[REBIRTH] Cho Một Tuổi Thơ Vụn Vỡ
Xin chào mọi người, chúc mọi người một ngày tốt lành.
Tớ là thành viên mới của team, với ngòi bút thuần Việt, hi vọng tớ sẽ mang đến cho các cậu những câu chuyện gần gũi mà sâu sắc nhất.
Bút danh của tớ là REBIRTH, nhưng hãy gọi tớ là Thảo Vi, Tiểu Tái hoặc Re nếu muốn, nhé!
Hi vọng những mẩu chuyện nhỏ của tớ sẽ mang đến cho mọi người những giây phút tuyệt vời nhất.
...
"...Bà cụ cầm lấy tay em, rồi hai bà cháu bay vụt lên cao, cao mãi, chẳng còn đói rét, đau buồn nào đe dọa họ nữa."
Và có lẽ chết cũng là một kiểu giải thoát của Chúa Trời, tôi đã từng nghĩ như thế.
-Oắt con! Lại là mày à?
Tôi không thích được cái giọng ồm ồm của ông chủ tiệm sách, nhất là khi đây là lần thứ chín hoặc thứ mười trong tuần ông ấy mắng tôi, mỗi ngày mắng một lần, có khi mắng tới hai lần một ngày. Dẫu sao ông cũng là người mắng tôi nhiều thứ nhì trong đời, nhưng tôi chẳng thể nào ghét ông ấy được, có lẽ vì xung quanh tôi người ta thường chọn làm lơ hơn là để ý. Một nguyên nhân khác là dạo cuối năm khách hàng đông đúc, trong tiệm sách người qua kẻ lại nhìn mà ấm mắt, ông chủ cũng không rảnh miệng đuổi tôi như hồi đó. Nhưng mà vẫn nhanh thôi, một quyển "Cô bé bán diêm" tôi đọc gần tuần nay rồi, mỗi ngày đọc một chút, đọc tới khi nào bị đuổi, bị đuổi rồi quay lại đọc tiếp, cuối cùng cũng xong! À, không phải, là gần xong thôi, còn một đoạn nữa nhưng thôi, bữa sau đọc tiếp.
Tôi sờ sờ cái túi bên người, may quá vẫn còn, rồi vừa kiểm tra đồ đạc bên trong vừa vắt giò chạy ra khỏi tiệm. Tôi để ý khách trong tiệm nhìn tôi, nhìn được một chút, chắc cỡ vài giây, rồi lại lựa tiếp, họ không để ý đến tôi, tôi biết mà, chỉ có đằng sau vọng lại tiếng chủ tiệm quát tháo. Ông ấy dọa được một chút lại ngưng ngay, có lẽ sợ tôi không nghe được hoặc là có khách hàng gọi rồi, mà thực ra tôi biết, chắc ông ấy cũng biết, thể nào tôi chả quay lại. Mắng hay không cũng bằng thừa! Nói như vậy nghe có hơi kỳ, tại da mặt tôi cũng hơi dày, nhưng mà thôi kệ, phải đọc để biết với người ta, tôi sợ bấy lâu không đọc sách riết rồi con chữ cũng dần quên.
Tôi được đi học, nhưng đã từng thôi, giờ thì hết rồi, hoặc gần hai năm nay là vậy. Mà tôi cũng hơn mười tuổi rồi, nhưng không phải là học lớp năm, chỉ được học tới lớp ba thôi nên tôi đọc chữ được chữ mất, mà nghe đâu chúng bạn sắp học cấp Hai, làm bài văn dài bốn mặt giấy, oách ghê! Nghe đâu chúng nó còn được tả trường học, tả thầy cô, tả bạn bè, không những tả mà còn kể, kể đi học, kể đi chơi, thăm ông bà... Nghe thật thích nhưng sao mà xa xỉ quá! Mà thôi, tôi là thằng đầu đường xó chợ cho đi học phí tiền phí của, tôi không tả được như thế, cũng không kể được như vậy. Trường thế nào sắp quên mất rồi, mà thầy bạn liệu có nhớ tôi? Chắc tôi quên rồi cái cảm giác được đi học, quên sao cái cảm giác lúc đi chơi và cố quên cái cảm giác bị đuổi xua, mắng chửi lúc qua nhà người cô, người bác...
Ôi thôi, nghỉ cũng nghỉ rồi, nhớ làm chi nữa!
Tôi lục lọi trong cái túi, lấy ra đôi tờ vé số. Hôm trước vẫn ế, may nhờ ông chủ tiệm sách bán được mẻ lớn nên mua cho tôi bao nhiêu là vé, hôm nay tôi rút kinh nghiệm, mới sáng sớm đã lên tới chợ, đi cũng tận mấy vòng mà bán chẳng được bao nhiêu, rồi nghe được nhà nào có đám, có tiệc liền nhanh chân tấp vào, thế mà cuối ngày vẫn thừa lại mấy vé. Nhưng mà hôm nay gặp "khách cũ", cũ hay không thì cũng kệ, là mẹ thằng Nam ấy mà, nghe đâu thằng Nam "than" dữ lắm, nào đọc bài tới hoa cả mắt, nào viết bài tới gãy cả tay, còn nhân chia thì hai chữ số rồi ba chữ số... Nhân chia hai chữ, ba chữ gì thì tôi mặc, nhưng nó nói tôi sướng lắm cơ, chẳng phải học tối mặt như nó. Mà "sướng" hay không thì tôi không biết, nhưng tự dưng tôi muốn đi học lạ lùng. Chắc tôi cũng muốn học bảng "củ" chương, cũng muốn cộng trừ nhân chia như chúng nó... Nhưng thôi, học rồi lấy đâu thời gian đi bán vé số. Ba tôi luôn nói thế, mà ông cũng không biết chữ, tôi biết đọc biết viết thế là "sướng" rồi.
Chắc phải thế thôi... Rồi tự dưng khóe mắt cay cay, tôi vội vã ngẩng đầu, không biết lại nhà nào thái hành hay băm ớt, sao mày cay thế, muốn chảy nước mắt rồi. Tôi nắm chặt mấy tờ vé số, mím chặt môi để nước mắt không rơi, những vì sao trước mắt tôi hiện lên thật rõ ràng, bỗng chốc rồi mờ dần, rồi xa xôi, rồi tắt lịm. Tôi đã nhắm mắt lại bởi đôi mắt ươn ướt hay đôi mi nặng trịch. Và tôi đang hỏi tới những người nào đó thật xa, rằng mẹ tôi là ai trong những vì sao trên trời tỏa sáng, rằng mẹ có gặp được ai, được ông, được bà, được cô bé bán diêm của những ngày trời đông giá lạnh? Tôi đã hỏi rằng chết đi rồi thật sự không sợ đói rét, không sợ đau buồn, vậy chết đi rồi đi học có được không? Rồi tự dưng tôi muốn khóc quá, nhưng lại khóc không được, chắc là tôi sợ khóc, chỉ những đứa lì đòn hoặc là "con cưng" thì mới dám khóc, khóc thật lớn, khóc thỏa thê. Nhưng tôi nào phải "con cưng" của ba, tôi chỉ là một đứa nhát gan, sợ sệt, tôi sợ đau nên chẳng dám khóc, bởi nếu khóc thì đau thêm thôi.
Hôm trước bán hết về nhà ba mắng, hôm nay bán ế chắc phải chịu đòn, nhưng chưa bị mắng, vẫn chưa bị đánh mà nghe sao "đau" lạ lùng. Tự dưng tôi muốn hỏi thằng Nam, nếu thật sự tôi "sướng" hơn nó, có phải mẹ nó cũng đánh, cũng mắng nó giống như tôi? Rồi tôi nhớ trận đòn của ba, nhớ tôi đau tới co rúm người, nhớ tới những cái chổi, cái roi, hoặc có bữa tốt hơn: tay không. Tự nhiên tôi thấy thương thằng Nam lạ lùng, nhưng nó đâu có bán vé số như tôi, mẹ nó cũng đèo nó đi học mà, lạ quá! Thế mà tôi vẫn "sướng" hơn nó ư? Ba chẳng bao giờ đèo tôi như thế, cái xe đạp cũ nát trong nhà, cũng là cái xe đạp duy nhất, ba vừa bán ve chai tháng trước, nghe đâu đó là cái xe đạp của mẹ thuở còn mặc áo dài. Nhưng "thuở còn mặc áo dài" là gì thì tôi không biết, ấy thế mà tôi có hỏi ba, nhưng ba không trả lời, rồi bán thì vẫn bán, chắc là không quan trọng lắm đâu.
Còn nhớ mẹ ưa đèo tôi bằng cái xe đạp đó, về những buổi tinh mơ mẹ đưa tôi đi học trên con đường làng đất đỏ, về những ngày được nghỉ mẹ đưa tôi dạo quanh khu chợ làng để hòa mình vào những nhịp rao hàng nhộn nhịp, về những chiều yên bình mẹ đưa tôi dọc theo khúc sông quê phẳng lặng bỏ lại sau lưng một mảng trời đỏ lựng ưu phiền. Bao nhiêu mảnh ký ức phai nhòa tôi cứ ngỡ mình quên mất rồi, thậm chí còn chưa lần nào thử nhớ, rồi tự nhiên nhìn người ta dắt chiếc xe của mẹ dọc theo con đường mòn quen thuộc, những thứ đó bỗng chốc xoáy mạnh vào tâm trí tôi. Chẳng ai kịp dạy tôi cảm giác này được gọi là gì, tôi cứ đứng đó dõi theo bóng lưng của người ta mãi cho đến khi chiếc xe đạp khuất dần sau bụi dâm bụt đằng xa. Tự dưng tôi muốn chạy theo người ta quá, chạy theo để giành lại chiếc xe đạp của mẹ, giành được hay không thì cũng kệ, cũng phải ăn vạ, cũng phải khóc thé cho có với người ta. Nhưng một tiếng quát lớn của ba khiến tôi chực tỉnh lại:
-Thằng kia! Sao còn chưa đi bán? Đợi tao tiễn mày đi à?
-Dạ...Con... Con đi liền!
Tôi ôm chặt cái túi bên người, rồi cắm cúi chạy ra khỏi nhà và trên trời, những tia nắng trưa trời oi ả đè nặng trên lưng, trên cổ, tôi như đội cả nắng quê mình. Đằng sau, tiếng những bộ phận hoen gỉ của chiếc xe va vào nhau, tiếng đuôi xe thỉnh thoảng chạm vào vách tường bên cạnh, rồi tự dưng chúng trở nên thật xa, những thanh âm ấy trong tôi nhỏ dần, nhỏ dần rồi tắt lịm. Chắc người ta khiêng nó lên xe tải rồi, và họ sẽ chở nó tới bãi ve chai mà ở đó người ta sẽ dở xuống từng bộ phận nhỏ, rồi dập nát. Họ làm gì thì tôi không biết nhưng tôi có cảm giác rồi những ký ức của tôi về mẹ cũng theo đó mà biến tan.
Tôi bỏ lại vào túi bên hông đôi tờ vé số rồi dốc sức chạy thật nhanh trên con đường làng lầy lội, một trận mưa tầm tã để lại những giá rét trong không khí và khắc nghiệt giữa đêm dài. Tôi sẽ chẳng ngủ được, hoặc là tôi đoán thế, không phải tại những lời mắng nhiếc tục tĩu hay bao trận đòn roi đau đớn khiến tôi rúc người bên chân giường hay đứng nơi góc phòng run rẩy. Tôi sợ mưa, sợ đến vô ngần. Nhưng không phải sợ tiếng sấm ì đùng bên tai hay ánh sét thình lình rạch giữa trời mà là sợ cái cảm giác bất lực dẫu tôi có co chặt người lại thì bao cái giá lạnh vẫn len lỏi qua tấm áo phong phanh. Rét buốt! Thôi thì đêm nay không về nhà.
Ở những năm tháng ấy, chẳng ai dạy tôi cảm giác ấy gọi là cô đơn.
Tôi chạy qua mấy con đường làng, từ đường lớn chạy vào ngõ nhỏ, rồi lại nhỏ thêm, nhỏ nữa và thỉnh thoảng giẫm lên bao vũng nước đục, nước văng tung tóe, nước bắn vào chân, chân tê rân rân từ bắp chân đến tận các ngón. Những ngón chân của tôi sưng lên, đỏ lựng trong cái ran rát của những vết thương, vết bầm. Có người hỏi tôi chứ đau không, tôi trả lời là đau chứ, nhưng đau riết rồi quen, quen rồi thì vẫn đau, nó chỉ khác lần đầu tiên ở chỗ hôm ấy bị đau rồi thì đi được bao nhiêu đoạn đường, còn hôm nay bị đau rồi thì đi được gấp mấy lần như thế. Và quen không có nghĩa là hết đau nhưng quen rồi tôi học được cách đứng lên và bước tiếp dẫu là trên một đôi chân trần đi chăng nữa.
-A! Anh Ba về! Anh Ba về!
Chúng tôi là những đứa trẻ của xóm thôn nghèo đói. Chúng nhìn tôi, cái nhìn da diết và nhớ nhung như mẹ nhìn tôi từ cửa lớp đến tận cổng trường thuở còn sung túc, cái nhìn đầy ắp "gia đình" mà những đứa trẻ bần hàn, đáng thương chúng tôi dành cho nhau những lúc lạnh về. Chẳng còn gì tuyệt vời hơn thế. Tôi thích cái cách chúng đón tôi về dẫu chẳng bán được gì vào những ngày mưa tầm tã. Tôi thích cái cách chúng mong tôi về dẫu chẳng thưởng, chẳng cho, chẳng hứa, chẳng hẹn với chúng một điều gì khác. Và có chăng tôi thích về "nhà" –Cả khoảng trời trong trẻo của tôi một thuở!
-Hôm nay anh Ba lại kể tiếp câu chuyện "Cô bé bán diêm" à?
-Ừ, anh kể tiếp cho nghe...
Ở đây, tôi dạy chúng học, tôi đọc chúng nghe và những lúc tôi kể với chúng về những câu chuyện cổ tích có lão già râu tóc bạc phơ, có bà tiên huơ huơ gậy phép, có công chúa xinh đẹp, hiền lành và có những đứa trẻ của thế giới có thần tiên. Ở đây, tôi được là tôi, tôi có thể thỏa thê tính cộng, tính trừ mà chẳng sợ một ai mắng chửi, cũng có thể thỏa mái đọc to những áng văn hay bên ngọn nến hồng mà chẳng sợ đánh thức một ai. Và ở đây, tôi chỉ là tôi, tôi không phải đứa trẻ đáng thương nơm nớp cái roi ba vắt bên vách nhà, cũng không phải đứa trẻ cô độc thổn thức trông chờ mẹ bước vào mộng hằng đêm.
-Người bà nào cũng tốt anh nhỉ? Bà của em ngày trước cũng thế.
-Ừ, mẹ của anh ngày trước cũng thế...
Câu chuyện của chúng tôi luôn bắt đầu bằng "ngày trước", không phải vì ngày trước chúng tôi có tất cả mà là vì ngày nay chúng tôi chẳng có gì cả. Tôi là đứa trẻ nghèo hèn, bần tiện. Cái nghèo khốn cùng từ áo mặc đến tâm hồn, tôi chỉ biết ngày hôm nay cũng giống ngày hôm qua, tôi đội cái nón lá rách tươm trong bộ áo quần bẩn thỉu và đôi chân trần lang thang khắp chợ đời. Những tháng mẹ bệnh, tuổi thơ của tôi chạy chậm lại rồi một ngày nó dừng luôn, dừng hẳn và trong tôi chỉ còn tiếng lòng vụn vỡ của một đứa trẻ lên mười.
Một chiều hôm nọ, con diều giấy của lũ nhà bên rơi vào sân tôi, nhìn những cánh diều giữa trời trong chao liệng, tôi tự hỏi mình bỏ con diều đâu mất rồi, lâu đến nỗi tôi nhớ không nỗi nữa, hình như một ngày nào đó tôi mất tất. Rồi tự dưng đêm đó, những cánh diều rơi vào mộng tôi cùng với những gốc rơm, gốc rạ giữa cánh đồng bát ngát, bao la và trời xanh lộng gió mùa hái gặt.
Tất cả đều dừng lại trong tuổi thơ tôi.
-Sao hôm nay anh lại về đây? Anh không sợ ba đánh nữa à?
-Vẫn sợ chứ, nhưng anh về hay không thì ba vẫn đánh thôi.
Ngày trước tôi hay tự hỏi "Hôm nay ba có đánh mình không?", nhưng bây giờ tôi lại ưa hỏi "Hôm nay ba có đánh nhiều không?". Trong những câu chuyện thần tiên mà năm ấy mẹ kể tôi nghe, tôi cứ ngỡ mọi câu chuyện đều kết thúc bằng "...và họ sống hạnh phúc mãi mãi về sau" trong cái chết đầy đớn đau của quái vật. Nhưng có lẽ tôi đã sai, tôi sai ở những niềm tin ngây dại rằng đời mình cũng là cổ tích! Và rồi thời gian khiến tôi tỉnh mộng, nó đánh thức tôi khỏi sự trông chờ mù quáng để đắm mình trong chuỗi ác mộng đăng đẳng của cuộc đời. Sẽ chẳng ai diệt nổi con quái vật của đời tôi bởi lẽ tôi chỉ là tùy tùng của ác quỷ. Tôi làm việc cho quỷ để Ông ban tôi một bát cơm lành dẫu Ông chẳng bao giờ làm thế và tôi chẳng có gì như thế mặc dù chẳng mong gì hơn thế.
Tôi nghĩ, rồi tự dưng lại thấy tủi thân đến vô cùng.
Tôi cuộn mình bên mái hiên xiêu vẹo. Cái lạnh của đất, cái giá của trời khiến người tôi run run nhưng chẳng bằng một đợt đớn đau rồi âm ỉ của mấy vết thương lúc động. Ôi, sao đau lạ lùng! Lại một đêm trăng tỏ, nhưng tôi không ngủ được. Nhìn đau đáu qua khung cửa sổ tang hoang và trong cái nhìn nhỏ bé của tôi, những vì sao như nhích lại gần nhau hơn giữa trời đêm hiu quạnh. Rồi trong cái nhìn thân thương của những vì sao lạ, tôi chắp tay nguyện cầu cho một ước mong đầu tiên của đời: Tôi ước... Tôi ước cho một đêm nào đó, mẹ sẽ đến bên tôi, bà ôm tôi vào lòng và kể nốt "Cô bé bán diêm" hãy còn dở dang, để ngày mai chẳng bị một ai đuổi xua bởi không tiền, không của. Tôi ước, mẹ nhẹ vuốt tóc tôi, bà dỗ tôi sau cơn ác mộng và để tôi kể bà nghe về những năm tháng tủi thân, túng quẩn với nước mắt, cây roi và những tờ vé số lã chã rơi trong ký ức dọc theo con đường mà tôi bước qua. Và tôi ước, mẹ nắm lấy tay tôi, cứu tôi khỏi dặm đường đau khổ, đưa tôi về nơi chốn bình yên mà chẳng có đói rét hay đau buồn nào có thể với tới trong tiếng ru thiết tha, trìu mến mà tôi lỡ bỏ quên giữa một thuở ấu thơ dại khờ.
"À ơi... Gió đưa cây cải về trời... Rau răm ở lại... chịu lời... đắng cay..."
Ôi thôi, sau tất cả mọi thứ, tôi chẳng mong gì hơn thế.
Và trong một giấc mơ, tôi thấy bà đến bên tôi, bà ôm tôi vào lòng, nắm lấy đôi bàn tay nhỏ bé và xoa dịu những vết thương trên chân tôi...
Tôi chẳng cần chiếc bánh ngon lành, chẳng cần một bài hát du dương, chẳng cần lời chúc mừng cao đẹp, cũng chẳng cần thổi nến, chẳng cần mở quà và chẳng cần một ai khác nữa, tôi chỉ cần mẹ thôi. Tôi nói với những vì sao, để cho mẹ đưa tôi đi, tôi nguyện dùng điều ước lúc trước, dùng sinh nhật của mãi sau này, tôi đánh đổi quá khứ, tôi bán đi tương lai, tôi chẳng cần ngày mai hay một điều gì khác, tôi chỉ cần mẹ thôi...
Và nếu ngay tại đây, ngay lúc ngày, bề trên xót thương cho đứa trẻ nghèo hèn như tôi một điều ước, tôi ước rằng đừng để ai đánh thức tôi, đừng để tôi bao giờ thức dậy và để tôi được ngủ mãi giữa khoảng trời trong trẻo của mình mà nơi đó mẹ, có tôi, có những đứa trẻ, có một cánh diều và câu chuyện "Cô bé bán diêm". Tôi sợ khi mở mắt ra rồi tôi lại nhìn thấy ngày mai.
Chẳng ai dạy tôi một điều gì đó như tương lai xa vời, nhưng tôi biết ngày mai của tôi lại là câu chuyện về những đứa trẻ, một người cha, đôi tờ vé số và câu chuyện "Cô bé bán diêm" cho một tuổi thơ vụn vỡ.
...Giữa những khoảnh khắc ấy, tôi cứ ngỡ cô bé bán diêm chết đi trong tình yêu thương của người bà quá cố.
Và rồi một lúc nào đó giữa đêm dài tịch mịch, những đứa trẻ đó ôm lấy tôi, chúng cho tôi ấm áp vô bờ mà chẳng một giấc mơ nào cho tôi được.
Hết
25.7.2018
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro