Lời giới thiệu
Tôi là cư sỹ, thiền sinh: Lương Vinh Tri (Tên thật là N.M.D 1978). Sau một thời gian tìm tòi nghiên cứu đạo Phật và tham khảo nhiều giảng sư nhưng tôi không mấy thỏa mãn. Sau đó tôi bén duyên với Kinh Nikaya.
Bởi vì:
Kinh Nikaya (kinh bộ) bằng tiếng Pali (tiếng Phạn cổ). Kinh Nikaya được các nhà nghiên cứu Phật giáo hiện đại xem là những tài liệu đáng tin cậy nhất những gì mà Đức Phật thuyết giảng trong suốt cuộc đời truyền bá Chánh pháp của Người.
Kinh Nikaya được ghi chép và kết tập lần 3 thời vua A-Dục (sau khi Phật nhập diệt 208 năm). Kinh được truyền bá và lưu giữ nguyên vẹn tại Sri Lanka suốt hơn 2.300 năm đến nay. Đây là một quốc đảo nên đã thoát khỏi thảm họa chiến tranh tôn giáo ở lục địa Ấn Độ. Do vậy bản gốc kinh Nikaya được giữ nguyên vẹn ở Sri Lanka cho đến ngày nay.
Việt Nam ta có cố Hòa Thượng Thích Minh Châu (1918-2012) tu học tại Đại học Phật giáo Nalanda, Ấn Độ (từ 1952 đến 1961). Ngài tốt nghiệp Tiến sỹ Phật Học bằng tiếng Pali. Ngài đã thỉnh và dịch kinh Nikaya từ tiếng Pali sang Tiếng Việt. Ngày nay Đại Tạng Kinh Việt Nam tổng thể 37 cuốn trong đó có 24 cuốn là kinh Nikaya.
Việt Nam ta trước đây đã có Kinh nguyên thủy A-hàm được Ngài Trần Huyền Trang (602-664) thỉnh từ Ấn Độ và dịch. Sau đó A-hàm kinh được nhiều nhà nghiên cứu Phật học dịch từ tiếng Trung sang tiếng Việt. Tuy nhiên dịch trực tiếp từ bản gốc sẽ đạt được độ chính xác cao nhất. Và tính chính thống nguyên bản những lời dạy của Đức Phật sẽ cao hơn.
Ngoài ra, các kinh A-hàm dịch từ thời nhà Đường sau thời Đức Phật 1200 năm. Khi đó ở đại học Nananda (Ấn Độ), nơi Ngài Trần Huyền Trang theo học đã phát triển rất mạnh về Đại Thừa Phật Giáo với bộ Đại Bát Nhã 600 cuốn. Vậy nên kinh Nguyên Thủy của Phật Thích Ca cũng bị sai lệch và mai một.
Sau một thời gian nghiên cứu kinh Nikaya tôi có ghi chép các chủ đề về đạo lý Phật Pháp. Sau đó tôi hệ thống hóa thành 3 tập sách "Lá trong lòng bàn tay". Nhưng đó chỉ là phần rất rất nhỏ những đạo lý mà Phật dạy trong Kinh Nikaya. Do vậy bộ sách đó khiến tôi không thỏa mãn.
Sau đó tôi tự hỏi:
"Vì sao Kinh Nikaya vĩ đại vậy mà rất ít người có thể tự nghiên cứu và hiểu sâu?"
Lý do có thể có nhiều. Nhưng có một lý do dễ thấy và dễ sửa nhất đó là: "Bố Cục bản dịch kinh của HT Thích Minh Châu vô cùng khó đọc, khó hiểu". Tôi xin ví dụ:
Đoạn số 10 Kinh Phạm Võng (Trường Bộ Kinh) HT Thích Minh Châu dịch và bố cục là:
"10. Sa-môn Gotama không làm hại đến các hạt giống và các loại cây cỏ; Sa-môn Gotama dùng mỗi ngày một bữa, không ăn ban đêm, từ bỏ không ăn ban đêm, từ bỏ không ăn phi thời. Sa-môn Gotama từ bỏ không đi xem múa, hát, nhạc, diễn kịch. Sa-môn Gotama từ bỏ không trang sức bằng vòng hoa, hương liệu, dầu thoa và các thời trang. Sa-môn Gotama từ bỏ không dùng giường cao và giường lớn. Sa-môn Gotama từ bỏ không nhận vàng và bạc. Sa-môn Gotama từ bỏ không nhận các hạt giống. Sa-môn Gotama từ bỏ không nhận thịt sống. Sa-môn Gotama từ bỏ không nhận đàn bà, con gái. Sa-môn Gotama từ bỏ không nhận nô tỳ gái và trai. Sa-môn Gotama từ bỏ không nhận cừu và dê. Sa-môn Gotama từ bỏ không nhận gia cầm và heo. Sa-môn Gotama từ bỏ không nhận voi, bò, ngựa và ngựa cái. Sa-môn Gotama từ bỏ không nhận ruộng nương đất đai. Sa-môn Gotama từ bỏ không phái người môi giới hoặc tự mình làm môi giới. Sa-môn Gotama từ bỏ không buôn bán. Sa-môn Gotama từ bỏ các sự gian lận bằng cân, tiền bạc và đo lường. Sa-môn Gotama từ bỏ các tà hạnh, như hối lộ, gian trá, lừa đảo. Sa-môn Gotama từ bỏ không làm thương tổn, sát hại, câu thúc, bức đoạt, trộm cắp, cướp phá. - Này các Tỷ-kheo, đó là những lời tán thán Như Lai của kẻ phàm phu."
Nguyên 1 trang giấy không 1 lần ngắt câu, xuống dòng, không một ký hiệu đánh số... nếu bạn đọc xong đoạn này và cố để hiểu sẽ rất mệt mỏi. Và tôi chuyển thể văn phong và bố cục thành:
"10 (Giới 8) Sa-môn Gotama không làm hại đến các hạt giống và các loại cây cỏ.
(Giới 9) Sa-môn Gotama dùng mỗi ngày một bữa, không ăn ban đêm, từ bỏ ăn ban đêm, từ bỏ ăn phi thời.
(Giới 10) Sa-môn Gotama từ bỏ đi xem múa, hát, nhạc, diễn kịch.
(Giới 11) Sa-môn Gotama từ bỏ trang sức bằng vòng hoa, hương liệu, dầu thoa và các thời trang.
(Giới 12) Sa-môn Gotama từ bỏ dùng giường cao và giường lớn.
(Giới 13) Sa-môn Gotama từ bỏ nhận vàng và bạc.
(Giới 14) Sa-môn Gotama từ bỏ nhận các hạt giống.
(Giới 15) Sa-môn Gotama từ bỏ nhận thịt sống.
(Giới 16) Sa-môn Gotama từ bỏ nhận đàn bà, con gái.
(Giới 17) Sa-môn từ bỏ không nhận nô tỳ gái và trai.
(Giới 18) Sa-môn Gotama từ bỏ nhận cừu và dê.
(Giới 19) Sa-môn từ bỏ không nhận gia cầm và heo.
(Giới 20) Sa-môn Gotama từ bỏ nhận voi, bò, ngựa và ngựa cái.
(Giới 21) Sa-môn Gotama từ bỏ nhận ruộng nương đất đai.
(Giới 22) Sa-môn Gotama từ bỏ phái người môi giới hoặc tự mình làm môi giới.
(Giới 23) Sa-môn Gotama từ bỏ buôn bán.
(Giới 24) Sa-môn từ bỏ các sự gian lận bằng cân, tiền bạc và đo lường.
(Giới 25) Sa-môn Gotama từ bỏ các tà hạnh, như hối lộ, gian trá, lừa đảo.
(Giới 26) Sa-môn Gotama từ bỏ làm thương tổn, sát hại, câu thúc, bức đoạt, trộm cắp, cướp phá.
Này các Tỷ-kheo, đó là những lời tán thán Như Lai của kẻ phàm phu."
Chỉ đơn giản vậy thôi là bạn có thể đọc đoạn kinh đó với sự ngắt ý, đánh số ký hiệu... rất dễ đọc, dễ hiểu và dễ hệ thống hóa.
Còn về câu chữ của Kinh thì tôi không sửa vì đó là lời Đức Phật, không ai được phép thay đổi. Và sự thật tôi không đủ trình độ để sửa đổi.
Hiệu chỉnh thứ 2 của tôi là: Kinh Nikaya giống như một câu chuyện với 3 phần: "(1) Dẫn nhập vào kinh, nguyên nhân Phật nói kinh - (2) Nội dung chính của lời dạy Đức Phật - (3) Kết luận" . Trong 3 phần đó thì phần 1 rất dài đôi khi chiếm 1/2 khối lượng Kinh. Mà phần đó thì không quan trọng bằng "(2) Nội dung chính là lời dạy của Phật".
Thế nên phần "(1) Dẫn nhập vào kinh, nguyên nhân Phật nói kinh". Tôi để bản gốc ở dạng chữ nhỏ 11pt và màu xanh. Sau đó tôi tóm tắt đại ý của đoạn đó ở phía cuối.
Nếu bạn muốn đọc về lịch sử hình thành Kinh thì bạn đọc phần chữ màu xanh đó. Nếu bạn muốn đi vào "Nội dung chính của Kinh Phật" thì chỉ cần đọc phần tóm tắt của tôi rồi vào nội dung chính luôn.
Trường Bộ Kinh tôi dự tính bố cục thành 7 tập, mỗi tập 5 bản kinh. Trung Bộ Kinh tôi dự tính bố cục thành 13 tập, mỗi tập 12 bản kinh. Mỗi tập sách sẽ dày khoảng 300 trang A5 để các bạn tiện cầm đọc.
Rất mong với công sức nhỏ bé này của tôi sẽ giúp Quý vị đọc giả hiểu sâu thêm những lời Phật dạy.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mầu Ni Phật !
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát !
Người hiệu chỉnh:
Cư sỹ, Thiền sinh - Lương Vinh Tri
()
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro