2. Sự hình thành HST rừng.
2. Sự hình thành HST rừng.
2.1. Khái niệm HST rừng.
Khái niệm: HST rừng (Forest ecosystem) là một HST mà thành phần nghiên cứu chủ yếu là sinh vật rừng (các loài cây gỗ, cây bụi, thảm tươi, hệ động vật và vi sinh vật rừng) và môi trường vật lý của chúng (khí hậu, đất).
Nội dung nghiên cứu HST rừng bao gồm cả cá thể, quần thể, quần xã và HST, về mối quan hệ ảnh hưởng lẫn nhau giữa các cây rừng và giữa chúng với các sinh vật khác trong quần xã đó, cũng như mối quan hệ lẫn nhau giữa những sinh vật này với hoàn cảnh xung quanh tại nơi mọc của chúng (E.P. Odum 1986, G. Stephan 1980).
2.2. Các nhóm nhân tố tạo nên HST rừng.
HST rừng được hình thành do tác động tổng hợp của 5 nhóm nhân tố sinh thái. GS.TS. Thái Văn Trừng phân biệt thành 5 nhóm nhân tố: Địa lý – địa hình; khí hậu – thủy văn; đá mẹ - thổ nhưỡng; khu hệ thực vật; sinh vật và con người.
(1)- Nhóm nhân tố địa lý – địa hình:
- Là nhóm nhân tố cao nhất trong thứ bậc phát sinh quần xã: gồm các nhân tố độ vĩ, độ kinh, độ cao, hướng phơi, độ dốc,… Nhóm nhân tố này có tác dụng gián tiếp đến quá trình phát sinh HST rừng thông qua ảnh hưởng của nó làm thay đổi các nhóm nhân tố sinh thái khác như khí hậu – thủy văn, đá mẹ - thổ nhưỡng và khu hệ thực vật.
- Hai nhóm nhân tố quan trọng nhất có sự song hành và có ảnh hưởng mạnh đối với quần xã thực vật là độ cao và độ vĩ. Do vậy, có thể phân biệt ngay trong quần xã thực vật của một vùng nào đó có hai nhóm lớn: Nhóm các quần xã thực vật theo độ vĩ và nhóm quần xã thực vật theo độ cao.
Ví dụ: Trong cùng một khu vực, nhưng ở trên cao thì không khí loãng hơn, nhiệt độ thấp hơn, thực vật chuyển dần từ cây lá rộng, ưa ẩm sang cây lá kim v.v..
(2)- Nhóm nhân tố khí hậu - thủy văn:
Đây là nhóm nhân tố chủ đạo quyết định hình dạng và cấu trúc của HST rừng. Nhóm nhân tố này bao gồm các nhân tố khí hậu – thủy văn (bức xạ mặt trời, nhiệt độ, lượng mưa, gió, dòng chảy,…).
Ví dụ: Rừng ở vùng ôn đới phần lớn là rừng có một loài cây, ngược lại rừng ở vùng nhiệt đới phần lớn là do nhiều loài loài cây hợp thành.
Hay rừng ở vùng hàn đới, ôn đới thường là rừng cây lá kim, với các loài chiếm đa số là thông, thông rụng lá, vân sam, linh sam. Rừng ở vùng nhiệt đới thường có rất nhiều loài cây lá rộng như: Lim xanh, bưởi bung, vạng trứng, mỡ, giổi xanh,… cùng sinh sống. Những vùng có khí hậu chia thành 2 mùa rõ rệt như khu vực Đông Nam Á (kể cả miền Nam nước ta) có loại rừng khộp - một kiểu rừng với các loài cây thuộc họ Dầu lá rộng (Dipterocarpaceae) chiếm ưu thế - cây rừng phát triển mạnh vào mùa mưa và rụng lá vào mùa khô.
Ở đây, chế độ nhiệt đặt trên chế độ khô ẩm.
(3)- Nhóm nhân tố khu hệ thực vật:
Là nhóm nhân tố quyết định thành phần loài cây tham gia vào HST rừng. Trong cùng một điều kiện khí hậu, đất đai như nhau, nếu nguồn giống thực vật khác nhau sẽ dẫn đến việc hình thành nên những HST rừng khác nhau.
(4)- Nhóm nhân tố đá mẹ thổ nhưỡng:
Nó giữ vai trò quyết định trong việc hình thành các HST. Đá mẹ và đất đai là một trong những nhân tố quyết định sự phân bố của thực vật (do đá mẹ khác nhau thì tính chất lí hoá học khác nhau).
Ví dụ: Nếu đất do đá mẹ là đá vôi phong hoá thì thực vật chỉ thị gồm cây Kim hoa, Chò chỉ, Trai, Nghiến; Nếu đất do đá mẹ là đá phiến thạch phong hoá thì thực vật chỉ thị là Vân sam, Lãnh Sam; Nếu đất do đá mẹ là đá Sa thạch phong hoá thì thực vật chỉ thị là cây Thông 2 lá; Nếu đất do đá mẹ là đá Hoa cương phong hoá thì thực vật chỉ thị là cây Thông mã vĩ...
Do vậy, trên đất đá vôi, đất lầy ngập mặn ven biển, đất đồi trọc với các loại đá mẹ khác nhau sẽ hình thành những quần thể thực vật rừng khác nhau, từ đó hình thành các HST rừng khác nhau.
(5)- Nhân tố sinh vật và con người:
Là nhóm nhân tố có tác động mạnh mẽ đến việc hình thành các HST rừng. Con người vừa là tác nhân phá hoại rừng (đốt nương làm rẫy, khai thác rừng bừa bãi,…) vừa là nhân tố tích cực phát triển tài nguyên rừng (trồng rừng mới, nuôi dưỡng rừng,…).
Bất kỳ HST rừng nào cũng được hình thành bởi tác động tổng hợp của 5 nhân tố trên.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro