
Chương 29*. Thần nữ
Tô Tứ rất biết cách ứng xử với người trong thôn. Hắn ta không hề giật mình hay hoảng hốt mà vẫn một mực tươi cười khiến cho Dẫn Đăng vô cùng vui vẻ.
Sau khi nhận đồ và đóng cửa, nét mặt hắn ta mới trở nên nghiêm trọng: "Xem ra họ rất thích Thời chưởng môn. Ta ở đây gần nửa tháng mà chưa từng nghe nói đến chuyện này."
Thời Kính Chi nhíu mày: "Ta chưa nghe về triệu chứng như vậy bao giờ. Tô tiểu huynh đệ này, trong nửa tháng tới đây huynh còn gặp chuyện lạ nào không?"
"Tin ta đi, nơi này tuyệt đối không phải một nơi tốt lành." Tô Tứ hờ hững nghịch dao. "Thời tiết, nhiệt độ, và độ ẩm của gió suốt nửa tháng không thay đổi một lần. Đáng sợ hơn là, họ không cần ta làm gì hết."
Nghe vậy, Diêm Thanh lộ ra vẻ nghi hoặc.
Tô Tứ ném dao xuống bàn rồi nhéo mặt Diêm Thanh: "Lẽ ra hai năm chơi cùng nhau ta phải dẫn ngươi đi đây đó nhiều hơn. Hãy nhớ trên đời này không có kẻ nào nhét bánh ngon vào miệng ngươi ép ngươi ăn cả, chỉ có kẻ cướp người khác về làm vợ, nào có kẻ cướp người khác về làm cha mẹ để mà cung phụng!"
Thời Kính Chi giải thích: "Bắt ngươi tới không cho phép ngươi đi nhưng lại không cần tài cần sắc của ngươi, thế thì chỉ có thể là cần mạng ngươi thôi."
Diêm Thanh bừng tỉnh.
"Không biết tính cách thật thà của Phái Thái Hành là tốt hay xấu nữa, làm ngu con nhà người ta rồi này." Tô Tứ thả tay, lo lắng nói.
Mọi người không nắm được nhiều tin tức nên cũng không thể suy đoán hay bày mưu. Họ mới tán gẫu đôi câu thì đã đến giờ cơm trưa. Nhờ có chiến tích huy hoàng của Thời Kính Chi, hôm nay Doãn Từ chế biến đại tiệc cá.
Tô Tứ không động đũa: "Ngươi còn về được phái Thái Hành không Tam Tử? Nghe ngươi nói thì có vẻ Thi tiền bối cũng không giận ngươi, hay là ngươi đổi thân phận khác... Hai vị, ta không có ý nói phái Khô Sơn không tốt. Chẳng qua các vị thấy đấy, huynh đệ này của ta có khác nào khúc gỗ đâu, chắc chắn cậu ta không chịu nổi sóng to gió lớn gì rồi."
Diêm Thanh cụp mắt: "E là không được."
Tô Tứ gật đầu: "Không về thì không về. Chờ ta làm đại hiệp, ta che chở ngươi. Hay thế này đi, đợi rời khỏi đây rồi ngươi đi với ta..."
Thấy hai thầy trò động đũa, Tô Tứ mới gắp một miếng cá ăn.
"Thôi để ta đi với ngươi." Miếng cá xuống bụng, Tô Tứ nghiêm túc sửa lời. "Con người phải sống thực tế, làm đại hiệp cũng phải bước từng bước một. Thời chưởng môn, phái Khô Sơn các ngài còn thiếu người không?"
Thời Kính Chi: "..."
Thời Kính Chi: "Kể cũng ngại, nhưng tại hạ hết tiền rồi."
"Gì mà tiền với chả nong, khách khí quá. Ta còn ít bạc trong tay nên chỉ cần bao cơm là được." Tô Tứ nhiệt tình đề xuất.
Liếc nhìn Bạch gia, Doãn Từ bỗng chen miệng: "Tô huynh biết làm gì?"
"Hả?"
"Sư tôn không nhận đồ đệ, huynh chỉ có thể làm hạ nhân. Diêm Thanh quản lý tạp vụ, ta biết săn thú làm cơm. Còn Tô huynh định...?"
Tô Tứ vò đầu bứt tai một hồi: "Ta cho các vị mượn Bạch gia chắc cũng tính chứ?"
Về tay rồi, Doãn Từ thầm nghĩ. Con yêu quái ngỗng này thật sự có trực giác mạnh ghê gớm, có tác dụng trong việc tìm thị nhục.
Y vừa nghĩ vừa quay đầu toan liếc Thời Kính Chi, để rồi phát hiện ra sư phụ gà mờ đang nhìn y đầy trìu mến, ánh mắt dịu dàng đến độ nổi cả da gà.
Doãn Từ suýt thì sặc canh cá.
"A Từ, xuôi xuôi, xuôi xuôi." Thời Kính Chi vỗ lưng cho y.
Thời Kính Chi yêu thích hơn là đề phòng người đồ đệ này.
Trước khi xuống mộ hắn đã ủy thác cho Thẩm Chu điều tra tất cả mọi người. Dọc đường đi, Thời Kính Chi tuy sợ nhưng vẫn âm thầm quan sát từng người một. Nếu có kẻ mạo danh thì lẽ ra hắn phải phát hiện được điều gì đó. Tuy nhiên hắn không phát hiện được gì.
Hắn từng giao đấu với người áo trắng. Nhìn vóc dáng, người áo trắng mới chừng hai mươi tuổi. Vượt qua ba tầng chỉ còn lại mấy chục người, phạm vi ngày càng thu hẹp. Vậy mà hắn vẫn không tìm được.
Mà Doãn Từ là kẻ duy nhất hắn không tra ra được nguồn gốc. Chẳng qua hắn cứ miệt mài dò xét, còn Doãn Từ thì cứ sừng sững an yên, thành ra hắn không thể nào kết luận.
Thế nên hắn chọn một phương pháp vẹn cả đôi đường - đặt lớp giấy cửa sổ chắn giữa hai người, rồi để mặc đấy. Một khi hắn đã nói ra những lời như "không quản chuyện riêng", thì bất luận Doãn Từ có phải người áo trắng hay không, sự hòa hợp giữa hai người cũng sẽ không bị ảnh hưởng.
Chưa kể Doãn Từ là một đồ đệ hoàn mỹ, y ngoan ngoãn và nấu ăn ngon. Một người bình thường bị cuốn vào mớ bòng bong kiểu này ắt hẳn sẽ bực bội ít nhiều, song Doãn Từ không những không oán thán, mà còn thúc đẩy Tô Tứ tham gia.
Thời Kính Chi bỗng nhớ tới con mèo mình trộm nuôi hồi bé.
Mèo ta bảo vệ lãnh địa của mình rất nghiêm ngặt, nó gầm ghè với bất cứ thứ gì xa lạ. Trừ việc này ra thì nó cũng dễ nuôi. Gắn vào tình huống hiện tại, con mèo trước mắt trắng hay đen, nghĩ lại thì cũng không quan trọng đến thế.
Thời Kính Chi mải nghĩ ngợi vẩn vơ, thế là bị viên cá làm cho bỏng đầu lưỡi. Hắn chưa kịp nói gì, Doãn Từ đã đẩy cốc nước lạnh qua.
Nếu cuộc hội ngộ trên núi Khô là ý trời, thì ông trời giờ đây cũng khá hiền từ với hắn.
Thời Kính Chi đánh chén no nê xong lại bắt đầu gảy gảy gậy trúc Trừng Ngân, đoạn ướm nó với vải gai Hàn Ti rồi than thở không ngừng.
Nóng lòng được chứng minh sự hữu dụng của mình, còn chưa nuốt cá trong miệng, Tô Tứ đã nhiệt tình hỏi: "Thời chưởng môn băn khoăn gì thế?"
"Lá cờ trước hỏng rồi, ta muốn làm cái mới. Chứ tối mà cầm một cây trúc không đến dự tiệc rượu thì trông sẽ khả nghi lắm."
Thời Kính Chi dùng tro trong bếp viết phỏng mấy chữ "thuốc đến bệnh tan" vừa to vừa cứng cáp, rồi lại bắt đầu ảo não.
"Chắc chắn trong thôn có thợ thêu. Nhưng ta không yên tâm gửi đồ ra ngoài, mà tìm người ngoài đến thì chúng ta không tiện bàn công chuyện. Tô tiểu huynh đệ có ý tưởng gì không?"
"Nơi này có kim chỉ... Nhưng Tam Tử cùng lắm chỉ biết vá thôi chứ không biết thêu thùa. Hay Thời chưởng môn mang dao phay đi đỡ, ôm vào lòng là được."
Thế không phải còn khả nghi hơn à? Thời Kính Chi lắc đầu kiên quyết.
Tô Tứ uống cạn sạch bát canh cá rồi ợ rõ lớn: "Vậy ta cũng đành chịu. Chỗ này bốn nam tử hán đại trượng phu, nào có ai rảnh rỗi đi luyện thêu thùa."
Doãn Từ bình tĩnh nói: "Ta biết."
Tô Tứ: "... Vừa biết nấu cơm vừa biết thêu quần áo. Huynh đệ này, huynh thật sự là đồ đệ, chứ không phải vợ hắn hả?"
Doãn Từ không buồn so đo với trẻ con: "Có cơ hội nên học hỏi chút thôi."
Trên thực tế đúng là y không ham hố gì mà là do rảnh thật, nên mới thử đủ mọi nghề kiếm sống trên đời. Dù bây giờ Thời Kính Chi có đòi ăn kẹo đường nghệ thuật thì y cũng có thể tạo hình trọn bộ mười hai con giáp ngay tại nơi này.
Ngó lơ sư phụ đang trợn mắt há mồm, Doãn Từ cầm gậy trúc với tấm vải lên rồi bắt đầu khâu cờ nghiêm túc. Chốc lát, lá cờ đã được tạo hình cơ bản, mà trông còn tỉ mỉ hơn xưa.
Thời Kính Chi cảm động: "Nếu A Từ là thiếu nữ thì chỉ bằng ngón nghề này ngươi tuyệt đối có thể gả vào nhà gia giáo."
Doãn Từ lạnh lùng nhìn hắn: "Sư tôn muốn thêu chữ gì lên cờ? Để ta nghĩ thử nhé, có phải là 'thuốc đến mạng tan' không?"
Thời Kính Chi im bặt.
Chưa tới nửa canh giờ, cờ đã được thêu xong. Đường thêu của Doãn Từ trơn tru và ngay ngắn, chữ thêu trên cờ tròn vành rõ nét, vải bố phẳng phiu. Thời Kính Chi móc ngọc trụy lên cán cờ rồi vuốt mạnh lá cờ một cái, hiển nhiên rất yêu thích món đồ mới của mình.
Tô Tứ nhìn Diêm Thanh: "Ê Tam Tử, ta tưởng ngươi đã cuồng việc nhà lắm rồi, thế mà vẫn có người mất trí hơn ngươi... Ngươi không thể chịu thua nhanh thế được."
Diêm Thanh: "???"
Nhân lúc mọi người trò chuyện sôi nổi, Doãn Từ len lén nhích lại gần Bạch gia, toan vuốt nó. Nếu nó có trực giác ghê gớm thì biết đâu lại tìm được cách chết cho mình. Tuy rằng mình chê nó, nhưng chung quy vẫn nên xởi lởi với nhau.
Ai ngờ Bạch gia trợn trừng con mắt bằng hạt đầu, hai cái vòi thịt trên đầu chậm rãi dựng lên. Nó ngoác miệng với Doãn Từ, để lộ hàm răng nhỏ xíu.
Doãn Từ vẫn đưa tay - bao nhiêu yêu quái phải quỳ dưới chân y, chẳng lẽ thứ khỉ này lại dám đối đầu?
Sự thật chứng minh là nó dám.
Bạch gia chậm chạp đớp tay Doãn Từ, cố sức mà gặm. Nó nhìn y một cách kiên cường và bất khuất như muốn ra oai. Doãn Từ lúng túng, đành phải đẩy mỏ nó ra, rút tay về.
Thôi, tương lai còn dài.
Chẳng mấy chốc màn đêm đã rủ.
Bốn người đổi sang kiểu cách ăn mặc trong thôn rồi theo chân Dẫn Đăng đi tham gia tiệc rượu. Suy xét đến trường hợp Bạch gia dễ bị sung làm đồ nhắm, họ chỉ đành thả nó ở nhà.
Tiệc rượu tổ chức ở bãi đất trống cạnh thôn với toàn bộ bàn đều có dạng tròn. Bốn người phái Khô Sơn ghép với gia đình bốn người của Dẫn Đăng thành một bàn, đồ ăn trên bàn phong phú, xung quanh nắc nẻ tiếng nói cười. Nếu không biết có người mới mất, họ đã tưởng đây là tiệc cưới.
Bốn người đã ăn trưa ễnh bụng nên giờ không động đũa được mấy lần.
Tưởng họ ngại, Dẫn Đăng liền đặt thìa đang bón cho em gái xuống và cười nói với Thời Kính Chi: "Anh ơi, sau này cả thôn là người một nhà, không cần khách sáo vậy đâu."
"Đúng thế, buổi tiệc này cũng là tổ chức cho các cậu nữa đấy. Lâu lắm rồi thôn không đón khách mới nên giờ mọi người đều rất vui." Mẹ Dẫn Đăng hiền hòa bổ sung. "Tối nay Thần nữ sẽ ra mặt, đây là chuyện hệ trọng."
Doãn Từ mút đầu đũa với vẻ hào hứng. Toàn bộ người dân đều coi y như người trong suốt, thành ra y lại tự do hơn đám Thời Kính Chi, có thể tùy cơ quan sát.
Thần nữ xuất hiện sau buổi tiệc rượu theo giờ đã định.
Thần nữ vô cùng xinh đẹp, thoạt nhìn không quá ba mươi. Nàng mặc áo quần xanh nhạt theo lối giản dị, tóc đen búi lỏng được gài trâm ngọc bích.
Nàng chỉ mới lướt qua bữa tiệc mà ồn ào khói bụi xung quanh đã lập tức tan đi. Người dân không dám chạm vào Thần nữ, ánh mắt họ ánh lên vẻ sùng bái và si mê.
... Thần tiên?
Doãn Từ không thấy ả có gì khác lạ.
Thần nữ dừng chân trước mặt Thời Kính Chi, quan sát hắn hồi lâu rồi để lộ vẻ mặt hài lòng. Ngờ đâu nàng chưa mở miệng, một người đàn bà đã đột ngột xông đến.
Bà ta quỳ xuống níu lấy vạt áo Thần nữ, miệng lắp ba lắp bắp: "Thần nữ, người có thể phá lệ cho lão Liễu quay về ở bên tôi hai năm được không? Tôi hiểu thành tiên là chuyện tốt, nhưng, nhưng mà..."
"Cô làm cái gì vậy hả cô Liễu!" Cha Dẫn Đăng nạt khẽ, "Người thường không được dùng linh dược, quên quy tắc rồi à?"
Cô Liễu đã qua thì con gái, vậy mà ánh mắt vẫn có vẻ ai oán như người trẻ tuổi: "Ông Liễu rời đi sớm quá. Là tại tôi nói trưa muốn ăn canh thịt nên ông ấy mới..."
Dẫn Đăng không hiểu nỗi đau buồn của bà ta: "Vậy thì vẫn là do chú Liễu tự bất cẩn mà, hơn nữa thành tiên là chuyện tốt chứ ạ."
Cô Liễu chỉ khóc.
Thần nữ không tức giận mà dịu dàng dìu cô Liễu: "Chung quy vẫn là sinh li tử biệt, không quen cũng thường tình. Tiệc rượu ồn ào, ngươi vẫn nên về nhà nghỉ ngơi trước đã."
Thần nữ có dung nhan ôn nhã và khí chất thương xót chúng sinh như Bồ Tát. Nhìn nàng, cô Liễu dần nguôi ngoai, gật đầu trong ngơ ngác.
Bà ta đứng dậy vái chào Thần nữ rồi loạng choạng đi về. Ai ngờ mới đi được nửa chừng thì bà ta lại chợt ngã xuống, bàn tay bị cứa rách rất sâu.
Thời Kính Chi sờ hòm thuốc theo phản xạ.
"Không cần tốn sức, thím ấy cũng sắp thành tiên rồi." Dẫn Đăng nói lớn.
Liễu thẩm hơi co rúm người, bà ta hoảng hốt ngồi tại chỗ, dường như vẫn chưa kịp hiểu chuyện gì vừa xảy ra. Máu ồ ạt chảy ra từ tay bà ta thấm xuống mặt đất.
Thời Kính Chi đứng bật dậy, qua băng bó cho cô Liễu. Cô Liễu như một con rối vô tri, không cử động, cứ mặc cho Thời Kính Chi xử lý vết thương và bôi thuốc.
"Cô Liễu về nhà chuẩn bị đi, thím không còn nhiều thời gian nữa..." Có người gần bà ta nói.
"Để thím ấy đi với chúng tôi, tôi sẽ chữa." Thời Kính Chi ngắt lời, "Vết thương này không có gì nghiêm trọng, không đến mức chết người."
Thần nữ nhìn y với vẻ hứng thú: "Được rồi, ai cũng cần thời gian thích ứng, đi với cậu ấy đi. Không tới mấy ngày, cậu ấy tất sẽ đến tìm ta."
Doãn Từ nhìn chằm chằm Thần nữ, thoáng nhận ra điều gì.
Y cảm nhận được hơi thở pháp thuật trên người Thần nữ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Cô Liễu không tình cờ vấp ngã, chính Thần nữ đã cố tình ngáng chân bà.
Nhưng thái độ của Thời Kính Chi cũng làm y phải bất ngờ.
Sư phụ của y tuy không thể nói là theo tà đạo nhưng cũng không phải hạng lương thiện gì nhiều. Thời Kính Chi xử lý vết thương cho cô Liễu là mức tốt nhất của hắn rồi, không có cớ gì phải dẫn bà ta về hết. Tuy nhiên điều này có lợi cho Doãn Từ - nếu tìm ra nguyên nhân cái chết dễ dàng của người trong thôn thì chưa biết chừng y có thể áp dụng lên người mình.
Thời Kính Chi: "Diêm Thanh, cõng thím ấy, chúng ta đi."
"Sư tôn, sao phải đưa bà ấy về?"
Thời Kính Chi nhìn Doãn Từ bằng ánh nhìn sáng quắc, đoạn khẽ nói: "Ngươi biết vi sư không khỏe."
"Phải."
"Mạch tượng của cô Liễu có ba phần giống vi sư."
_________
Tác giả có lời:
Doãn Từ: Cáo ư, thích, nuôi một tí vuốt một tí.
Thời Kính Chi: Mèo ư, thích, nuôi một tí vuốt một tí.
Không lâu sau đó.
Doãn Từ: Biến về đi!
Thời Kính Chi: Ngươi biến về trước đi!
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro