Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Pháp cú 78: Truyện người giữ ngựa Sa Nặc

"Chớ gần kẻ độc ác

Chớ thân kẻ tiểu nhân

Hãy đến với bạn lành

Nương theo bậc thánh đức."

(VI-Phẩm Hiền Trí, Pháp Cú 78)

Tích Pháp Cú: Có một Tỳ kheo tên là Sa Nặc. Sa Nặc là người giữ ngựa trong hoàng cung Ca Tỳ La Vệ cho Thái tử Tất Đạt Đa. Vào đêm Thái tử xuất gia đi tu thì Sa Nặc đã cùng Thái tử cưỡi ngựa rời bỏ kinh thành. Đến bờ sông A-lu-ma thì Thái tử dừng ngựa. Ngài cắt mái tóc dài và tháo hoàng bào đưa Sa Nặc mang về cung. Còn Thái tử khoác lên mình chiếc áo Sa môn tu hành mà người đã chuẩn bị trước. Người ra đi trên con đường tìm đạo thoát khổ.

Sau khi Thái tử Tất Đạt Đa thành Phật thì Sa Nặc cũng quy y theo Phật làm Tỳ kheo. Nhưng Sa Nặc có tật xấu ỷ mình là người có công đưa Phật rời hoàng cung. Do vậy Tỳ kheo Sa Nặc rất kiêu mạn. Hễ mỗi lần nghe ai kể về thành tựu đạo pháp Vô thượng bồ đề thì Sa Nặc đều kể lại thành tích bất hủ của ông: "Các ông cũng tầm thường thôi. Ta đây là người có công đưa Thái tử rời hoàng cung đi xuất gia tu thành Đức Thế Tôn đây này".

Mọi người nghe nhiều mà chán ngấy. Họ cứ thấy Sa Nặc ở đâu là biết chuẩn bị được nghe kể "thành tích bất hủ". Việc đó cứ lặp đi lặp lại thời gian dài thì mọi người chịu hết nổi. Đức Phật biết chuyện bèn kêu Sa Nặc nên la rầy:

- Những người mà ông coi thường là những bậc thánh đắc đạo. Ông cần phải theo họ để học tập.

Rồi Phật đọc bài kệ:

"Chớ gần kẻ độc ác

Chớ thân kẻ tiểu nhân

Hãy đến với bạn lành

Nương theo bậc thánh đức."

(VI-Phẩm Hiền Trí, Pháp Cú 78)

Sa Nặc "dạ dạ... vâng vâng..." xong rồi bỏ đó, lại tiếp tục kể "thành tích bất hủ". Mọi người chịu không nổi và Phật cũng bó tay. Thế nên hễ mỗi khi Sa Nặc xuất hiện ở đâu thì mọi người chạy mất. Kể cả các vị A-la-hán cũng vội vàng lấy cớ bỏ đi.

Phật nói với các vị Tôn giả rằng:

- Ngày nào ta còn sống các ông sẽ không dạy nổi Sa Nặc. Nhưng sau khi ta chết thì các ông sẽ trị được.

Đến khi Phật chuẩn bị nhập Niết Bàn thì Đức A-nan mới hỏi Phật:

- Bạch Thế Tôn! Đối với trường hợp Sa Nặc thì chúng con phải làm thế nào?

- Con hãy ra lệnh tẩn xuất khỏi tăng đoàn.

Vô cùng kỳ lạ là khi Phật còn sống thì Phật không ra lệnh đuổi Sa Nặc khỏi tăng đoàn. Suốt 45 năm giáo hóa của Phật thì Sa Nặc như một hung thần không coi ai ra gì. Phật khuyên cũng không được. Ai thấy vị đó đều bỏ chạy. Còn vị đó thì nghênh nghênh ngang ngang thử thách sự nhẫn nhục của mọi người. Thế nhưng sau khi Phật nhập Niết Bàn thì Phật lại cho phép đuổi Sa Nặc.

Sau khi Phật nhập Niết Bàn thì Đức A-Nan cho gọi Sa Nặc lên và tẩn xuất khỏi tăng đoàn. Ta biết Sa Nặc chỉ là người giữ ngựa còn Đức A-Nan là hoàng tử. Nhưng khi Phật còn sống thì Sa Nặc kể có công trợ giúp Phật tu đắc đạo. Nay Phật không còn trên thế gian thì ông không còn ai bám víu.

Sa Nặc khi đó khóc lóc quỳ xin Đức A-Nan tha tội và xin được ở lại tăng đoàn. Đức A-Nan ra lệnh: "Kể từ nay ông không được kể công hay nói xấu dè bỉu các Tỳ kheo tu hành". Sa Nặc khóc lóc vâng lời. Kể từ đó Sa Nặc vô cùng ngoan ngoãn không bao giờ kể "thành tích bất hủ" hay khinh thường bất kỳ ai nữa.

Đúng như lời Phật nói: "Ngày nào ta còn sống các ông sẽ không dạy nổi Sa Nặc. Nhưng sau khi ta chết thì các ông sẽ trị được." Sa Nặc tu thời gian ngắn sau thì đắc A-la-hán.

Bài học kinh nghiệm

Bài học 1: Kiêu mạn và Bảo thủ

Kệ Pháp Cú Phật khuyên rằng: "Ta không nên gần gũi kẻ ác độc hay kẻ tiểu nhân. Hãy gần với bạn lành và nương theo bậc thánh đức". Còn tục ngữ Việt Nam thì khuyên: "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng".

Phật khuyên là khuyên vậy thế nhưng Sa Nặc vẫn thích cái tên "Nguyễn Y Vân" nên chẳng thay đổi. Thật vậy, người có tâm khiêm hạ biết lắng nghe, có tâm tôn kính các vị thánh nhân đạo đức thì chỉ một câu nói của thánh nhân sẽ làm thay đổi cuộc đời họ. Nhưng kẻ có tâm kiêu mạn, tự cao tự đại, không coi ai ra gì thì dù là Đức Phật bằng xương bằng thịt khuyên họ, họ cũng bỏ ngoài tai.

Do vậy, trong các tật xấu Kiết sử thì "Thân kiến": tham lam, ích kỷ, hám lợi, tham nhũng, tâm chỉ mong biến cái của người thành của mình... là thấp kém nhất, tệ hại nhất. Ngay sau đó là "Giới cấm thủ" tức bảo thủ, cố chấp, trì trệ, bám chặt vào cái sai, ai khuyên cũng không nghe. Nhưng để mắc bệnh bảo thủ cố chấp lại xuất phát từ tâm "Kiêu mạn". Vị đó tự thấy ta đây to lớn vĩ đại, ta có công lao vĩ đại.

Thế nên khi công lao vĩ đại đó biến mất do Đức Phật đã nhập Niết Bàn thì tâm kiêu mạn cũng biến mất và bảo thủ biến mất. Vị đó có công đức lớn nên dù là người hầu nhưng tu cũng chứng A-la-hán.

Bài học 2: Bệnh chấp công

Bồ Tát Đạo là 6 con đường tu hành của một vị Bồ Tát gồm có: 1- Bố Thí Ba-la-mật, 2- Trì giới Ba-la-mật, 3- Nhẫn nhục Ba-la-mật, 4- Tinh tấn Ba-la-mật, 5- Thiền định Ba-la-mật, 6- Bát nhã Ba-la-mật. Ta thấy đầu tiên phải làm là tích phúc bằng Bố thí.

Bố Thí là "làm việc nhỏ, cho đi, giúp đỡ (gọi là Thí) nhưng rộng khắp bền lâu (gọi là Bố)". Bồ Tát không bao giờ làm một việc cực to lớn, cực vĩ đại rồi không bao giờ làm gì nữa. Vì sao vậy? Vì làm việc quá to lớn vĩ đại ắt sẽ mắc bệnh chấp công rồi không làm gì nữa. Vị đó sẽ dừng tại đó và ôn lại công trạng cũ mà thôi. Còn làm việc nhỏ lợi ích nhưng bền lâu theo năm tháng đôi khi ta quên mất đó là việc ích lợi nên không mắc bệnh chấp công. "Tích tiểu thành đại" cuối cùng quả báo của các việc nhỏ lợi ích đó sẽ tạo thành kết quả vĩ đại.

Đức Phật nói về Luật Nhân Quả thế nhưng Phật lại đề cao về Nghiệp. Nghiệp là vô số các nhân giống nhau làm nhiều bền lâu theo năm tháng. Nghiệp có tính chất giống Nghề nên hay nói ghép là "Nghề Nghiệp". Cùng một hành động việc làm thì luôn có "Nghề" để kiếm tiền nuôi thân, và luôn có "Nghiệp" là tích tội hoặc phúc để tạo quả báo ở tương lai.

Tích Pháp Cú này là một minh chứng. Sa Nặc có công đức to lớn vĩ đại là giúp Thái tử Tất Đạt Đa rời hoàng cung trong đêm để Thái tử xuất gia tu hành thành Phật. Công đức đó to lớn vĩ đại khiến Sa Nặc mắc bệnh chấp công. Ông tu 45 năm theo Phật chẳng đắc quả thánh gì còn khiến mọi người thấy mặt là bỏ chạy. Khi hết bệnh chấp công thì ông tu thời gian ngắn sau thì đắc đạo A-la-hán. Vì công đức hỗ trợ giúp đỡ Thái Tử Tất Đạt Đa tu thành Phật là vĩ đại.

Bài học 3: Sao Phật không đuổi Sa Nặc?

Đó là vì ơn nghĩa khi xưa Sa Nặc có công giúp Đức Phật. Cho nên Phật cũng thấy khổ vì "cậu" Sa Nặc này mà không thể đuổi. Do vậy đôi khi ta là người tốt. Nhưng xưa ta thọ ơn của kẻ xấu. Về sau ta bị kẻ xấu đó báo hại khiến ta khổ sở nhưng ta không thể thoát vì còn nợ. Chỉ đến khi hết nợ thì ta mới thoát. Ơn nghĩa và Nợ là một tính chất của Luật Nhân Quả.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #lvt