[Tiền truyện] Hãy trở thành lẽ sống cho em được không?
Aka quá khứ của kẻ phản diện
_____________________________________
Lý do Lý Văn Diệu bỏ nhà đi là một điều bí mật trong Thái tử đảng, Lý Văn Tốn cũng hay tránh nhắc tới, dù gã là người biết rõ nhất. Thái tử đảng đồn hắn mâu thuẫn với gia đình nên bỏ đi. Mọi chuyện thực ra tệ hơn vậy.
Nói về những ả bồ nhí sừng sỏ dám cả gan thách thức chính thất, nổi tiếng nhất là Triệu Nghiên. Tuy nhiên Lý Văn Tốn từng đối mặt với một kẻ còn tệ hơn ả ta.
Nhà họ Lý được ca ngợi, trọng vọng, nào là gia đình hạnh phúc, con cái thành đạt. Nhưng chỉ có Lý Văn Tốn biết về sự thối nát tận gốc của gia đình này. Cha mẹ hắn thường thiên vị Lý Văn Tốn vì hắn thông minh, học giỏi, làm họ nở mày nở mặt hơn Lý Văn Diệu. Họ trọng danh dự hơn mạng, từ khi hai anh em biết nhận thức, họ bắt con cái học giỏi, đỗ đạt cao bất chấp vì danh dự của mình. Hai đứa trẻ sẽ bị trừng phạt bằng đòn roi nếu học kém hay vi phạm những lỗi khiến họ muối mặt dù rất nhỏ. Dần dần, Lý Văn Tốn khéo léo, nhận ra gã có thể che giấu tội lỗi của mình để tránh bị phạt đòn, nên dù vẫn quậy phá, gã ít bị đánh hơn tên anh trai bất trị của mình. Lý Văn Diệu thì ngược lại, bất mãn vì sự giả tạo này, hắn trở thành loại người chơi bời, đàn đúm, hung hăng mà đòn roi cũng không trị được. Chính vì sự thiên vị này, đôi khi hắn giống cái bao cát cho người cha đạo đức giả của mình, một sự thất bại mà cha mẹ hắn không muốn nhắc đến. Chính cha hắn cũng nóng tính, gia trưởng, cuồng công việc, còn trăng hoa. Ả tiểu tam còn ghê gớm hơn Triệu Nghiên là một trong số rất nhiều kẻ như vậy. Lý Văn Tốn và Lý Văn Diệu ghê tởm những lần họ ân ái trong phòng của cha mẹ mà chúng vô tình bắt gặp, chúng sợ những khi gia đình lục đục vì những ả điếm kia... Nhưng lần này thì khác.
Hôm đó Lý Văn Diệu trở về sau kỳ thi tốt nghiệp cấp 2. Hắn làm bài dở tệ, nhưng ít nhất đủ điểm tốt nghiệp, nên khá đáng mừng. Nhưng khi về đến cửa, hắn nghe thấy tiếng đổ vỡ trong nhà. Bước vào trong, hắn thấy mẹ mình ngã lăn trên đất, mặt ướt nhẹp, ả tiểu tam tay cầm tách trà, liên tục mắng chửi bà:
- Thứ đàn bà như cô mà cũng xứng với anh ấy? Cô chỉ là thứ cúp để anh khoe với dòng họ thôi. Ngoại trừ làm cái máy đẻ con với đào tiền thì chẳng có ích đếch gì.
- Nhưng ít nhất tài sản trong căn nhà này là của hồi môn cha tôi cho anh ta. Trang sức của cô là tiền của tôi. Con tôi là cháu đích tôn Lý gia, cô nghĩ mình là cái thá gì mà... - Mẹ Lý cố gắng gượng, vớt lấy chút kiêu hãnh cuối cùng của mình. - Chỉ cậy gương mặt giống con ả kia mà có quyền hung hăng sao?
Ả tiểu tam tức điên toan xông tới, Lý Văn Tốn dùng sức bình sinh đẩy ả ra, hét: "Cút, con tiện nhân nhà bà!". Ả hung hăng tát nó, đẩy nó ngã ra sàn rồi phi tới nắm tóc mẹ Lý, lấy mảnh ly vỡ rạch vào mặt bà, nghiến răng chửi bà là mụ điên và ngàn lời thô tục khác. Lý Văn Tốn vừa hoàn hồn sau cú ngã trời giáng kia, đã thấy anh hai mình xông đến, nắm tóc cô ả kéo giật ra sau. Ả ta quay ra, thấy thiếu niên kia giữ chặt không buông, ả chửi:
- Oắt con, mày là thằng nào?
- Là con của mụ điên bà nói.
- Tôi sẽ là mẹ kế của cậu Lý đây trong tương lai, cậu nên lễ phép một chút chứ. Dù sao cha cậu...
Ai ngờ dáng vẻ vờ khúm núm này của ả đã chọc cho máu côn đồ của Lý Văn Diệu bùng phát. Hắn lôi trong túi một con dao gấp. Trước sự hoảng hồn của mọi người chứng kiến, hắn nọc ả tiểu tam ra, dùng dao cắt tóc, cắt đứt dây chuyền bông tai đắt tiền của ả, rạch cả vào bộ mặt trét đầy son phấn của ả. Vừa làm, hắn vừa chửi:
- ĐM con mụ khốn kiếp này, bà là cái thá gì mà dám đặt chân vào cửa Lý gia? Bà là cái đếch gì mà có quyền lên mặt, có quyền làm hại mẹ tôi? Cha tôi thích mặt bà đúng không? Tốt thôi, để mặt bà bị rạch như bà vừa làm với mẹ xem, xem ông già còn thích cái mặt như chó ghẻ đó không? Mấy thứ quái quỷ bà đeo là tiền của cái nhà này, trả lại đây! Con đĩ này...
Hắn dùng tất cả vốn từ vựng học từ đám du côn mà chửi bới. Mọi người xúm lại can ngăn, ả tiểu tam nhân lúc hỗn loạn đã giật được con dao. Thấy tình hình không ổn, Lý Văn Diệu vớ ngay ấm trà đang sôi tạt vào mặt ả. Ả tiểu tam lăn lộn ôm mặt kêu gào. Lúc này Lý Văn Diệu mới chịu buông ra, chạy đến đỡ mẹ và em trai lên. Cha Lý toan chạy tới đỡ ả tiểu tam, Lý Văn Diệu lại đạp ả một cái. Cha hắn giáng cho hắn một bạt tai, hung hăng lôi hắn vào trong phòng với một cái thắt lưng da. Sau đó Lý Văn Tốn không hiểu chuyện gì xảy ra, Lý Văn Diệu buồn bực bỏ đi và không về nữa.
Sau hôm đó, nhịp sống vẫn như bình thường. Lý Văn Tốn vẫn chịu sự quản thúc của gia đình, đi học các khoá học nhàm chán và cố gắng để không bị cha mẹ hay anh hai đánh đòn. Gã bỗng tìm thấy một cảm giác biến thái: hắn thích thấy kẻ khác bị hành hạ. Cảm giác đó nảy sinh khi hắn chứng kiến ả tiểu tam quằn quại khi bị tấn công. Một cảm giác pha trộn giữa thoả mãn, hả hê với khát máu nguyên thủy. Đôi khi nghĩ đến cảm giác này, Lý Văn Tốn liền thấy bao tù túng, áp lực gia đình nguôi ngoai. Gã nảy sinh ý nghĩ thử làm vậy. Còn gì thoải mái hơn khi có thể trút bất mãn bực dọc lên kẻ hắn ghét? Nhưng nên chọn ai để có thể không bị tố cáo đây?
Và cuối cùng, người đó là Lý Trình Tú, một kẻ yếu đuối, tứ cố vô thân. Lý Văn Tốn ghen tỵ với anh vì thường xuyên bị cha mẹ so sánh chỉ vì gã không đứng nhất trường. Hơn nữa, anh có đủ tiêu chí của một kẻ dễ bị bắt nạt. Vì thế, anh vô tình lọt vào giữa vòng vây bắt nạt của nhóm Thiệu Quần. Lý Văn Tốn cũng tham gia vì chơi thân với Thiệu thiếu kia, nhưng gã thích đứng ngoài nhìn hơn. Cảm giác con mồi gào khóc cầu xin khi bị đánh đập kia, rất giống ả tiểu tam mặt dày năm xưa, thật thoả mãn. Chỉ khi nào thật sự bất mãn, Lý Văn Tốn mới tham gia chung. Gã không mảy may hối hận, gã nghĩ đơn giản có thể loại được đối thủ thì tốt biết bao. Loại ma túy tinh thần kỳ quái này, cứ kéo gã xuống sâu dần. Chu Lệ dù nghe theo gã, dù khinh ghét Lý Trình Tú, nhưng cũng sợ Lý Văn Tốn vì sự biến thái này. Y ở lại vì vẫn còn Tiểu Thăng bình thường. Tên ngốc. Nếu Kha Dĩ Thăng bình thường, nó không đánh mà đùn cho mày làm gì? Suy cho cùng, mày cũng là lính đánh thuê thôi.
Sau khi Lý Trình Tú chuyển đi, tâm lý của Lý Văn Tốn có phần ổn định. Gã phát chán mấy trò bạo lực hay sỉ nhục kẻ khác. Gã chuyên tâm học hơn, với suy nghĩ khi gã trưởng thành như cách cha mẹ mong đợi, gã sẽ được toàn quyền quyết định cuộc đời mình. Tuy nhiên, không phải Lý Văn Tốn không còn suy nghĩ kia. Gã chỉ đôi khi tìm tới những thứ khác, như các AV về BDSM, các bar đề tài dom/sub. Với gã, tình yêu là khái niệm quá xa vời. Gã chưa từng muốn cam kết lâu dài với ai, vì chấn thương tâm lý từ cha mẹ, và vì gã khao khát tự do. Gã đã phải bó vào kỳ vọng của người khác quá lâu, gã muốn sống nốt theo ý mình. Gã chưa từng được ai yêu thật lòng, đâm ra cảm xúc đã chai sạn đến mức khó tiếp nhận rồi.
_____________________________________
Lại nói về Lý Văn Diệu. Đêm bỏ đi đó là tích tụ của bao nhiêu năm chịu uất ức. Thân thể hắn bị cha đánh bầm tím khắp người, mũi miệng đều rớm máu. Hắn dọn tất cả những thứ cần thiết mang theo. Lý Văn Diệu không có ý định trở về. Dù sao cha mẹ cũng coi hắn là cả một sự thất bại, không muốn nhìn thấy hắn. Cha hắn còn vì người ngoài mà đánh hắn nhiều lần. Dù bị phân biệt đối xử, hắn cũng không hận Lý Văn Tốn. Trái lại, hắn muốn bảo vệ đứa em này, tránh cho nó đi theo hắn.
Đêm nay công viên không một bóng người, Lý Văn Diệu ngồi một mình trên băng ghế, lau con dao gấp dính máu bằng cồn. Ngồi chán, hắn lấy bảng điểm và bằng tốt nghiệp ra xem. Điểm số này so với tiêu chuẩn của cha mẹ hắn là kém, nhưng so với khả năng của hắn là đã làm hết sức. Thế nhưng giờ không cần nữa. Lý Văn Diệu lấy bật lửa trong túi, đốt nó đi. Lúc này, bao nhiêu tủi hờn, bất lực trong lòng tuôn ra, nước mắt thiếu niên bỗng trào ra. Lâu lắm rồi hắn chưa khóc. Hắn lau nước mắt, vùi mặt vào đùi mà khóc. Chỉ khi không có ai hắn mới khóc nức nở, để không ai thấy sự thảm hại của mình.
Đang khóc, bỗng Lý Văn Diệu thấy có ai đó lay mình. Hắn ngước mắt nhìn lên. Một đứa trẻ 4 5 tuổi đang nhìn hắn. Hoá ra nãy giờ cảnh khóc lóc sụt sùi của mình đã bị thằng nhóc kia thấy. Thẹn quá hoá giận, Lý Văn Diệu mắng:
- Thằng ranh, mày đứng đây làm gì? Muốn chết à?
- Sao anh lại khóc...
- Tao bảo mày cút cơ mà! - Lý Văn Diệu quơ con dao doạ thằng nhóc, bỗng khựng lại vì một bên chân bị đau. Nhưng dưới ánh đèn đường, vẻ mặt ướt nhẹp vì nước mắt đã bị nó thấy hết. Đứa bé chỉ lùi tránh con dao, rồi quay lại đỡ hắn ngồi lại.
- Anh bị thương rồi! Cứ ngồi yên đi. Người anh bị tím hết rồi. Ai đánh anh thế?
- Bố. - Lý Văn Diệu đáp cộc lốc, bỗng nghĩ ra chuyện gì, bèn hỏi. - Đêm hôm khuya khoắt ra đây làm gì? Không sợ bị bắt cóc à.
- Mẹ em đi có việc, em muốn đi chơi.
- Còn bố mày? - Lý Văn Diệu bỗng lên giọng. - Hay mày không có bố? Mày là con hoang?...Sao lại khóc? Tao đã nói gì sai à? Mày không có bố có khi còn sung sướng hơn tao, mày sẽ không bị đánh như chó thế này...
- Mẹ bảo...bố em...có gia đình khác... Mẹ bảo...sẽ sớm đưa em gặp bố... Em không phải...con hoang...
Thấy mình lỡ lời, Lý Văn Diệu nói:
- Bình tĩnh, nhóc, đừng giận... Nhà mày đâu, tao đưa về...
- Mẹ không cho em đi với người lạ... Anh đang bị thương... Nhà em ở bên đường thôi, em tự đi.
Đứa nhóc nói đoạn, quay người rời đi. Bỗng nó nhớ ra điều gì đó, lôi từ trong túi ra một gói băng dán, đến chỗ Lý Văn Diệu nói:
- Anh bị thương rồi... Không dán, sẽ nhiễm trùng mất.
Lý Văn Diệu bất ngờ trước thái độ này. Tên nhóc này hành xử khác hẳn với lũ trẻ cùng tuổi. Hắn nhìn lại ngôi nhà lúc đó thằng bé chỉ, đó là căn biệt thự sang trọng. Theo những gì hắn biết, khu nhà này là nơi ở của một ả bồ của đại gia nào đó. Có lẽ thằng nhóc này chính là con ả ta. Hắn nhìn chằm chằm vào thằng nhóc lấy hết hộp băng dán lạnh dán vào các vết bầm tím của mình. Trên áo thêu hai chữ: "Triệu Lâm". Hắn gọi:
- Tiểu Lâm! - Thấy thằng nhóc ngẩng đầu lên, hắn ngượng nghịu. - Cảm ơn.
Thằng nhóc hơi đỏ mặt nhìn hắn, rồi hỏi: "Anh, sao anh cứ cầm con dao với bật lửa thế."
- Để rạch mặt với đốt trụi tóc mấy con tiểu tam thích ngồi lên đầu người khác.
- Tiểu tam là gì vậy?
- Là mấy ả đàn bà ăn bám đàn ông, sống với người đã lấy vợ, đẻ con cho họ. Thường chúng nó chỉ có hai kết cục: làm hại vợ người ta để có danh phận, hoặc bị đuổi cổ, đẻ những đứa không có bố như mày. Tao đã xử một con như thế đấy. Muốn tao kể cho nghe không?
Thấy thằng nhóc rụt cổ lại, rơm rớm nước mắt, Lý Văn Diệu lại quát:
- Mẹ kiếp, mày có phải nam nhi không đấy, một tí là khóc.
- Anh sẽ không làm vậy với mẹ em đúng không? - Nó lí nhí.
- Mày điên à, tao còn chẳng biết mẹ mày là ai mà? Thế chẳng lẽ mẹ mày...
- Không, em không biết...em...
Thằng bé sợ hãi, thu vội đồ, quay người chạy vụt đi. Lý Văn Diệu nhìn theo bóng nó với vẻ thương hại. Đứa trẻ này có vẻ tốt, nhưng mẹ nó ra là loại đáng khinh bỉ kia. Hắn lại nghĩ đến mình. Đám con hoang còn có người tìm về, còn hắn, tại sao không ai đến đón? Họ thật sự đã từ bỏ sao? Hắn tự nhiên nhớ về quán bar của chú hai ở khu đèn đỏ. Giờ này chắc chắn chỉ còn nơi đó mở cửa. Hắn sẽ đến đó trước, rồi tính sau.
Lý Văn Diệu nghĩ đoạn, đứng dậy rời đi. Hắn không tự chủ ngoái lại căn nhà kia. Nhưng không còn ai đứng đó.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro