàng mỗi khi mùa đông đến. Tôi trả cho hai người kia một ít tiền, lại đem tặng cho Jane chiếc áo phao đang mặc trên người. Cả hai cô gái cứ cảm ơn tôi mãi không thôi.
Cũng nhờ “thương vụ” thanh lý quần áo này mà tôi biết được ả váy đỏ tên là Thùy, kém tôi một tuổi, quê ở tận Hà Giang. Cái Thùy ở lại Ba Lan chờ để vượt biên sang Đức đã gần ba tuần. Nó nghe chúng tôi kể về hành trình đi từ Nga tới đây của chúng tôi mất hơn một tháng. Con bé tròn xoe mắt không tin, vì từ trước đến giờ không có nhiều đoàn có thể di chuyển nhanh đến vậy.
Lúc Phượng vừa mới hỏi dò về chuyện cái dây chuyền bị mất (nó cứ hy vọng sẽ tìm lại được trước khi rời khỏi đây), thì Ivan đẩy cửa bước vào. Anh ta cung cấp cho chúng tôi một ít thức ăn và nước uống, kèm theo một thông báo quan trọng:
“Đúng sáng sớm ngày kia, cả đoàn sẽ đi đến biên giới giữa Ba Lan và Đức.”
Cái Thùy nghe thấy thế thì hỏi với theo:
“Thế còn bọn em thì sao ạ?”
Ivan quay lại nhìn con bé bằng ánh mắt lạnh lùng rồi sẵng giọng:
“Mấy hôm nữa sẽ có tin.”
Thùy thất vọng, tiu nghỉu ra về bỏ lại chúng tôi ở lại.
Nhận được thông báo sắp rời khỏi nơi này, cả đoàn ai cũng hồi hộp. Đoạn đường từ Ba Lan tới Đức tuy không quá hiểm trở như Cổng Địa Ngục, nhưng lại cực kì nguy hiểm.
Mọi người kể cho tôi nghe, cảnh sát Đức ở biên giới liên tục thả chó nghiệp vụ để tìm kiếm những người nhập cư bất hợp pháp. Đám chó được huấn luyện đặc biệt tinh khôn, chúng chẳng hề sủa vang khi thấy người lạ như chó nhà. Trái lại, chúng chỉ đi theo phía sau người ta một cách lặng lẽ. Khi bị phát hiện, những người vượt biên thường chỉ có hai sự lựa chọn. Hoặc là chạy trốn để bọn chó lồng lên đuổi theo, hoặc là đứng im chịu trận. Nếu không di chuyển thì ít ra còn có thể bảo toàn thân thể, còn nếu như chống cự hoặc đánh trả lại bọn chó thì sẽ bị cắn tới mức tả tơi. Để hình dung về độ khốc liệt của con đường này, những kẻ lái người, những tay cai lệ thường truyền tai nhau một nhận định rất nổi tiếng: “Nếu dòng sông bắc qua biên giới Ukraina là cổng địa ngục, thì cung đường này chính là bàn tiệc của tử thần.”
Cũng bởi lý do đó, mà những gã lái người như Ivan sẽ chỉ đưa chúng tôi tới khu rừng biên giới rồi để mặc người vượt biên tự vượt qua. Khi đã băng rừng trót lọt, một đối tác của đường dây sẽ đến để đón chúng tôi về nhà. Sau đó mới bắt đầu tìm đường qua Pháp. Như vậy mới xem là đã đi được hai phần ba chặng đường.
Không một tay lái người nào, dù lão luyện hay dày dặn kinh nghiệm có thể khẳng định được chính xác thời gian sẽ mất bao lâu để người vượt biên có thể đặt chân đến Pháp. Rất nhiều đoàn chỉ mất vài ngày, nhưng cũng có người mất vài tuần đến cả tháng, thậm chí còn lâu hơn thế nữa. Giả như bị cảnh sát bắt và đưa vào trại tị nạn thì thời gian phải tính bằng năm. Chính con bé Thùy quê Hà Giang cũng đã từng bị tóm vào trại tự nạn, vừa mới được thả ra chưa lâu. Sau đó lại tiếp tục lưu lạc về Ba Lan để chờ thời cơ đi tiếp. Cả đoàn chúng tôi nghe xong đều thống nhất rằng: Phải vào được Đức càng sớm càng tốt. Bằng không thì cơ hội sẽ ngày một mong manh.
Cả đêm hôm ấy tôi trằn trọc tới mức không ngủ được. Những chiếc ba lô của chúng tôi lúc này đã có sẵn la bàn, đèn pin, dao kéo và một vài bộ áo mưa loại mỏng nhất. Những thứ này đều mua lại từ bọn Ivan. Việc bọn Ivan không tiếp tục dẫn đường khiến chú Sang rất đỗi nghi ngờ.     vì bọn cai thường sẽ vòi thêm tiền. Vậy mà không hiểu sao lần này chẳng thấy bọn Ivan gợi ý.  
Tôi đã thay sẵn chiếc áo phao màu tím nhạt mới mua của Thùy. Tiền bạc cũng đã ghim thật kỹ vào trong người để phòng tránh bị rơi dọc đường. Bà Loan, Đức Hà Nội và chú Sang gọi điện thoại về Việt Nam để nói chuyện với người thân. Riêng tôi và Duy Anh thì không gọi. Thằng bé sợ bản thân sẽ trở nên yếu đuối khi nghe thấy giọng nói của người nhà. Nó bảo rằng sẽ chỉ gọi khi nào đến được đất Pháp. Về phần mình, tôi chẳng biết phải nói gì với bố mẹ tôi cả. Trong một vài khoảnh khắc tôi định sẽ gọi điện thoại cho bà ngoại. Từ lúc tôi đi đến giờ đã gần hai tháng. Không biết bà ngoại ở nhà có khỏe không. Thời tiết ở Việt Nam lúc này đã chớm đông, chắc cái chân của bà lại mỏi nhừ. Không có tôi ở nhà, chắc chẳng có ai đấm bóp cho bà đâu. Tôi khẽ gạt nước mắt, cố gắng không nghĩ nhiều nữa. Tôi quyết định sẽ học theo Duy Anh, chỉ khi nào ổn định thực sự thì mới gọi điện thoại về nhà.
Dòng suy nghĩ của tôi từ từ trôi về theo từng con sóng bạc đầu ở vùng biển nghèo nắng cháy da, cháy thịt. Tôi chìm vào giấc ngủ từ lúc nào không hay biết.
* * * * *
Chúng tôi lên đường vào rạng sáng hôm sau, lúc rời đi trời vẫn còn chưa sáng rõ mặt người. Cái Thùy còn ló đầu ra khỏi phòng để chúc chúng tôi thượng lộ bình an. Tôi vẫy tay chào nó, trong lòng nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ có thể gặp lại. Ấy vậy mà tôi đã nhầm, nhưng đó là chuyện của sau này.
Tôi vừa bước ra khỏi cửa đã nhìn thấy ba chiếc xe van chờ sẵn ở cửa từ bao giờ. Chú Sang từng nói với tôi, loại xe này ít xuất hiện ở Việt Nam, nhưng ở châu Âu lại khá phổ biến. Chúng được dùng để vận chuyển đồ đạc, thực phẩm, nhất là nông sản. Ban đầu tôi tưởng rằng cả đoàn sẽ được ngồi trên thùng xe đường hoàng, nhưng khi Ivan mở cửa ra thì chúng tôi mới biết lại là một hành trình chui lủi nữa. Điểm khác biệt của chuyến đi lần này so với lần trước là ở chỗ: Chúng tôi không nằm co quắp ở dưới sàn xe mà sẽ được ngồi bên dưới những thùng rau củ quả. Tám người trong đoàn chia nhau để bước vào những chiếc thùng gỗ ọp ẹp.
Khi tất cả đã yên vị, Ivan ra lệnh cho mấy thằng cai lệ mang theo những một cái nắp đậy đan bằng lưới mắt cáo ụp lên thùng, sau đó mới thảy trái cây rau củ phía trên. Để tránh trường hợp người ngồi trong thùng bị chết ngạt, ở mỗi thùng gỗ đựng trái cây đều có vài lỗ nhỏ hoặc khe hở để đón lấy không khí. Từ vị trí này cũng có thể quan sát động tĩnh bên ngoài. Cách ngụy trang này tỏ ra khá hiệu quả, bởi vì chỉ nhìn đống rau củ bên trên sẽ chẳng thể biết rằng có người ngồi ở trong.
Ivan tự tay lái chiếc xe ở giữa để chở chúng tôi, phía trước có một xe để mở đường, phía sau có một xe bám sát. Trước khi khởi hành, Ivan dặn đi dặn lại cả đoàn, khi thấy xe dừng lại, rất có thể là cảnh sát kiểm tra. Lúc ấy tuyệt đối không được phát ra tiếng động gì, nếu không mọi chuyện vỡ lở hết. Chúng tôi gật đầu đồng ý, ai cũng lẩm bẩm cầu khấn trong đầu, mong cho mọi chuyện được trót lọt.
* * * * *
Con đường từ trạm trung chuyển ra ngoài đường lớn rất gập ghềnh, toàn ổ gà khiến chiếc xe lắc lư, đầu tôi cọ vào cái lưới đau điếng. Phải một lúc sau, xe đi đến đường chính thì tình hình mới cải thiện đôi chút. Lúc mới khởi hành, mọi chuyện còn rất bình thường. Đi được gần nửa giờ đồng hồ, tôi bắt đầu cảm thấy ngột ngạt. Thời tiết hôm nay ấm hơn mọi hôm, chiếc đồng hồ trên tay báo hiệu cho tôi biết hiện tại đang là bảy độ. Không ai trong đoàn biết rằng khoảng cách từ trạm trung chuyển tới khu vực biên giới là bao nhiêu lâu. Theo như tôi phỏng đoán, chí ít cũng phải mất bốn, năm giờ đồng hồ.
Rút kinh nghiệm lần trước, lần này tôi mang thêm một ít thức ăn và một cái cốc bằng giấy nho nhỏ. Diện tích của chiếc thúng không quá bé nhưng để cử động trong đó cũng không phải là chuyện dễ dàng. Phải mất một lúc tôi mới có thể lấy được mẩu bánh mì từ trong ba lô để lót dạ, dù rằng mu bàn tay của tôi bị một thanh gỗ nhọn xiên vào làm cho tóe máu.
Chẳng hiểu vì bánh mì ở châu Âu lúc nào cũng đặc ruột, hay vì tâm trạng tôi đang lo lắng mà miếng bánh trong miệng tôi rệu rạo như rơm. Ăn xong, tôi muốn uống nước nhưng khốn nỗi tư thế này không cho phép tôi có thể ngửa cổ để uống như bình thường. Cái khó ló cái khôn, tôi cố gắng rót nước vào trong nắp chai rồi đưa lên miệng. Tuy rằng hơi mất thời gian, nhưng ít nhiều có thể chống chọi được với cơn đói khát, đặng mà cầm cự tới biên giới.
Thùng xe tối om, mùi hương thoang thoảng từ mấy quả bí ngô và cà rốt xông lên làm tôi tưởng tượng mình như một hạt mầm nằm sâu trong đất mẹ. Tôi không dám cựa quậy, chỉ có thể ngồi xổm cổ nghiêng sang một bên. Ngồi trong tư thế oằn mình đau đớn như thế này làm tôi nhớ đến một kỷ niệm khắc sâu trong lòng.
Mùa đông năm ấy tôi vừa lên mười tuổi, em trai cũng học lớp hai. Một hôm bố mẹ vắng nhà, cả hai chị em bày trò chơi trốn tìm. Nhiều gia đình ở nông thôn bắc bộ thường sở hữu vài cái bồ đựng thóc. Thằng em trốn vào một trong cái bồ trống rỗng rồi ngủ quên ở đó. Báo hại tôi đi tìm nó cả buổi nhưng không thấy đâu. Tôi hoảng hồn chạy sang nhà hàng xóm để cầu cứu. Vợ chồng bác hàng xóm còn mò xuống tận ao nước sau nhà để tìm nhưng thằng bé vẫn biệt tăm tung tích.
Đến cuối buổi chiều bố mẹ về, vừa thấy tôi mếu máo đứng trước sân khóc lóc, lại biết tin em trai không thấy đâu, bố tôi gần như phát điên. Ông lấy chiếc đòn gánh ngày thường vẫn dùng để gánh muối đánh tao rất lâu. Hàng xóm thấy xót ruột quá vội chạy sang can ngăn. Kết cục bị bố tôi đuổi về.
Lúc này em trai nghe thấy tiếng động mới giật mình tỉnh dậy, lững thững đi ra ngoài. Nó nhìn thấy tôi bị đánh nhưng cũng chẳng quan tâm, chỉ lẳng lặng sà vào chiếc làn tre mẹ tôi treo bên hông xe để lấy một chiếc đùi gà luộc ăn. Bố tôi đánh đến lúc mệt lử mới chịu buông tay. Sau đó dẫn thằng bé vào bên trong hỏi chuyện, để mặc tôi lê cái chân thâm tím đau điếng ra một góc vườn ngồi khóc. Em trai thấy thế thì cầm một miếng thịt gà vất xuống mặt tôi rồi hất hàm bảo:
“Ăn đi!”
Tôi không nói gì. Thằng bé lại khóc òa lên và mách mẹ rằng tôi lấy cát ném vào người nó. Mẹ tôi không đánh nhưng bà bắt tôi nhốt vào trong kho chứa thóc. Đêm mùa xuân mưa phùn rơi lất phất càng làm tăng thêm cái rét ngọt của miền Bắc. Tôi không biết phải nằm chỗ nào cho đỡ lạnh, cuối cùng đành chui vào trong cái bồ rồi ngủ đến sáng. Cái bồ thóc nhỏ xíu khi so với thân hình của một con bé phổng phao, ấy vậy mà khi cong người lại, tôi vẫn lọt thỏm trong đó. Cơn đau từ xương cốt lan ra tận bên ngoài, nhưng chẳng thấm vào đâu với nỗi tủi thân dâng trào trong lòng. Từ hôm đó mỗi lần nhìn thấy chiếc bồ đựng thóc là tôi lại nghẹn lòng. Cũng sau kỷ niệm ấy, tôi chẳng còn ăn thịt gà thêm một lần nào nữa.
Tôi chớp mắt nhìn lên cốp xe tối thui, thiếu không khí. Nơi này thật giống một cái bồ thóc khổng lồ. Có khác chăng là do tôi tự nguyện chui vào mà thôi.
Vào khoảng mười giờ sáng, đoàn xe gặp phải một sự cố bất ngờ. Khi xe đang bon bon đi trên đường, mọi người ngồi trong thùng hàng còn đang ngủ gà ngủ gật thì đột nhiên Ivan phanh gấp. Chúng tôi mất đà, lắc lư theo thùng bí đỏ. Một thanh gỗ nhọn hoắt chìa ra lướt qua má tôi. Tôi cảm nhận thấy mùi tanh ngọt, nhưng không dám kêu lên, chỉ có thể lấy tạm chiếc khăn quàng thấm máu. Nhờ tiếng đóng mở cửa xe, tôi biết Ivan vừa mới bước xuống. Một câu hỏi hiện lên trong đầu tôi: “Quãng đường này vốn là đường cao tốc, tại sao Ivan lại dừng lại giữa chừng?” Rất có khả năng...xe chở chúng tôi bị cảnh sát kiểm tra. Trống ngực tôi đập thình thịch. Hồn vía như bay lên mây. Đầu óc lúc đó chỉ nghĩ tới một điều duy nhất:
“Lạy trời! Xin cảnh sát đừng phát hiện. Xin cảnh sát đừng phát hiện ra chúng con!”
Ngay lúc ấy, cánh cửa thùng xe mở sang ngang. Ánh sáng bên ngoài rọi khiến cho mắt tôi bị lóa. Từ khe hở bên hông thùng, tôi nhìn thấy hai người cảnh sát một nam một nữ, tất cả đều  mặc sắc phục màu đen đang đứng từ bên ngoài nhìn vào. Tôi lập tức nín thở, khẽ đưa hai tay bụm miệng, hàm răng cắn chặt vào nhau, một cơn lạnh buốt chạy dọc sống lưng.
Người nữ cảnh sát bắt đầu lục soát những chiếc thùng ở bên ngoài. Bàn tay cô ta dỡ những thùng rau củ nhanh thoăn thoắt. Tôi cắn chặt răng đến mức bật máu. Trên xe van có tất cả mười thùng cà rốt, bốn thùng bí đỏ. Tổng cộng là mười bốn thùng, người trong đoàn đã ngồi hết tám thùng. Xác suất để cảnh sát phát hiện thấy có người bên trong là vô cùng lớn. Chính vì thế mà đường dây vượt biên của Ivan đã nghĩ ra một cách: Họ xếp những thùng không chứa người ra sát bên cửa xe, còn chúng tôi thì nằm ở bên trong.
Ngay bên cạnh thùng cà rốt đang bị kiểm soát là một thùng khác có giấu Duy Anh ở dưới. Chỉ cần một mình thằng bé bị phát hiện, đồng nghĩa với việc cả đoàn sẽ bị bắt vào trại tạm giam. Tim tôi như thể đã trôi xuống dạ dày. Dẫu rằng trời không nóng nhưng mồ hôi trên trán vẫn túa ra như tắm.
Thời gian chờ đợi người nữ cảnh sát kia lục soát kéo dài gần như vô tận. Từ trong xe tôi có thể nhìn thấy Ivan liên tục nhìn đồng hồ trên tay, rồi thúc giục cảnh sát. Cô ta dốc gần hết rau củ trong thùng để xem. Vào đúng lúc tôi tưởng chừng đã vượt qua trót lọt thì nữ cảnh sát lại đổi ý. Cô ta quay sang thùng chứa Duy Anh. Toàn thân tôi chết sững, gương mặt Ivan trở nên trắng bệch. “Thôi rồi! Phen này mọi chuyện sẽ bại lộ!” Ý nghĩa ấy thoáng nhanh trong đầu tôi, tôi phải cắn chặt vào tay để ngăn cơn hoảng loạn đang dâng lên trong lòng.
Người nữ cảnh sát kia không ngừng tìm kiếm. Mấy chùm cà rốt được xếp gọn gàng dưới sàn xe. Ivan cố trấn tĩnh bằng cách rút thuốc lá trong túi ra để hút phì phèo . Hai mắt tôi kinh hoàng nhìn về phía trước.
Năm củ cà rốt.
Bảy củ.
Chín củ.
Mười hai củ cà rốt nhanh chóng được lấy ra.
Chỉ còn một chút nữa thôi, phần nắp gỗ ngăn cách buồng ngồi của Duy Anh sẽ lộ tẩy. Cả người tôi bồn chồn đến phát điên. Khi tôi gần như mất hết hy vọng, người cảnh sát nam tiến lại gần vỗ nhẹ vào vai người phụ nữ. Cả hai nói chuyện với nhau rất ngắn gọn, người nữ cảnh sát khẽ gật đầu rồi lập tức xếp cà rốt trở lại thùng. Cuối cùng, cả hai đều đi thẳng. Ivan giơ tay chào tạm biệt hai người kia rồi quay trở lại thùng xe. Anh ta khẽ thở hắt ra rồi đóng sầm cửa lại, không hề nói với chúng tôi một lời nào. Xe bắt đầu nổ máy, rồi rời đi.
Phải đến lúc này từ trong cổ họng tôi mới thốt ra một tiếng nấc nghẹn. Tôi nghe thấy cái Phượng bật khóc thút thít vì sợ hãi. Tiếng bà Loan run rẩy:
“Ôi... ôi trời ơi...Vừa nãy cứ tưởng là sẽ bị lộ chứ.”
Tôi thở hổn hển, cố gắng vuốt ngực để lấy lại bình tĩnh. Đức Hà Nội khẽ gọi:
“Duy Anh... Duy Anh ơi! Thế nào rồi?”
Thằng bé không hề trả lời. Tôi thấy làm lạ nên lại hỏi tiếp:
“Làm sao đấy Duy Anh? Có nghe thấy mọi người nói gì không?”
Vẫn là một sự im lặng đáng sợ. Lần này thì chú Sang thảng thốt:
“Có khi nào nó sợ quá nên bị làm sao rồi không?”
Đức Hà Nội lý luận:
“Không thể nào! Làm gì có ai sợ quá mà chết được hả chú?”
Phượng chen vào:
“Nhỡ đâu thằng bé bị bệnh tim bẩm sinh thì sao?”
“Hay là bảo Ivan dừng lại để đánh thức nó dậy?” Bà Loan đề nghị.
Tôi phản đối:
“Không được! Dừng lại kiểm tra rất dễ bị phát hiện.”
Chú Sang tán thành với tôi.
“Chịu khó đi đến biên giới rồi tính.”
Khi chúng tôi còn đang bàn luận thì từ chiếc thùng đựng Duy Anh, một tiếng ho khe khẽ phát ra. Tôi cả mừng, vội vàng gọi:
“Duy Anh ơi! Có làm sao không đấy?”
Tiếng thằng bé thì thào đáp lại:
“Mình... mình thoát rồi à?”
“Thoát rồi! Xe lại tiếp tục đi được một lúc rồi. Vừa nãy mày có nhìn thấy mặt của con mụ cảnh sát ấy không?” Đức Hà Nội tò mò.
“Không! Em không thấy... Lúc bà ấy lại gần, em còn không dám thở. Lúc ấy... lúc ấy em nghĩ rằng phen này đoàn mình sẽ bị cảnh sát tóm được. Thế rồi trời đất tối sầm. Em chẳng biết gì nữa..” Duy Anh vừa nói, vừa ho một tràng dài.
Bà Loan ra chiều cảm thông:
“Cháu vừa mới ngất xỉu đấy. Mà.. nói thật... lần này đi còn sợ hơn cả cái đêm vượt sông.”
Mọi người im lặng tỏ vẻ đồng tình. Mọi người trong đoàn đều cần thời gian để bình tĩnh trở lại. Tôi thấy cái Phượng thấp giọng gọi Jane và Anne. Tưởng đâu hai người ấy cũng ngất xỉu như Duy Anh, nào ngờ một lúc sau đã có tiếng đáp trả. Tôi lại liếc nhìn đồng hồ, coi đó như một vật để giết thời gian. Tiếng ù ù của gió tạt qua thân xe khiến cho tôi cảm thấy chóng mặt. Chú Sang đột nhiên mở lời:
“Nghe thấy tiếng ù ù kiểu này chắc là vẫn đang đi trên đường cao tốc rồi đấy. Giờ có thể ngủ được một lúc.”
Mặc dù nghe chú nói vậy, nhưng trong lòng tôi vẫn hơi phân vân. Tôi hỏi lại:
“Có cần chia theo ca để có người trông chừng không chú?”
Chú Sang đắn đo một lúc rồi quyết định:
“Vậy cũng được. Bốn người ngủ trước, bốn người còn lại trông. Khoảng ba tiếng đồng hồ sau đổi lại. Sáng nay thằng Ivan có bảo rằng từ trạm trung chuyển đến biên giới phải đi mất cả ngày. Giờ mà không nghỉ thì không biết chừng sẽ chẳng có sức mà đi.”
Mọi người trong đoàn nhất mực đồng ý. Ca trực được phân công rất rõ ràng. Những người tuổi cao như bà Loan, chú Sang hay yếu ớt như cái Phượng và Duy Anh sẽ được ưu tiên ngủ trước. Còn lại Jane, Anne, Đức Hà Nội và tôi sẽ thức để trông. Gọi là canh gác nhưng tầm nhìn của chúng tôi rất hẹp, ngoài khoảng không trước mặt mình thì chẳng thể nhìn ở hướng khác. Tôi bần thần nhớ lại cảm giác kinh hoàng khi cảnh sát xuất hiện trước mặt tôi. Nếu như lúc ấy cả đoàn bị phát hiện, thì giờ này chúng tôi đang bị áp giải trở về đồn, ngay cả Ivan và hai chiếc xe đi hai bên cũng khó lòng tránh khỏi liên lụy.
Kể từ lúc bước vào hành trình vượt biên, đây là lần đầu tiên cảnh sát xuất hiện gần chúng tôi như thế. Ngẫm lại thì chúng tôi quá may mắn khi được sắp xếp trên chiếc xe van này. Dù sao nó cũng kín đáo hơn nhiều so với việc ngồi trong cốp xe như nhiều đường dây khác vẫn thường hay lựa chọn. Nghĩ đến đó, tôi chợt rùng mình. Không biết chuyến vượt rừng để nhập cảnh vào Đức của chúng tôi sắp tới sẽ nguy hiểm đến mức nào. Tôi nhắm mắt lại rồi khẽ thở dài. Mặc dù không thể nhìn ra ngoài cửa sổ ô tô, nhưng mà tôi biết được con đường tới cánh rừng biên giới đang dần ngắn lại.
______________________
Còn tiếp

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #kinhdi