Chương 6: PHẨM HIỀN TRÍ - Pháp cú 76: Truyện Tỳ kheo nghe thầy la rầy để sửa lỗi
"Được nghe bậc hiền trí
Chỉ dạy và khiển trách
Như chỉ chỗ chôn vàng
Hãy thân cận người trí
Thân cận người như vậy
Chỉ có tốt không xấu."
(VI-Phẩm Hiền Trí, Pháp Cú 76)
Tích Pháp Cú: Có Bà-la-môn nghèo tên là Rat-đa đến Tinh xá Đức Phật xin làm công quả để được xuất gia. Tính tình ông ngoan hiền thuần thục. Một lần Phật thấy ông đã đủ duyên xuất gia. Phật bèn gọi Tôn giả Xá Lợi Phất đến nói:
- Này Xá Lợi Phất, con hãy cho người cư sỹ làm công quả kia được thọ giới xuất gia.
Ngài Xá Lợi Phất vâng lời và làm lễ xuất gia cho Rat-đa. Sau khi xuất gia xong thì Rat-đa theo hầu Ngài Xá Lợi Phất. Tỳ kheo Rat-đa ngoan hiền nhưng còn nhiều sai lầm. Tuy nhiên, mỗi khi Ngài Xá Lợi Phất la rầy khiển trách thì ông vui mừng lắng nghe để sửa lỗi.
Thời gian dài ông tu theo Ngài Xá Lợi Phất và sửa lỗi bản thân thông qua sự la mắng của sư phụ. Rồi ông chứng đạo. Sau khi ông chứng đạo thì Đức Phật khen ông trước đại chúng bằng bài kệ Pháp cú:
"Được nghe bậc hiền trí
Chỉ dạy và khiển trách
Như chỉ chỗ chôn vàng
Hãy thân cận người trí
Thân cận người như vậy
Chỉ có tốt không xấu."
(VI-Phẩm Hiền Trí, Pháp Cú 76)
Bài học kinh nghiệm
Bài học 1: La rầy là dấu yêu thương
Một người yêu thương ta, người đó còn tài giỏi trí tuệ. Được Phật gọi là Bậc Hiền Trí. Bậc Hiền Trí đó mà la rầy ta khi ta mắc lỗi thì Phật ví như ta đang được "chỉ chỗ chôn vàng". Ta chú ý tiêu đề Chương 6 là: Phẩm Hiền Trí nên các tích pháp cú đều đề cập đến Bậc Thánh Hiền Trí.
Trái lại kẻ không trí tuệ dù yêu thương la rầy ta thì chưa chắc họ đã đúng. Điều la rầy đó chưa chắc đã có ích lợi. Hoặc kẻ có trí tuệ nhưng nham hiểm ác độc muốn hại ta, la rầy ta thì ta cần đề phòng tai họa. Vậy nên Hiền Trí phải đi đôi song hành. Thiếu 1 trong 2 thứ đó thì sự la rầy đôi khi có hại.
Bác Hồ nói: "Hiền Tài là nguyên khí Quốc gia". Bác Hồ nhận ra rằng: "Người Hiền và Tài sẽ giúp quốc gia phát triển. Kẻ Hiền mà không có Tài thì làm gì cũng khó. Kẻ có Tài mà ác độc là tai họa cho đất nước. Kẻ đó vì tham vọng bản thân sẽ phá tan đất nước".
Ca dao Việt Nam có bài hát rằng:
Ngọc kia được sáng nhờ trau
Cá kia nhờ thấm muối vào khỏi ươn
La rầy là dấu yêu thương
Mẹ đừng xao nhãng mới nên thân người .
Ca dao Việt Nam ví những lời la rầy của cha mẹ quý như ngọc báu. Chính nhờ sự la rầy này mà con cái mới nên thân người. "Yêu cho roi cho vọt" là vậy. Tuy nhiên cha mẹ có trí tuệ thì chỉ lỗi đúng và có lợi cho trẻ. Còn cha mẹ kém trí tuệ thì sự la rầy trách mắng đánh đập con trẻ có khi là đang làm hại trẻ.
Bài học 2: Sửa lỗi bản thân
TU là sửa lỗi trong tâm ta. HÀNH là khi tâm ta thay đổi tốt đẹp thì hành động của ta cũng thay đổi tốt đẹp, tử tế vị tha. Kết quả cuối cùng thì ta được Quả báo lành. Ở đây Tỳ kheo Rat-đa được sư phụ đạo đức trí tuệ (Bậc thánh hiền trí) là Tôn giả Xá Lợi Phất chỉ lỗi sai để sửa tâm, sửa hành động sai lầm. Điều đó giống như Rat-đa "được chỉ chỗ chôn vàng". Rat-đa tu một thời gian thì đắc đạo. Hạnh phúc của sự đắc đạo thì không vật chất thế gian nào sánh bằng.
Thời nay ta tu mãi, tu mãi mà không đắc đạo là do ta không có vị thầy đủ đạo đức trí tuệ như Tôn giả Xá Lợi Phất. Do vậy ta tu hoài, tu mãi nhưng chẳng thấy lỗi sai bản thân đâu mà sửa nên chẳng đắc đạo.
Bài học 3: Tu hành
Tu hành trong Đạo Phật là một quá trình dài trải qua 8 giai đoạn (Bát Chánh Đạo).
1 - Chánh Kiến: Ta học tập kinh sách chánh pháp để thu nạp kiến thức chân chánh.
2 - Chánh Tư Duy: Học kiến thức sách vở xong thì ta phải tư duy, lý luận, phản biện, đặt câu hỏi, lật trái, lật phải vấn đề để đào sâu, tìm hiểu kỹ, rõ thấu đáo. Ta biến kiến thức sách vở thành kiến thức của ta.
3 - Chánh Ngữ: Ta áp dụng kiến thức đã học vào sửa lời nói của ta cho đúng chánh pháp.
4 - Chánh Nghiệp: Ta áp dụng kiến thức đã học vào sửa hành động của ta cho đúng chánh pháp.
5 - Chánh mạng: Ta tu Chánh kiến - Chánh tư duy - Chánh ngữ - Chánh nghiệp cả cuộc đời ta.
Kết quả cuối cùng của 5 Chánh đạo đầu là phúc báu to lớn vĩ đại. Ta được sinh cõi lành: người - thần - trời. Năm Chánh đạo đầu không nói chút gì về xuất gia từ bỏ gia đình làm sư. Năm chánh đạo đầu còn được gọi là Tu Tam Nghiệp: Thân - Khẩu - Ý. Tu Ý là Chánh kiến, Chánh tư duy. Tu Khẩu là Chánh ngữ. Tu Thân là Chánh nghiệp, Chánh mạng.
Năm Chánh đạo đầu cũng được các Tổ đề cao gọi là tu: Văn - Tư - Tu. Trong đó Văn là học tập kinh sách Chánh kiến. Tư là Chánh tư duy phân tích lý luận. Tu là sửa lời nói, sửa hành động cho lành thiện.
6 - Chánh Tinh Tấn: Tinh tấn là "Bước tiến quan trọng". Vị đó từ bỏ vật chất thế gian, từ bỏ các niệm thuộc về thế tục, từ bỏ gia đình. Vị đó sống đời sống xuất gia không gia đình với vật chất tối thiểu, theo giới luật Phật. Vị đó dồn Phúc vào tu hành thiền định. Vậy nên nếu không có Phúc tức chưa Tu viên mãn 5 Chánh đạo đầu thì vị đó tu mãi, tu mãi dù đúng Chánh Pháp cũng không đắc đạo.
7 - Chánh Niệm: Vị đó chứng đạt Chánh niệm tỉnh giác diệt xong 5 Triền Cái: Tham ái dục, Sân hận, Hôn trầm thụy miên, Trạo cử hối tiếc và Nghi.
8 - Chánh Định: Vị đó đắc các tầng thiền định Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Tại Tứ Thiền vị đó đắc Tam Minh, diệt Vô Minh mà chứng A-la-hán.
Bát Chánh Đạo 6,7,8 còn được gọi là Tu Giới - Định - Tuệ. Trong đó GIỚI là Chánh tinh tấn. ĐỊNH là tu thiền định. TUỆ là đắc đạo trí tuệ "Vô thượng bồ đề".
Vậy tu sửa lỗi sai là sửa trong giai đoạn nào của Bát Chánh Đạo? Xin thưa sửa trong toàn bộ cả 8 giai đoạn. Ta biết Sa-môn Cồ Đàm tu chứng đạt Tam Thiền đắc Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định rồi mà vẫn lầm đường nên tu 6 năm không đắc đạo.
Sau đó Sa-môn Cồ Đàm sửa lỗi sai tu theo Chánh Pháp thì đắc đạo sau 49 ngày ngồi thiền mà thành Phật Thích Ca. Sau khi sửa xong hết toàn bộ lỗi sai, diệt tận mọi Kiết sử thì vị thánh đắc đạo "Vô Thượng Bồ Đề".
Vậy nên vị thánh chưa chứng Tứ Thiền thì vẫn còn Vô Minh mà vẫn còn sai lầm cần sửa. Tật xấu Kiết sử cuối cùng là Vô Minh chỉ được diệt khi vị thánh đó chứng Tứ Thiền đắc Tam Minh: Thiên nhãn minh, Túc mạng minh, Lậu tận minh. Khi đạt Tam Minh thì vị thánh diệt tận Vô Minh mà đắc A-la-hán là "Bậc thánh Lậu Tận". "Lậu" là cấu uế, sai lầm, nhiễm ô trong tâm. "Tận" là diệt trừ đến cùng tận.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro