Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

PHẦN VI: LÀN RANH ĐỎ

01:46 MAY 22, 2034 (GMT+2)

BIỂN BARENTS

Ba đêm liên tiếp, Farshad không ngủ được. Buồng của ông nằm ngay trên ngấn nước và ông nghe rõ tiếng băng trôi gõ vào thành tàu như tiếng chuông – dong, dong, dong. Cả đêm, không ngừng nghỉ. Khi đến Tartus mấy tuần trước, ông được giao nhiệm vụ mới. Ông không được làm đại diện liên lạc với Hạm đội Biển Đen, áo ngắn tay rám nắng, mà bị điều lên Hạm đội Baltic lạnh giá. Khi bước ra khỏi máy bay ở Kalinigrad, ông còn không có áo khoác ấm cho mùa đông. Dù sao thì ông cũng nghĩ là sẽ được phân vào biên chế của tàu chỉ huy Kuznetsov, hay có thể là tuần dương hạm Pyotr Veliky. Vậy mà cuối cùng lại bị điều về tàu hộ tống Rezkiy, không ngừng lắc lư. Ông thấy mình cũng hơi bị say sóng trên cái hộp sắt với thành mỏng dính này.

Dong, dong, dong –

Chán nản, ông ngồi dậy, bật đèn.

Giường của ông là giường xếp kê đầu vào thành cabin. Mà cabin nhỏ đến mức ông không thể mở cửa nếu không gập giường lên. Và giường lại không thể gập lên nếu không thu dọn hết chăn gối. Quy trình nhiều bước: dọn giường, dựng lên, mở cửa bước ra ngoài, là một trong những "nghi lễ" hàng ngày mà ông phải tuân thủ với tư cách một sĩ quan đại diện cấp thấp. Một nghi lễ khác là ăn tại phòng ăn đông nghịt, với các sĩ quan đa phần là không nói tiếng gì khác ngoài tiếng Nga và trẻ hơn ông rất nhiều. Bởi thế giữa các bữa ăn ông cũng ăn, hoặc ăn những thức ăn trong ngày còn, do nhân viên đặt ngoài phòng lúc nửa đêm.

Ông khoác áo choàng lông, được phát ở Kaliningrad, bên ngoài áo ngủ. Rồi đi xuống cầu thang đỏ đèn dẫn đến phòng ăn, trong tiếng băng gõ dinh dong vào mạn tàu, xem có kiếm được cái gì ăn không.

Cũng như cabin của Farshad, phòng ăn là tiêu chuẩn của việc tiết kiệm không gian. Thực ra nó chỉ là những cái ghế băng dài bằng 2 cái bàn, gắn với cái tủ bếp. Thiếu tá Vasily Kolchak, một sĩ quan chỉ huy của Rezkiy đang ngồi trên ghế, nhâm nhi một cốc trà rót từ ấm samovar. Anh đang đọc gì đó từ laptop, điếu thuốc lá trễ trên ngón tay. Đằng sau anh là vật trang trí duy nhất trong phòng, một cái bể cá có con cá vàng cam đang trố mắt nhìn từ mảnh vỡ tàu dưới đáy bể. Những người phục vụ đã chuẩn bị 2 xoong inox thức ăn đêm. Một chứa thịt đậm màu với nước sốt nâu, chiếc kia chứa thịt nhạt hơn với nước sốt trắng. Bên mỗi xoong có biển chữ, nhưng Farshad không nói được tiếng Nga.

"Trắng là cá, hình như cá trích, còn đậm hơn là thịt lợn." Kolchak nói bằng tiếng Anh.

Farshad dừng lại một chút, ngắm nghía hai phương án. Rồi ông đến ngồi với Kolchak mà không lấy gì.

"Ông chọn tốt đấy," Kolchak nói trong tiếng máy lọc nước nhè nhẹ của bể cá ở trong góc. Anh ta đeo một chiếc nhẫn có khắc chữ trên ngón út bàn tay phải. Tay trái vò lên mái tóc vàng gần như bạc trắng rủ xuống tận tai một cách lo lắng. Đôi mắt nhỏ, lạnh lùng và sắc sảo, hơi phai màu xanh, như viên đá quí đã được mài từ nhiều thế hệ trước. Mũi dài, thẳng và đỏ lựng ở đầu chóp. Có vẻ như Kolchak đang chống chọi với cái lạnh.

"Tôi không nghĩ là ông đã xem bản tin," Kolchak nói tiếng Anh kiểu cổ, cứ như Farshad đang nghe trộm các cuộc hội thoại từ thế kỷ trước. Rồi anh ta bật video. Cả hai lắng nghe bài phát biểu của tổng thống Mỹ vài giờ trước đó. Khi video hết, không ai nói gì. Cuối cùng Kolchak hỏi tại sao Farshad mất mấy ngón tay.

"Đánh Mỹ," Farshad giải thích rồi chỉ tay vào cái nhẫn của Kolchak nhìn gần thấy có khắc con đại bàng hai đầu, "Còn cái nhẫn này là gì?"

"Của cụ tôi đấy. Cũng là sĩ quan Hải quân của Sa hoàng." Kolchak hit một hơi thuốc dài. "Ông ấy đánh nhau với Nhật. Sau đó người bolshevik giết ông ấy. Gia đình đã giấu kín cái nhẫn trong nhiều năm. Tôi là người đầu tiên đeo nó công khai. Thời thế đã thay đổi."

"Anh nghĩ người Mỹ sẽ làm gì?" Farshad hỏi

"Tôi phải hỏi ông chứ, các ông đã đánh nhau với họ."

Farshad ngạc nhiên về sự tôn trọng tế nhị này. Đã lâu không ai xin ý kiến gì của ông cả. Bất đắc dĩ, ông cảm thấy có cảm tình với Kolchak, người sĩ quan này là một đứa con trung thành của dân tộc, mà không phải lúc nào cũng đối xử công bằng với anh ta và gia đình, giống ông. Farshad trả lời Kolchak bằng nhận xét là các tổng thống Mỹ có quan điểm rất khác nhau về cái gọi là "Lằn ranh đỏ." Ông đang nghĩ liệu Mỹ có thực sự sẽ dùng vũ khí hạt nhân để ngăn cản Trung quốc chiếm Đài Loan. "Người Mỹ trước đây khá minh bạch và dễ đoán. Giờ thì không phải như vậy nữa? Sự khó lường của người Mỹ làm cho họ trở nên rất nguy hiểm. Nga sẽ làm gì nếu Mỹ hành động. Các anh sẽ có nhiều cái để mất đấy. Tôi thấy những người Nga giàu có khắp nơi."

"Người Nga giàu có ư, không có khái niệm đó đâu?"

Farshad không hiểu. Ông nhắc đến những du thuyền lộng lẫy ở Địa Trung hải, những biệt thự xa hoa ở bờ biển Amalfi và Dalmatian (bờ biển nước Ý – NTN). Đi bấy cứ đâu khi Farshad nhìn thấy những thứ đẹp đẽ, biệt thự, du thuyền, máy bay riêng đậu trước cổng, những người phụ nữ nặng trĩu thời trang, và hỏi chủ nhân là ai, câu trả lời luôn là: người Nga.

Kolchak lắc đầu, dụi thuốc lá vào cái gạt tàn. "Không không, không có người Nga giàu có. Chỉ có người Nga nghèo, nhưng có tiền."

Châm một điếu thuốc nữa, Kolchak bắt đầu tâm sự về Tổ quốc, về "Nước Mẹ Nga", đã trải qua bao đời, từ Sa hoàng, Đế quốc đến Cộng sản, chưa bao giờ được các cường quốc khác tôn trọng. "Trong thời đế quốc Nga, hoàng gia chúng tôi nói tiếng Pháp khi họp chính sự, dưới thời cộng sản, nền kinh tế chúng tôi là cái vỏ rỗng. Bây giờ, dưới chế độ liên bang, họ coi lãnh đạo chúng tôi là tội phạm. Ở New York, London, họ không coi trọng bất cứ ai trong chúng tôi, kể cả tổng thống Putin. Với họ, Putin không phải là nhà lập quốc liên bang, mà chỉ là một người Nga nghèo, cùng lắm là côn đồ hung hăng, mặc dù ông đã lấy lại Crum, Georgia và Ukraine của tổ tiên chúng tôi, mặc dù ông đã đập vỡ hệ thống chính trị Mỹ, để bây giờ tổng thống của họ phải mang danh 'độc lập' không thuộc đảng phái nào hết. Chúng tôi là một dân tộc hèn mọn. Lãnh đạo của chúng tôi vì thế cũng hèn mọn. Ông hỏi người Nga sẽ làm gì khi Mỹ hành động? Không rõ ràng sao? Cáo sẽ làm gì trong chuồng gà?" Kolchak cười, không mím môi lại nữa.

Farshad luôn hiểu rằng, hoặc ít nhất cảm nhận được trong đầu là nước ông và nước Nga có nhiều lợi ích chung. Nhưng nói chuyện với Kolchak, ông cảm thấy sâu sắc hơn sự gắn bó của con đường mà hai dân tộc cùng trải qua. Cả hai đều có lịch sử đế quốc cổ kính: Sa Hoàng và Vua Ba Tư. Cả hai đều trải qua cuộc cách mạng triệt để: Bolsheviks và Hồi giáo. Cả hai đều bị phương Tây dồn ép: cấm vận, chỉ trích. Trực giác mách bảo ông, giờ là cơ hội cho những người đồng minh Nga.

Họ rời cảng nhà Kaliningrad 3 tuần trước. Trong tuần đầu tiên, Rezkiy theo dõi được rất nhiều tàu của Hạm đội Ba và Hạm đội Sáu Hải quân Mỹ trong vùng biển tây Đại Tây dương và phía bắc Ban tích. Rồi bỗng nhiên, chúng biến mất. Sau tin về thảm họa ở Biển Nam Trung Hoa được tung ra, có thể đoán được chúng chuyển hướng đến đâu. Cơ hội chho người Nga cũng khá hiển nhiên. Hơn 500 đường cáp quang, chiếm 90% dung lượng Internet tốc độ cao của Bắc Mỹ nằm dưới mặt nước băng giá này.

"Nếu người Mỹ ném bom nguyên tử, tôi không nghĩ là thế giới sẽ quan tâm đến ai cắt đứt mấy sợi dây cáp đó." Kolchak chăm chú nhìn Farshad. "Chắc cũng không ai quan tâm nếu chúng tôi chiếm một dải đất của Ba Lan để đưa Kaliningrad về với đất mẹ Nga." Kolchak lấy tay vẽ lên bản đồ, một hành lang cho phép nước Nga nối với một cảng Baltic của minh." Putin trước đây cũng hay nói về dải đất này. "Nếu người Mỹ cho nổ vũ khí hạt nhân, họ sẽ trở thành một quốc gia thấp hèn, mà họ hay dùng để miêu tả chúng tôi."

"Anh có nghĩ là họ sẽ thực sự làm vậy không?"

"10 hoặc 15 năm trước, câu trả lời của tôi là chắc chắn không. Giờ thì tôi cũng không chắc lắm. Nước Mỹ hiện tại không phải là nước Mỹ mà người Mỹ tin là như thế. Thời gian thay đổi tất cả đúng không? Và bây giờ thế giới đang thay đổi theo hướng có lợi cho chúng tôi." Kolchak nhìn đồng hồ, gập máy tính và nhìn Farshad: "Muộn rồi, ông cần phải ngủ đi."

"Tôi không ngủ được,"

"Sao thế?"

Farshad im lặng, để Kolchak có thể nghe tiếng băng đập vào mạn tàu dong, dong, dong. "Tôi sợ âm thanh này, tàu thì lắc quá."

Kolchak đưa tay nắm lấy tay Farshad một cách ấm áp. "Ông phải đừng để nó quấy rầy mình. Quay về phòng và nằm xuống. Ông sẽ quen với sự lắc lư. Còn âm thanh ấy à? Tôi luôn tưởng tượng nó là một cái gì đó khác."

"Là cái gì?"

"Là tiếng chuông, báo hiệu thời thế đã thay đổi."

23:47 MAY 22, 2034 (GMT+8)

BIỂN ĐÔNG

Ai đó gõ cửa lúc nửa đêm.

Lin Bao ngồi dậy, thở dài chán nản. Gì nữa chứ? Gần đây ông bị đánh thức thường xuyên. Đêm qua, thuyền thưởng hai tàu khu trục cãi nhau vì sắp xếp đội hình, ông phải can thiệp. Đêm trước nữa, dự báo một cơn bão lớn, may mà không xảy ra. Rồi một tàu ngầm bỗng nhiên mất một phiên liên lạc. Trước đó là nước cứng bốc hơi trong một những lò phản ứng. Danh sách nối dài trong bộ não thiếu ngủ của ông. Lin Bao đang đứng trước một thời khắc trọng đại trong lịch sử dân tộc. Nhưng ông không cảm thấy điều đó. Ông phải giải quyết vô khối những việc vụn vặt và tin rằng có lẽ chẳng thể nào ngủ được một giấc trọn vẹn.

Tuy nhiên ông cũng có một chút hài lòng khi tổ hợp các công nghệ vẫn giúp hạm đội của ông giấu được mình. Mặc dù người Mỹ có thể đoán được ông đang tiến về phía Đài Loan, nhưng họ không thể có tọa độ chính xác để tính toán ra đòn phản công. Trước sau thì họ cũng tìm ra ông thôi. Nhưng khi đó đã quá muộn.

"Đồng chí Đô đốc. Mời đồng chí đến Trung tâm Thông tin Tác chiến."

Lin Bảo tỉnh hẳn sau một cú gõ cửa nữa. "Đồng chí Đô đốc..." Ông mở toang cửa. "Tôi chưa gặp cậu bao giờ nhỉ," ông nhin cậu thủy thủ trẻ măng, chắc chưa đến 19 tuổi, đang nhìn vị đô đốc thiếu ngủ. "Bảo họ," ông húng hắng ho, "hãy báo với họ là tôi sẽ đến ngay." Anh lính gật đầu và chạy dọc hành lang. Vừa mặc quần áo, Lin Bao cảm thấy áy náy vì đã to tiếng. Ông phải kiểm soát được cảm xúc của mình. Để nhân viên biết sức ép của mình, họ sẽ cũng bị sức ép. Trong ba tuần qua, sau khi biến mất, Nhóm tác chiến Trịnh Hòa cùng ba Nhóm tấn công nữa của Hải quân, cùng lực lượng đặc biệt của Lục quân, các máy bay ném bom chiến lược và tên lửa siêu vượt âm của không quân, đang xiết thành thòng lọng xung quanh Đài Loan như cách gọi của phương Tây. Mặc dù đang tàng hình, Lin Bao vẫn cảm nhận được bộ máy trinh sát toàn cầu khổng lồ của Mỹ đang dò tìm kiếm vị trí chính xác của mình.

Chiến dịch được Bộ trưởng Chiang vạch ra và Thường trực Bộ chính trị phê duyệt, sẽ được chia làm hai pha, mỗi pha đều theo một triết lý của Tôn Tử.

Pha một có thể gọi là "Tiểu lý tàng đao", giữ kế hoạch bí mật như bóng đêm không thể xuyên thủng, chuyển động nhanh như tia chớp. Hạm đội biến mất bí ẩn sẽ nổi lên cạnh Đài Loan như một tia chớp. Chưa bao giờ Trung quốc thực hiến chiến dịch tàng hình với qui mô như vậy. Phải mất nhiều tuần, thậm chí tháng, để Mỹ hoặc các cường quốc khác tập trung được quân lực để đối phó.

Pha hai được thiết kế theo triết lý "Bất chiến tự nhiên thành". Bộ trưởng Chiang tin rằng, bất ngờ phát hiện ra một lực lượng lớn kẻ thù ngay sát nách như vậy sẽ làm cho Nghị viện Đài loan hoảng loạn, bỏ phiếu tự giải tán và sau đó sát nhập vào đại lục. Khi trình bày với Bộ chính trị, Chiang cho rằng bao vây Đài loan bất ngờ như vậy sẽ chiếu hết mà không phải đổ máu. Mặc dù một số thành viên tỏ ra nghi ngờ, trong đó có Zhao Leji, một gương mặt gây khiếp sợ, Trưởng Ban kiểm tra Trung ương. Cuối cùng thì đa số vẫn ủng hộ Chiang.

Lin Bao vào trung tâm chỉ huy và thấy Bộ trưởng đã đợi trên màn hình. "Chào đồng chí Bộ trưởng. Rất vui được gặp đồng chí." Từ khi Trịnh Hòa biến mất, họ chỉ liên lạc qua thư điện tử chức không nói chuyện trực tiếp. Giờ gặp lại, có vẻ căng thẳng, như người này đang thăm dò người kia.

"Tôi cũng rất vui được gặp đồng chí," Bộ trưởng sau đó khen ngợi Lin Bao và các thủy thủ, không những đưa hạm đội tập kết vào vị trí chiến đấu an toàn, mà còn kịp sửa chữa các hư hỏng, sẵn sàng để chiến thắng lớn. Vân vân và vân vân. Càng nghe khen ngợi, Lin Bao càng cảm thấy không yên tâm.

Có gì đó đã xảy ra

"Đêm muộn hôm qua, Nghị viện Đài loan đã triệu tập phiên họp khẩn cấp, tôi chờ đợi họ sẽ bỏ phiếu tự giải tán vào mấy ngày tới." Giọng ông nhỏ dần, gần như bị ngạt thở. "Chúng ta có vẻ như đang đi đúng kế hoạch..." Ông bóp sống mũi và nhắm mắt lại, rồi thở dài nặng nề và nói với giọng nhỏ hơn nữa. "Nhưng, có một chút trở ngại. Người Mỹ đã đe dọa sẽ dùng vũ khí nguyên tử, tôi hy vọng là đồng chí đã biết tin này."

Lin Bao không biết gì. Ông liếc nhìn các sĩ quan phân tích tình báo ngồi bên. Suốt 12 giờ qua, hạm đội ẩn mình không liên lạc. Người thủy thủ trẻ lập tức dùng máy laptop thông dụng truy cập trang chủ của New York Times. Một dòng tiêu đề to nhất, đậm nhất: "TỔNG THỐNG TUYÊN BỐ: NẾU VƯỢT QUA LÀN RANH ĐỎ, CHÚNG TA SẴN SÀNG DÙNG VŨ KHÍ NGUYÊN TỬ".

Lin Bao không biết nên trả lời Bộ trưởng thế nào. Ông đang nghĩ về việc bố trí tác chiến của Hạm đội Trịnh Hòa, nên cứ thế nói một cách cơ học. Ông xem xét lại độ sẵn sàng của thủy thủ, vị trí của các tàu hộ tống, nhiệm vụ của các tàu ngầm. Cứ thế nói. Bộ trưởng cắn cắn móng tay, rồi nhìn bàn tay, có vẻ không quan tâm lắm, trong khi Lin Bao thao thao các chi tiết kỹ thuật.

Bỗng Lin Bao thốt lên. "Thưa đồng chí, các kế hoạch của chúng ta vẫn ổn."

Rồi nói tiếp. "Nếu nghị viên bỏ phiếu giải tán, người Mỹ không có lý do để tấn công ta. Họ không thể trơ trẽn đến mức tấn công ta vì một cuộc bỏ phiếu của người khác."

Bộ trưởng gõ gõ vào cằm. "Có thể," ông nói.

"Và nếu họ ra đòn, họ không thể tấn công hạm đội của ta. Họ không có thông tin tọa độ chính xác, kể cả cho vũ khí hạt nhân chiến thuật. Chúng ta chỉ cách bờ có vài hải lý và họ có thể gây thiệt hại lớn cho cảng và các công trình dân sự. Đó là sự tài tình trong kế hoạch của đồng chí. Bất chiến tự nhiên thành."

Bộ trưởng gật đầu nhắc lại. "Có thể." Giọng ông khàn, như thể cần một hớp nước. Màn hình tắt. Cuộc họp kết thúc. Nghị viện sắp phải bỏ phiếu. Người Mỹ đã vạch lằn ranh đỏ mà họ có thể sẽ hoặc không hành động. Lin Bao và đội của ông không làm được gì ngoài việc chờ đợi. Đã sáng sớm. Trên đường về phòng, ông kiểm tra đài chỉ huy. Thủy thủ của ông mặc dù còn trẻ và ít kinh nghiệm nhưng thực thi các nhiệm vụ của mình một cách thấu đáo. Họ hiểu nhiệm vụ họ đang thực hiện. Ngay sát đây, sau lớp sương mù là bờ biển Đài loan. Hạm đội của họ cũng ẩn trong sương mù. Mặt trời sắp lên và sương sẽ tan. Đài loan sẽ hiện ra, và họ cũng sẽ xuất hiện. Nhưng Lin Bao đang mệt, ông cần nghỉ ngơi.

Ông quay về phòng, nhưng không thể ngủ được. Ông lướt qua tủ sách và thấy cuốn "Nghệ thuật chiến tranh" của Tôn Tử, cuốn sách mà trớ trêu thay ông đọc lần đầu tại Học viện Hải quân Newport. Lần dở những trang sách được đánh dấu chi chít, ông nhớ lại sương mù ở Newport, dày đặc bám chặt bờ biển, những con tàu xuyên qua màn sương, hệt như sương mù ở đây. Tình cờ ông giở đến đoạn văn mà có lẽ ông đã quên mất trong những năm sau đó. Biết người, biết ta, trăm trận không thua. Nếu biết ta mà không biết người trận thua trận thắng. Nếu không biết người, không biết ta trận nào cũng thua.

Lin Bao nhắm mắt lại

Liệu ông có biết kẻ thù? Ông cố gắng nhớ lại tất cả những gì mình biết về nước Mỹ. Nhớ về những năm ông học ở đó, sống ở đó, về mẹ ông, một nửa của ông sinh ra ở đó. Nhắm mắt lại, ông có thể nghe thấy tiếng mẹ, hát ru ông thời thơ ấu. Các bài hát ru của bà, những bài hát Mỹ. Ông lẩm bẩm lại một bài, "Trên bến cảng – The Dock of the Bay", giai điệu mà ông đã quá quen thuộc. Rồi ông ngủ thiếp đi.

21:37 MAY 21, 2034 (GMT-4)

WASHINGTON, D.C.

Buổi sáng trước khi công bố, bản sao tuyên bố của tổng thống đã được xem xét và cân nhắc qua rất nhiều cấp: Bộ Ngoại giao, Bộ quốc phòng, Bộ An ninh nội địa, Bộ Tài chính đều có đóng góp. Tổng thống còn tập dượt từ Ghế Nóng của Phòng Bầu dục, dưới sự chứng kiến của thư ký báo chí, cố vấn chính trị cao cấp và các thành viên của Hội đồng An ninh quốc gia, trong đó có Chow. Ông nghĩ bà có thần thái tốt, rất điềm tĩnh, vững vàng.

Tối đó, khi tổng thống lên đài phát biểu, Chow đang ngồi ở bàn làm việc, trong khi các đồng nghiệp vây quanh màn hình những chiếc TV đặt rải rác bên Cánh Tây. Chow không xem, tập mãi rồi, nên ông thấy không cần nữa. Chỉ đến khi nghe thấy tiếng ồ lên, ông mới để ý. Không ai, kể cả ông biết là tổng thống đã công bố ủy quyền tấn công hạt nhân. Trước khi họ kịp làm gì ngoài việc trố mắt nhìn TV, cửa Phòng Bầu dục bật mở. Một nhóm nhân viên ùa ra. Dựa vào thần thái của họ: mắt trống rỗng, nói chuyện thầm thì, thì có lẽ họ cũng bị bất ngờ. Chỉ có hai người vẫn bình thản, đó là Hendrickson và Wisecarver. Wise lôi Chow vào văn phòng mình, mới được chuyển đến sát phòng làm việc của tổng thống.

"Vào đi, chúng ta sẽ xong việc trong 5 phút." Wise đưa Chow qua cửa. Phòng của ông bừa bộn. Bức ảnh tốt nghiệp của đứa con trai đã mất được để cạnh bàn phím. Đây cũng là vật dụng cá nhân duy nhất giữa một đống lộn xộn hồ sơ giấy tờ. Mỗi tập hồ sơ là một chuỗi các chữ số mã hóa. Wise bắt đầu lôi từng tập hồ sơ cho Chow và Hendrickson tùy theo hành động nào mà Bộ quốc phòng cần phải thực hiện. Wise, một cao thủ về bàn giấy, dẫn cấp dưới của mình qua đám giấy tờ với sự nhiệt tình nhuần nhuyễn. Mỗi việc nhỏ mà ông giao cho Chow và Hendrickson dẫn đất nước thêm một bước nữa đến gần chiến tranh hạt nhân.

Trước khi Chow kịp hỏi gì, đã hết 5 phút. Cửa đóng sập lại. Chow và Hendrickson đã đứng ngoài với một mớ hồ sơ trong tay. "Anh có biết trước khi tổng thống phát biểu không?" Chow hỏi.

"Quan trọng gì nữa?"

Chow cũng không chắc lắm là có quan trọng không. Mặc dù ông nghĩ đó là cách mà Hendrickson trả lời, là thực chất ông ta đã biết trước. Điều đó cũng có lý vì ông ta là quan chức cao cấp của Bộ quốc phòng. Mà thực ra cũng không nên có nhiều người biết trước ngoài một nhóm rất nhỏ. Nhưng Chow vẫn cảm thấy bị lừa. Ông thấy khó chịu, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, có công bố bằng cách nào cũng khó mà cảm thấy dễ chịu với quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân.

"Chúng ta không thể nào thoát ra bằng cách đấy được," Chow nói, cũng không rõ lắm là câu hỏi hay khẳng định. Mặc dù không biết trước về làn ranh đỏ của tổng thống, ông biết cũng đủ nhiều. Ví dụ ông biết về việc các lực lượng hải, lục, không quân Trung Quốc đang xiết vòng vây quanh Đài Loan, sẵn sàng đổ bộ. Để thực hiện điều đó, họ đã tiến hành một chiến dịch nghi binh che dấu sử dụng tổ hợp các công nghệ vẫn còn bí ẩn. Hạm đội Trung Quốc đã quá gần bờ, để có thể tấn công bằng vũ khí hạt nhân mà không gây ra các hậu quả phụ khủng khiếp.

"Họ phải tin là chúng ta sẽ làm như vậy." Hendrickson nói, "Ba hàng không mẫu hạm của chúng ta đã được lệnh đến Biển Nam Trung hoa. Chúng ta cần thời gian. Nếu các tàu đó vào vị trí. Chúng ta có thể đe dọa Đại lục. Khi đó họ phải rút khỏi Đài Loan. Đe dọa thực sự tấn công hạt nhân sẽ cho chúng ta thời gian.

"Nhưng cũng rủi ro bỏ mịa"

Hendrickson nhún vai. Ông không phản đối. Bắt đầu thu dọn đồ, cho các hồ sơ vào túi bảo mật. Ông cần quay về Lầu Năm góc. Chow đề nghị đi cùng. Ông đã mất cả đêm ở văn phòng, giờ cần tí khí tươi. "Tôi thấy, bạn anh, Hunt được giao chỉ huy Nhóm tác chiến Enterprise," Chow gợi chuyện. Cả hai đã ra ngoài Cánh Tây, chỉ cách cổng kiểm soát của mật vụ vài bước. Trời trong đầy sao.

"Đúng, tôi biết." Hendrickson trả lời, không nhìn về phía Chow, đi sang đường về phía công viê Lafayette.

"Có lẽ tốt cho cô ấy." Chow mỉm cười nói.

"Tốt ư?" Hendrickson không cười, ông ta đứng đó, nhìn ra công viên rồi hướng lên trời. Như thể không biết là có nên bước về phía trước hay lùi lại. "Nếu chúng ta tấn công, bất kể là vì Đài Loan yêu cầu, hay vì người Trung Quốc tính toán sai, hay vì Wisecarver muốn thế, khả năng lớn là Sarah sẽ là người phải nhấn nút."

Chow chưa nghĩ đến điều đó.

Khi Hendrickson định bước vào công viên, mật vụ giữ ông lại một chút. Cảnh sát thành phố đang xử lý một vụ việc trong công viên. Một ông già với bộ râu tan tác, đang kêu lên thất thanh "Tận thế!". Ông ta vừa chui ra từ cái lều nhựa bẩn thỉu mấy phút trước. Tay cầm điện thoại mở vô lum hết cỡ. Chow nhận ra người đàn ông này. Ông ta là một thành viên của nhóm "Thức cho Hòa Bình", phản đối tất cả các cuộc chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh hạt nhân, từ năm 1981. Khi cảnh sát đè ông ta xuống, ông ta giẫy dụa ác liệt, xé quần áo, và tìm cách tiến đến cổng Nhà Trắng. Trong lúc đợi cảnh sát bắt xong người đàn ông, Chow nghe thấy một viên Mật vụ bên trong cổng lẩm bẩm: "Thằng điên..."

Sáng hôm sau, khi mở tablet xem tin, Chow tìm đến phần nói về vụ việc. Ông già đã được thả ra, nhưng bị kết tội duy nhất là làm rối loạn hòa bình thành phố.

Chow đóng máy lại, đọc nữa có vẻ vô ích.

10:27 JUNE 18, 2034 (GMT+8)

20 HẢI LÝ CÁCH BỜ ĐÀI BẮC

Lin Bao đứng trên bong tàu, nước mưa trượt theo những nếp gấp áo mưa của ông. Vào ngày đẹp trời, ông có thể nhìn thấy hình bóng thành phố ở phía xa. Còn bây giờ, mây mù đang che phủ tất cả. Bộ trưởng Chiang sắp hạ cánh. Mục đích chuyến đi chưa rõ lắm, nhưng Lin Bao hiểu đã đến lúc phải dứt điểm vụ căng thẳng với người Mỹ và Đài Loan. Ông tin rằng Bộ trưởng sẽ mang đến quyết định

Lin Bao nhận thấy một đốm sáng đang nhấp nháy từ xa.

Đó là máy bay của Bộ trưởng Chiang. Nó lắc lư ngật ngưỡng chui ra khỏi đám mây. Vài giây sau đã lăn bánh trên bong. Lin Bao hài lòng khi thấy phi công khéo léo bắt được 3 dây. Động cơ rú lên rồi lịm đi. Một lát sau, cầu thang phía sau hạ xuống và Bộ trưởng xuất hiện. Khuôn mặt tròn tươi cười nhìn máy bay hạ cánh trên bong. Chuyến thăm không được công bố, nhưng như một chính trị gia, ông bắt tay các nhân viên phục vụ mặt đất, mặc cho họ ngơ ngác ông này là ai. Lin Bao vội hộ tống ông đi, tránh sự phiền phức có thể xảy ra.

Hai người ngồi trên ghế băng trong phòng chỉ huy của Lin Bao, ngổn ngang các hải đồ. Trên bàn, một bản đồ Đài Loan 3 chiều đang quay. Anh lính cần vụ châm trà cho họ, rồi quay lưng vào tường, đứng nghiêm ưỡn ngực chờ lệnh. Bộ trưởng nhìn anh ta soi mói. Lin Bao vẫy tay cho anh đi.

Giờ chỉ còn hai người họ.

Bộ trưởng nặng nề thu người lại. "Chúng ta đang rơi vào bế tắc với kẻ thù..." ông bắt đầu.

Lin Bao gật đầu

"Tôi đã hy vọng Nghị viện Đài loan bỏ phiếu tự giải tán, và chúng ta tránh được phải đổ bộ. Giờ có vẻ khó rồi." Chiang chiêu một ngụm trà và hỏi Lin: "Theo anh, tại sao người Mỹ lại dọa sử dụng vũ khí hạt nhân?"

Lin Bao không hiểu lắm câu hỏi. Có vẻ như hiển nhiên mà. "Họ làm chúng ta khiếp sợ, thưa đồng chí Bộ trưởng."

"Hmm, vậy anh có sợ không?"

Bộ trưởng hơi thất vọng khi thấy Lin không trả lời.

"Không việc gì phải sợ cả," ông nói với cấp dưới. Theo ông, việc đe dọa dùng vũ khí hạt nhân không thể hiện sức mạnh của người Mỹ. Ngược lại, nó làm lộ rõ những yếu điểm của họ. Nếu Mỹ thực sự muốn đe dọa Trung Quốc, họ hẳn đã muốn mở một cuộc tấn công mạng qui mô lớn. Nhưng họ không thể thâm nhập được vào hệ thống hạ tầng của TQ. Quá trình tự do hóa kích thích sáng tạo và phát triển kinh tế Mỹ, giờ trở thành điểm yếu. Hệ thống hạ tầng của Mỹ bị phân rã, còn TQ thì không.

Chiang nói: "Người Mỹ đã không thể tổ chức phòng vệ chống tấn công mạng một cách tập trung. Chúng ta có thể cắt phần lớn lưới điện của họ chỉ bằng một cái gõ phím. Việc đe dọa hạt nhân là cổ lỗ và vô lý, chẳng khác gì dùng găng tay tát vào mặt người khác trước khi thách đấu súng. Giờ là lúc chúng ta cho họ biết chúng ta nghĩ gì về những đe dọa của họ."

"Chúng ta sẽ làm thế nào? Lin dùng điều khiển từ xa xoay xoay cái bản đồ Đài Loan. Ông dẹp mấy cái cốc ra để nhìn thấy tấm hải đồ rải trên bàn, cứ như họ đang thảo luận một cuộc điều binh.

"Chúng ta không làm gì ở đây cả," Chiang trả lời, lơ đi hải đồ. "Chúng ta sẽ phản ứng ở phía bắc, trên Biển Barents. Hạm đội Ba và hạm đội Bảy Mỹ đã di chuyển về phía Nam để lại một khoảng trống. Những người bạn Nga của chúng ta đang có cơ hội tiếp cận thoải mái những đường cáp quang phục vụ Internet 10G ở Bắc Mỹ. Họ sẽ giúp chúng ta nhắc nhở nhẹ nhàng người Mỹ là ném bom không phải là cách duy nhất để khuất phục một dân tộc, thậm chí không phải là cách tốt nhất. Tôi cần đồng chí đơn giản là luôn sẵn sàng. Sẽ có một có một cuộc phô diễn sức mạnh mạng. Có kiểm soát. Chúng ta sẽ cắt vài cái cáp. Và đưa người Mỹ vào bóng đêm, để họ ngắm nhìn khoảng không. Sau đó, hoặc là Nghị viện sẽ mời chúng ta Đài loan, hoặc chúng ta sẽ tự đến. Trong mọi trường hợp, đồng chí phải sẵn sàng."

"Đồng chí bay đến đây chỉ để nói điều này thôi sao?"

"Tôi đến đây không phải để nói điều gì cả," Chiang nhắc lại. "Tôi đến vì tôi muốn đứng ở bong tàu và tận mắt thấy các đồng chí thực sự đã sẵn sàng."

Lin có thể cảm thấy bộ trưởng chăm chăm nhìn mình. Ông hiểu rằng những ngày tới sẽ thách thức sự chỉ huy của ông, dù là đưa quân tiếp quản hay tấn công lên bờ Đài Loan. Trước khi Bộ trưởng đưa ra nhận xét cuối cùng về sự sẵn sàng của Lin và cấp dưới, có ai đó gõ cửa. Trung tâm chỉ huy tác chiến có thông báo.

"Chuyện gì vậy?" Bộ trưởng hỏi.

"Enterprise đang di chuyển."

"Đến đây?"

"Không. Họ đi ngược lại. Thật khó hiểu."

11:19 JUNE 18, 2034 (GMT+8)

220 HẢI LÝ NGOÀI KHƠI TRẠM GIANG

Vùng nước này là một cái nghĩa địa khổng lồ. Hunt biết là chiếc Enterprise đang đi trên biết bao nhiêu xác tàu đắm. Philippines đang ở phía đông. Phía tây là vịnh Bắc Bộ. Bà nhớ tên các con tàu: USS Princeton, Yorktown, Hoel, Gambier Bay... Và các tàu chiến Nhật bản, tuần dương và hàng không mẫu hạm. Hunt và thủy thủ đoàn lặng lẽ lướt qua để vào vị trí. Làm gì?

Hunt không biết.

Bà liên tiếp nhận lệnh. Cứ hai tiếng đồng hồ, bà được triệu tập lên phòng liên lạc. Một căn phòng cũ kỹ ở giữa tàu, mà một sĩ quan cấp cao có tên là Quint coi như phòng riêng của mình. Anh này có biệt danh Quint vì trông khá giống thuyền trưởng con tàu xấu số Orca, do Robert Shaw đóng trong phim Hàm Cá Mập. Làm việc cùng với Quint là một sĩ quan tùy tùng trẻ được gọi là Hooper không phải vì trông giống nhân vật của Richad Dreyfuss: Matt Hooper, một nhà hải sinh học can đảm, đeo kính cận, săn cá mập trắng, mà vì anh ta suốt ngày ở bên Quint.

Hunt, dù đã có kinh nghiệm nhận lệnh suốt đời quân ngũ, cũng dần dần quen với cách thông tin rời rạc này. Đối thủ Trung quốc chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến mạng, đã cắt đứt Internet của Enterprise. Bộ chỉ huy Ấn Độ-Thái bình dương, nơi có kết nối trực tiếp với Nhà Trắng, phải liên lạc với bà bằng cách sử dụng các đợt sóng cao tần, bằng đúng băng thông đường dài mà Hải quân Mỹ đã dùng trong Thế chiến thứ Hai.

Mới có một thông báo mới. Hunt đi xuống 4 tầng từ phòng chỉ huy đến phòng liên lạc. Bà thấy Quint và Hopper giữa đám máy móc điện tử. Cặp kính tụt xuống mũi Quint trong lúc anh này lần mò những sợi dây, còn Hooper đang cầm một cái mỏ hàn bốc khói.

"Gentlement," Hunt đánh tiếng.

Hooper giật mình, còn Quint vẫn ngồi yên, má xị xuống như đang kiểm tra hóa đơn ở nhà hàng. Anh tiếp tục chăm chú ngắm bó dây điện qua cặp kính của mình. "Xin chào buổi sáng, thưa Bà," điếu thuốc chưa châm trễ xuống từ môi anh.

"Chiều rồi, Sĩ quan."

Quint nhướn mày nhưng vẫn không rời mắt khỏi mớ dây nhợ. "Vậy chào buổi chiều." Anh ta hất hàm ra dấu để Hooper đưa mỏ hàn, rồi nhanh nhẹn nối mối dây vào bo mạch. Suốt 2 tuần qua, Quint và Hooper làm việc để tích hợp các công nghệ radio cũ kỹ VHF, UHF và HF vào hệ điều khiển của phi đội F/A-18 Hornet trên tàu. Rắn Đuôi Kêu trở thành phi đội duy nhất miễn nhiệm với cuộc tiến công mạng. Ít nhất kế hoạch là như vậy.

"Các anh còn phải cài đặt bao nhiêu bộ nữa?"

"Xong rồi, chúng tôi đã cài xong chiếc Hornet cuối cùng sáng nay. Cái này là cải tiến hệ thống HF của tàu chúng ta." Quint im lặng chăm chú làm. "Cầm lấy," một làn khói nhẹ bốc lên từ mỏ hàn mà anh đưa lại cho Hooper. Quint xiết lại ốc vỏ radio mà anh đang làm việc, rồi bật lên. Tiếng ồn ào từ máy thu được khuếch đại qua loa.

"Anh có thể vặn nhỏ xuống được không?" Hunt đề nghị.

Hooper nhìn Quint, anh này gật gật nhưng vẫn nghiêng đầu, giỏng tai lên như cao thủ đang lên lại dây đàn. Trong lúc Hooper loay hoay dò tầnsố, Quint ra hiệu lúc bằng tay trái, lúc bằng tay phải, lên xuống trong bậc thang tần số, như đang tìm cái gì đó, Hunt không biết. Cuối cùng, thấy sự tò mò của bà, Quint bắt đầu giải thích.

"Chúng tôi đang tìm các tiếng vọng bị trễ lâu, thưa bà. LDE. Khi ta truyền tin trên tần số HF, sóng radio sẽ đi vòng quanh trái đất đến khi gặp máy thu. Trong một số trước hợp, khá mất thời gian, và ta nghe thấy tiếng vọng."

"Lâu không?"

"Thường thì vài giây." Quint nói

"Hôm qua chúng tôi bắt được mấy lần," Hooper thêm vào.

Hunt cười. "Tiếng vọng lâu nhất mà các anh nghe được là bao lâu?"

Hunt không đáp trả nụ cười của Quint. Bà không thể ngăn mình hình dung lại những cảnh liên lạc bằng cách cổ điển như thế này: phi công bi rơi trên bầu trời Bắc Việt nam tìm cách liên lạc với hàng không mẫu hạm, những khẩu đội gọi máy bay Zeros tiếp viện ở Biển Philippines. Nhưng bà phải tập trung vào nhiệm vụ trước mắt.

Quint thò tay qua bàn với lấy miếng giấy chứa thông báo từ Bộ chỉ huy Ấn độ – Thái bình dương mà anh mới giải mã. "Họ không cho bà nhiều thứ để giải trí nhỉ?" anh nói.

Thông báo không hẳn là thông báo. Chỉ là 4 cặp kinh độ, vĩ độ. Một cái hộp trên bản đồ. Không có lệnh, không có thông tin. Hunt cần phải đưa Enterprise và các tàu hộ tống vào cái hộp đó và đợi lệnh tiếp. Bà đút miếng giấy vào túi và định đi. Quint dừng bà lại, dựa lưng vào tường "Thưa bà, chúng tôi mới sửa xong cái này, bà có thể dùng được." Anh ta xòe trong lòng bàn tay một cái radio du lịch cũ. "Nếu chỉnh đúng, bà có thể nghe được được BBC, nhạc, tùy xem bà đang ở đâu. Dò đài đòi hỏi phải tinh vi một chút, nhưng tôi nghĩ chắc ổn thôi."

Quint và Hooper vẫn đang loay hoay với máy thu khi Hunt đi ra. Quint ra dấu bằng tay, còn Hooper dò. Bà lên thẳng 4 tầng về phòng chỉ huy. Bà đặt một tập giấy với tọa độ trên bàn đã trải sẵn những tấm hải đồ. Rồi dùng compa, thước kẻ và bút chì gọt nhọn, xác định các góc tọa độ của hộp. Hơi nhỏ, nhưng đủ sức chứa cả Nhóm tàu tấn công của bà. Phía Nam vị trí hiện tại, 80 hải lý xa ra khỏi bờ, trong khoảng cách 300 hải lý chiếu thẳng từ Trạm Giang, chỉ huy sở của Hạm đội Nam Hải. Không biết bao nhiêu tàu của hạm đội còn ở trong cảng, khi cuộc khủng hoảng Đài Loan đang xảy ra. Bà nghĩ thầm.

Chắc không nhiều.

Nhưng vẫn đủ.

Bà đặt bút chì xuống và chỉnh radio. May mắn bắt được sóng của BBC. Khoanh tay trước ngực, duỗi chân, thả lỏng, bà thử hình dung bản tin: Tàu Enterprise tấn công quân cảng Trung quốc bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật, nhưng không được. Có vẻ không khả thi. Không nhiều giới luật của chiến tranh lạnh còn tồn tại trong thế kỷ 21. Nhưng logic hủy diệt lẫn nhau vẫn còn nguyên giá trị. Kể cả là như vậy, nước bà không hưởng lợi thế gì nhiêu nếu hủy diệt Trạm Giang. Chuẩn bị điều chỉnh lại hướng di chuyển của tàu, Hunt vẫn cho rằng, lần này cũng như mọi lần khác, kể từ khi vũ khi hạt nhân ra đời, những toan tính rồi sẽ chỉ là toan tính, cuộc khủng hoảng sẽ hạ nhiệt. Bà hoàn toàn tin như thế.

Cảm giác đấy làm bà nhẹ nhõm đôi phần, khi ngả người trên ghế. Bà ngủ ngon độ một giờ, không mộng mị. Cái đài đã mất sóng, không chơi nhạc nữa. Chỉ có tiếng ù ù. Hunt thử dò lại sóng.

Đột nhiên bà nghe thấy gì đó. Một giọng nói rất nhẹ, không rõ ràng. Xuất hiện rồi biến mất.

Đó là những bóng ma.

14:22 JUNE 24, 2034 (GMT+2)

BIỂN BARENTS

Ở cực bắc, mặt trời chiếu gần như 24h một ngày. Trời trong xanh, ấm bất ngờ. Không thấy hạm đội Mỹ đâu. Có lẽ họ đã rời đi. Liên Bang Nga biết là đang kiểm soát vùng nước này. Không phải căng thẳng đối phó rình rập với người Mỹ, các thủy thủ của Rezkiy và các tàu khác trong hải đội bắt đầu vui chơi. Từ tuần dương hạm Pyotr Velikiy, thủy thủ hạ xuồng cứu hộ, rồi lao vào tắm nước biển lạnh giá. Thuyền trưởng hàng không mẫu hạm Kuznetsov thì cho phép thủy thủ tắm nắng ngay trên bong dù trời lạnh. Trên Rezkiy, Kolcak cho chơi nhạc pop qua hệ thống loa nội bộ trong giờ dọn dẹp vệ sinh, chủ yếu là Elvis, Jonas Brothers và tất cả những gì thuộc Shakira. "Hips Don't Lie" là bản được yêu thích nhất.

Một chút vô kỷ luật, cùng với tính phiêu lưu của đời thủy thủ kích động thiếu tá Farshad. Nhiệm vụ sĩ quan liên lạc của ông đơn giản là có mặt, để chứng minh sự chung thủy giữa hai dân tộc, mặc dù cả hai chưa bao giờ thể hiện sự chung thủy với ai đó ngoài chính bản thân mình. Farshad đã một lần chia sẻ tâm sự này với Kolchak trong nhà ăn. Anh này hỏi lại: "Liệu một dân tộc có cần chung thủy với ai ngoài chính mình không?" Farshad đành phải công nhận.

Không lâu sau cuộc nói chuyện đó, Farshad đang đứng trên cầu tàu thì đài quan sát phát hiện một đàn cá mập ở bên mạn tàu. Kolchak lúc đó đang điều khiển đài quan sát, tỏ ra rất hứng thú, thậm chí điều chỉnh để tàu chạy theo đàn cá trong mấy phút. "Tuyệt vời," Kolchak nói, ngây người nhìn những cái vây lưng uyển chuyển. Như cảm thấy Farshad ngơ ngác, anh giải thích: "những con cá mập này bị sóng điện từ từ các cáp quang ngầm thu hút. Những cáp này nối với Bắc Mỹ. Cá mập thì rất thích nhai cáp. Thế là chúng ta có cớ để phủ nhận tất."

Cắt vài đường dây dưới biển, làm chậm Internet đi 60% sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Mỹ. Kolchak nói với Farshad như vậy. Thế là đủ để hạ nhiệt cuộc khủng hoảng. Khi cần phải thực tế, để bảo vệ quyền lợi của dân tộc, Farshad cảm thấy chỉ có nước ông, và có thể là Nga nữa có tư duy mạch lạc. Người Nga cũng như ông biết rằng mọi thứ làm nước Mỹ yếu đi đều có lợi. Hạ nhiệt bây giờ không có lợi cho cả Iran và Nga.

Họ cần loạn lạc

Họ cần trật tự thế giới thay đổi.

Đàn cá mập biến mất dưới làn nước. Rezkiy và các tàu trong hải đội dừng lại trên vùng nước chứa cáp 10G trong suốt thời gian còn lại trong ngày. Không khí làm việc khẩn trương. Farshad lang thang trên cầu tàu, trong lúc Kolchak và thuyền trưởng trao đổi sôi nổi bằng tiếng Nga. Thỉnh thoảng Kolchak dừng lại và dịch cho ông.

"Chúng ta sẽ lượn loanh quanh đây," Kolchak nói, chỉ tay vào màn hình máy tính. "Pyotr Velikiy sẽ thả thiết bị lặn có điều khiển để gắn một khối thuốc nổ cắt cáp."

"To không?" Farshad hỏi

Viên thuyền trưởng hạ ông nhòm xuống, quay lại nhìn hai người lo lắng.

"Đủ để làm việc" Kolchak nói

Thuyền trưởng nhăn mặt, rồi có tiếng liên lạc bằng tiếng Nga. Kolchak cầm ống nghe và trả lời ngay, thuyền trưởng quay lại ống nhòm tiếp tục quan sát mặt biển. Pyotr đang thu hồi thiết bị lặn. Thuốc nổ đã được đặt xong. Kuzetsov chở đầy máy bay án ngữ đường chân trời. Kolchak nhìn kim đồng hồ cũ kiên trì quay và chờ đợi.

Rồi một tiếng nổ. Một cột nước vọt lên từ đáy biển. Rồi âm thanh gây sốc, như một cái tát. Cả tàu rung lên. Nước đổ xuống mặt biển trắng xóa. Lại có tiếng bộ đàm. Giọng nói có vẻ phấn khích, vui mừng. Thuyền trưởng trả lời cũng bằng giọng đó. Người duy nhất không hài lòng là Farshad, ông không hiểu. Ông nắm khuỷu tay Kolchak: "Các anh đã cắt không phải là 1,2 sợi cáp đúng không?"

"Có lẽ thế," Kolchak không cười nữa.

"Có lẽ?" Farshad cảm thấy cơn giận dữ từ trong ngực ông lan ra chân tay. Ông cảm thấy bị lừa. "Một vụ nổ như vậy chắc phá hủy hết tất cả rồi."

"Thì sao, nếu đúng là như vậy? Mỹ – Trung hạ nhiệt có lợi gì cho chúng tôi đâu. Mà cũng chẳng lợi gì cho các ông. Để xem điều gì sẽ xảy ta. Ai biết được, khi đó cả hai nước chúng ta đều có lợi..." chuông cảnh báo va chạm rung lên trước khi Kolchak dứt lời.

Đài chỉ huy liên tiếp ra lệnh, thay đổi vận tốc, hướng đi. ("Bánh lái sang phải, tăng tốc tiến trái!") trong lúc Farshad và Kolchak quan sát phía trước mũi tàu. Đầu tiên ông không nhìn thấy gì có thể gây ra va chạm. Không có tàu khác. Không có băng trôi. Không có vật gì to lớn để gây ra thảm họa. Chỉ có bầu trời trong xanh và đám bụi nước vẫn còn vương trong không khí sau vụ nổ.

Chính đám bụi hóa ra là vật cản. Nhưng không phải bụi nước. Cá mập, rất nhiều, chen nhau nổi lên như có quá nhiều táo ở trong thùng, phơi bụng dưới ánh mặt trời. Con tàu vẫn đang luồn lách. Farshad chẳng làm được gì. Ông chỉ mang danh là thủy thủ, không thể giúp con tàu tránh được va chạm. Rezkiy đâm xuyên qua mênh mông là cá chết, thân thể chúng đập vào mạn tàu, gợi ông nhớ đến tiếng băng va làm ông không ngủ được: dong, dong, dong. Sau đó là một luồng tiếng ồn, gắt hơn nhiều, như một mớ xẻng kim loại xé qua thùng rác, đám xác cá mập bị cánh quạt bánh lái của Rezkiy xé nát.

Farsahd đi theo Kolchak xuống cầu chỉ huy. Họ ra đuôi tàu để đánh giá thiệt hại. Đám bụi nước vẫn còn trong không khí. Ánh mặt trời xuyên qua thành hình cầu vồng. Xanh, Vàng, Cam, Đỏ.

Rất nhiều đỏ.

Farshad nhận ra rằng đỏ không chỉ ở trông không khí. Mặt nước đỏ lòm. Rezkiy hư hại nhẹ, tiếp tục tiến tới, để lại phía sau một biển máu.

21:02 JUNE 26, 2034 (GMT+8)

300 HẢI LÝ NGOÀI KHƠI TRẠM GIANG

Bờ Đông bị cắt hoàn toàn khỏi Internet. Dung lượng giảm 80% ở Miền Trung Tây. Bờ Tây chỉ còn 50%. Cắt điện cả nước. Các sân bay đóng cửa. Thị trường hỗn loạn.

Hunt nghe tin cập nhật từ BBC qua chiếc radio mà Quint đưa cho bà. Ngay lập tức bà hiểu sự nghiêm trọng của vấn đề. Bà đi xuống phòng liên lạc, nơi Quint cũng đang nghe đài và đợi bà.

"Có gì mới không?" bà hỏi.

"Chưa có gì"

Hooper không có đấy. Cậu ta đang ngủ, và Hunt thấy hài lòng vì chỉ có mình và viên sĩ quan chỉ huy. Bà biết thông báo mà bà đang đợi, và bà mong càng ít người xung quanh khi bà nhận được nó càng tốt. Cảm giác nhận lệnh như vậy trước những thế hệ trẻ hơn như Hooper thật là khó chịu. Có thể là vì họ sẽ phải chịu đựng hậu quả lâu hơn bà. Đó là suy nghĩ của Hunt khi bà ngồi trong căn phòng nhỏ, cùng với Quint, lắng nghe các âm thanh nền của máy thu HF, đợi lệnh.

Cuối cùng, thông báo cũng đến.

10:47 JUNE 26, 2034 (GMT-4)

WASHINGTON, D.C.

Chow không ở trong phòng khi họ ra quyết định. Ông luôn lấy đó để an ủi cảm giác tội lỗi của mình về những việc xảy ra sau đó. Nhiều năm sau, ông sẽ có cơ hội tốt hơn để tưởng tượng lại những cuộc thảo luận trong Phòng Tình huống dưới ánh đèn mờ từ máy phát điện. Ông có thể hình dung quan điểm của Trent Wisecarver, của các bộ trưởng, các tướng lĩnh, những cân nhắc thiệt hơn về việc họ sẽ phải cam kết thực hiện khi tổng thống vạch ra "làn ranh đỏ" thách những đối thủ ở Bắc Kinh bước qua nó.

Có vẻ như Bắc Kinh đã bước qua làn ranh đó, theo một cách mà ít ai ngờ tới: cắt cáp ngầm và gây rối loạn internet. Vấn đề là đáp trả thế nào. Chắc là phải rất nhanh. Chow hình dung Wise diễn thuyết về lợi ích của nước Mỹ bị xâm phạm, Bộ tổng Tham mưu Liên quân đưa ra các phương án (và có thể chẳng có phương án nào) và tổng thống ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân. Chow không cần tưởng tượng tiếp vì ông đã thấy những nhân vật chính ra khỏi Cánh Tây, điệu bộ nghiêm túc khắc khổ không nói lên gì về những quyết định họ mới đưa ra, thậm chí bản thân họ cũng chưa hiểu biện minh thế nào cho sự phá hủy họ đã thả ra. Liệu họ có hiểu được không?

Sau khi giao việc, Wise quyết định luân chuyển công việc giữa các thành viên hội đồng an ninh, và Chow được về nhà, sáng mai có mặt. Ông chờ đợi đòn tấn công sẽ diễn ra vào buổi đêm. Và tất nhiên sẽ có phản đòn từ Bắc Kinh. Các nhân viên đều phải sẵn sàng. Khi Chow lái xe về nhà, các khu phố vẫn mất điện. Chỉ độ một nửa đèn giao thông làm việc. Nửa còn lại hoặc tắt ngóm hoặc lập lòe vô nghĩa vào những con phố vắng. Vài ngày nữa là rác sẽ ngập lên. Ông bật đài và chỉ nghe thấy tiếng lạo xạo

Ông lái xe trong im lặng và suy nghĩ.

Ông quay đi quay lại với ý nghĩ đó suốt đêm. Khi ăn tối với mẹ và Ashni. Khi bế con lên giường, hai tay nó quàng quanh cổ ông nặng như hai sợi dây thừng, khi ông chúc mẹ ông ngủ ngon và bà phá lệ hôn ông lên trán, và áp tay vào má ông, cử chỉ mà đã lâu lắm bà không làm. Ý nghĩ đó là: làm thế nào để đưa gia đình đến chỗ an toàn.

Chow biết chỗ đó. Đấy không phải là hầm tránh bom (nếu có những cái hầm như vậy), cũng không phải là ngoại ô (mặc dù đó có thể là khởi đầu đúng). Không, ông kết luận, không đủ.

Ông biêt ông phải làm gì

Ông biết phải gọi cho ai.

Trong căn nhà yên tĩnh, mẹ và con gái đang ngủ, nên ông phải thì thầm. Ông nhấc điện thoại và bấm số. Đầu dây kia trả lời ngay lập tức.

"Đô đốc Anand Patel đang nghe"

Chow lặng người đi

"Hello? Hello?"

"Chào bác, cháu Sandeep đây."

13:36 JUNE 27, 2034 (GMT+8)

300 HẢI LÝ NGOÀI KHƠI TRẠM GIANG

Một quầng sáng bừng lên ở chân trời. Sarah Hunt sẽ luôn nhớ đến quầng sáng đó.

11:15 JUNE 30, 2034 (GMT+8)

SÂN BAY ĐÀO VIÊN, ĐÀI BẮC

Lin Bao tưởng là ông đã hiểu họ, hóa ra không phải.

Nếu ông đã từng nghĩ mình là một nửa gốc Mỹ, thì giờ ông không nghĩ thế nữa. Nhất là sau những gì họ đã làm ở Trạm Giang ba ngày trước. Mỗi thành viên thủy thủ đoàn đều có người thân đã mất ở đó, ai cũng có gia đình ở trong bán kính của vụ nổ. Vô khối các bạn bè của ông, từ thời đi học, hay phục vụ ở các tàu khác, hay ba người anh em họ chẳng liên quan gì đến hải quân nhưng sống ở đó, đều đã biến mất trong vụ nổ đó. Những người khác không được gặp may như vậy. Lin Bao không dám tìm hiểu chi tiết, nó quá đau xót. Nhưng ông biết là các bệnh viện ở Bắc Hải, Mao Minh, Yên Giang và xa hơn nữa là Thẩm Quyến đều đầy nhóc những nạn nhân.

Nếu người Mỹ ra đòn nhanh và quyết đoán ở Trạm Giang, TQ cũng tấn công Đài Loan như vậy. Mặc dù đó chưa phải là đòn trả thù vụ nổ 150 kiloton. Lin Bao được điều khỏi tàu để đón Bộ trưởng Chiang sắp đến để họp bàn việc đáp trả. Ông ngồi trong phòng chờ thương gia của British Airway. Những tấm kính từ sàn đến trần cho phép ông quan sát sân bay tấp nập mặc dù các chuyến bay dân sự đã bị cấm. Các máy bay vận tải và quân sự liên tục cất hạ cánh. Bộ trưởng Chiang xuất hiện dưới sự hộ tống của một đội an ninh hùng hậu. Ông thanh minh cho sự chậm trễ của minh: "Họ quá lo lắng bảo vệ tôi," và phá lên cười lo lắng hướng về đội bảo vệ vẫn trơ trơ của mình.

Bộ trưởng Chiang đưa Lin Bao đi cùng đến phòng hội nghị, một căn phòng kính sạch sẽ được thiết kế cho các thương gia họp giữa các chuyến bay. Họ ngồi cạnh nhau ở một đầu bàn dài. Lin không thể không nhận thấy Bộ trưởng không mặc quân phục như thường lệ, mà một bộ đồ ngụy trang còn nguyên những nếp nhăn mới lấy ra khỏi bao. Cũng như Lin, bộ trưởng thi thoảng lại nhìn ra sân bay, ngầm sướng khi thấy những đội quân của mình được chuyển đến và tỏa khắp hòn đảo, cuối cùng cũng đã phải quy hàng.

Nhưng khi quay lại hội nghị, ông trở nên nghiêm nghị. Ông bắt đầu phùng má, cứ như là làm thế cho hàm chuyển động theo. Cuối cùng, ông nói: "Vị thế của chúng ta đang càng ngày càng bấp bênh. Chúng ta có thể có 1 tuần, nhiều nhất là hai tuần, trước khi hạm đội Mỹ tiến đến đủ gần để chúng ta không tự do ra biển được nữa. Điều đó không thể chấp nhận được. Họ sẽ bóp cổ ta, như ta bóp cổ hòn đảo này. Nếu không có đường ra biển, cả đại lục sẽ bị đe dọa, chưa nói đến việc tấn công hạt nhân. Người Mỹ đã bước qua ngưỡng. Một khi họ đã ném quả bom nguyên tử đầu tiên, sẽ không còn nhiều thứ ngăn họ ném quả thứ hai, thư ba. Đã đến lúc chúng ta phải quyết định."

Bộ trưởng nói rất nghiêm túc, làm Lin Bao hơi lúng túng trước khi trả lời. "Có lý do gì-" Lin cố gắng tìm từ để miêu tả bản chất của cuộc họp này, hơi khó hiểu, tại sao Chiang lại triệu tập ông ra khỏi tàu, đến đây, phòng khách thương gia của British Airways, nơi ông cảm thấy như một người xa lạ – "ý tôi là lý do của cuộc họp này?"

Bộ trưởng chúi người về phía trước, ân cần đặt tay lên tay Lin. Sau đó ông nhìn ra ngoài, nhìn đội an ninh của mình, như muốn đội quân áo vét sẫm đó chứng kiến cử chỉ của mình. Và Lin thấy họ chú ý thật. Ông bắt đầu hiểu ra ẩn ý của cuộc gặp mà Chiang thừa nhận "cuộc họp" của họ là "cuộc họp của hai người". Tất nhiên, Chiang có thể mời tướng lục quân khô khan, người đang điều quân đi khắp Đài Bắc, chiếm giữ các vị trí quan trọng như đài phát thanh, truyền hình, và nhà máy điện, cũng như tập hợp đội quân tuyên truyền. Chiang cũng có thể mời chỉ huy không quân, một viên tướng kỹ trị, đang điều hành mạng lưới hậu cần khổng lồ, trong lúc vẫn giữ các máy bay chiến đấu cảnh giác với bất cứ một sự kháng cự nào. Nhưng mời ai trong họ cũng sẽ gây xáo trộn công việc họ đang làm. Thêm vào nữa, Chiang giải thích, ông không tin lắm là họ "có đủ năng lực cho những gì sắp đến."

Vậy điều gì sắp xảy ra?

Khi Lin hỏi, Chiang bỗng thận trọng một cách bất ngờ. Ông khoanh tay trước ngực, hơi quay sang bên, để có thể quan sát Lin từ khóe mắt, như để xác nhận có phải ông đã đánh giá đúng Lin ngay từ đầu.

"Có vẻ như tôi sẽ bị gọi về Bắc Kinh" bộ trưởng nói, rồi lại nhìn ra ngoài phòng, nơi đội bảo vệ đang đứng. Những người này bảo đảm chắc chắn là ông sẽ phải quay về, dù ông có muốn hay không. "Sau những gì ở Trạm Giang, có một số ý kiến cho rằng chúng ta đã tính toán sai đòn đáp trả của Mỹ." Ông chăm chú nhìn xem Lin Bao có phản ứng gì về lời buộc tội này không. "Cả trong và ngoài Thường vụ Bộ Chính trị đang buộc tội tôi. Âm mưu như vậy không có gì bất ngờ cả. Kẻ thù của tôi thấy điểm yếu và họ tấn công. Họ cho rằng, tôi đã quá ngây thơ tin vào các đồng minh không tin cậy ở Biển Barents, hay đánh giá điểm yếu nhất của tổng thống Mỹ chính nỗi sợ tỏ ra yếu kém. Tôi không thể lên được đến chức này nếu không sở hữu những trực giác giúp tôi vượt qua những âm mưu như vậy. Và trực giác mách tôi tìm đến anh, đô đốc Lin Bao. Đó là lý do tôi ra quyết định để anh thay thế Ma Qiang. Và bây giờ tôi cần anh hậu thuẫn, không chỉ chống lại kẻ thù bên ngoài mà cả đối thủ bên trong."

"Đúng, cho những điều sắp xảy ra."

Nhưng Lin không biết điều gì sẽ xảy ra. Có thể là họ sẽ giữ Đài Bắc và đàm phán với người Mỹ. Trạm Giang là cái giá để họ có thể sát nhập Đài Loan. Ông nói điều này với bộ trưởng Chiang, nhắc lại chiến lược ban đầu là hạ nhiệt, theo kế sách "Bất chiến tự nhiên thành" của Tôn Tử.

Một viên sĩ quan an ninh áo vét sẫm tiến tới gõ lên cửa kính bằng ngón giữa. Anh ta chỉ tay lên đồng hồ. Đã hết giờ.

Bộ trưởng Chiang đứng dậy, vuốt lại đồng phục phủ lên cái eo mềm mại của ông. Cố gắng hết sức để giữ phẩm giá, ông giơ một ngón tay lên cho viên sĩ quan thiếu kiên nhẫn, đề nghị chờ thêm tí nữa. Rồi quay sang Lin Bao, đặt tay lên vai ông: "Đúng, chúng ta đều biết một chút về Tôn Tử. Ông là bậc thầy của chiến tranh bất đối xứng, về việc chiến thắng không cần đánh. Nhưng ông cũng dạy chúng ta: nếu khó khăn, hãy dấn tới. khi bị bao vây, hãy nghĩ mưu."

Viên sĩ quan an ninh mở cửa xông vào, ngắt lời họ.

Ánh mắt bộ trưởng lóe lên, rồi dừng lại kiên định ở Lin Bao: "khi đường cùng, phải đánh."

Rồi cũng bất ngờ như lúc xuất hiện, bộ trưởng rời đi

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #2034