Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

13cd - vv

Vội vàng

(13 câu thơ đầu)

Trong nền văn học Việt Nam, "nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới", người mang trong mình nguồn sống dạt dào, say đắm tình yêu, khát khao tận hưởng cuộc sống ngắn ngủi đến cuống quýt mà thiết tha – chắc cũng chỉ có Xuân Diệu. Bài thơ "Vội vàng" in trong tập "Thơ thơ", một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Xuân Diệu, là ví dụ điển hình cho điều ấy. Ngay ở mười ba câu thơ đầu, bằng ngòi bút mới mẻ và độc đáo của Xuân Diệu, ta có thể thấy được tình yêu cuộc sống tha thiết của nhà thơ biểu hiện qua niềm say mê, ngây ngất với mùa xuân trần thế.

Với nguồn văn học lãng mạn, mùa xuân – vẻ đẹp của thiên nhiên – đã tạo cảm xúc cho bao hồn thơ, gợi lên những nghĩ về con người và cuộc sống. Thế nhưng, phải yêu đến mức nào mới có được những ham muốn táo bạo và khác thường như Xuân Diệu thì đó mới thật sự mới mẻ và mãnh liệt.

" Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất;

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi."

Quả thật bốn câu ngũ ngôn đã nêu lên hai ước muốn rất vô lí và không tưởng của nhà thơ: tắt nắng, buộc gió. Hai động từ mạnh "tắt" và "buộc" tạo nên lời lẽ oai nghiêm như mệnh lệnh, còn cái tôi cá nhân của nhà thơ được bộc lộ trực tiếp tự tin và đầy kiêu hãnh qua điệp từ "tôi muốn". Tắt nắng để cho màu đừng nhạt phai, buộc gió để cho hương luôn dừng lại bên đời. Phải chăng nhà thơ ước mong như thế vì nỗi thiết tha với cuộc sống, với cái đẹp, sợ thời gian trôi mang cảnh vật đất trời đổi thay mà chưa kịp hưởng thụ trọn vẹn tất cả? Ấy nên, con người trong bài thơ hay chính Xuân Diệu dường như muốn vươn lên đoạt quyền của tạo hoá, bắt vũ trụ phải ngừng quay,...muốn ôm tất cả, muốn níu kéo thời gian, muốn giữ niềm vui và tận hưởng trọn vẹn hương sắc cuộc đời đến vô tận.

Ngay từ đầu và cũng là duy nhấy trong cả bài, khổ thơ ngũ ngôn ngắn ngọn như lời khẳng định, giãi bày, cô nén toàn bộ cảm xúc và ý tưởng của nhà thơ. Đó là một khát vọng mãnh liệt, táo bạo nhưng lại không khả thi. Chỉ là ước mơ thôi, là khát vọng thôi, nhưng chính vì vậy lại càng thêm bội phần mãnh liệt. Qua đó cũng làm nổi bật lên được tình yêu tha thiết của nhà thơ đối với thiên nhiên và cuộc sống muôn màu muôn sắc.

Ý muốn của Xuân Diệu có vẻ vô lí, nhưng niềm khát khao lại hoàn toàn có lí khi mùa xuân được thi sĩ phát hiện biết bao tươi đẹp và tràn đầy sức sống đến mức tuyệt vời:

" Của ong bướm này đây tuàn tháng mật;

Này đây hoa của đồng nội xanh rì;

Này đây lá của cành tơ phơ phất;

Của yến anh này dây khưc tình si;

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,"

Giờ đây, dưới ánh nhìn của nhà thơ, thế giới thực tại hiện ra như thiên đường nơi hạ giới, là đãi ngộ lớn của tạo hoá. Điệp từ "này đây" liên tiếp mở ra bao vẻ đẹp phong phú của mùa xuân bất tận, thật cụ thể và vô cùng quyến rũ. Có hạnh phúc ngọt ngào trong "tuần tháng mật" của ong bướm, có sự thu hút nhẹ nhàng của "hoa đồng nội xanh rì", có "lá của cành tơ phơ phất" mơn mởn trẻ trung, âm thanh rạo rực nồng nàn trong "khúc tình si" của yến anh và sự rực rỡ chan hoà trong "ánh sáng chớp hàng mi". Tất cả đều tươi non mơn mởn, đều tràn đầy sức sống, ngập chìm trong hương sắc, âm thanh và ánh sáng đất trời. Đó là những hình ảnh rất đỗi gần gũi thường ngày mà không ai nhận ra rằng nó lại đẹp đẽ đến như vậy. Phải yêu cuộc sống, yêu đời tha thiết mới thấy được vẻ đẹp đó, phải say sưa, ngây ngất đến quá độ nên mới cảm nhận được tất cả bằng tấm lòng. Điệp từ "này đây" cũng được thay đổi vị trí liên tục, mường tượng như thi sĩ đang nắm tay chúng ta, đang hào hứng say sưa đưa mọi người đến vườn xuân của ông và chỉ cho mọi người thấy được cuộc sống này tươi đẹp biết bao.

Đăg sau bức tranh xuân là hình ảnh nhân vật trữ tình đang ngỡ ngàng phát hiện ra, rồi reo vui trong niềm tận hưởng mọi vẻ đẹp của tình yêu và cuộc sống:

"Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa;"

Với Xuân Diệu, mỗi ngày được sống, được nhìn thấy ánh sáng chan hoà, thấy mình vần còn tồn tại, vẫn cảm nhận được cái đẹp và được làm gì đó cho đời là một niềm vui. Hình ảnh " thần Vui hằng gõ cửa như khẳng đinh niềm vui và hạnh phúc đó.

Vẻ đẹp của mùa xuân và cảm xúc của con người đạt đến cực điểm trong một liên tưởng độc đáo của nhà thơ:

" Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;"

Xuân Diệu không nói cả mùa xuân mà chỉ mỗi tháng giêng bởi đây là khởi đầu, là tháng đẹp nhất, hội tụ tất cả những gì đẹp nhất của mùa xuân thiên nhiên. Cái hay của câu thơ nằm ở sự so sánh hết sức mới mẻ và độc đáo: dùng đơn vị thời gian vô hình (tháng giêng) mà so sánh với hình ảnh cụ thể của cơ thể người tuổi trẻ (cặp môi gần); kết hợp với ẩn dụ chuyển đổi cảm giác vị giác (ngon). Và một hình ảnh cụ thể của tình yêu được tạo thành :" ngon như một cặp môi gần".

Từ xưa, trong thơ ca truyền thống, vẻ đẹp của con người đều lấy chuẩn mực từ hình ảnh của thiên nhiên. Ví như:

" Làn thu thuỷ, nét xuân sơn,

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh"

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Thế nhưng với Xuân Diệu, chuẩn mực của cái đẹp chính là con người. Đối với ông trên đời này không có gì đẹp vượt qua cả con người – mà phải là con người trong niềm hạnh phúc của tình yêu, con người căng đầy sức sống nhất của độ xuân thì. Sự so sánh táo bạo, đi ngược lại hoàn toàn với quan niệm của trung đại khiến cho thiên nhiên cũng phải dưới thế, ngây ngất với vẻ đẹp của con người, qua đó bật lên được cảm giác và tâm hồn yêu đời, yêu cuộc sống đến cuồng nhiệt của nhà thơ.

Đến đây ta có thể phần nào hiểu được tại sao nhà thơ lại có ước muốn kì dị ở bốn câu thơ đầu như thế. Chính vì cuộc sống thiên đường hằng ngày đẹp và đáng hưởng thụ như vậy cho nên phải cố níu kéo, kìm giữ, dù là vô vọng. Điều đó chứng tỏ nhà thơ yêu và say cuộc sống trên thế gian này đến nhường nào.

Đang ở đỉnh điểm của hạnh phúc, nhà thơ chợt tỉnh lại và ý thức được về thời gian:

" Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:

Tôi không chờ cho nắng hạ mới hoài xuân."

Dấu chấm đặt ở giữa câu thơ như cắt đứt, chia tâm trạng của nhà thơ thành hai miền đối lập: "sung sướng" nhưng "vội vàng" – một của vui sướng, say mê, một của hoảng hốt, lo sợ. Mùa xuân đẹp hấp dẫn khiến cho thi sĩ "sung sướng" nhưng rồi "cái gì đó" lại khiến y phải "vội vàng", phải hưởng thụ mùa xuân ngay lúc mùa xuân đến, phải hưởng thụ cái vẻ say đắm của nó trong hiện tại, phải tận hưởng mùa xuân khi nó còn tươi non, để sau này khi xuân đã qua, và hạ đến, không phải tiếc nuối, ân hận. Phải chăng ông đã nhận ra quy luật của cuộc đời nay, nhận ra đời người không thể tồn tại vĩnh cửu như thiên nhiên? Đến đây giọng thơ chìm xuống, buồn bã vì thế, chán nản cũng vì thế. Xuân Diệu tiếc xuân ngay khi xuân đương còn, niềm vui cũng tan biến trước một sự thật phũ phàng, trước cái lạnh lùng nghiệt ngã của thời gian.

Đoạn thơ đã làm nổi bật phong cách của Xuân Diệu: vận dụng linh hoạt điệp ngữ, sử dụng biện pháp cường điệu cùng hình ảnh đẹp, độc đáo, táo bạo. Thơ xưa nào mấy ai từng bức ra chuẩn mực của cái đẹp xưa, tạo sự bứt phá mới mẻ bằng cách đặt con người là chủ thể của cái đẹp ? Không có tình yêu đời tha thiết, yêu cuộc sống đến mức cuồng nhiệt thì làm sao Xuân Diệu có được những vần thơ say mê và cháy bỏng như vậy.

Qua bức tranh mùa xuân tươi đẹp, trần đầy nhựa sống, chúng ta có thể thấy được cái tình Xuân Diệu – khát khao hạnh phúc, khát khao yêu đương, tha thiết với cuộc đời khi "sự sống mới bắt đầu mơn mởn". Lòng ham sống của Xuân Diệu không nằm ngoài hai chữ "xuân" và "tình". Đoạn thơ cũng giúp cho chúng ta càng yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống này hơn. Thật đáng trân trọng biết bao một tâm hồn – một nhà thơ mùa xuân và tuổi trẻ, sôi nổi tình yêu, dạt dào tình đời đã, đang và sẽ sống mãi mãi trong lòng những người biết và yêu thơ ông.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro