Chương 2: Tôi đi về một con phố lạ
Như các bạn đã biết, và nếu các bạn không biết thì rồi các bạn cũng phải biết, về cái chuyện tôi đã vô tình và không cố ý cào vào mặt anh An, con trai cô Hoa mới từ trên thành phố về sau mấy năm học tập trong ngành thú y. Tôi không rõ chuyện một bác sĩ thú y sẽ làm được cái quái gì cho cuộc đời này ngoài việc cầm kim tiêm chích vào mông mấy thằng chó béo hay đỡ đẻ cho mấy ả mèo cái. Tôi chỉ biết là trong mắt tôi, dù cho bác sĩ thú y có là cái gì ghê gớm và có thể giúp ích cho cuộc đời tôi nhiều đi chăng nữa, thì tôi xin thề một bác sĩ lại dám xúc phạm bệnh nhân của mình, hay đúng như thể giới trẻ hay nói là "bo đỳ sêm minh", thì quả là chẳng chấp nhận được! Tôi làm vậy, người ta có thể cho rằng cách xử sự của tôi như thể vả vào sự cao quý của loài mèo, cái thứ cao quý mà vâng, vẫn là con "Lữ Bố" rót vào đầu tôi cái loạt tư tưởng đó chứ chẳng là ai khác. Nhưng rồi con mèo nào cũng có những lúc nổi điên, không phải con nào cũng có thể giữ trong mình cái phong thái chuẩn mực đạo đức hai tư trên bảy được, và nếu có thì chỉ có con Xử Nữ làm được mà thôi, một con mèo sang chảnh theo đúng ý của nó nói đấy. Còn tôi, một thằng mèo nhà quê chẳng biết cái gì là chuẩn mực xã hội, thì nói chung nó cứ xả vào mặt mình, nó bôi tro trát trấu lên cái lòng tự tôn của một con mèo, thì dù nó có là con trâu bò dê chó lợn gà, hay thậm chí là con người đi chăng nữa, thì tôi cũng chẳng dại gì mà múc luôn. Cứ chê tôi bảo thủ đi, nhưng cho mà chừa!
Nhưng nếu tiếp tục kể câu chuyện sau đó coi sao cũng nhàm, nên có khi tôi sẽ đánh lái sang một chuyện khác. Một câu chuyện cách xa tôi lúc đó sáu mươi cây số, ở tuốt tuồn tuột trên Hà Nội cơ. Câu chuyện về một nhà tiên tri mà không hiểu mình đã tiên tri như thế nào, câu chuyện về một lần vác nhau lên nóc nhà mà chửi rồi vô tình tiên đoán cho cái sự xuất hiện của tôi ở phố Phan Đình Phùng, câu chuyện mang tên "Sóng gió gia tộc của một con mèo bác học và một con vẹt lắm điều". Như các bạn đã lờ mờ đoán ra, con mèo bác học chính xác là Xử Nữ, nhưng dù cho con Xử Nữ có thông minh đến mấy thì cũng chẳng có cửa mà bước chân vào ngành tiên tri, vì con mèo này vốn dĩ thiên về mấy loại logic tùng phèo không ai hiểu nổi. Vậy ra kẻ tiên tri còn ai khác nữa, chỉ có thể là con vẹt lắm điều! Đoạn tôi chợt nhận ra giống chim chóc toàn lũ lắm điều và dẻo mõm, nhưng được cái chúng khôn lanh và đôi khi chúng phun ra những thứ mà bản thân chúng cũng chẳng hiểu chúng phun ra cái gì. Thì quả đúng là như vậy, trường hợp bất thình lình tiên tri trúng phóc đó đã rơi trúng đầu của thằng lẻo mép nhưng đầu thì không mang trong mình sự tồn tại của hai chữ IQ, thằng vẹt với bộ lông vàng như ướp nắng nhưng nhìn tổng thể khuôn mặt lại toát ra một vẻ ngơ ngơ ngáo ngáo, hay để tôi nói luôn là thằng Song Tử.
Thằng Song Tử sinh ra vốn dĩ không phải là thằng Song Tử, vì lúc sinh ra nó có tên là quả trứng, một quả trứng từ giống vẹt Cockatiel Lutino, nhưng rồi thay vì đặt tên nó là "Cockatiel" hay "Lutino", hay bất kỳ cái tên nào hay ho khác, người chủ đáng kính của nó, chị Thu thiên thần đôi khi có chửi chồng một ngày tám tiếng chứ không nhiều, lại đặt cho nó một cái tên nghe mùi không thể nào mà ngửi được, cái tên Song Tử. Nghe nói theo Hán Việt, người ta dịch, đúng hơn là con Xử Nữ đọc và dịch cho tôi nghe, thì Song Tử có nghĩa là hai cậu con trai, hai anh em, hai con người, nói chung là như vậy chứ tôi rảnh đâu mà nghiên cứu sâu hơn? Nhưng đối với tôi, cái tên của thằng vẹt này đáng ra phải mang ý nghĩa là "hai cái chết"! Vì từ khi nó xuất hiện trên cuộc đời nhiệm màu này, thì cái sứ mệnh của nó chẳng có gì ngoài việc phá hoại hạnh phúc gia đình anh chị Thu Thành, chuyện mà sau này tôi sẽ kể sau. Còn cái sứ mệnh khác của nó là làm bạn cùng nhà với Xử Nữ, nói là bạn cùng nhà chứ bảo sao cuộc đời nó kỳ khôi, đã sinh Xử Nữ lại sinh Song Tử, thế giới trầm mặc của một con mèo đã bị xới tung lên bởi thế giới rùm beng của con vẹt, trở thành một hoàn cảnh gia đình đầy hỗn tạp và nếu ngày nào người ta không thấy tiếng mèo kêu hay không nhặt phải mấy chiếc lông vàng rơi lả tả, thì chỉ có chuyện hôm ấy anh Thành hoặc chị Thu đã mang một trong hai đứa ra khỏi nhà cho chúng tránh nhìn mặt nhau rồi. Nếu như trong mấy bộ ngôn tình Trung Quốc, cái thứ mà sau này tôi được đọc trong một lần ghé qua phòng của chị Trâm, chủ nhân của thằng bạn thân chí cốt với vẻ ngoài đen hoàn mĩ của tôi, thằng Sư Tử, thì tôi biết đến khái niệm "oan gia ngõ hẹp". Tức là chẳng ưa cái mặt nhau, đến cái nết nhau lại càng không ngửi nổi, rồi sau này lại quay ra bám nhau như sam. Nhưng chắc chắn, tuyệt nhiên, Xử Nữ và Song Tử có là oan gia, dù lần này nó là oan gia cùng nhà luôn chứ chẳng phải ngõ hẹp ngõ rộng gì nữa, thì chỉ có đi đầu thai mới khiến hai đứa này ưa nhau được đôi chút...
Hoặc có thể là không. Nhưng dù sao, thằng "hai cái chết" đã mang lại hai khoản rối ren chết tiệt cho gia đình nhà anh chị Thu Thành, nhưng vẫn thật kỳ lạ rằng anh chị vẫn quyết giữ nó ở lại trong căn nhà đó, căn nhà bé nhỏ lộn xộn với mái nhà lợp tôn xanh và một ban công ngập hoa hồng ngày ngày ôm ấp từng vạt nắng. Một căn nhà bề ngoài tưởng chừng như bình yên, nhưng bên trong là những tháng ngày nước bỏng lửa sôi sùng sục khi chiếc lồng nơi thằng Song Tử vẫn hay coi trò đánh đu trên chiếc cột gỗ bắc ngang làm niềm vui, lại được kê sát với cái chậu chứa đống mùng mền chiếu vải ấm êm của con Xử Nữ. Và rồi chúng nó lại choảng nhau, đến là tài!
Dù sao, hãy để tôi kể về câu chuyện tiên tri dở hơi cám hấp của nhà tiên tri Song Tử, người, à không, con vẹt Monk Lutino có khả năng tiên tri qua từng câu chửi thâm thúy của mình. Hôm đó, tất nhiên, theo lời thằng Sư Tử sau này có kể lại thì chẳng ai biết cái lý do gì gây ra vụ mâu thuẫn gà bay chó sủa, đúng hơn là mèo kêu vẹt hót thấm đẫm tình thù địch như thế. Loáng thoáng đâu có kể là thằng Song Tử được bữa chủ ra khỏi nhà, hay ho gì đâu mà nó tự cạy khóa lồng mà bay ra, hay đúng hơn người ta nói là sổ lồng, nhảy ra ngoài thích thú lượn vòng quanh cái quạt trần vài vòng khiến cho cánh quạt đưa mất vài sợi lông từ mông nó. Nhưng cu cậu có vẻ thích lắm, nó nhảy lên bàn, đi vòng qua bình cúc họa mi xinh xắn nở từng cánh trắng muốt, rồi lại lăn qua mấy tờ báo Hà Nội mới, nó nhảy chồm chồm giãy đành đạch trên từng lớp giấy mịn màng của tờ báo lướt qua lớp lông tơ, và rồi nó đưa chân khua khoắng lên khoảng không. Sẽ chẳng là gì nếu nó chỉ khua chân lên cái trần nhà, nhưng vì cặp giò bé tẹo của nó có bao giờ chịu nằm yên, thằng Tử đưa chân đá trái, đá lên trên, đá linh tinh tám hướng. Rồi nó khoái chí đá sang bên phải và...
"Choang!!!"
Cái chén nước chè bé xíu, cái chén vẽ hoa hồng xinh xắn mà anh Thành cất công mua ở tận làng gốm Bát Tràng, mất thăng bằng mà lăn đùng ra đó, nước chè văng tung tóe ướt cả trang báo, còn cái chén trượt ra khỏi mặt bàn, đáp đất và thành công trong việc về với bầu trời sau khi tan ra thành từng mảnh vụn. Chà, nói thẳng ra là sức tàn phá của thằng Song Tử hóa ra cũng chẳng phải hạng cùi. Một con vẹt bé bằng cái lõi ngô, đủ để người ta dùng một tay mà nắm lấy nó quẳng thẳng vào lồng cho nó đỡ gây họa, ấy vậy mà trong cái lần sổ lồng đó nó đã thành công phá hoại tài sản gia đình chủ như thế đấy. Thật xuất sắc, thật tuyệt vời, cái tiếng tan nát phần nào khiến thằng Tử giật bắn mình mà lăn ra khỏi tờ báo ngập nước, nó hoảng hốt rũ nước trên mình rồi lẳng lặng làm ngơ, cu cậu bay thẳng vào trong lồng, kéo cửa lại, khóa kín đâu ra đấy, rồi đứng đó im thin thít. Ái chà, cái trò giả ngơ đây, mắt cậu ta láo liên nhìn trước ngó sau, biết tỏng là lòng thấp thỏm lắm, thế nhưng trông sao vẫn tỉnh bơ như chẳng có gì. Song Tử ngồi trên thanh gỗ, lẳng lặng đu đưa trông ra khoảng sân vắng ngoài cửa sổ, thấy màu trời quang mây chợt thoáng những vệt đen dài, những tụ mây chụm lại vào nhau, màu trời tối dần, đen dần và từng giọt nước bắt đầu lộp bộp rơi trên mái lạnh buốt. Gió trườn lên, bắt đầu quật vào những cành cây khô, giàn hoa giấy trước cửa nhà cậu mèo mun Sư Tử vì thế mà rơi lả tả. Bão về, và Song Tử cũng biết, nhà nó ở cũng sắp sửa có bão mất rồi.
Cơn bão mang tên lão Thành đổ bộ vào nhà thằng Song Tử đúng lúc con Xử Nữ vừa hé mắt dây trên đi văng sau một giấc ngủ dài triền miên, và quả đúng là loài mèo chúng tôi ngủ một ngày đến hơn chục tiếng đồng hồ thật, nhưng cái lúc con Xử Nữ tỉnh dậy cũng là lúc mà nó ngơ ngác, mếu máo và co rúm mình lại khi chẳng hiểu từ đâu, một trận lôi đình, sấm rền chớp giật xả thẳng xuống đầu nó, mặc cho nó chẳng hiểu cái mô tê gì. Anh Thành, đúng hơn thì tôi quen gọi là lão Thành, mang xô mang chậu quét dọn cho sạch sẽ đống vụn vặt cùng tờ báo ướt ném vào thùng rác. Nhưng lòng vẫn tiếng hùi hụi, lão đảo mắt nhìn quanh, thấy thằng Song Tử vẫn ngoan ngoãn mà ngủ trong cái lồng khóa kín, chỉ có con Xử Nữ trên đi văng là tất cả những gì lão có thể nghi hoặc và tất nhiên, nó là cái mấu chốt duy nhất có thể làm tan nát cái chén trà của lão. Chẳng cần rõ đầu cua tai nheo thế nào, lão mang tất cả niềm bức xúc mà than trời than đất, lão rày con Xử Nữ một trận khiến nó chỉ biết cụp đuôi mà chịu chứ chẳng thể cất lên một tiếng meo nào mà thanh minh. Xử Nữ chỉ biết nhìn xuống dưới đất, nó biết làm sao được, nó là một con mèo thì có cất tiếng đến đâu rồi cũng thành mấy tiếng meo meo, nó bất lực, nó đau đớn, nó gục ngã và mất đi tất cả sức mạnh của nội tại, nó nằm im nghe tiếng bão rền trên đầu mình, tiếng mắng mỏ về trò nghịch ngợm mà bản thân nó chẳng hề làm ra, tiếng mắng của người chủ mà nó yêu thương, trân quý nhất. Nó cụp tai mà nhìn xuống dưới đất...
Và đúng lúc nó động mắt vào mấy sợi lông vàng dưới gầm bàn.
Con Xử Nữ chẳng cần đến ba giây để biết tỏng là đứa thực sự gây ra mọi rùm beng rồi bắt nó chịu trận là ai. Nó nhìn vào cái lồng sắt uốn hoa đặt trên chiếc bàn kê gần cửa sổ, cái lồng trắng bóng loáng đối nghịch hoàn toàn với cái thứ bên trong, cái thứ xảo quyệt và khốn nạn, nó rủa thầm là như vậy. Nó mong lão Thành thôi ca cẩm, để nó có thể nhảy lên bàn mà thò tay tóm gọn cái thứ xấu xa kia, nó ngước lên bằng đôi mắt căm hờn, để rồi bắt gặp thằng Song Tử cũng đang ngước mắt lên y như nó. Nhưng cu cậu ngước mắt lên để nhìn cái quạt trần xoay lạch tạch, tự hỏi đến bao giờ Xử Nữ mới chịu cất cái mắt đó đi.
o0o
Xử Nữ có thể chịu cất cái mắt đó đi, nhưng chắc chắn với một con mèo cái, hay như bao giống loài mang cái chữ cái nói chung, hay như con người hay nói là cái giống đàn bà hay chị em phụ nữ đấy, thì cứ đắc tội với họ dù chỉ một lần, là ôi thôi, chẳng còn cái nước nào cứu vãn nổi cho một linh hồn tội nghiệp khỏi sự sỉ vả, ca thán, những lời chửi mắng sâu cay giày xé đầy đay nghiến đến những kẻ lỡ phạm phải sai lầm. Phụ nữ, hay giống cái, nó sẽ chẳng giống đàn ông, hay giống đực chút nào, bởi lẽ giống đực nó nghĩ ngợi đơn giản, chẳng cầu kì, và tất nhiên chẳng mấy thằng đực mở ra chuyện thù dai làm gì cho rách việc, ấy mà giống cái, nó thù dai thì chẳng ai bằng kịp, mà nó chửi thì phải gọi là bao lời văn hoa, bao câu thâm thúy trôi tất tần tật, tuốt tuồn tuột, phải đâm xoáy và chọc vào sâu trong tâm trí của đối phương mới vừa. Đối phương sẽ tắt ngóm, sẽ chẳng thể làm được gì ngoài việc ngồi im chịu trận, dù là người hay thú cũng vậy thôi. Bảo sao hay nói chua chát mà rằng, đàn bà là những niềm đau.
Nhưng đó là nếu một con cái đi chửi thẳng, đi tổng sỉ vả một con đực, với điều kiện là một con đực phải ra dáng một con đực. Nói ở đây là vì trong cái trường hợp của con Xử Nữ và thằng Song Tử, thì thằng Song Tử hoàn toàn có thể bị gắn cho cái mác là giống đực nhưng sân si và lắm điều chua ngoa hơn cả giống cái. Thường giống đực như tôi đây sẽ biết đường xuống nước mà nhường nhịn để tránh cho bên giống cái nổi khùng, nhưng thằng Song Tử thì khác. Có mà mơ đến Tết Công gô mới có cái trò thằng này chịu nhường với chả nhịn trước hội đàn bà, và cái tính nó kỳ cục thế đấy, dù đúng dù sai nó cũng phải vọc miệng bằng được, vì tính nó không muốn thua một ai cả, nhất là thua mấy đứa con gái. Dù biết tỏng là đối phương có tư duy không phải dạng đùa, nhưng thằng Song Tử có biết cái khỉ gió gì là sợ hãi, nó thậm chí còn dám nhảy bổ vào con Xử Nữ mỗi khi cần đánh nhau, dù sau đó nó sẽ lết về chuồng với cái mông trọc lốc không còn một cọng lông còn sót lại. Nhưng tôi xin thề, nếu Song Tử có là một con người thay vì là một con vẹt, thì dù cho có bị chửi là sao không chịu nhường đàn bà con gái, sao cứ phải cãi lại nhem nhẻm mới hả lòng, thì Song Tử vẫn sẽ sẵn sàng mặc váy công chúa vào mà chửi tiếp. Thế mới gọi là dở hơi!
Hôm ấy, Xử Nữ lườm lườm về phía Song Tử bằng một nỗi lòng sâu cay khô xiết, chỉ chực chờ cho chủ đi vắng mà lôi con vẹt vàng kia ra mà "hàn huyên tâm sự". Và quả đúng là khi cặp vợ chồng kia ra ngoài cho một chiều ra phố mua này mua kia chuẩn bị cho bữa cơm tối, con Xử Nữ chớp ngay thời cơ đi hỏi tội thằng Song Tử. Nó phốc lên bàn, bước về phía cái lồng và rồi lấy tay khều cửa, cái khóa con nhanh chóng bung ra và thằng Song Tử đúng thật như chim sổ lồng, lại bay ra vòng vòng như một cái máy bay đồ chơi, có vẻ sung sướng lắm. Con Xử Nữ, như tôi đã nói, tất nhiên là một đứa chua ngoa thâm độc đến mức nào. Nó chẳng nói chẳng rằng, lẳng lặng đưa chân đẩy cái lồng của Song Tử xuống đất, nước nôi và mấy thứ đồ ăn linh tinh của cu cậu cứ theo đó mà lăn vương vãi trên nền đất trong cơn giật mình ngỡ ngàng của Song Tử. Thế là trận chiến ngay lập tức nổ ra, một bên cay cú vì bị đổ oan, một bên cay cú vì chẳng biết từ đâu tự nhiên chiếc lồng bị bay màu.
- Sao mày đạp đổ lồng của tao hả con mèo khốn nạn kia! - Song Tử, tựa như một cãi lõi ngô lao từ trên quạt trần xuống, nhắm thẳng Xử Nữ mà chẳng kiêng nể gì, như một mũi tên lượn về phía con mèo vẫn đang điềm tĩnh thu chân ngó xuống cái lồng toang hoang phía dưới bằng cặp mắt khinh khỉnh. Xử Nữ đưa tay, đúng hơn là hai chân trước lên vuốt vuốt hai bên lông, để rồi khi con vẹt vàng bé nhỏ kia bay đến, nó chẳng sợ sệt gì mà đưa tay lên táp thẳng vào Song Tử một tiếng bẹp. Và thế là con vẹt vàng rơi xuống đất cùng một nhúm lông nhẹ nhàng bay theo, mở đầu cho một trận khẩu chiến đầy máu lửa.
- Vậy sao mày đổ oan cho tao? Trong khi chính mày là người làm vỡ cái chén của anh Thành mà! Làm sai thì tự đi mà nhận đi, con vẹt xấu xí, đừng có mà quýt làm cam chịu! - Xử Nữ cũng chẳng phải dạng đùa, nó xù lông lên, đưa móng vuốt chỉ thẳng về phía đối phương mà công kích. Lòng tự tôn của Xử Nữ là một thứ gì đó chẳng thể đùa được, và tất nhiên ai cũng biết là như vậy. Con mèo này không chấp nhận việc chỉ vì một lần sổ lồng của ai đó mà bản thân nó phải gánh một mối oan đầy cay cú, chua xót biết nhường nào.
- Chúng ta hoàn toàn có thể nói chuyện một cách sòng phẳng, cứ cho là mày gánh tội thay tao đi, nhưng đâu có nghĩa là mày động vào cái lồng của tao! - Song Tử nhảy dựng lên, tất nhiên ai cũng có cái đúng và ai cũng có cái sai, nhưng cái vấn đề khó hiểu là chẳng ai chịu thua ai cả. Phần đúng rơi vào con Xử Nữ nhiều hơn, nhưng việc một con mèo tự cho mình có phẩm chất đạo đức tốt lao vào phá tan cái lồng của một con vẹt bé tẹo tèo teo, thì con mèo đó đã chẳng còn ngoan ngoãn được nữa rồi.
Tất nhiên, người ta không thể không công nhận rằng chúng ta sống vì lẽ công bằng và vì sự thật, chẳng ai muốn những gì bản thân nhận lại là những lời dối trá, và sâu xa hơn, cũng chẳng ai muốn bản thân bị gánh tội oan thay cho người khác cả. Cái chuyện "quýt làm cam chịu" nói chung cũng chẳng thoải mái gì, quýt có thể thấy việc lướt qua cũng chẳng đáng là bao, nhẹ tựa lông hồng, nhưng với cam, ôi, những đứa trong vai quả cam phải nhận lại biết bao điều khốn nạn, thì xin đấy, chẳng có quả cam nào còn ngọt khi bị chịu oan đâu. Nó sẽ chua lắm, chua chát vô cùng, tựa như con Xử Nữ không bao giờ chịu cái trò "ăn chia sòng phẳng" cùng thằng Song Tử, bởi sự đã thế rồi thì còn mơ đến Tết Công - gô mới có trò uống trà đàm đạo thâm tình với nhau. Khi oan ức đến tột cùng và chẳng lời nào chịu nổi, khi máu nóng đã dồn lên não mà nếu có thể lấy ra thì chắc chiên còn tốt hơn dầu đậu nành Simply, con Xử Nữ biết rằng hôm nay nó không thể thanh lịch được nữa rồi.
"Thanh lịch cái quần đùi!"
Vậy là bằng cách đùn đẩy sự thanh lịch của bản thân sang cái quần đùi đang quay vòng vòng trong nắng, đến nỗi mà nếu cái quần đùi thực sự có tri giác cũng phải rập đầu cảm tạ lòng tốt của Xử Nữ khi công nhận nó thanh lịch đến mức nào, dù cho có nhìn sơ qua rồi nhìn kỹ lại, cái quần đùi đó không bao giờ được gọi là thanh lịch khi diện ra đường. Ừ đấy, tôi cũng nghĩ là như vậy, chẳng tên nào điên đi diện một cái quần đùi hoa hòe hoa sói trắng vàng tím xanh thi nhau nở bung nở bét trên cái giao diện của cái quần này cả. Và cũng chẳng ai ngờ được chủ nhân của cái quần đùi hoa treo toòng teng trên giá phơi đồ đó lại là của lão Thành, một người có học thức, uyên bác và sắp tốt nghiệp bằng thạc sĩ. Một thạc sĩ với cái "xì tai" quần đùi hoa. Chả hiểu sao bà Thu có thể chấp nhận cho chồng mình diện quần hoa lượn đi lượn lại khắp nhà, "e vờ ri đây" cũng như "e vờ ri nai" mà không thấy ngượng mặt giùm. Nhìn quả quần hoa nở tứ linh tinh trông có củ chuối khác gì thằng Song Tử tối ngày múa may với bộ lông của nó không cơ chứ!
Thằng Song Tử...ôi trời ạ!!! Mả cha nó, tôi đang kể chuyện về cuộc chiến nảy lửa giữa hai phe mèo và vẹt, chứ đâu phải kể chuyện sự tích cái quần đùi đâu. Xin lỗi cho cái tính lan man vớ vẩn của tôi, nhưng tôi nghĩ các bạn đọc cũng nên nhắc tôi về vấn đề này chứ nhỉ? À quên, tôi viết, con mèo này viết chứ các bạn đâu có viết, mà các bạn cũng có ở đây, cạnh tôi đâu mà khuyên tôi thôi giùm cái thói lan man. Thôi kệ đi, tôi kể tiếp nào.
Thì sau khi không chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán cùng Mr Parrot Gem, Xử Nữ quyết dầm thằng này ra bã lần hai. Nó rung rung hai sợi ria, chân nó cong lại và thu hết mấy chiếc móng bé tẹo vào trong đệm thịt, cứ thế, nó lại nhún nhún lấy đà, rồi xoay mình, nhảy phốc một cái như thể nó là một cái tên lửa của NASA được đẩy lên từ bệ phóng, cứ thế phóng thẳng vào cái mục tiêu đang nhởn nhơ lượn lờ trước mắt. Một cái lõi ngô thì sao chấp lại một quả mướp, Song Tử bé nhỏ tội nghiệp, tôi nói vậy chỉ là trong trường hợp này, khi nó sắp toang cái cuộc đời với Xử Nữ thôi, chứ trong mấy trường hợp khác, có mà mơ tôi mới thấy tội nghiệp cho cái quân mồm mép tép nhảy, chuyện bé xé ra to này. Song Tử nào kịp phản ứng gì, nó chẳng thể cất cánh nổi khi roẹt, con Lữ Bố lấy móng chèn chặt vào hai bên cánh của nó, khiến thằng này giãy giụa một cách bất lực. Không bay lên nổi, nó cố lấy sức ở chân, tưởng như đạp được con Xử Nữ ra, nhưng có mà mơ, với hai bên chân như hai que gậy chọc mồm, à nhầm, như hai que tăm của nó, những gì nó làm chỉ đơn giản là chổng mông lên mà hua chân lung tung như thể mấy anh hip - hop đang quẩy tưng bừng trên nền nhạc disco.
- Thả tao ra, thả tao ra. Con khốn nạn, trời ơi cứu tôi, cứu tôi trời ơi... - Thằng Song Tử gào mồm lên ầm ĩ, cảm tưởng như cả xóm yên bình bỗng rộn lên mấy tiếng "cờ réc téc téc" như tiếng trống lắc Trung Thu, Song Tử cảm thấy ánh sáng trước mắt nó đang dần kéo nhau đi mất, và tự nhiên nó biết làm phép trừ! Một phần hai, một phần ba, một phần tư... Song Tử cảm tưởng như nó không chỉ còn mất cái lồng, có khi vì nó trêu ngươi nhầm người cọc tính, nó có thể sẽ bay màu về cát bụi, sẽ nhập cõi niết bàn trong vài giây tới. Con tim mong manh của thằng Tử như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, nó sợ hãi và hoảng loạn, nó cố thanh minh với con Xử Nữ rằng ôi chị ơi em giỡn, em có làm gì đâu. Nhưng mà không, nó chạm nhầm phải một quả mìn điên, ai mà biết Xử Nữ nó sẽ nổ khi nào đâu? Song Tử càng giãy giụa, chân nó càng phiêu theo điệu disco thì trong tâm, nó càng hoảng loạn hơn gấp bội. Nó từng nghe tới súp gà, súp bồ câu, toàn mấy con có cánh bị cho đi nấu lẩu, liệu sắp tới có phần nó không, tối nay thực đơn gia đình liệu có được bổ sung món cháo vẹt hay không? Nó bắt đầu hoảng, rốt cuộc trong tất thảy chúng tôi, Song Tử dường như là bé nhất, nên tất nhiên nó cũng là đứa có trái tim nhỏ nhất, ước chừng khoảng quả dâu tây. Nhìn thấy đôi mắt gườm gườm và mấy chiếc móng ngập tràn yêu thương của Xử Nữ, thằng Tử chỉ còn nước thét lên: "Chiu mi nga, thả tao ra!"
Nhưng đáp lại, Xử Nữ nhẹ nhàng đáp lại một cách đầy tình cảm với cái đứa bao năm sống chung nhà với mình một câu nhẹ bẫng: "Méo, đừng có mơ!" Ấy, đừng vội tưởng là bạn Xử nhà ta nói bậy, Xử Nữ không có nói bậy bao giờ cả đâu, cái từ méo kia chỉ là ngôn ngữ loài mèo thôi. Tin tôi đi, chỉ là NGÔN - NGỮ - LOÀI - MÈO thôi, không phải nói bậy đâu...
Hoặc cũng có thể là nó nói bậy thật, ừ thì...như tôi đã nói đấy, cái tinh tế bao năm của Xử Nữ đã được tặng cho cái quần đùi, nên bây giờ nó có thể tự tin khoe cá tính, nó cóc sợ cái quái gì nữa, nó quyết chiến thẳng với cái thằng nhơn nhởn tưng tửng kia, này thì đổ oan cơ chứ. Nhưng tưởng chừng sẽ có một màn nảy lửa tung trời, hai con vật lộn đến rụng lông rụng cánh, nhưng rốt cuộc, Xử Nữ không có làm gì thái quá với thằng Song Tử cả. Nó chỉ đơn giản bứng tạm mấy cái lông đuôi của thằng này cho lớp lông nó đỡ xù xì một chút. Nói chung vẫn là bứng yêu thương có chục cái thôi, cho mông thằng này trắng trơn trơ trọi đến nhẵn thín mới thỏa tâm can. Nhưng nói là nhẹ nhàng thế thôi, nhưng vẹt không giống chó, chó lại chẳng giống mèo, nếu chó mèo như tôi ấy, bạn cạo lông thế nào cũng được, tỉa tót vô tư, thì lũ vẹt mà nói, việc trụi lông với chúng nó như thể là một cơn ác mộng tày trời. Chúng nó giữ gìn lớp lông tơ tựa như giữ gìn bảo bối thần kỳ, lớp lông với chúng nó là cả một niềm kiêu hãnh, và tất nhiên, Song Tử thuộc họ nhà vẹt, nên cũng không ngoại lệ tí nào. Lông càng rơi, Song Tử càng gào lên nức nở, nó đau đớn tột cùng khi nhìn thấy từng sợi vàng óng cứ theo đà mà rơi rụng dưới móng vuốt của con mèo thâm độc, cho đến khi nó nhận ra giờ trông nó chẳng khác nà như đang cởi truồng thì cũng là lúc Xử Nữ trao cho nó một ánh nhìn đầy hách dịch và cứ vậy, Xử Nữ nhảy khỏi chiếc bàn, lững thững đi vào phòng bếp, mặc cho thằng Song Tử chửi đổng đằng sau trong khi ôm chiếc mông trọc lóc:
- Rồi sẽ có đứa bịt miệng được mày, rồi mày sẽ không thể tác oai tác quái thêm được nữa đâu! Đừng có mà mơ!
o0o
Song Tử nói chỉ có chuẩn, tất nhiên là trong trường hợp này thôi, chứ cũng chẳng có bao lần nó vạ mồm tiên tri đúng trong các trường hợp khác. Cái kẻ trị được Xử Nữ, cái kẻ mà không bao giờ chịu đi theo bất kỳ quy củ hay đọa lý làm mèo nào mà nó đưa ra, chẳng bao giờ chịu để Xử Nữ giựt lông mông hay đè đầu cưỡi cổ, thì còn ai khác ngoài tôi, một thằng mèo béo ục ịch từ quê lên phố. Ấy, không phải tôi tự đề cao bản thân hay gì đó quá đáng đâu, chuyện là tôi cũng chả ưa Xử Nữ là mấy, ngay từ lần đầu gặp mặt, sau khi nghe những sự tích huy hoàng nhưng khiến lòng dạ sôi sùng sục vì cái tính nết khó ở khó chiều của nó, tôi nhận ra bản thân không cần phải đi theo những điều lệ quy củ hà khắc làm gì. Tôi là tôi, và con Xử Nữ trong mắt tôi huống chi cũng chỉ là một con mèo thôi chứ cũng chẳng có gì to tát hơn, nên tất nhiên nó chẳng thể động được vào tôi dù chỉ một chút, nó không thể nào ép thôi theo nó như cách nó đe nẹt thằng "thùi lùi khét lẹt", bạn tôi sau này, hay cũng chẳng thể bứng lông đuôi hay nhảy bổ vào tôi như cách nó làm với thằng Song Tử. Thời nào rồi mà còn giở thói làm càn, tôi thì nào chịu nổi, nó đụng là tôi múc luôn, không nể nang gì hết.
Nhưng cái chuyện giữa tôi và Xử Nữ, giữa con mèo đực vàng khè như nghệ và con mèo cái cũng vàng nhưng vàng xinh xắn như hoa mướp, còn là bao thứ rối rắm dài dòng, nên tôi xin để cho những trang tự truyện tiếp theo. Tôi xin kể hết, sau cái lần tôi cào lão An và cong mông bỏ trốn, tôi không ngờ lão An không giận tôi chút nào mà ngược lại, tôi còn lọt thẳng vào mắt xanh, ấy chứ, mắt nâu của lão. Chuyện là tôi lếch thếch về nhà khi trời đã gần tối, khi nắng hết nhảy múa trên cánh đồng để trốn về sau những hàng lớp mây, khi mẹ tôi có lẽ đã đủ hoài chán nản trông mong tôi, và anh tôi có lẽ đã chuẩn bị sẵn cho tôi một bài giáo huấn. Chỉ biết là lúc tôi nhảy vào nhà, tôi thấy lão An cùng một miếng bông vải mịn màng áp vào má, trông lão như thể đang áp vào mặt mình một miếng đậu phụ to đùng. Cũng may cho lão là vì móng tôi cũng chẳng quá bén là bao, nên đơn giản tất cả chỉ như một cái sượt nhẹ ngoài da, chẳng thấm tháp gì, cũng không bị vào mắt, chỉ là có hơi vướng do bông vải mà thôi. Lão vừa ăn vừa hấp háy, đúng lúc tôi chuồn vào trong nhà cũng là lúc lão vừa đặt bát cơm xuống bàn. Tôi biết ngay mà, dầu cho có hấp háy thì lão vẫn trông thấy đủ mặt một cục tròn mập ú vàng khè lăn qua thanh cửa sổ, và rồi đấy, lão thốt lên khiến tôi ngay lập tức bị bà nội chộp lại:
- Cậu Dương giờ mới thèm ló mặt về đấy à, đói quá nhịn không nổi rồi đúng không? - Bà cười, nhưng bản thân tôi thì không, tôi lo gần chết, muốn run lên lập cập, tưởng chừng như trong cái dáng mèo con cũng chẳng giúp tôi trốn tội, tôi loay hoay muốn nhảy ra, nhưng bà giữ tôi lại thì biết làm sao bây giờ. Nhưng, tưởng chừng như bà sẽ mắng tôi dữ lắm, ai ngờ bà với lão An, chỉ chỉ vào tôi, trong khi đưa tay thoáng chạm vào lớp lông của tôi, nói nhỏ thì thầm - Nào, giờ mày muốn xử con mèo này sao đây? Nó gây họa nhiều quá, nói thật chứ, bao lần người ta qua đây, hết bà con cô bác đến chú dì, nó cứ sấn vào lòng rồi giở thói cào bậy. Ai ngờ lần này mày về, nó cào cả mày, khổ quá. Vả lại, bà cũng muốn bán nó đi cho người ta, kiếm sao được dăm bạc lẻ, nhưng mà chẳng ai thèm mua cái thằng mèo con này cả, bà cũng đành chịu, trời đất, sinh sao trúng phải cái thói nghịch ngợm, của nợ không.
- Mèo nào chẳng vậy mà bà, có con hiền lành, có con hiếu động. Chúng cũng như mấy đứa trẻ con hết thôi mà, sao lại đi trách được con mèo? - Tôi quay đầu, khẽ ngúc ngoắc cái đuôi vẩy vào lớp áo của bà, thấy lão An toét miệng cười, khiến lòng tôi thầm nghĩ rốt cuộc lão cười thật hay đang giở thói lấy lòng cả thú nuôi, nhưng trông nét mặt kia, có vẻ là thật ấy chứ chả đùa! - Con học thú y, nên đôi khi có mấy đứa nó...không chịu hợp tác, thì cũng phải lựa hết đấy, bà ạ. Cu cậu này còn nhẹ, chứ có lần con nhận chữa cho một con chó to lắm, nó cắn cả vào tay con. Nhưng mà mấy con vật này riết nó cũng chẳng nghịch ngợm gì lâu đâu, chúng nó quen mình, quen hơi người là sẽ khác. Như với bà, với mẹ, nó đâu có cào, nó cào con chắc vì lạ ấy thôi.
Lạ cái con khỉ mà lạ! Có mà vì cái câu xúc phạm sâu cay mà tôi mới nổi đóa, chứ không ai rảnh mà cào! Cũng như mấy độ khách khứa qua nhà, thấy tôi cứ giở cái thói vạ mồm nói xấu, ấy mà hiểu hết chứ đâu có ngu gì đâu, trần đời này tôi ghét nhất mấy đứa nói xấu người khác, à nhầm, nói xấu mấy con mèo khác. Tôi vùng vằng dỗi hờn nhảy khỏi lòng bà nội, lần ra sau bếp, có lẽ cô Hoa vẫn còn để đó chút cơm cá lèo tèo cho tôi, ờ thì sao vẫn còn là đủ. Tôi cóc thèm quan tâm, tôi cóc cần thú y nữa, bác sĩ gì mà...mà không tôn trọng bệnh nhân là không được rồi.
Khỏa lấp xong xuôi cái dạ, tôi chuồn ra ngoài qua cửa bếp, lần ra sau vườn, nơi mẹ tôi và anh chị đang nằm ngủ say sưa. Tôi cuộn tròn mình lại, ngước lên trời lộng gió, nay giữa vệt trăng non loáng thoáng mấy chiếc lá tre trên ngọn cây cao, cả trời không mấy vì sao, chỉ có một ngôi sao sáng nhất, ngôi sao xa tít trời mây, trông cô độc đến tội. Tự nhiên, khi gió lùa qua vành tai tôi lạnh buốt, khi tựa đầu lên lớp lông nhìn vào ánh đèn trong nhà, tôi vẩn vơ nghĩ lại những lời bà nội nói, phải chăng tôi cũng cô độc như ngôi sao kia, phải chăng cũng chẳng ai công nhận tôi, ai cũng ghét tôi đến thế. Tôi nghịch ngợm, nhưng tôi đâu có đáng ghét lắm đến nỗi người ta nhận anh tôi để nuôi, nhận chị tôi để nuôi trong mấy tháng tới, nhưng lại phớt lờ tôi, phải chăng vì tôi xấu xí nghịch ngợm đến nỗi bị khinh như vậy.
Tôi tự hỏi rồi ai nuôi tôi, thương tôi, để rồi trong cơn mộng mị, lòng tôi như héo lại, rụng xuống như lá khô, trong ánh sáng mờ ảo của đàn đom đóm lập lòe trong vườn, tôi nhận ra bản thân mình cũng muốn được yêu thương, bầu bạn. Tôi biết bà muốn tìm cho tôi một người chủ mới, người sẽ thay bà chăm sóc cho tôi, nhưng chính tôi lại khiến bà vô vọng. Tôi thương bà, thương cô Hoa, thương con người như cách con người thương tôi đến thế, nhưng tôi không muốn đánh mất bản chất bản thân để đánh đổi đến sự công nhận của thế gian, tôi cần người chấp nhận tôi vào che chở cho tôi, hiểu được tính cách của tôi và sẽ không than phiền hay trả lại tôi chỉ vì tôi xấu xí và vì cho rằng tôi đáng ghét. Tôi biết tôi sẽ không thể mãi sống với mẹ, với cô hoa, với bà, cũng như anh chị tôi rồi cũng phải đi và thích nghi với những hộ gia đình mới, nhưng cho đến bây giờ, tôi vẫn loay hoay không biết mình đi đâu, ai sẽ nuôi mình kế tiếp. Và cứ thế, tôi buồn, buồn héo, nỗi buồn không tên choáng ngợp cõi lòng, tôi tự hỏi liệu mình có thể khóc. Tôi tự thấy mình khác biệt, dị hợm và tách biệt đến nhường nào.
o0o
Tôi không hề ngờ được rằng anh An (tôi thay đổi cách xưng hô, vì lẽ thể hiện lòng biết ơn với người đã chăm sóc cho tôi mấy năm nay), sau tất cả, lại có một chấp niệm sâu sắc với tôi. Tôi không rõ chuyện xảy ra tự khi nào, có lẽ buổi tối hôm đó, cái buổi tối khi tôi cuộn mình gặm nhấm u sầu trong vườn, anh đã lén nói chuyện, hay thủ thỉ gì đó với cô Hoa, cũng có thể là với bà nội, về tôi. Tôi biết có lẽ anh vẫn nhớ hoài về chuyện tôi đã cào anh và làm mặt anh chảy máu thế nào, nhưng tôi vẫn tò mò vì sao, anh chấp nhận một chú mèo nghịch ngợm và bất trị như tôi và chấp nhận đón lấy tôi từ tay của bà nội, trong cái buổi sáng định mệnh ấy. Phải chăng tối đó, anh hiểu rằng bà nội vẫn luôn muốn bán tôi đi, để đổi lấy một khoản tiền nho nhỏ, hay anh ấn tượng vì một chú mèo có bộ lông và tính cách đặc biệt? Có lẽ không phải. Tôi nghĩ một phần trong buổi tối hôm đó, dưới ánh đèn dầu, có lẽ anh đã trằn trọc khi nghĩ đến việc bà và mẹ đã già, chẳng còn mấy đồng bạc mà nuôi thân nữa là thêm mấy con vật nhỏ trong nhà. Bán chúng tôi đi cũng như là để lấy chút tiền nuôi thân, cũng hợp lý thôi, hay bán đi, là dành dụm tiền cho anh An học đại học trên Hà Nội nữa. Tôi đáng lẽ ra là một vật quy đổi, nhưng không ai dám đổi lấy tôi. Anh An có lẽ đã nghĩ rằng việc nhận nuôi tôi sẽ bớt đi một phần chi phí nuôi nấng, bớt đi cái cơm cái cá, cho bà và mẹ anh đỡ vất vả. Hay là vì học thú y, nên anh muốn có một "vật thí nghiệm" để học cách giao tiếp với những bạn thú nuôi có tính cách tréo ngoe, khó chiều.
Tất cả suy đoán của tôi đều không phải, lý do anh nhận nuôi tôi, và cũng chính là lý do anh về quê hôm ấy, là để xin bà nội và cô Hoa một chú mèo. Tôi biết, thật kỳ lạ khi một sinh viên lại lặn lội về quê chỉ để xin một con thú nhỏ, nhưng bạn biết rồi đó, sinh viên lấy đâu ra tiền mà mua được những con "pet" hạng sang trong những cửa hàng thú nuôi lộng lẫy. Tôi là mèo quê, nuôi bằng cơm cá lèo tèo ở quê cũng quen rồi, nên có lẽ nhận tôi thì cũng tiện đường chăm bẵm, cũng chẳng tốn tiền chi phí đắt đỏ. Nhưng sâu sa hơn, vì anh ở trên thành phố có một mình, thui thủi, cô độc trong cái nhà trọ trên tầng hai của một khu tập thể, mình anh trong căn phòng nhỏ đầy cô quạnh, hướng ra cái ngõ ngập tràn những cây sấu thay lá độ thu về. Anh ít bạn bè, nên đôi khi buồn, anh cũng chẳng biết tâm sự tỏ bày với ai, vì xung quanh chỉ có một cô nữ sinh cấp ba, một cô tiểu thư sống trong căn biệt thự xa hoa to lớn, một cặp vợ chồng trẻ mới cưới ngày nào cũng cãi cọ, một ông lão góa vợ cọc cằn, một anh họa sĩ nghèo rớt mồng tơi, và một cặp vợ chồng già chuyển sang làm nghề may vá sau những tháng ngày đằng đẵng chiến tranh. Xét cả cái danh sách trên, đúng là chẳng có ai hợp tình hợp tính anh cả. Nên nỗi cô đơn, nỗi sầu choáng ngợp càng ngày càng lớn, chàng thanh niên lúc ấy mới chỉ hăm mốt tuổi quyết định điện về quê xin bà nội một con mèo...
Và thật may mắn, con mèo đó là tôi, Bạch Dương. Có lẽ trong mắt người ta, và cả trong mắt anh An lúc đầu, tôi là một con mèo nghịch ngợm khó chiều, nhưng thực ra, tôi cũng hoài cô độc, và cũng muốn có bạn. Ấy là mơ tưởng của tôi bấy lâu, và thật may khi anh An đã đến bên tôi và nhận nuôi tôi đấy. Sau này, trong một buổi chiều tựa lên chiếc ghế gỗ hướng ra phố, ngắm lá vàng dệt lên đoạn đường những mảng long lanh đầy những nắng, tôi thoáng nghe anh An nói rằng, sở dĩ lúc đó anh chọn tôi, không chỉ vì tôi là chú mèo duy nhất còn sót lại trong số ba đứa con thơ dại của mẹ tôi, mà là vì anh đã thấy tôi trong đêm đầy đom đóm, nằm cô đơn dưới trời, giống như anh thuở đó vậy. Và anh biết, có lẽ tôi không xấu như vẻ bề ngoài.
Chỉ biết là sau cái đêm hôm đó, anh An thay bà, thay cả cô Hoa là người chăm sóc cho tôi, từ trộn cơm, vuốt ve tôi, đều là anh hết. Ban đầu, tôi vẫn chẳng có chịu, tôi cũng bướng lắm thay, dù biết anh chẳng có ý gì xấu xa cả. Tôi đã từng rủa thầm trong lòng sao cơm cá trộn không đều, sao anh cứ mân mê hai cái tai tôi mà không vuốt ve lên lưng tôi như bà nội, sao anh cứ thích cù cù vào bàn chân tôi làm gì cơ thế? Tôi đã thoáng bực bội, nhưng rồi dần nguôi ngoai, tôi quen anh hơn và đôi khi tôi nhận ra tự lúc nào, mình quen với anh và hay dựa dẫm vào anh, tưởng chừng như quên đi cô Hoa và bà nội. Bà còn cười nhẹ nhàng, nhưng cũng đầy chọc ghẹo khi thấy tôi cuộn tròn ngắm nắng về trên khung cửa sổ gỗ, cạnh anh đang chúi mũi vào đọc cuốn sách dày cộp như cặp kính của anh:
- Giờ nó quấn mày còn hơn cả bà nữa rồi, hay nhé! Thằng quỷ con này chắc quên bà rồi!
Lúc đó, tôi lại thoáng giật mình, đung đưa cái đuôi, rồi nhảy về phía của bà. Đâu có đâu, bà vẫn là đáng yêu nhất, tôi vẫn thương bà vì bà chăm tôi từ những ngày đầu tiên cơ mà. Nhưng tôi cũng không thể không công nhận rằng anh An, cũng như cô Hoa và bà nội, đều là những người hiền hòa và thương tôi, họ không mắng mỏ tôi quá nhiều hay chửi rủa, chê bai tôi như những người trong xóm. Ngày tháng dần qua, tôi nhận ra bản thân không còn quá cô đơn nữa, dù cho lúc đó tôi vẫn chưa rõ ràng người nào sẽ là người chủ mới, ai sẽ đến với cuộc đời tôi tiếp theo.
o0o
Cuối cùng thì tôi đã có câu trả lời cho mình. Hôm ấy, tôi vẫn nhớ, một buổi sáng trong veo và thanh sạch sau một đợt mưa tràn qua làng lạnh buốt vào tối hôm ấy. Se sẻ về khắp ngọn cây, lá rụng đầy vườn và trên khoảng sân gạch, nước đọng lại thành từng vũng, lấp loáng như gương. Tôi ngơ ngác trông, tự hỏi vì sao anh An lúi cúi xếp đồ, quần áo gấp gọn cho vào cái ba lô bằng vài dù màu xanh lá. Tôi có hay gì hôm ấy, tôi sẽ đi theo anh, thậm chí ngày tôi đi còn sớm hơn cả ngày anh và chị tôi đến gặp người chủ mới. Tôi chỉ biết nằm dài trên chõng, trông về phía căn phòng của anh, tôi hoang mang và chẳng hiểu chuyện gì, chỉ bần thần lặng im nơi đó mà thôi. Để ý thấy cô Hoa cho vào túi nào là bánh, nào giò lụa, giò bì, cá khô, mực khô, nhiều dữ lắm!
- Này, lên thành phố phải ăn học cho đàng hoàng, về có gì chữa bệnh cho mấy con trâu, con bò, giúp đỡ cho bà con lối xóm. Chứ để mấy khi trâu bò nó đau, nó ốm, người đây chẳng ai biết làm sao, lại lỗ bội tiền...
- Mẹ yên tâm, con biết mà.
- Biết thì cứ nói là biết đấy, rồi cứ như bố anh, cái thói lơ đễnh khó bỏ lắm! - Cô Hoa cười, cái nụ cười hiền khô và dìu dịu khi nhìn con trai khoác ba lô lên vai, lại xụp xuống cái mũ vải mềm. Chợt, cô quay sang, thấy tôi vẫn biếng lười nằm dài trên chõng, tưởng như nhớ ra chuyện gì, cô vội kéo lấy cậu con trai, khiến anh thoáng giật mình nhìn lại - Đấy, lại quên nhân vật đặc biệt rồi. Xin xỏ thế nào, giờ lại quên mang nó đi theo... - Cô lắc đầu, đoạn tiến đến, bế tôi lên, khiến tôi lo lắng rụt chân lại, chẳng hiểu cái mô tê gì. Tôi nhìn về phía anh, thấy anh đang đưa tay về phía tôi, và tự nhiên lòng tôi càng thêm xáo động, tôi từ tay cô Hoa sang tay anh nhẹ bẫng, nhưng lòng tôi thoáng sợ hãi đôi phần. Tôi hướng về phía mẹ và anh chị tôi trong vườn, rồi lại đưa mắt nhìn bác trâu, để thấy họ cũng đang nhìn về phía tôi. Là sao, chuyện gì thế, sao cô lại bảo anh An quên tôi?
- Dương, chào mày nhé! Đến lúc mày đến ở cùng chủ mới rồi, thật ngạc nhiên là chú mày bướng bỉnh đến thế rồi cũng được nhận nuôi cơ đấy! - Cô Hoa đưa tay vuốt ve lấy lớp lông tơ sau chót của tôi, tôi thấy mắt cô long lanh và cảm tưởng như từng lời thốt ra như gửi gắm nào bao tâm sự, tưởng như sẽ chẳng còn lần nào cô thấy tôi. Tự nhiên, tôi giật mình thấy cô như chực khóc, khiến lòng tôi cũng như muốn trùng xuống một nhịp, tôi bám lấy anh An mà quay đầu nhìn lại, thấy cả khu vườn và căn nhà đơn sơ thu vào trong đáy mắt. Kìa cây ổi, giàn mướp hoa nở vàng, kìa bụi dây tằm, ngọn tre ban sớm... Rồi để lại hết sao, rồi chỉ còn là tâm tưởng, là mơ hồ hồi ức? Rồi tôi sẽ đi đâu, đi xa, đi bao lâu? Cô Hoa chỉ về phía anh An, thủ thỉ - Chủ mới của mày này, biết chưa? Anh An quý mày lắm đấy, chắc mày cũng quý anh An. Này, mày sẽ đi xa lắm, rời Hải Dương về Hà Nội đấy. Ở đó tha hồ ăn ngon, ngắm phố phường đẹp lắm.
Tôi hoàng hồn, vậy là phải đi thật sao? Tôi thấy như vừa vui sướng, nhưng sao mà luyến tiếc. Vui vì có người chấp nhận tôi, thương tôi và mang tôi đi theo cùng, nhưng buồn dữ lắm, vì xa mẹ, xa anh chị, xa cô Hoa. Và cả bà nội, tôi thấy bà đứng nơi cửa sổ, nhìn về phía anh An cùng tôi trên tay, có lẽ bà nhận ra bà đã thành công tìm cho tôi một người chủ mới, nhưng có lẽ bà cũng tiếc bao nhiêu, vì chú mèo có bộ lông màu vàng nghệ chẳng còn quanh quẩn trong vườn, chẳng còn điều gì khiến bà vướng bận về chú mèo này nữa. Bà đã nhẹ nhõm hơn, lòng bà sẽ không phải mệt mỏi vì tôi nữa, nhưng tại sao trông mắt bà buồn? Tôi lại nhìn về phía mẹ tôi, thấy mẹ cũng đang trông về tôi, và phải chăng mẹ khóc. Chị tôi, anh tôi, họ ngồi trên bệ rào đá hướng về phía tôi, rồi chợt họ tiến lại gần, bám lấy chân anh An, khiến anh mỉm cười ngồi xuống. Tôi biết, tôi có người anh có vẻ không ưa tôi, nhưng sao lần này thật lạ. Tôi thấy anh nhìn về phía tôi, ánh mắt lần này mang một nét buồn chân thật, tựa như muốn nói: "Chào chú mày nhé!"
Để rồi khi bước ra ngoài cửa, tôi vẫn thấy lòng xốn xang. Qua chuồng trâu, bác trâu lúc lắc đôi sừng, nhìn tôi. Tôi cúi đầu, tựa vào vai anh An, tôi ước sao thu được tất cả điều đẹp đẽ nhất vào trong mắt, nhưng tôi còn quá nhỏ bé, rồi phải rời đi vội vàng. Tôi nhận ra, từ lúc nào, tôi đã vùi trong lòng anh An, trên một chiếc xe buýt, lướt qua cánh đồng, bụi tre, lướt qua những ruộng lúa xanh và những mái ngói thấp thoáng sau những đụn rơm khô cháy. Gió lướt qua cửa, như chào tôi, con gió ở lại, tôi đi về một chân trời mới. Tôi tự hỏi hai tiếng Hà Nội, rồi trông nó ra sao, phồn hoa thế nào, khác gì với nơi tôi ở hay chăng. Tôi cố mường tượng, như thể mơ mộng đôi phần giúp lòng tôi nguôi ngoai.
o0o
Hà Nội quả không giống với tôi nghĩ. Hà Nội thật đẹp, với những hàng cây trải dài cho nắng xuyên qua, tạo thành những mảng màu lấp loáng như dệt từng vệt sáng lên mặt đường. Hà Nội là sự đan xen giữa những tòa nhà cao thật cao, cùng với những nét cổ xưa âm thầm mà lặng lẽ. Tôi nhận ra Hà Nội mang một thứ mùi gì đó rất thơm, thứ hương thơm của hoa, của bánh trái từ các cửa tiệm, của xe cộ ngang dọc phố phường, của những vũng nước đọng lại sau những trận mưa rào ghé qua. Và Hà Nội đẹp vì có những khu phố nhỏ xinh ngập lá vàng.
Căn nhà, đúng hơn chỉ là một căn hộ, một nơi ở trọ sơ sài của anh An, nằm trên tầng hai của một khu tập thể nhỏ, hướng ra một con phố tên là Phan Đình Phùng. Mỗi độ gió qua, lá sấu bay hoài, tưgf chiếc lá vàng rụng rơi trải đầy mặt phố. Nắng tựa thủy tinh, xuyên qua ô cửa sổ sơn xanh, rọi lên một chiếc bàn tròn có ba chân đế. Thật kỳ lạ, tuy là thân trai đấy, nhưng căn phòng của anh An lạ khá gọn gàng, thậm chí còn có cả một bình cúc họa mi trắng muốt xếp trong chiếc lọ tựa vào tường, chiếc lọ xinh xắn nằm im trên cái bàn tròn. Tôi thích cái cửa sổ của anh An, vì nơi đó ngập nào là nắng, sưởi ấm và rung rung đôi ria ở đó quả là tuyệt vời tựa thần tiên! Chỉ là nơi này có vẻ hơi cao, mà tôi thì là một đứa sợ độ cao lắm. Ngày đầu đến đây, anh An thả tôi xuống đất, tôi đã vui vẻ chạy vòng quanh thám thính, nhưng rồi khựng lại khi bước chân lên cửa sổ. Trong đầu tôi lập tức tràn đầy viễn cảnh sẽ ra sao khi tôi rơi xuống đó, và dường như, loáng thoáng dưới lầu một của khu tập thể là mấy chậu xương rồng nhà ai để đó, tôi mà rơi xuống họa chăng chỉ có nước làm lẩu mèo...
Nhưng dù sao, tôi vẫn thích căn phòng này lắm, vì nó thơm mùi gỗ, từ tủ gỗ, bàn gỗ, giá gỗ, giường cũng là gỗ, cái thứ hương thơm đồng quê quen thuộc mà tôi hằng yêu thích. Chỉ là tôi nghĩ, sẽ thật khó để quen với nơi này ngay từ ngày đầu tiên, bởi lẽ xung quanh nhà tôi còn có bao nhiêu ngôi nhà khác, bé nhỏ xen nhau, khiến tôi nhìn lên nhìn xuống, nhìn trái nhìn phải muốn hoa cả mắt cũng không biết có bao nhiêu là nhà. Và cả hàng xóm nữa, tôi nghe nói ở thành phố, người ta có vẻ kém xởi lởi, ngại chuyện trò, đời sống luôn vội và tấp nập hơn những chuỗi ngày yên ả ruộng đồng chốn thôn quê. vậy chăng khó lắm mà thích nghi cho nổi, tôi hướng ra cửa sổ, đảo mắt vòng quang, chợt thấy nơi đối diện mình, có một chiếc cửa sổ gắn đèn nhấp nháy nhỏ xinh, trên cửa còn treo một chiếc chuông gió màu xanh biển loong coong, âm thanh vang lên thật kỳ diệu, nghe sao mà hay thế. Cái lần đầu tiên tôi nghe thấy tiếng chuông gió trong đời, cũng là lần đầu tiên khi tôi mở mắt ra, tôi nhận thấy một cái cục màu đen, chẳng rõ nó là cái gì, chỉ biết toàn thân nó như vừa trải qua một trận hỏa hoạn kinh người đến nỗi tôi tự hỏi bản thân đang trông thấy một loài sinh vật đáng sợ nào hay chăng. Nó nhìn tôi, tôi nhìn nó, nó lại nhìn tôi, tôi lại nhìn nó, nó nằm xuống nhìn tôi, tôi cũng bắt chước nằm xuống nhìn nó. Lâu thật lâu, chỉ khi tôi giật mình đánh thót thấy nó đứng lên và nhảy xuống khỏi cái bàn kê cạnh cửa sổ, dưới cái chuông gió loong coong màu xanh biển, tôi mới hoàng hồn nhận ra hàng xóm của mình có vẻ rất đáng sợ. Điều đó làm tôi sợ hãi nhảy xuống khỏi chiếc bàn nơi cửa sổ của anh An, luống cuống đến nỗi suýt va phải bình cúc họa mi.
Thấy động, anh An vội chạy tới, thấy tôi co rúm mình cuộn tròn dưới chân bàn, anh vội vã bế tôi lên. Để rồi khi được anh bồng lên cao, tôi lại hoảng loạn gấp bội khi thấy từ nơi cửa sổ phòng đối diện, cái cục màu đen bây giờ đã chạy sang mái ngói của căn nhà kế bên. Và vụt qua từ cửa sổ, một thứ gì đó bé tẹo, như một cái máy bay giấy màu vàng, mang theo một tiếng kêu vang rải tin rộng khắp:
- Khu mình có thêm một con mèo!!!
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro