111111111111111111111111111
154.
Trong tòa Nghị sự đường, Trịnh Khải đứng chắp hai tay sau lưng bên song cửa, ánh mắt sâu thẳm lướt trên những tán lá sen đọng trong hồ. Mùa này sen nở ít, không được rộ và đẹp như những mùa khác, điều đó khiến Trịnh Khải ngạc nhiên khi cung nữ đã bẩm báo với anh rằng họ vẫn chăm sóc sen theo đúng như quy cách thường ngày.
- Chúa công, thần Nguyễn Khản xin yết kiến người!
Đang suy nghĩ mông lung, tà áo lục của Trịnh Khải lay động khi giọng nói khàn khàn của Nguyễn Khản cất lên. Đứng khom lưng ở phía sau, gương mặt Nguyễn Khản rất nghiêm túc, xen vào đó là nét lo lắng khi chúa công đột ngột cho gọi ông đến Nghị sự đường sau giờ thiết triều. Đây không phải là lần đầu tiên Nguyễn Khản được triệu kiến, thế nhưng không hiểu sao lần này ông có dự cảm không tốt. Ý kiến của Hồ tiệp dư cùng với kế hoạch hoàn chỉnh của ông đã thành công rực rỡ, đám hải tặc đã bị tiêu diệt cùng với Huyết Ly cung không còn một mống, hôm nay chúa công đột ngột vời ông đến chắc chắn để truy hỏi về chuyện đó. Càng nghĩ, Nguyễn Khản càng lo lắng, ông lại càng lo lắng hơn khi chúa công trước sau chỉ nhíu mày nhìn mình mà vẫn chưa nói câu nào. Trước ánh mắt ngưng đọng ấy, Nguyễn Khản lúng túng, ông tự biết bản thân đã vượt quá quyền hành khi huy động kiêu binh trong việc truy sát Huyết Ly cung. Đó là một điều cấm kỵ, chúa công có trách tội, ông cũng cam chịu bởi nếu thời gian có quay trở lại, ông vẫn sẽ dùng kiêu binh triệt để giải quyết hải tặc và Huyết ly cung- hai lực lượng đang đe dọa đến tòa lượng phủ và cả bản thân ông.
– Huyết ly cung đã bị diệt rồi sao?
Đang lo lắng suy nghĩ, Nguyễn Khản giật mình khi giọng nói trầm ấm của Trịnh Khải nhẹ nhàng cất lên, kết thúc bầu không khí yên lặng đang hiện hữu trong Nghị sự đường. Vội khom lưng, chắp tay, Nguyễn Khản gật nhẹ đầu
- Đúng thế, thưa chúa công!
- Ông là người đã chủ trương chuyện này?
Vẫn âm giọng nhẹ nhàng, chẳng hề nổi nóng, Trịnh Khải tiếp tục hỏi. Trong phút chốc, hình ảnh của Hồ tiệp dư thoáng qua trong đầu Nguyễn Khản, thế nhưng, sau phút suy nghĩ, ông quyết định nhận tất cả mọi việc về mình. Suy cho cùng, Hồ tiệp dư cũng chỉ là gợi ý kiến, còn thi hành, điều động kiêu binh và giải quyết mọi chuyện là ông, vị Hồ tiệp dư kia hoàn toàn không nhúng tay gì đến chuyện này.
- Khải bẩm chúa công, người chủ trương chính là hạ thần!
Trong phút chốc, đôi mắt sâu thẳm của Trịnh Khải thẫm lại, anh nhìn vị trung thần đứng trước mặt mình, trán lấm tấm mồ hôi mà không nói câu nào. Khi nghe tin Nguyễn Khản điều động kiêu binh, truy sát Huyết Ly cung, cảm giác của anh rất phức tạp. Sâu trong thâm tâm, cái tên Thanh Loan vẫn còn đó, bản thân anh không muốn truy cùng đuổi tận Huyết Ly cung, nhất là việc Nguyễn Khản đã tự ý vượt quyền, điều động kiêu binh khi chưa được sự cho phép của anh, tội này không phải nhỏ. Đám kiêu binh lâu nay đã quen thói cậy công phò tá, tòa lượng phủ chưa trấn áp được chúng vì lực lượng còn mỏng manh, phần lớn những người trung thành với anh đều đã bị tiên vương bức tử do tưởng lầm tạo phản. Muốn dẹp loạn kiêu binh cần phải có thời gian gầy dựng binh tốt sĩ mạnh, nhưng thông qua chuyện này, kiêu binh chắc chắn sẽ làm rộn lên, cho là mình đã dẹp được hải tặc và Huyết ly cung- hai thế lực lớn đe dọa đến phủ chúa, chúng chắc chắn sẽ tấu xin hoàng thượng luận thưởng ban công. Đến lúc đó, mọi chuyện sẽ không còn đơn giản, chúng sẽ khó kiểm soát và cao ngạo hơn khi lực lượng của kiêu binh đang dần mạnh lên từng ngày.
Nguyễn Khản tự ý vượt quyền tiêu diệt hải tặc, đó là chuyện tốt, nhưng điều động kiêu binh rõ ràng là chuyện không tốt. Cuối cùng nói gì thì nói, mọi sự đều đã rồi, huống chi việc kiêu binh đòi hoàng thượng luận công ban thưởng sớm muộn gì cũng xảy ra, không vì lý do này cũng viện cớ khác, giờ anh có truy tội Nguyễn Khản, có khiển trách ông cũng không được ích lợi gì.
- Chúa công, thần đã tự ý vượt quyền điều động kiêu binh, khẩn xin người hãy giáng tội hạ thần!!!
Bản thân Nguyễn Khản làm quan từ thời Tĩnh vương, ông là trung thần hay không chưa biết, nhưng đối với Trịnh Khải lại rất mực trung thành, tận tụy. Mắt thấy Trịnh Khải trầm tư, đôi mày kiếm nhíu lại, Nguyễn Khản vội vàng quỳ xuống, khẩn thiết xin trị tội. Sau lời khẩn cầu của Nguyễn Khản, căn phòng lại rơi vào im lặng, thời gian chậm chạp nhỏ giọt, mãi một lúc sau Trịnh Khải mới nói nhẹ nhàng
- Ông hãy đứng lên đi! Việc cũng đã xảy ra, ta có giáng tội ông cũng không thay đổi được gì!
Ngừng một chút, Trịnh Khải lại tiếp lời
- Ông đã tự ý vượt quyền, điều động kiêu binh khi chưa có lệnh ta. Nếu không phạt thì trong triều sẽ cho rằng ta vì tình riêng mà thiên vị, thế nên ta quyết định định giáng chức ông, điều ông xuống Sơn Tây. Ngoài mặt như là trừng phạt để răn đe, nhưng ở đó ông hãy bí mật chiêu mộ nghĩa sĩ tứ trấn, tập trung lực lượng để diệt kiêu binh. Việc này tuyệt đối bí mật, có chuyện gì thì gởi tin cho ta biết, đừng tự ý hành động như hôm nay, ông hiểu chưa!
Nghe rõ hết những điều Trịnh Khải vừa nói, Nguyễn Khản ngước mặt lên nhìn vị chúa trẻ. Thần sắc ông trở nên ngưng trọng khi nhận thức ra chúa công đang giao cho mình một nhiệm vụ vô cùng quan trọng quan trọng. Nhân chuyện ông tự ý vượt quyền, chúa công ngoài thì xử phạt, nhưng thật ra bên trong đang ủy thác cho ông làm chuyện lớn, tránh cho người khác nghi ngờ. Những tưởng sẽ bị giáng tội, ngược lại còn được giao phó nhiệm vụ. Mang tiếng là bị giáng chức, nhưng ở Sơn Tây còn có Nguyễn Điền- em trai ông đang làm quan, ông sẽ không lo thiếu thốn gì. Trong phút chốc, mắt Nguyễn Khản lấp lánh, ông không nói gì mà chỉ cúi đầu “ Vâng!” một tiếng, rồi lui ra ngoài khi Trịnh Khải nhắm mắt lặng yên.
Còn lại một mình trong Nghị sự đường, Trịnh Khải đứng trầm mặc, bàn tay anh rà nhẹ lên chiếc đôn mát lạnh quen thuộc. Những tiên vương đời trước đều lần lượt ngồi trên chiếc đôn này, và hôm nay đến lượt anh. Đang lướt mắt nhìn những vật dụng quen thuộc không đổi trải qua bao đời chúa trong Nghị sự đường, đột ngột, có một sợi tơ nhện không biết từ đâu rơi xuống, vương vào áo Trịnh Khải. Đôi mày kiếm nhíu lại, anh nhẹ nhàng gạt sợi tơ nhện ra, nhưng sợi tơ nhện mỏng manh, bạc trắng lại vướng vào lòng bàn tay anh, quấn quýt không rời. Nhìn tơ nhện óng ánh trong tay, đôi mắt Trịnh Khải thẫm lại. Tơ nhện tuy mỏng manh, nhưng lại không dễ đứt, và nếu có đứt cũng dễ khiến cho người khác cảm giác khó chịu, cảnh giác, khi cho rằng vẫn còn có sợi tơ nhện khác còn vương trên áo mình.
Ánh mặt trời vươn qua song cửa, Trịnh Khải trầm ngâm một lúc rồi mới trở về ngự lâu. Nhẹ nhàng ra hiệu im lặng cho A Đào và A Vân khi hai cô định khấu chào, Trịnh Khải bước vào phòng. Lúc này, Nguyên Thục đang lúi húi chuẩn bị bữa ăn trưa cho cả hai. Do nó đang đứng quay lưng về phía Trịnh Khải nên không biết anh đang bí mật tiến lại gần nó, chỉ đến khi ngửi thấy mùi trầm hương dịu dàng cùng vòng tay ấm áp ôm lấy nó từ phía sau, Nguyên Thục mới giật mình, để rồi gương mặt trái xoan nhỏ nhắn hồng lên. Từ khi chính thức trở thành vợ Trịnh Khải, mỗi đêm đều nằm trong vòng tay ấm áp của anh, thế nhưng bao giờ cũng thế, khi được Trịnh Khải ôm vào lòng, Nguyên Thục luôn cảm thấy sung sướng, ngọt ngào và bình yên.
Ôm Nguyên Thục trong vòng tay, Trịnh Khải nhận thấy Nguyên Thục dường như đã gầy đi. Hôm đó, khi Ưu Phong đưa Nguyên Thục trở về phủ chúa, Trịnh Khải đã mất ngủ một đêm lúc nhìn thấy gương mặt Nguyên Thục trắng bệch như tờ giấy. Nhờ ngự y dốc lòng chạy chữa cùng số thảo dược quý hiếm do Ưu Phong mang đến, Nguyên Thục đã không còn nguy hiểm, tuy vẫn còn phải uống thuốc bồi bổ nhưng nó đã trở lại khỏe mạnh như xưa, nếu không thì anh không biết sau này mình sẽ như thế nào.
Huyết Ly cung đã bị tiêu diệt. Không còn ai đe dọa, Nguyên Thục tất nhiên sẽ được an toàn, đó là điều anh mong muốn, nhưng sâu thẳm trong trái tim anh vẫn có điều gì đó ưu tư và không được thoải mái trước kết cuộc này.
Tại sao Nguyễn Khản đột nhiên lại có ý định tiêu diệt Huyết Ly cung, khi mà xưa nay ông và họ không hề xảy ra xung đột gì?
- Anh, anh sao vậy? Sao anh còn chưa ăn? Thức ăn em nấu không ngon, hay là anh không được khỏe?
Thấy Trịnh Khải ngồi trầm ngâm, chưa cầm đũa, Nguyên Thục lo lắng hỏi. Nó vươn tay sờ vào trán anh thì thấy mát rượi, không có dấu hiệu gì của cảm mạo. Trong giây phút ấy, Trịnh Khải bất chợt nhìn Nguyên Thục, đôi mắt anh thẫm lại khi một ý nghĩ vừa thoáng qua trong đầu, nhưng chỉ trong chốc lát rồi lại tan biến. Cầm đôi đũa lên, Trịnh Khải còn chưa gắp gì thì đã thấy chén mình đầy ắp thức ăn từ bao giờ. Trước sự trông chờ của Nguyên Thục, Trịnh Khải gắp một miếng đậu hũ cho vào miệng, rồi gật nhẹ đầu. Chỉ chờ có thế, Nguyên Thục cười tươi, nó chăm chỉ gắp thức ăn cho anh, rồi líu lo đủ thứ chuyện, nào là sáng nay chậu hoa nó và anh cùng vun trồng đã chớm nở, nào là những bức tượng gỗ anh khắc nó đã tô hết rồi.
Đôi mắt long lanh cùng nụ cười bừng sáng của Nguyên Thục khiến Trịnh Khải ấm lòng, anh nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn của Nguyên Thục và ấp ủ nó trong tay của mình. Từ khi Nguyên Thục chính thức trở thành vợ của anh, việc triều chính đã cuốn lấy Trịnh Khải, không cho anh có thời gian ở bên cạnh nó nhiều hơn. Những lúc anh thức khuya phê duyệt tấu chương, Nguyên Thục phải đi ngủ một mình, những lúc anh bàn việc với quan thần, hoặc đi duyệt binh suốt từ sáng đến tối, Nguyên Thục phải thui thủi một mình trong ngự lâu. Chính vì anh không có thời gian giành cho nó, nên cho dù nói nói, cười cười vui vẻ, nhưng anh vẫn nhận thấy sâu trong ánh mắt Nguyên Thục chất chứa nỗi buồn. Khi Nguyên Thục bị Huyết Ly cung bắt đi, anh đã lo lắng đến mất ăn mất ngủ, bây giờ Nguyên Thục đã bình an, anh cần phải quan tâm Nguyên Thục nhiều hơn, nhiều hơn nữa để bù đắp cho những thiếu sót suốt thời gian qua.
- Thục nhi, chiều nay sau khi duyệt xong tấu chương, ta sẽ dẫn nàng đi chơi, nàng muốn đi đâu?
Đang lúi húi gọt trái cây, Nguyên Thục ngẩng đầu lên, mừng rỡ khi Trịnh Khải nói sẽ dẫn nó đi chơi. Trong nhất thời, Nguyên Thục rộn ràng không nghĩ ra được nó muốn đi đâu vì có quá nhiều nơi muốn đến. Sau khi đắn đo, cân nhắc, lựa chọn một hồi, Nguyên Thục quyết định sẽ đi thăm Quận Đông, vì đã lâu rồi nó chưa gặp lại chú voi trung thành đáng yêu này
- Anh, chúng ta đi thăm Quận Đông nhé, đã lâu rồi em chưa gặp lại nó!
Nguyên Thục nói, gương mặt bừng sáng lấp lánh khi Trịnh Khải mỉm cười gật đầu. Chiều nay nó sẽ cùng Trịnh Khải đi thăm quận Đông, rồi cả hai sẽ đi dạo mát ở Hồ tây, cùng nhau tận hưởng những ngọn gió mát lành bên hồ. Chỉ nghĩ đến thế thôi mà lòng Nguyên Thục vui phơi phới, đang lúc rộn ràng vui sướng, bỗng, đôi mày nó nhíu lại khi cảm thấy vùng bụng mình hơi nhói lên một cái thật đau, điều đó khiến Nguyên Thục vô cùng lo lắng. Vốn nó không có giác quan thứ sáu gọi là linh tính như người khác vẫn thường hay nói, nhưng mỗi khi bụng nó đang êm lành lại nhói lên một cái, y như rằng lát sau sẽ có chuyện gì đó xảy ra. Nguyên Thục cắn môi lo lắng, nó ngước nhìn Trịnh Khải, anh đang ngồi xem những bức tượng gỗ mà nó đã tô, lâu lâu lại mỉm cười khi nhìn thấy những dòng chữ ngộ nghĩnh mà Nguyên Thục tiện tay phết vào bức tượng. Vừa nhìn Trịnh Khải, vừa tiếp tục gọt trái cây, động tác của Nguyên Thục chậm lại, nó cắn môi, thầm hy vọng sẽ không có chuyện gì xảy ra, nếu có chuyện gì xảy ra, mong rằng Trịnh Khải sẽ được bình an, Nguyên Thiên sẽ được bình an, tất cả mọi chuyện không tốt hãy để mình nó gánh thôi, một mình nó chịu đựng mà thôi.
Lúc ấy, Nguyên Thục đã nghĩ như thế.
* Không biết năm nay là năm hạn của Yoh hay sao mà Yoh bệnh tật liên miên, hiện thời Yoh đang bị bệnh, chap có ra trễ thì mọi người cũng đừng than nhé ^^”
155.
Nguyên Thục thật sự rất rất mong chờ chuyến đi chơi buổi chiều đầu tiên sau khi cả hai lấy nhau giữa nó và Trịnh Khải, thế nhưng vào phút cuối cùng, khi đã chuẩn bị cơm, nước, trái cây cho buổi dã ngoại đâu đó sẵn sàng, mọi chuyện đều đổ bể khi Nguyên Thục đột nhiên cảm thấy trong người khó chịu và buồn nôn.
Thấy gương mặt Nguyên Thục trở nên xanh xao, Trịnh Khải rất lo lắng, anh đã không màng sự tha thiết của Nguyên Thục mà mang nó quay trở về ngự lâu và truyền ngự y. Những tưởng có chuyến đi chơi vui vẻ, nào ngờ kết quả lại nằm trên giường dưỡng bệnh, Nguyên Thục vô cùng chán nản. Trong người ngoài cảm giác khó chịu, buồn nôn và chóng mặt, bây giờ lại có thêm cảm giác buồn bã, thất vọng, khiến Nguyên Thục ủ ê như lá úa mùa thu.
Nhìn Nguyên Thục nằm cuộn trong chăn, quay mặt vào vách tường, Trịnh Khải biết nó đang buồn vì không được đi chơi nên nhẹ nhàng dỗ dành khi nó rúc vào lòng mình. Trước cuộc du ngoạn không thành, Nguyên Thục thất vọng, bản thân anh cũng không được vui, nhưng với tình hình của Nguyên Thục bây giờ, anh không thể đưa nó đi thăm Quận Đông như đã hứa bởi nếu xảy ra chuyện gì, anh sẽ không thể an tâm.
Dù chuyến đi chơi không thể diễn ra như đã hẹn, nhưng nằm trong lòng Trịnh Khải, được mùi trầm hương dịu dàng vây quanh, sự hờn dỗi cùng thất vọng trong Nguyên Thục dần tiêu tan. Làn khói thơm từ chiếc chậu đồng xinh xinh bay lảng bảng, đồng hồ nhỏ giọt tóc tách, Trịnh Khải không bận rộn triều chính như mọi khi mà ở bên cạnh nó, bầu không khí êm đềm này khiến Nguyên Thục vô cùng hạnh phúc, nó khép mắt tận hưởng sự dễ chịu, rồi nói trong mơ màng
- Anh này, khi ngự y khám, nếu em không có chuyện gì thì ngày mai chúng ta có thể đi thăm Quận Đông không?
Đang nhẹ vuốt mái tóc dài như suối của Nguyên Thục, Trịnh Khải nhíu mày lại khi nghe nó thỏ thẻ. Trầm tư một lúc lâu, anh nhẹ nhàng đáp lời
- Hôm nay không thể đi thăm Quận Đông, ta biết nàng rất buồn, nhưng ngày mai còn có rất nhiều việc chưa làm, ta không thể đưa nàng đi thăm Quận Đông được!
- Vậy thì ngày mốt, hay ngày mốt nữa!
Nguyên Thục ngước nhìn Trịnh Khải, tha thiết, rồi sau đó nó xịu mặt xuống, đôi mắt long lanh, ngậm ngùi khi anh lắc đầu.
- Thục nhi, ta xin lỗi! Đợi dịp khác ta sẽ bù đắp lại cho nàng!
Trịnh Khải vừa nói vừa vỗ về đôi vai mềm đang xuôi xuống vì thất vọng của Nguyên Thục. Đối với Nguyên Thục, yêu một người, hơn nữa người đó không phải của riêng mình, đó là một chuyện khó khăn, nhưng khi đã yêu, thì dù đau khổ hay hạnh phúc nó cũng sẽ mãi nắm lấy tay người đó, không rời. Yêu Trịnh Khải, trở thành vợ của anh, Nguyên Thục biết mình sẽ không thể có một gia đình bình thường như nó đã hằng mơ ước, nhưng nó chấp nhận và hạnh phúc vì điều đó. Khi biết Trịnh Khải không thể đưa mình đi chơi được nữa, Nguyên Thục buồn lòng, tiếc nuối, nhưng sau đó lại tự an ủi mình rằng không cần đi chơi, chỉ cần ngày ngày nhìn thấy anh, chăm sóc anh và được anh ân cần quan tâm, mỉm cười khi nó mang bánh hay pha trà, thế là được rồi!
- Thưa chúa công, thánh mẫu muốn chúa công đến gặp người ạ!
Đang trầm ngâm không nói, Trịnh Khải ngẩng đầu lên khi nghe A Đào bẩm báo, anh kéo chiếc chăn ấm đáp lên người Nguyên Thục, vừa lúc Trần ngự y đang tiến vào. Nhìn thấy Trịnh Khải, Trần ngự y liền khấu đầu. Khoát tay cho ông đứng dậy, Trịnh Khải nói, đôi mày kiếm nhíu lại thành một rãnh sâu
- Trần ngự y, sau khi chuẩn đoán bệnh tình của Thục nhi, ông hãy báo ngay cho ta biết!
-Thưa vâng!
Trần ngự y trịnh trọng đáp, Trịnh Khải mỉm cười, xiết chặt lấy tay Nguyên Thục rồi quay người đi, để lại sau lưng ánh mắt tràn ngập lo lắng của Nguyên Thục khi không biết thánh mẫu muốn gặp Trịnh Khải để làm gì.
Trong khi Nguyên Thục đang suy nghĩ, A Đào đã buông rèm xuống, sau đó cô cẩn thận cột lên tay nó một sợi dây lụa mỏng khiến Nguyên Thục cau mày. Khi khám bệnh trong cung, đối với nữ giới, các ngự y phải ngồi sau bức màn, bắt mạch qua sợi dây lụa được cột trên tay người bệnh. Chính vì thế mà người bệnh không khỏi hẳn do chuẩn bệnh không chính xác, điều này khiến Nguyên Thục phiền lòng
- A Đào, chị vén màn lên, cứ để cho ngự y trực tiếp chuẩn bệnh và bắt mạch cho em!
Nguyên Thục nói, giọng phảng phất nghiêm nghị, khiến A Đào lúng túng vì yêu cầu của nó trái với luật lệ trong cung
- Nhưng thưa tiệp dư…
- Chị không vén, em vén! Có chuyện gì cứ đổ hết c ho em!
Nguyên Thục cau mày, nó đứng dậy, tính vén tấm rèm lên thì A Đào vội ngăn lại, rồi sau đó cẩn thận cột tấm rèm trong khi A Vân tháo sợi dây lụa trên cổ tay nó trước sự ngơ ngác của Trần ngự y
- Trần ngự y, triệu chứng của tôi là chóng mặt, buồn nôn và cảm thấy người uể oải, ông hãy khám xem tôi có bị bệnh gì không?
Chẳng đợi cho Trần ngự y hỏi han, Nguyên Thục đã khai báo luôn bệnh tình. Trước sự nhanh nhẹn và táo bạo của vị Hồ tiệp dư khi phá vỡ quy định khám bệnh trong cung, Trần ngự y dở khóc dở cười, ông cẩn thận chạm vào cổ tay đang chìa sẵn ra của Nguyên Thục, rồi bắt đầu bắt mạch.
Ngồi trên giường, Nguyên Thục hồi hộp quan sát từng chuyển động trên gương mặt của Trần ngự y, nó thầm cầu mong mình khỏe mạnh, không đau ốm gì. Nếu nó đau ốm, ai sẽ chăm sóc cho Trịnh Khải, ai sẽ thăm hỏi Nguyên Thiên, nếu nó bệnh tật thì chắc hẳn anh sẽ rất lo lắng, em gái nó sẽ không vui, mà nó thi không muốn hai người lo lắng chút nào.
- Hồ tiệp dư, người đã có triệu chứng này bao lâu rồi!
Sau một hồi bắt mạch, Trần ngự y ngẩng đầu lên, hỏi với vẻ thận trọng. Với câu hỏi ấy, Nguyên Thục cắn môi lo lắng
- Tôi cũng không rõ lắm, nhưng triệu chứng này cũng xuất hiện từ tháng trước rồi. Ngự y, tôi có bị sao không?
Trước sự căng thẳng của Nguyên Thục, Trần ngự y cung tay, mắt lấp lánh cười
- Chúc mừng Tiệp dư!
- Sao?
Đang lúc bối rối, Nguyên Thục không hiểu Trần ngự y muốn ám chỉ điều gì. Thế nhưng sau phút bình tĩnh, lại thấy Trần ngự y cứ đăm đăm nhìn mình, tay vuốt râu, miệng tủm tỉm cười, Nguyên Thục sững người lại. Rồi sau đó, như bình nước lạnh đang dần ấm lên khi đổ nước nóng vào, đôi vai Nguyên Thục run rẩy, mắt nó mở to vì không nghĩ đến chuyện kỳ diệu này
- Ngự y, ông nói thật không? Thật không? Thật không?
Nguyên Thục quýnh quáng hỏi, để đến khi nhận được cái gật đầu chắc nịch của Trần ngự y, nó muốn hét lên một tiếng, nhưng cố kềm lại, rồi ôm lấy tấm chăn, vùi vào gương mặt đang đỏ bừng lên vì sung sướng. Lúc trước, nó rất mong có thêm thành viên mới trong tổ ấm nhỏ bé của mình, mỗi lần có triệu chứng nhức đầu, buồn nôn, thèm ăn đồ chua, Nguyên Thục khấp khởi hy vọng, nó đã vội vàng mời ngự y đến, để rồi sau đó mặt buồn thiu khi biết rằng triệu chứng đó là do xuống sức khỏe. Cứ năm lần bảy lượt thế, dù kiên trì đến đâu Nguyên Thục cũng đâm nản, thế nên sau này những triệu chứng đó tái phát, Nguyên Thục chẳng thèm quan tâm, mà coi đó như chuyện bình thường ở huyện mà thôi.
- Biết tin Tiệp dư có thai, chúa công nhất định sẽ rất vui mừng, thần sẽ kê vài đơn thuốc bổ để cho hai mẫu tử được khỏe mạnh!
Trần ngự y nói oang oang bên tai, thế nhưng Nguyên Thục nào có nghe thấy gì, nó đang trôi bồng bềnh trên chín tầng mây, nhìn thấy xung quanh mình là pháo hoa rực rỡ. Giấc mơ ấp ủ thầm kín bấy lâu nay đã trở thành hiện thực, hai từ gia đình đã trở nên hoàn hảo khi sắp đón chào một thành viên mới, Nguyên Thục mừng đến phát điên. Không biết kết tinh tình yêu của nó và Trịnh Khải là trai hay gái nhỉ, riêng nó, nó mong là một cậu con trai bé bỏng, xinh xắn, giống cha như đúc, thì nó còn hạnh phúc nào hơn. Nó đã có em bé, Trịnh Khải mà nghe tin không biết anh sẽ như thế nào nhỉ? Ôi, nó muốn báo tin này ngay cho anh biết quá đi thôi!
Nguyên Thục sung sướng, càng nghĩ nó càng nôn nóng, nó hăm hở đứng dậy, tính ra khỏi giường thì A Đào đã vội vàng ngăn lại, nét mặt cô nửa mừng do Tiệp dư đã có tin vui, nửa hốt hoảng do không biết chủ nhân mình tính làm gì!
- Tiệp dư, người định làm gì?
- Em muốn đi báo tin này cho anh ấy biết!
Thấy Nguyên Thục vì quá vui mừng mà thần trí đã loạn, A Vân phì cười
- Tiệp dư, coi người kìa, dù muốn báo tin mừng này cho chúa công đến mức nào, nhưng chúa công đang gặp thánh mẫu, người làm sao mà đến được!
- Tiệp dư, thần biết người đang vui mừng, nhưng nếu người không chịu giữ gìn sức khỏe mà hay vọng động, đi đứng lung tung thế, tiểu công chúa hay hoàng tử trong bụng người sẽ bị ảnh hưởng đấy!
Đang rộn ràng, nóng lòng báo tin mừng cho Trịnh Khải, nghe A Vân và Trần ngự y khuyên nhủ, Nguyên Thục ngớ người ra. Nó vội vàng ngồi xuống giường, ôm lấy chăn, tay nhẹ vuốt bụng, gò má đỏ hồng lên khi nghĩ đến chuyện con mình sẽ bị ảnh hưởng. Phải rồi, nó đã vui quá nên quên mất chuyện Trịnh Khải đang đến gặp thánh mẫu, mà thánh mẫu và Dương thái phi vốn không ưa gì nó, đến đó có khi chuốc lấy những chuyện không hay. Nguyên Thục cắn môi nghĩ, Trịnh Khải nghe tin này, anh sẽ mừng rồi, Em gái Nguyên Thiên của nó đang ở trong cung chắc chắn sẽ vui như tết khi biết mình đã lên chức chị, nhưng còn thánh mẫu và Dương thái phi thì sao? Phản ứng của hai người đó thế nào? Liệu con của nó có được an toàn hay không, đó là điều nó không bao giờ chắc chắn được.
Nguyên Thục càng nghĩ càng lo lắng, nó vội lắc đầu, dẹp hết tất cả những phiền muộn qua một bên. Mặc kệ hai người ấy thế nào, chỉ cần Trịnh Khải và Nguyên Thiên vui là được. Lúc trước nó đọc báo, thấy nói rằng thời kỳ đầu mang thai rất quan trọng, thai phụ phải ăn uống tẩm bổ, giữ gìn sức khỏe, tinh thần phải lạc quan vui tươi để thai nhi được phát triển. Bây giờ nó đã làm mẹ, mọi chuyện phải nghĩ đến cho con mình, nó phải vui vẻ, tươi cười, không được nghĩ đến những chuyện không vui kia nữa.
Nguyên Thục nghĩ thầm, rồi ngoan ngoãn nằm xuống giường khi A Đào nhắc nhở. Ôm lấy chiêc gối thơm, Nguyên Thục nghĩ đến mẹ. Chưa bao giờ nó nghĩ đến mẹ nhiều như thế này. Khi mang thai hai chị em nó, mẹ nó chắc hẳn cũng đã có suy nghĩ, lo lắng như nó hiện thời, và bố của nó cũng sẽ vui mừng như Trịnh Khải khi nghe tin vợ mình mang thai. Đã quyết định ở lại quá khứ, nhưng mỗi khi nghĩ đến bố mẹ, nghĩ đến gia đình, trái tim Nguyên Thục thắt lại, nó vùi mặt vào chăn, những giọt nước mắt nhớ nhà lăn thấm ướt bờ môi đang mỉm cười.
Bố mẹ ơi, con rất hạnh phúc! Đừng lo cho con, nhé!
156.
Trong sảnh đường, Trịnh Khải đang ngồi trên một chiếc đôn, trước mặt anh là bánh trái, hoa quả cùng tách trà thơm nghi ngút, thế nhưng anh không có lòng dạ để thưởng thức chúng. Bệnh tình của Nguyên Thục chưa biết ra sao, anh không thể yên tâm, nhưng cũng không thể quay về Ngự lâu để xem xét bởi Thánh mẫu còn chưa xuất hiện vì còn đang uống thuốc ở trong phòng.
Dạo gần đây, nghe ngự y bẩm báo lại, sức khỏe của Thánh mẫu hiện không được tốt, bà đã phải dùng rất nhiều thuốc bổ khác nhau mới khá lên, chuyện này khiến Trịnh Khải vừa lo vừa phiền muộn. Anh lo là lo cho bệnh tình của bà, và phiền muộn bởi nếu xảy ra chuyện không hay, tâm trạng kích động thì sức khỏe của bà tất nhiên cũng sẽ bị ảnh hưởng, nhất là hôm nay Thánh mẫu đột ngột muốn gặp anh, chắc chắn sẽ có chuyện gì xảy ra.
Đang còn trầm tư suy nghĩ, Trịnh Khải lướt mắt về phía trước khi nghe thấy có tiếng bước chân loạt xoạt vang lên. Sau tấm rèm xanh nhạt, Dương thái phi cầm tay Thánh mẫu nhẹ nhàng bước ra. Sau cái chết của Đặng Thị Huệ, mẫu thân anh ngày một trầm hơn, bà rất ít khi đi ra ngoài, dung nhan có vẻ tiều tụy khiến anh lo lắng. Cách đây vài ngày, chính tay anh tuyển chọn số thuốc bổ do ngự y phòng dâng lên rồi đích thân mang đến cho bà, cùng những lời thăm hỏi, động viên. Chẳng biết nhờ công dụng của số thuốc ấy hay nhờ sự chăm sóc của ân cần của Trịnh Khải, thần sắc của Dương thái phi đã khá lên. Bà thường xuyên ra hậu hoa viên dạo chơi, cũng như hay làm những món ngon đưa đến cho Trịnh Khải, nhờ thế, mối quan hệ của hai mẹ con cũng được cải thiện nhiều hơn.
Nhìn thấy Trịnh Khải, đôi mắt đẹp của Dương thái phi khẽ chớp, thần sắc phức tạp, mày liễu cau lại tựa như đang nghĩ đến chuyện gì đó, còn Thánh mẫu bên cạnh lại rất nghiêm trang, đĩnh đạc, điều đó khiến Trịnh Khải có hơi ngạc nhiên bởi thường ngày bà rất ôn hòa.
Xem ra Thánh mẫu muốn gặp anh, hơn quá nửa là về chuyện của Nguyên Thục rồi!
Trịnh Khải nghĩ trong lòng, nhưng anh vẫn mỉm cười, hỏi han sức khỏe Thánh mẫu khi bà và Dương thái phi ngồi xuống. Trước những lời hỏi han chuyện triều chính thường ngày của Thánh mẫu, Trịnh Khải cũng không nôn nóng, anh hớp nhẹ một ngụm trà, có ý để cho Thánh mẫu chủ động nói lý do muốn gặp mình. Quả nhiên, sau một lúc ngập ngừng, Thánh mẫu cuối cùng cũng lên tiếng, giọng chậm rãi lạ thường
- Chúa công, theo như ta biết, vị Hồ tiệp dư kia đã sớm trở thành thiếp của người từ lâu rồi, có phải không?
- Phải!
Không ngoài dự đoán của Trịnh Khải, Thánh mẫu gặp anh cũng chỉ muốn nói về Nguyên Thục. Trong giây lát, mày kiếm anh khẽ nhíu lại, với sự thăm dò thận trọng của Thánh mẫu, có lẽ anh đã biết bà đang muốn ám chỉ điều gì.
- Nếu Hồ tiệp dư đã trở thành thiếp của chúa công đã lâu, vậy sao đến giờ vẫn chưa có tin tức gì?
Trong nhất thời, tòa sảnh đường rơi vào im lặng, Trịnh Khải trầm ngâm không nói. Trước tình huống đó, khóe miệng Thánh mẫu vẽ thành nụ cười bất định, rồi lại tiếp lời
- Chúa công, không phải là ta muốn hoài nghi Hồ tiệp dư, nhưng từ khi nàng ta trở thành thiếp của chúa công cho đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Ta sống đã qua ba đời chúa, hưởng thụ không ít ân đức, lòng tất nhiên lo lắng cho cơ nghiệp tổ tiên. Ngôi chúa cần có người kế thừa, chuyện này không thể trì hoãn, nếu Hồ tiệp dư không có khả năng hoài thai thì ngôi chúa này sẽ ra sao, hương hỏa tổ tiên thế nào nếu không có người kế vị? Chúa công, người đừng trách ta đa sự, ta chỉ lo cho cơ nghiệp họ Trịnh mà thôi. Nếu Hồ tiệp dư không mang thai được, thì bên cạnh chúa công vẫn còn những người khác, như ta thấy Vương phi Ngọc Xuân là tốt nhất. Nếu như Ngọc Xuân hoài thai, sinh được hoàng tử, thì ngôi chúa không còn phải lo cảnh rơi vào tay ngoại tộc hay dẫn đến chuyện tranh giành ngôi vị sau này. Ngọc Xuân là em gái của quốc sư Nguyễn Khản, người này trung thành ra sao chắc hẳn chúa công cũng đã biết, hơn nữa thế lực của quốc sư cũng không nhỏ, Ngọc Xuân hạ sinh hoàng tử, trong ngoài đều được củng cố, ủng hộ, há chẳng phải vẹn cả đôi đường hay sao!
Nghe những lời Thánh mẫu nói, mày kiếm Trịnh Khải nhíu lại. Thấy Thánh mẫu nói nhiều như thế mà anh trước sau vẫn không nói gì, Dương thái phi ngồi bên cạnh sau phút ngập ngừng cũng cất lời
- Khải nhi, chuyện hạ sinh hoàng tử kế ngôi là chuyện hệ trọng. Những tiên vương khác vì có nhiều con nên dẫn đến chuyện tranh giành ngôi báu, ngược lại con lại chẳng có ai. Có nhiều con cũng không tốt, nhưng không có đứa nào lại càng không được. Ta xem vị Hồ tiệp dư kia đã làm thiếp của con lâu đến như thế mà vẫn chưa hoài thai khiến ta thật nóng ruột, trong khi chuyện sinh hài tử là chuyện quan trọng. Dù không muốn ép, nhưng ta mong con và vương phi Ngọc Xuân sẽ có được một hoàng tử, chẳng lẽ cứ phải vị Hồ tiệp dư kia mới được hay sao, cho dù con không nghĩ tới chúng ta nôn nóng muốn bế cháu, thì cũng phải nghĩ đến vận mệnh quốc gia, ngôi chúa sau này chứ!
Biết Thánh mẫu muốn gặp mình là có dính dáng đến Nguyên Thục, nhưng anh cũng không nghĩ hai người lại hối thúc chuyện này. Nói Nguyên Thục không có khả năng sinh con là đã oan cho nó. Nguyên Thục mặc dù là thiếp của Trịnh Khải đã lâu, nhưng đó chỉ là hữu danh vô thực, bây giờ nó chính thức trở thành vợ anh, nhưng anh lại không biết khi nào Nguyên thục mới hoài thai. Bây giờ Thánh mẫu và Dương thái phi lại muốn có hoàng tử kế thức cơ nghiệp, lấy cớ vận mệnh gia tộc thúc giục anh động phòng với Ngọc Xuân, việc đó trăm ngàn lần không thể, ngược lại muốn Nguyên Thục hạ sinh hoàng tử, chuyện này không phải nói có là có ngay được. Bản thân anh cũng mong muốn được làm cha, mong muốn bế hài tử xinh xắn trên tay, nhưng việc này cần phải có thời gian. Nghĩ thế, trước sự thúc giục của Thánh mẫu và Dương thái phi, Trịnh Khải yên lặng đôi chút, rồi nhẹ nhàng lên tiếng trước sự chờ đợi của hai người
- Thánh mẫu, mẫu thân, chuyện có hoàng tử nối dõi, kế thừa cơ nghiệp tất nhiên phải để ý tới. Nhưng hai người biết chuyện này không phải cứ muốn là được, cần phải có thời gian. Thục nhi rồi sẽ mang thai, hai người không nên quá lo lắng!
- Hồ tiệp dư rồi sẽ mang thai, ta biết, thế nhưng bây giờ Hồ tiệp dư chưa có con, cũng đã lâu rồi mà vẫn không có động tĩnh, vậy đến chừng nào mới có đây, lỡ một năm, hai năm hay là lâu hơn thì sao? Chuyện có con kế nghiệp là chuyện cấp bách, làm sao có thể chờ đợi được? Huống chi luận về thế lực, nàng ta không có vây cánh cũng không có người hậu thuẫn, khó có được sự thuận ý của các quan. Hơn nữa nếu nàng ta xuất thân là thường dân, địa vị thấp kém, tiểu hoàng tử sinh ra liệu sẽ được các quan nguyện ý phò tá hay không? Luận về điểm này, Ngọc Xuân hơn nàng ta gấp trăm lần, hoàng tử do Ngọc Xuân sinh ra cũng thuận lợi hơn những người khác nhiều!
Thánh mẫu càng nói, càng phấn khích, những lời của bà rất đanh thép, tựa như chuyện này đã suy tính từ lâu, khiến Trịnh Khải nhíu mày. Chuyện Thánh mẫu đề cập tới, căn bản anh đã nghĩ đến, thế nên trước sự ngưng trọng của Thánh mẫu, Trịnh Khải nhẹ nhàng đáp lời.
- Thục nhi chắc chắn sẽ hoài thai, tuy không phải bây giờ nhưng cũng sớm thôi. Để Thánh mẫu và mẫu thân bận tâm, là hài tử không đúng, hai người cũng đừng quá lo lắng mà ảnh hưởng đến sức khỏe., bản thân hài nhi là một vị chúa, trách nhiệm đối với cơ nghiệp của tổ tiên như thế nào hài nhi hiểu rõ nhất. Chuyện có con nối dõi không bàn đến nữa!
Trịnh Khải nói, giọng nhẹ nhàng nhưng phảng phất uy nghiêm, câu cuối chốt lại đanh thép khiến Thánh mẫu và Dương thái phi nhìn nhau, thần sắc biến đổi. Đương lúc bầu không khí đang căng như dây đàn, một nàng cung nữ vội vã tiến vào, bẩm báo bên ngoài có Lệ công công cần cầu kiến. Đang có chuyện quan trọng, bị người khác chen vào giữa chừng tất nhiên Thánh mẫu không vui, nhưng bà cũng biết nếu quá thúc ép Trịnh Khải sẽ sinh ra phản ứng ngược, có khi anh nổi giận không biết chừng. Chuyện này đến đây có lẽ tạm ngưng, đợi khi khác thích hợp sẽ bàn đến, nghĩ như thế, Thánh mẫu khoát tay bảo cung nữ cho Lệ công công vào, bản thân thì ngồi xuống ghế, lòng thắc mắc không biết Lệ công công cầu kiến gấp gáp thế là vì có chuyện gì.
Được chúa công và Thánh mẫu cho phép triệu kiến, Lệ công công vội vã tiến vào. Dưới ánh nến, khuôn mặt trắng trẻo dị thường của Lệ công công lộ vẻ hưng phấn, vừa nhìn thấy Trịnh Khải, Lệ công công vội vàng quỳ xuống, tung hô vạn tuế khiến mọi người ngạc nhiên
- Chúa công, nô tài xin chúc mừng người!!!
- Chuyện gì?- Đang yên đang lành, bỗng nhiên Lệ công công chúc mừng liên tục, thần sắc trịnh trọng khiến Trịnh Khải ngạc nhiên
- Hồ tiệp dư… Hồ tiệp dư đã hoài thai rồi!!!
Hồ tiệp dư đã hoài thai!!!
Đang khi nhíu mày vì không hiểu Lệ công công vì sao lại đột ngột chúc mừng, đến khi nghe được lý do vì sao, Trịnh Khải nhất thời ngẩn người ra. Giống như lớp băng lâu năm trên mặt hồ dần tan, gương mặt thanh tú của anh từ kinh ngạc dần bừng sáng, trái tim đập rộn ràng vì vẫn chưa thể thẩm thấu được những cảm xúc chộn rộn trong lòng mình
- Ngươi nói Thục nhi đã mang thai?
- Vâng vâng! Nô tài không dám bịa đặt!!! Chuyện này nô tài nghe từ chính miệng Trần ngự y bẩm báo ạ!!!
Trong phút mừng rỡ, Trịnh Khải nôn nóng hỏi lại, đến khi Lệ công công xác nhận, niềm vui trong Trịnh Khải dâng lên, luồn qua mọi ngóc ngách trong trái tim anh, ngập tràn khiến anh choáng ngợp. Thục nhi đã có thai, nghĩa là anh đã được làm cha, hai từ “ phụ thân” này sao quá lạ lẫm, nhưng lại rất đỗi thiêng liêng, khơi lên trong lòng anh những cảm xúc êm đềm, tốt đẹp nhất mà anh chưa từng trải qua từ trước đến nay. Không thể nán lại ở đại sảnh lâu hơn được nữa, Trịnh Khải quay lại cáo từ Thánh mẫu và Dương thái phi rồi vội vàng trở về ngự lâu, lòng rộn ràng như chim én báo hiệu mùa xuân.
Nhìn bóng dáng Trịnh Khải khuất sau tấm rèm trúc, Dương thái phi lặng yên ngồi trên ghế, mắt hạnh mông lung. Bao nhiêu năm nay, chưa bao giờ bà nhìn thấy con trai mình kinh ngạc và mừng vui đến như vậy, có lẽ khi biết chuyện mình sẽ được làm cha, tình phụ tử thiêng liêng khiến ai cũng như thế. Nhớ lại năm đó, khi biết mình đã mang thai Trịnh Khải, Dương thái phi rất hạnh phúc, vị Hồ tiệp dư đó tâm trạng bây giờ chắc cũng như bà: hồi hộp, lo lắng, hạnh phúc và mừng vui, nhưng tâm trạng của Tiên vương thế nào, bà không biết, chỉ biết rằng khi nhìn thấy phản ứng của Trịnh Khải như thế, trái ngược với vẻ lạnh nhạt, hờ hững của tiên vương, trái tim bà chùng xuống, lòng bà nguội lạnh, bóng ma của quá khứ vẫn không thể xóa nhòa được, cứ tồn tại lẩn khuất đâu đó trong giấc mơ của bà.
- Thái phi, ngươi đã nghe thấy rồi chứ. Vị Hồ tiệp dư kia có thai rồi!
- Vâng! Hồ tiệp dư đã mang thai, chỉ là không biết là hoàng tử hay công chúa thôi!
Trong phút chốc, Dương thái phi bừng tỉnh khi giọng nói lạnh băng của Thánh mẫu rót vào tai. Phóng mắt nhìn ra bầu trời hoàng hôn, đôi mắt lãnh đạm của Thánh mẫu chợt lóe. Cứ nghĩ vị Hồ tiệp dư đã lâu mà không động tĩnh, căn bản là không có khả năng hoài thai, có thể lấy cớ đó mà tiến cử Ngọc Xuân sinh con cho Trịnh Khải. Nào ngờ kế hoạch chưa kịp thực hiện, dưới sự kiên quyết của Trịnh Khải, bà đã nén lòng không nhắc tới nữa, lựa chọn thời cơ thích hợp sau. Nào ngờ đùng một cái, vị Hồ tiệp dư kia lại thụ thai đúng thời điểm, xua tan mọi lời dị nghị, chuyện ngoài ý muốn này khiến Thánh mẫu bất ngờ, trong đầu liền hiện lên một ý nghĩ khác xâu xa hơn.
- Là công chúa cũng được, là hoàng tử cũng được. Chỉ cần…
Nói đến đây, Thánh mẫu ngưng lại, trong đôi mắt mờ đục lấp loáng những tia sáng kỳ lạ. Quay nhìn Dương thái phi, bờ môi mỏng kéo thành một nụ cười thần bí, rồi cất giọng âm trầm
- Đi thôi, chúng ta hãy đến Ngự lâu thăm vị Hồ tiệp dư!
Nguyễn Nhạc ngồi trên ngai vàng, tay mân mê miếng trầu cánh phượng, mày bạc nhíu lại khi nhớ đến những lời Nguyễn Lữ đã nói mấy hôm trước sau buổi thiết triều. Dù không muốn tin khi cho rằng đó chỉ là chuyện hoang đường, nhưng trước những chứng cứ của Nguyễn Lữ cộng thêm sự ngờ vực của mình, Nguyễn Nhạc bất giác suy nghĩ nhiều về nó hơn, và hôm nay, ông quyết định triệu Nguyễn Lữ đến hỏi rõ chuyện này trước khi điều tra kỹ càng.
Nguyễn Huệ đã thay đổi, đó chính là mối nghi vấn lớn nhất trong lòng ông. Người ta nói giang sơn dễ đổi bản tính khó dời, thế mà đột ngột, em trai của ông bỗng thay đổi tâm tính một cách nhanh chóng đến khó tin sau vụ tai nạn ngày ấy. Ban đầu, ông chỉ cho rằng Huệ như thế là do quá thương nhớ anh trai sinh đôi đã mất, nên tính tình thay đổi thế giữ Văn Bình luôn sống mãi cùng mình. Nhưng dạo gần đây, tâm tính Huệ bỗng đổi khác, giống tính cách của nó ngày xưa khiến Nguyễn Nhạc cảm thấy khó hiểu, đặc biệt là sự cứng đầu không chịu nghe lời ai mà chỉ làm theo ý bản thân khiến Nguyễn Nhạc đôi phen gặp khó khăn.
Nguyễn Nhạc càng nghĩ càng thấy có chuyện gì đó không ổn, sắc mặt ông trầm xuống, miếng trầu cánh phượng trong tay bất chợt vặn vẹo. Đương lúc ông còn đang suy nghĩ thì Nguyễn Lữ đã bước vào đại điện. Vừa nhìn thấy Nguyễn Lữ, Nguyễn Nhạc nhổm người lên, nhưng nửa chừng thì ngồi xuống, rồi ra hiệu cho nàng cung nữ hầu cận kế bên rót ra hai chén trà thơm.
Được sự cho phép của vua anh, Nguyễn Lữ ngồi xuống, không đụng đến chén trà nàng cung nữ đặt xuống bàn mà hỏi ngay
- Anh, anh đã suy nghĩ lời em nói chưa?
Trước sự nôn nóng của Nguyễn Lữ, Nguyễn Nhạc khoát tay ra hiệu cho cung nữ lui hết, rồi nhẹ nhàng vuốt râu, chậm rãi nói
- Nghe chú nói thế, có lẽ mấy hôm nay chú cũng đã suy nghĩ chuyện này không ít, nhưng ta cũng cảnh báo với chú, chuyện chú nói với ta sau lưng chú tám, nếu để chú ấy biết thì không hay đâu!
Trước sự cảnh cáo của Nguyễn Nhạc, chiếc mũi to của Nguyễn Lữ đỏ lên
- Chú ấy biết thì sao nào? Em chỉ là đang nghi vấn, rồi mới sang đây hỏi anh chứ đâu phải đặt điều vu khống cho chú ấy. Thứ cho em mạo phép hỏi, chẳng lẽ chuyện chú ấy thay đổi tính tình nhanh chóng không khiến anh ngạc nhiên hay sao? Từ sau tai nạn đó xảy ra, chú ấy thay đổi tính tình, từ cứng đầu trở nên dễ chịu, từ thẳng thắn trở thành mềm mỏng, thế rồi sau đó quay ngoắt sang cứng đầu như cũ. Anh cứ nhìn cái cách rèn luyện quân binh của chú ấy thì biết, một khi đã phạm lỗi thì phạt rất nặng, không còn mềm mỏng như trước kia. Chưa hết, thường ngày chú ấy vẫn luôn cẩn thận, chuyện gì cũng thương thảo trước với chúng ta rồi mới quyết định chứ nào có tự tung tự tác như bây giờ. Trước là chuyện xé thư em viết, sau lại tự ý vượt quyền ở lại Gia Định cho dù anh có lệnh triệu về. Còn nữa, chuyện cá biệt nhất là vũ khí của chú ấy, sau tai nạn chú ấy sử dụng đao, nay lại sử dụng kiếm, còn rất mạnh mẽ, tựa như đã dùng lâu năm. Sự thay đổi của chú ấy khiến em khó có thể tin được đây là chú tám trước kia!
Nguyễn Lữ nhắc đến việc Huệ làm trái lệnh trong vụ đánh Gia Định lần trước, khiến sắc mặt Nguyễn Nhạc trầm xuống. Đối với ông, chuyện gì ông cũng có thể cân nhắc và xem xét, nhưng chuyện tự ý vượt quyền, làm trái lệnh mình là điều tối kỵ nhất, ông tuyệt không muốn chuyện này xảy ra. Trước đây, Nguyễn Huệ luôn làm việc theo lệnh của ông, ý kiến gì cũng trực tiếp thảo luận và bàn bạc, được sự cho phép của ông mới tiến hành. Dù không thể hiểu được những suy nghĩ của Huệ, nhưng ít ra ông cũng có thể kiểm soát được em mình. Bây giờ thì sao, Huệ thay đổi, cả suy nghĩ và hành động ông cũng không thể kiểm soát được, quân lính theo Huệ chinh chiến đã lâu, mọi sự đều dưới quyền chủ tướng. Huệ nắm quân đội trong tay, tất nhiên đó trở thành một mối đe dọa mơ hồ, khiến ông khó chịu và bất an vô cùng.
- Anh cả, em không phải muốn nghi ngờ chú tám, nhưng chuyện đến nước này em không muốn nghi cũng được. Có khi nào…
Nói được nửa chừng, Nguyễn Lữ ngừng lại, sắc mặt ngưng trọng, khiến Nhạc liếc mắt nhìn
- Có khi nào cái gì?
- Có khi nào… chú tám trước giờ không phải giả vờ để giống với Văn Bình- Nói đến đây, Nguyễn Lữ bất giác hạ thấp giọng- mà chính thật là Văn Bình hay không?
Im lặng. Nguyễn Nhạc không trả lời, chỉ có tiếng đồng hồ nhỏ giọt tóc tách, bầu không khí ngột ngạt bao trùm đại điện. Nguyễn Lữ ngồi bên cạnh, làm như đang uống trà, nhưng mọi hành động của vua anh đều thu hết vào trong mắt, không bỏ sót điều gì. Nguyễn Nhạc tựa lưng vào thành ghế, tay nắm chặt vạt áo bào, sắc mặt lúc tĩnh lúc động, đôi mày thưa xoắn lại, chứng tỏ những lời Nguyễn Lữ vừa nói đã tác động không nhỏ đến ông.
Có khi nào chú tám từ trước đến nay không phải giả vờ để giống Văn Bình, mà chính thật là Văn Bình?
Nguyễn Lữ hiện giờ chỉ đang suy đoán, không có căn cứ, nhưng những hành động của Huệ từ trước tới nay quả thật đáng nghi ngờ. Nếu thật sự đúng như lời Nguyễn Lữ nói, Huệ bây giờ chính là Văn Bình, vậy thì tính cách ôn hòa, điềm đạm đó không quá khó hiểu, nhưng cá tính này sao lại đột ngột thay đổi thay đổi, trở lại một Huệ cứng đầu, bướng bỉnh như ngày xưa…
Nguyễn Nhạc thẳng lưng, sắc mặt càng lúc càng khó coi. Ngồi bên cạnh, Nguyễn Lữ không nói gì, chỉ vuốt ve chiếc mũi to của mình trong khi đợi tâm tình vua anh lắng xuống. Tưởng như bầu im lặng này sẽ kéo dài mãi, thế nhưng đúng lúc đó, một người lính vội vã tiến vào, mang đến tin tức khiến Nguyễn Lữ ngạc nhiên
- Bẩm Hoàng thượng, bên ngoài có một lão già tự xưng là đạo sĩ, có chuyện rất quan trọng cần yết kiến Hoàng thượng!
Nghe đến hai chữ “đạo sĩ”, Nguyễn Nhạc cau mày. Vốn tính từ chối, nhưng nghĩ lại năm xưa mình cũng lợi dụng thần quỷ, tạo ra nhiều thần thoại để lay động lòng dân với nhiệm vụ “ người Trời”, hơn nữa, nếu không có chuyện gì quan trọng, đám thuật sĩ giang hồ đó không vô cớ mà mạo hiểm xin yết kiến Hoàng thượng làm gì. Nghĩ đến đó, Nguyễn Nhạc dịu lại, ông trầm ngâm một lúc, rồi gặn hỏi
- Đạo sĩ đó có nói lý do muốn được yết kiến ta hay không?
- Bẩm Hoàng thượng, lão đạo sĩ ấy không nói, chỉ nói có chuyện rất quan trọng, nếu không phải Hoàng thượng thì không thể nói!
Người lính vừa tấu xong, Nguyễn Lữ đã biến sắc. Ông vỗ tay xuống bàn, quát lớn
- Giỏi thật!!! Lão đạo sĩ ấy tưởng Hoàng thượng là ai mà tùy tiện gặp mặt như thế? Ngươi ra nói với hắn ta nếu còn yêu quý cái mạng của mình thì hãy nhanh chóng cút đi!
Thấy Tiết chế nổi giận, tên lính sợ hãi rụt người lại. Hắn vội vàng nhổm người dậy, thì Nguyễn Nhạc bất chợt khoát tay, giọng trầm xuống
- Ngươi ra ngoài đưa lão đạo sĩ đến gặp ta!
Được lệnh của Nguyễn Nhạc, tên lính khom lưng “ Vâng!” một tiếng rồi nhanh chóng lui ra ngoài. Còn lại Nguyễn Lữ, ông khó hiểu nhìn vua anh, nhưng cũng không nói gì mà đưa tay rót cho mình chén trà rồi uống cạn. Suy tính của vua anh, ông không hiểu được, nhưng ông biết dù có hỏi, không chắc vua anh đã trả lời thật lòng.
- Hạ dân bái kiến Hoàng thượng!
Trong phút chốc, âm thanh khàn khàn vang lên trong điện đã kéo Nguyễn Lữ trở về thực tại. Ông định thần nhìn lại thì thấy trước mặt Nguyễn Nhạc là một lão già phúc hậu tóc bạc đang quỳ giữa điện! Đây là lão đạo sĩ sống chết xin được yết kiến vua anh hay sao?
- Đứng dậy đi, đạo sĩ tuổi đã cao, không cần phải quỳ lạy như như thế. Người đâu, mang cho ta một chiếc ghế cho lão đạo!
Với giọng khoan hòa, Nguyễn Nhạc ân cần đỡ lão đạo đứng dậy, sau đó truyền người đem ghế lên. Đợi cho lão đão đã yên vị đâu đó, Nguyễn Nhạc mới từ tốn mỉm cười, tay vân vê vạt áo bào tím sẫm của mình.
- Ta nghe thuộc hạ bẩm báo lão đạo ở bên ngoài có chuyện quan trọng muốn cầu kiến ta?
Nắm chặt cây gậy đầu hưu bóng loáng trong tay, lão đão tóc bạc đưa mắt nhìn sang Nguyễn Lữ, rồi sau đó mới nói khi Nguyễn Nhạc gật đầu
- Khởi bẩm Hoàng thượng, chuyện quan trọng hạ dân muốn nói liên quan đến tính mạng của Long Nhương tướng quân- em trai của Hoàng thượng!
Nghe đến câu “ tính mạng của Long Nhương tướng quân”, Nguyễn Lữ đang ngồi mơ màng cũng phải giật mình. Nguyễn Nhạc vuốt râu, gương mặt ông không lộ thanh sắc nào, nhưng đôi mắt lại lấp lánh những tia sáng lạ thường, ông nói, không hề mở miệng
- Lão đạo, tuy ta là người tôn trọng thuật sĩ giang hồ, nhưng cũng không vì thế mà nương tay với những lời hàm hồ của ông! Ta thấy tính mạng của ông mới là điều đáng nói đến chứ không phải em trai ta!
Trước những lời đanh thép của Nguyễn Nhạc, lão đạo tóc bạc không hề sợ hãi, mà lại vô cùng ngưng trọng
- Hoàng thượng, những thuật sĩ như hạ dân từ lâu vốn đã không chấp niệm cái chết. Đối với hạ dân, chết hay sống cũng không quan trọng, nhưng trước khi chết mà có thể cứu được một mạng người thì hạ dân không có gì để nuối tiếc! Hoàng thượng, sáng hôm nay hạ dân đã may mắn gặp được Long Nhương tướng quân khi ngài ra ngoài duyệt binh. Vừa nhìn thấy tướng quân, hạ thần đã vô cùng kinh ngạc khi trên cấn đường của tướng quân có xuất hiện tử khí, điều đó khiến thần ngạc nhiên khi tướng quân là người cao lớn, lưng dài vai rộng, sức khỏe đang rất sung mãn, sao lại xuất hiện “ tử khí cấn đường”. Dựa vào học vấn lâu năm của mình, hạ dân định thần nhìn kỹ lại, thì thấy có tử khí lờ mờ bao quanh bao quanh tướng quân, thân thể của tướng quân đang chứa thêm một linh hồn nữa. Một thân xác mà chứa cả hai linh hồn, đó là điều trái với nhân quả. Nếu không mau trục xuất linh hồn này thì tuổi thọ của tướng quân sẽ giảm, về lâu thành bệnh và sớm qua đời!
Nghe lão đạo nói đến đây, Nguyễn Nhạc mặt lạnh như tiền, trong khi Nguyễn Lữ không thể nhịn được nữa. Ông đứng phắt dậy, quát lớn
- Lão đạo to gan!!! Ngươi là thuật sĩ giang hồ ta đã không chấp, lại còn dám ở đây ngang nhiên buông lời trù ếm em trai ta!! Quân đâu, mau lôi lão thuật sĩ bịp bợm này ra ngoài đánh chết cho ta!!!!
Lệnh vừa ban ra, hai người lính đang canh giữ bên ngoài tẩm điện nhanh chóng chạy vào, xốc lão đạo tóc bạc đứng dậy. Nguyễn Nhạc hừ lạnh một tiếng, đầu ngoảnh đi, không để ý đến lão đạo đang bị hai người lính lôi ra ngoài
- Hoàng thượng, những lời hạ dân nói đều là sự thật, tuyệt không có ý bịa đặt hay trù ếm tướng quân!! Chẳng phải năm xưa, người anh em sinh đôi của tướng quân vì tai nạn nên đã qua đời hay sao?!
Nguyễn Nhạc ngừng vân vê vạt áo, bóng tối lướt qua trong mắt, ông ngẩng đầu lên, hướng về phía hai người lính, trầm giọng quát
- Mau đưa lão đạo trở lại đây!!
Đang chuẩn bị kéo lão đạo đến phòng thụ hình, hai người lính đưa mắt nhìn nhau, rồi vội vàng mang lão quay trở lại, đến trước mặt Nguyễn Nhạc rồi rút lui khi ông khoát tay. Nhìn đăm đăm lão đạo đang quỳ dưới đất, Nguyễn Nhạc nhìn xoáy vào mắt lão, giọng thâm trầm
- Tại sao ngươi biết chuyện đó?
Không né tránh ánh mắt thăm dò của Nguyễn Nhạc, lão đạo tóc bạc nghiêm nghị trả lời
- Không giấu gì Hoàng thượng, hạ dân làm thuật sĩ đến ngày nay được, một phần nhờ khả năng thấy được quá khứ của người khác qua việc chạm vào người đối phương. Lúc tướng quân đi ngang qua chỗ hạ dân, hạ dân đã vờ ngã nên chạm vào tay của tướng quân. Khoảnh khắc đó, hạ dân đã nhìn thấy quá khứ của người, hạ dân tin rằng linh hồn của người anh em song sinh đã qua đời vì một lý do nào đó mà đang trú ẩn trong thân xác của tướng quân. Trước kia hạ dân cũng đã gặp trường hợp tương tự với em gái của của mình, hai linh hồn cùng trú trong một thể xác, đó là chuyện đi ngược lại với luân hồi, hệ quả của nó không thể lường trước được. Nếu không nhanh chóng trục xuất linh hồn đó ra, chỉ chừa lại một thể xác, một linh hồn duy nhất, lâu ngày thân xác chủ sẽ có dấu hiệu rệu rã, mệt mỏi, đầu óc trở nên hồ đồ, hay ngất đột xuất, dẫn đến giảm thọ và qua đời sớm như em gái của hạ dân! Hạ dân không muốn nhìn thấy người khác gặp kết cuộc tương tự ấy nên mới tìm đến phủ Tướng quân xin gặp nhưng không gặp được, hạ dân đành mạo muội xin yết kiến Hoàng thượng, bởi người là Hoàng huynh của tướng quân. Chuyện này sớm phải tiến hành ngay, không thể chậm trễ một giây một khắc nào cả, thưa Hoàng thượng!
Trong khi lão đạo tấu trình, Nguyễn Lữ ngồi nghe đến há hốc cả miệng. Chuyện Văn Bình đã qua đời do tai nạn là nội bộ trong nhà, người ngoài không hề biết về chuyện này, tại sao lão thuật sĩ này lại biết? Chẳng lẽ đúng như lời lão nói, lão ta có thể nhìn thấy quá khứ của người khác hay sao?
Nguyễn Lữ thần người, ông nhìn sang Nguyễn Nhạc, thì thấy sắc mặt anh mình rất khó coi. Quả thật, Nguyễn Nhạc đang rất dao động, những lời lão thuật sĩ nói vừa rồi chẳng khác nào hòn đá ném xuống mặt hồ vốn đã không yên tĩnh. Hai linh hồn tồn tại trong một thân thể, hoang đường, quả thật rất hoang đường, nhưng nếu dúng như lời lão nói, thì chuyện thay đổi tính cách chóng vánh, rồi chuyện dùng vũ khí, tất cả những điểm đó chẳng phải đều rất hợp lý hay sao?
Nguyễn Nhạc xoay nhanh ly trà trong tay. Tuy chưa thể kiểm chứng được những gì vừa nghe, nhưng cũng khiến tâm tình ông thay đổi phức tạp. Nguyễn Huệ và Văn Bình đều là em trai ông, tai nạn năm xưa ông rất tiếc nuối khi Văn Bình ra đi, nhưng mọi chuyện đã là quá khứ, con người sống phải hướng đến tương lai. Năm xưa ông chưa phải là Tây Sơn vương, chưa nắm nhiều quyền lực và Tây Sơn chưa có sức ảnh hưởng rộng lớn khiến những thế lực khác phải e dè như bây giờ. Công sức gầy dựng bao năm nay không thể tiêu tan, nếu Văn Bình còn sống, ông vẫn còn có thể kiểm soát được hành động của em mình, nhưng ngược lại, nếu người sống là Nguyễn Huệ, với cá tính cứng đầu, bướng bỉnh cùng với tài cầm quân ra trận, ông không thể kềm kẹp nó. Nó đã một lần vượt quyền, ai dám đảm bảo sẽ không có lần thứ hai, thứ ba? Quân đội giờ đang trong tay Huệ, nếu như… nếu như nó có gan vượt qua ông, gầy dựng một đế chế riêng cho mình và thoát khỏi sự kiềm kẹp của ông để tạo ra một vương triều mới, đe dọa đến chính ông thì sao? Không được, chuyện này nhất định phải minh chứng thực hư rõ ràng! Nếu như chuyện này là thật, nếu như có thể trục xuất linh hồn ra, thì ông muốn, người đó phải là Nguyễn Huệ!
Nguyễn Nhạc chớp mắt, sắc mặt ông trầm xuống, âm lệ, khiến Nguyễn Lữ ngồi kế bên cũng cảm thấy ngột ngạt, nhưng chuyện vừa mới nghe được cũng quá lớn, khiến ông không thể bình tâm lại. Hai linh hồn chung một thể xác à, có thể lắm, nếu thế, chuyện nó thay đổi tâm tính, chuyện nó xé thư ông và chuyện nó làm trái ý vua anh đều rõ ràng cả. Chỉ là, không biết vua anh sẽ xứ lý chuyện này như thế nào đây!
- Lão đạo, ta không phải ngươi, nên không biết những lời ngươi nói có thật không! Nhưng vì tính mạng của em trai ta, ta không thể không để ý. Như vầy, ta sẽ nhanh chóng triệu em trai ta đến, ngươi hãy núp sau tấm rèm quan sát, đợi nó về ngươi hãy báo lại cho ta đã quan sát được những gì. Một chi tiết nhỏ cũng không được bỏ sót, ngươi rõ chưa!
158.
Được Tây Sơn vương triệu kiến, ngay sau khi đi duyệt binh xong, Nguyễn Huệ lập tức vào cung.
Đối với việc triệu tập khẩn cấp của Nguyễn Nhạc, Huệ không để tâm suy nghĩ nhiều, với những bước chân sải dài, chẳng mấy chốc anh đã đến trước tẩm điện. Vừa bước vào trong, Huệ đã thấy Nguyễn Lữ đang đứng săm soi những chậu hoa vừa mới nở. Nhìn thấy Huệ, Nguyễn Lữ tươi cười bước lại, hỏi han chuyện duyệt binh. Tuy Nguyễn Lữ vẫn như bình thường, nhưng Huệ lại cảm thấy anh trai có điều gì đó khác lạ, ánh mắt ông không được tập trung, thỉnh thoảng lại đáo sang nơi khác như đang chờ đợi điều gì đó. Sự thay đổi này Huệ không quan tâm, cái anh quan tâm, chính là tại sao Nguyễn Nhạc không có mặt ở trong phòng.
- Hoàng thượng đâu?
Sau khi trả lời tất cả những câu hỏi của Nguyễn Lữ về chuyện duyệt binh, Huệ đề cập ngay đến vấn đề anh đang quan tâm. Trước câu hỏi đột ngột ấy, Lữ chưa kịp trả lời thì sau lưng truyền đến một tiếng cười sảng khoái. Cả hai quay người lại thì thấy Nguyễn Nhạc đang bước vào, trên tay ôm một hũ rượu thơm nồng. Sai người mang chén đến, Nguyễn Nhạc đặt hũ rượu lên bàn, rồi từ tốn mở nắp. Mùi rượu lan tỏa trong không khí, chưa uống đã say. Là người yêu rượu, nếu như thường ngày, cố nhiên Nguyễn Lữ sẽ tán thưởng, thế nhưng hôm nay ông chẳng còn lòng dạ nào mà thưởng thức như mọi khi
- Chú Tư, chú Tám, đây là loại rượu mà ta chưng cất đã hai mươi năm, hôm nay ta lấy ra để đãi hai người. Nào, uống đi!!
Khoát tay để cung nữ hầu cận lui ra ngoài, Nguyễn Nhạc hào phóng nói, ông nhấc hũ rượu lên, rót vào từng chén, xong nâng lên rồi tự uống cạn. Ngồi bên cạnh Lữ, Nguyễn Huệ nhíu mày, anh không động đến chén rượu mà chỉ nhìn đăm đăm hai anh đang cạn chén, lòng trỗi lên mối nghi hoặc.
Dù không nói ra, nhưng sau vụ trái lời Nguyễn Nhạc ở Gia Định, sau đó nhận hình phạt do không bắt được Nguyễn Ánh, Huệ nhận thấy Nguyễn Nhạc đối với anh đã có sự nghi kỵ. Khoảng cách đó, anh không để ý, chỉ chuyên chú vào công việc của mình. Dù đã trở về Tây Sơn, nhận lại binh quyền, nhưng Nguyễn Nhạc đã kiểm soát anh gắt gao hơn trước, trừ phi có chuyện, không thì chẳng gọi tới, thế mà nay lại đột ngột triệu anh đến, rồi còn thân mật mời rượu, khiến anh không thể không nghi ngờ.
Rốt cuộc vua anh muốn gì?
- Kìa chú Tám, uống đi chứ, sao lại ngồi trơ ra đó?
Thấy Huệ chỉ ngồi yên mà không động đến giọt rượu nào, Nguyễn Nhạc lớn giọng hỏi. Ông nâng chén mời Huệ, rồi sau đó cười ha hả khi anh dốc cạn một hơi
- Phải thế mới đúng chứ! Ngày xưa chú rất nghe lời ta, chuyện gì cũng tìm ta thương thảo và bàn bạc. Ai chà, càng lớn tâm tính con người ta càng thay đổi!
Nguyễn Nhạc nói bóng gió, rồi kín đáo liếc mắt nhìn Huệ, nhưng anh không có phản ứng gì.
- Chú Tám, chú Tư, ngày hôm nay chúng ta gạt hết những chuyện không vui mà cùng nhau tâm sự một phen. Nói đến ngày xưa, không biết hai chú còn nhớ đến chú Bảy- Văn Bình không?
- Chú Bảy à, làm sao em không nhớ đến được. Nếu không có tai nạn đáng tiếc đó, thì… ài… Chú Tám, chú còn nhớ đến anh sinh đôi của chú không?
Cứ thế, Nguyễn Nhạc nói, Nguyễn Lữ đáp lời, hai người kẻ tung người hứng, nhắc đến chuyện Văn Bình khiến sắc mặt Huệ trầm xuống. Anh đã đoán được chuyện gì đang diễn ra, mục đích của cả hai hôm nay là mượn rượu để gặn hỏi anh những nghi vấn bấy lâu trong lòng. Thế cũng tốt, cứ để cho họ nói thoải mái. Chuyện này với anh cũng đâu có vấn đề gì.
Dù đã công kích, nhưng thấy Huệ trước sau chỉ chăm chăm uống rượu, cười nhạt mà không nói câu nào, Lữ đánh mắt sang Nguyễn Nhạc. Trước cái nhướng mày của ông, Nguyễn Lữ hớp ngụm rượu như để lấy bình tĩnh, rồi cất giọng lè nhè
- Chú Tám, ta thật sự có một chuyện trước giờ vẫn luôn thắc mắc, hôm nay nhân tiện ôn lại chuyện cũ ta cũng muốn hỏi, ngày xưa chú và chú Bảy rất thân thiết với nhau, vậy tại sao chú Bảy lại chết, chú có biết không?
Nguyễn Lữ hỏi xong, đến khi chạm phải ánh mắt thẫm lại, lấp lánh sát khí của Huệ, ông bỗng giật mình, làn rượu trong chén chao nghiêng. Nhận ra mình phản ứng thái quá, Nguyễn Lữ vội ngồi thẳng lưng. Đúng lúc đó, tấm rèm lay động, một bóng người từ phía sau lao ra, hiện rõ là một lão đạo tóc bạc khiến cả ba giật mình.
Huệ giật mình vì không nghĩ có người lạ trong tẩm điện, còn Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ lại giật mình vì đã dặn dò lão đạo này bí mật quan sát Huệ, rồi sau đó bẩm báo lại, chứ không ngờ lão ta lại cả gan nhảy ra giữa chừng khi chưa được sự cho phép thế này.
Thấy một lão đạo tóc bạc từ đâu xuất hiện, Huệ đứng phắt dậy, năm ngón tay cong lại hình thành thế trảo vươn về phía lão. Mắt thấy lão đạo có nguy cơ táng mạng dưới một trảo của Huệ, Nguyễn Nhạc toát mồ hôi hột, vội vàng kêu to.
- Chú Tám, không được manh động, đó là người của ta!!!
Ngay trong phút sát na, lời của Nhạc vừa thốt ra, năm ngón tay của Huệ đã đặt trên cổ lão đạo sĩ, khiến Lữ toát mồ hôi vì không ngờ anh lại hành động nhanh đến thế. Quay mặt lại phía Nguyễn Nhạc, đôi mắt Huệ tối lại khi thấy ông gật đầu, anh thô bạo đẩy lão đạo sĩ qua một bên, rồi quay về chỗ ngồi của mình.
Về phần lão đạo tóc bạc, nếu không có Nguyễn Nhạc ngăn cản kịp thời thì lão đã mất mạng, thế nhưng lão không thấy sợ hãi, mà lại càng quyết tâm hơn với ý muốn cứu người của mình. Tiến đến trước mặt Nguyễn Nhạc vái một cái, lão đạo nói, giọng khàn khàn
- Hoàng thượng, xin người thứ lỗi cho hạ dân, nhưng đến nước này hạ dân không thể chờ đợi được nữa mà phải xuất hiện. Tướng quân, xin ngài hãy buông bỏ tất cả đi, thể xác này không phải của ngài, nếu còn cưỡng cầu, làm trái đạo lý luân hồi, cả ngài và thân chủ của thể xác này không tránh khỏi tai họa đâu!
Lời lão đạo vừa thốt ra, sắc mặt của Huệ ngày càng lạnh lẽo. Anh quét mắt nhìn về phía lão đạo, cái nhìn bức bối, áp lực và đầy sát khí khiến Nguyễn Lữ phải đề phòng vì sợ Huệ xuất kỳ bất ý, ra tay lấy mạng lão đạo lúc nào không hay. Huệ ngồi như lún sâu vào ghế, anh đang giận! Thật sự rất giận. Tối hôm nay Nguyễn Nhạc đã triệu kiến anh đến, ngoài mặt như muốn ôn lại chuyện cũ, nhưng bên trong lại dò hỏi thực hư, che giấu người khác sau rèm để quan sát anh. Lão đạo sĩ này chắc chắn là người của Nguyễn Nhạc, rất có thể hai người đã phát hiện ra chuyện anh đang trú ngụ trong thân xác của Văn Bình nên mới tìm cách đối phó. Với họ, Văn Bình dễ kiểm soát, còn anh thì không, vì thế mới thuê người diễn một màn nhằm lung lạc anh, hòng trục xuất anh đi, để sau này có thể dễ dàng thực hiện ý đồ của mình.
- Chuyện xưa mà anh muốn ôn lại là lão già này chăng?
Nghĩ đến đó, Nguyễn Huệ sầm mặt, anh nói, đi kèm nụ cười mỉa mai lướt qua bờ môi. Nụ cười đó khiến Nguyễn Nhạc nhíu mày, không sai, nụ cười đó mới là của Nguyễn Huệ, chứ không phải nhẹ nhàng và ôn hòa như của Văn Bình. Lúc nãy, lão đạo sĩ đã vạch trần thân phận của em trai ông, thế mà nó không phủ nhận, nếu là Văn Bình thì chắc chắn sẽ giải thích để tránh xảy ra hiểu lầm giữa các anh em. Hai linh hồn trú ngụ trong một thân xác, chuyện hoang đường tuy không biết có thật hay không, nhưng Huệ không phản đối, ông cho rằng đó là thừa nhận. Nguyễn Huệ và Văn Bình, ai cũng là em trai ông, nhưng nếu chỉ được giữ lại một, ông muốn giữ lại Văn Bình, tuyệt đối phải là Văn Bình.
Còn Nguyễn Lữ, chứng kiến những việc đang xảy ra, cũng với những sự kiện xâu chuỗi lại, quả thật đây là chuyện kỳ lạ nhất trước đây ông đã từng gặp. Trong phút chốc, trong đầu ông nổi lên ý niệm: giữ ai và bỏ ai. Huệ và Bình là hai anh em sinh đôi, đi đâu cũng có nhau, ông không thể hiểu cũng như không thể can thiệp vào mối quan hệ khắng khít đó. Giữ ai, bỏ ai? Thật khó nói, cả hai đều là em trai ông, tai nạn ngày xưa người đau buồn, tổn thương nhiều nhất chính là Văn Bình và Nguyễn Huệ. Lữ khó khăn nghĩ, ông liếc mắt sang Nguyễn Nhạc, chỉ thấy anh mình đang xoay tách trà, mắt hơi nhắm lại, mặt thâm trầm, hiển nhiên đã có quyết định. Giữ Văn Bình, bỏ Nguyễn Huệ! Nguyễn Lữ chợt đổ mồ hôi lạnh, ông không muốn bỏ ai, nhưng vua anh đã quyết, ông không thể làm trái lời.
Trong khi mỗi người đang theo đuổi những suy nghĩ riêng, lão đạo sĩ tóc bạc thấy Huệ đối với chuyện này vô cùng khinh thường, khiến lão âm thầm thở dài. Ngày xưa, chính vì em gái ông cũng như Huệ, nên ông đành bất lực nhìn em gái ra đi mà không thể làm được gì. Những tưởng trên thế gian này chỉ có em gái ông gặp chuyện thương tâm đó, nào ngờ ngày hôm nay, chuyện tương tự đó lại tái diễn trước mặt ông. Linh hồn kia đã chết, không đi đầu thai mà lại bám trụ vào thân xác chủ, có lẽ còn vương vấn, nặng lòng với gì đó, không thể buông bỏ được, cho nên mới đi ngược lại luân hồi thế này.
- Tướng quân, người phải tin lời của dạ dân, chuyện này hạ dân chỉ muốn tốt cho người. Nếu cứ tiếp tục, thân xác này sẽ không chịu đựng nổi. Hai linh hồn trong một thể xác là trái với ý trời, hậu quả của nó vô cùng nghiêm trọng. Hệ quả đầu tiên sẽ là đổ bệnh, đôi lúc hô hấp nhanh, chóng mặt, mất khả năng tập trung và đầu óc đôi khi trống rỗng vì phải dung nạp quá nhiều thứ, sau đó cơ thể sẽ dần suy kiệt, sức khỏe trở nên yếu ớt tuổi thọ sẽ giảm do phải chứa đến hai linh hồn. Bây giờ tướng quân chưa thấy gì, không tin tưởng lão, nhưng sau này người nhất định sẽ hối tiếc. Có thể người còn chưa biết, khả năng của hạ dân chính là có thể thấy được quá khứ của người khác thông qua va chạm với họ. Sáng nay, hạ dân đã va vào tướng quân, quá khứ trước đây xảy ra chuyện gì hạ dân đều biết. Nếu tướng quân không tin, mạn phép cho hạ dân được kể lại câu chuyện ấy. Ngày đó, sau một trận chiến, anh trai của tướng quân vì tha cho kẻ phản loạn nên đã bị hắn ta đâm trọng thương, tướng quân đã vô cùng đau xót…
Lão đạo sĩ chưa nói dứt thì đã nghe “ rầm” một tiếng chát chúa, chiếc bàn gỗ bị thủng một lỗ khiến ai nấy giật mình. Huệ như dán chặt vào ghế, tay nắm chặt lại, từng giọt máu rĩ qua kẽ tay, ánh mắt u tối, lạnh lẽo tỏa ra sát khí bức người khiến Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ đưa mắt nhìn nhau, đề phòng.
- Tướng quân…
- Câm ngay!!!
Huệ đứng phắt dậy, lao về phía lão đạo, nắm chặt lấy chiếc cổ yếu ớt của lão trong năm ngón tay, mắt vằn lên những tia máu đỏ. Chỉ cần một cử động nhẹ, chiếc cổ này sẽ gãy rời, thế nhưng lão đạo sĩ vẫn kiên quyết không sợ sệt, mà nhìn thẳng vào đôi mắt nảy lửa đó, lào khào
- Tướng quân, hai linh hồn là nghịch thiên. Người hãy buông bỏ, nhanh chóng ra đi, giữ cho một người sống thôi!
Đôi mắt Huệ bây giờ đã hòa thành hai hòn lửa. Những ngón tay anh xiết mạnh lại, rồi sau đó quẳng lão đão sĩ xuống đất khi Nguyễn Lữ phóng về phía mình. Huệ quay ngoắt lại nhìn Nguyễn Nhạc, ánh mắt dữ dội như chúa sơn lâm ấy khiến Nguyễn Nhạc ngoài mặt tuy bình tĩnh, nhưng trong lòng lại chấn động. Nếu còn ở lại đây lâu, chắc chắn anh sẽ không kềm nổi tâm tính mà giết hai người này. Tây Sơn vương và tiết chế chết, Tây Sơn sẽ đại loạn, Văn Bình sẽ gánh hậu quả, thế nên Huệ cố đè nén lửa giận nghi ngút trên đầu mà nhanh chóng bước ra ngoài tẩm điện, không nói lời nào.
- Tướng quân, xin người hãy nghe lời hạ dân! Chuyện này không thể kéo dài thêm nữa, nếu không thể xác của thân chủ sẽ bị giảm thọ và ảnh hưởng nặng nề. Xin tướng quân hãy suy nghĩ lời hạ dân nói, ngài đã sai lầm một lần, không thể lại sai lần thứ hai, hạ thần sẽ ở trong ngôi nhà tranh cuối làng để chờ người hồi tâm chuyển ý!
Nguyễn Huệ bước ra ngoài điện, không quay đầu lại, nhưng những lời vọng theo của lão đạo lại bám lấy anh. Băng qua cây cầu đá trong sân, hướng về thư phòng mình, sắc mặt anh càng lúc càng thâm trầm. Trong thoáng chốc, từng hình ảnh quá khứ lại trôi về, những buổi chiều tắm sông ở An Thái, những buổi tối ngồi vây quanh nồi khoai lang luộc nóng hổi giữa cái lạnh đêm mưa, những ngày đầu tiên cầm quân ra trận, chiến trường mưa máu, ý tưởng, hoài bão, nhiệt huyết mà cả hai chia sẻ cho nhau. Tất cả những hình ảnh đó trôi lung linh trong đầu anh, rồi tan theo gió khi lời của lão đạo bất chợt vang lên
“ Hai linh hồn trong cùng một thân xác, tuổi thọ sẽ bị giảm, hậu quả sẽ khó lường”
oOo
Nhìn theo những bước chân như muốn lún xuống đất của Huệ, Nguyễn Nhạc biết đằng sau vẻ mặt lãnh đạm đó, em trai mình đang nổi giận. Lời lão thuật sĩ kia đã tác động rất mạnh mẽ đến em trai ông. Trong thâm tâm, Nguyễn Nhạc vẫn chưa hết ảnh hưởng bởi sát khí tỏa ra ngùn ngụt của Huệ, ông biết, lúc đó em trai ông chắc chắn đã nổi sát tâm. Với tính cách của Nguyễn Huệ, nếu không quan tâm thì chỉ như con sâu cái kiến, nhưng nếu sát tâm nổi lên, thì có nghĩa là đã cảm nhận được mối đe dọa nguy hiểm thế nên mới muốn giết chết lão đão sĩ kia.
Nếu những lời của lão đạo sĩ nói sai, vậy tại sao Huệ lại nổi giận?
Nguyễn Nhạc tâm niệm, nghĩ lại những điều lão đạo vừa nói, ông cất tiếng, đánh thức bầu không khí đang ngủ say
- Lão đạo, những gì lão vừa nói là thật chứ?
Đang tính cách làm sao để thuyết phục vị tướng quân ấy thêm một lần nữa, âm thanh của Nguyễn Nhạc đã khiến lão đạo bừng tỉnh. Hướng sang Nguyễn Nhạc, lão cung kính trả lời
- Tâu Hoàng thượng, những lời hạ dân nói đều là sự thật, tuyệt không dám giả dối!
- Tốt! Ban nãy ta nghe ngươi nói ngươi đã thấy hết quá khứ của em trai ta, đúng thế không?
- Thưa vâng!
- Vậy ngươi có thể nói cho ta biết quá khứ của nó đã xảy ra chuyện gì không?
Trước yêu cầu của Nguyễn Nhạc, lão đạo nhíu mày, lộ vẻ khó xử. Là người từng trải, lão rất hiểu quá khứ là bí mật của mỗi người, huống chi quá khứ của vị tướng quân kia lại đau buồn như thế, có lẽ ngài ấy cũng không muốn ai biết làm gì. Sau phút đắn đo cân nhắc, lão đạo khẳng khái trả lời
- Hoàng thượng, quá khứ của tướng quân, thứ cho thần không thể nói được!
Lão đạo từ chối không nói, khiến sắc mặt Nguyễn Nhạc trầm xuống. Ngồi bên cạnh ông, Nguyễn Lữ dường như đã nhịn hết nổi, ông đứng bật dậy, chỉ vào mặt lão đạo, lửa giận bừng bừng
- Rốt cuộc ngươi có chịu nói không?
Trước sự nổi giận của Nguyễn Lữ, lão đạo chỉ một mực lắc đầu. Sự cứng đầu của lão khiến hai tai Nguyễn Lữ muốn xịt khói, ông vung đao, tính một chém lấy mạng lão đạo ngay tức khắc thì Nguyễn Nhạc đã nhanh chóng quát lớn
- Chú Tư, không được hồ đồ!!!
Thanh đao nằm trong vỏ, rục rịch một lúc rồi cũng chịu yên, Nguyễn Lữ mắt như phun lửa, ông ngồi phịch xuống ghế, chiếc mũi to đỏ ửng như quả cà chua. Về phần Nhạc, biết em mình đang rất kích động, ông thở một tiếng, khoát tay ra hiệu cho lão đạo lui ra ngoài, rồi đánh mắt sang Lữ, phàn nàn
- Chú lúc nào cũng manh động như thế sao? Tuy ta cũng như chú, không hài lòng về việc lão ta giữ bí mật quá khứ của chú Tám, nhưng nếu giết lão, ai sẽ là người trục xuất linh hồn chú Tám để giữ lại chú Bảy?
Nghe Nguyễn Nhạc nói về việc mình đã lo lắng trước đó, dù đã dự tính từ trước, nhưng khi nghe chính miệng anh mình nói ra, Nguyễn Lữ cũng cảm thấy không được thoải mái. Ông hỏi, rất thận trọng
- Anh cả, nhất định phải trục xuất?
- Nếu không trục xuất thì chú còn cách nào khác sao?
Nguyễn Nhạc lạnh giọng đáp, thấy Nguyễn Lữ không hỏi thêm nữa, ông đưa mắt nhìn ra màn đêm nhung lụa bên ngoài, rồi nói, giọng đều đặn
- Lão đạo sĩ ấy nói một thân xác không thể có hai linh hồn trú ngụ, nếu không tuổi thọ ắt sẽ bị giảm. Dù không muốn nhưng chuyện này không thể làm khác! Hay là chú muốn cả hai cùng chết?
- Em không có ý đó!
- Chú Tư, dù tàn nhẫn, nhưng giữa chú Bảy và chú Tám ta chỉ có thể chọn một. Chú Tư, bản thân chú muốn chọn ai giữa người có thể kiểm soát và người không thể kiểm soát? Dù bản thân cũng không muốn, nhưng bây giờ mọi chuyện đã không còn như trước, nếu như chú muốn chú Tám ở lại, sau này chú có bị nó vượt mặt, bị nó đàn áp hay bị nó lấn lướt, ta xem đến lúc đó nó phục tùng chú hay chú phục tùng nó, lúc đó đừng tìm đến ta than vãn! Chúng ta bây giờ không còn như xưa, phải khó khăn lắm mới gầy dựng sự nghiệp được như ngày nay, không thể chỉ vì chút mềm yếu mà đánh đổ công sức, phụ rẫy lòng tin của mọi người, chú hiểu ý chưa?
Do Nguyễn Nhạc đang đứng quay lưng về phía Nguyễn Lữ, nên ông không biết được biểu cảm của Vua anh như thế nào, chỉ cảm thấy giọng nói đó vừa mơ hồ lại vừa đanh thép, lạnh lùng. Nghĩ đến những lời Vua anh nói “ nó phục tùng chú hay chú phục tùng nó!”, Nguyễn Lữ cau mày lại, với cá tính của Nguyễn Huệ, điều đó rất có thể xảy ra. Cả hai ông bây giờ không tay trắng như trước kia nữa mà đã có cơ nghiệp riêng, với tất cả những thành tựu đáng giá đó, có thể buông tay sao?
Không! Không thể buông tay!
59.
Trời vừa sáng, tiếng chim hót chuyền nhau qua những tàn cây, Huệ đã thức dậy.
Đêm qua Huệ không ngủ được, anh nằm trên giường mà hai mắt không thể nhắm, xoay qua trở lại một hồi phải ngồi dậy, tranh thủ xem xét nốt những báo cáo các xưởng đóng tàu vừa gởi về. Gần sáng, anh mới thiếp đi, để lại hai quầng thâm nơi mắt, dấu ấn cho những đêm thức dài.
Đứng trong mảnh vườn nhỏ sau phủ, Huệ vốc từng làn nước lên mặt, xua tan cơn buồn ngủ đang hiện hữu trong đôi mắt. Nhìn bóng mình chập chờn trong lu nước một lúc lâu, Huệ đứng thẳng dậy, để rồi sau đó mày kiếm nhíu lại khi một cơn đau buốt truyền lên đỉnh đầu. Dạo gần đây, anh hay bị đau như thế, những ngón tay đôi khi trơ ra, không thể co duỗi như ý. Cá biệt hơn, dù đang tập trung, nhưng có những lúc giật mình khi Phan Văn Lân lên tiếng gọi anh, lo lắng nhắc lại những gì vừa mới nói. Tình trạng đó ban đầu chỉ thỉnh thoảng, anh vốn nghĩ chỉ là triệu chứng sức khỏe đang giảm xuống khi phải hoạt động quá sức, nên đã điều chỉnh lại lịch làm việc của mình. Những tưởng tình trạng đó sẽ được cải thiện, nhưng không, càng ngày nó càng xuất hiện nhiều hơn, đến nỗi anh phải giật mình khi nhận ra rằng sức khỏe cơ thể vốn đã bị giảm sút rõ rệt hơn so với trước đây.
Hai linh hồn trong một thể xác là trái với ý trời, hậu quả của nó vô cùng nghiêm trọng!
Trong thoáng chốc, lời nói cũa lão đạo sĩ bỗng vang vọng trong đầu Huệ. Năm hôm rồi, đã năm hôm rồi, lời nói của lão cứ quẩn quanh trong đầu anh như một u linh mà không tan đi. Hậu quả của việc hai linh hồn cùng chung thể xác, chẳng lẽ là tình trạng này? Nếu như tình trạng này không dứt mà cứ kéo dài mãi thì sao?
Huệ thừ người ra, những giọt nước chảy dài trên gương mặt anh, đọng lại trên cằm và rơi xuống đất, vỡ tan. Huệ ngồi xuống một tảng đá, ngẩng nhìn bầu trời. Anh khẽ nhíu mắt lại khi cảm thấy hôm nay ánh nắng quá gay gắt và bỏng rát. Huệ đưa mắt nhìn quanh, cảnh vật bao phủ bởi một làn sương mỏng, đột ngột, anh vươn tay về phía trước như chụp lấy gì đó, rồi từng ngón tay lại thả ra, hững hờ. Nếu tình trạng đó cứ kéo dài mãi, từng cơn đau buốt hoành hành mãi, thì anh sẽ quên khi đang cố tập trung, Anh không thể hoạt động như ý muốn mình nữa, để rồi cuối cùng, thân xác này sẽ mệt mỏi, rệu rã, dẫn đến giảm thọ và chết sớm hay sao?
Có thể như thế sao?
Huệ lẩm bẩm, anh mỉm cười, một nụ cười chua chát. Dường như anh làm gì cũng sai, dường như sự quan tâm của anh lại là phá hoại. Năm đó, chiến trận xảy ra, do Văn Bình nhân từ với kẻ thù nên đã bị hắn đâm trọng thương, sau đó lại lấy cô con gái đang chửa hoang của thầy giáo Hiến để cô ta không bị dân làng cạo đầu, bôi vôi và mang đi dìm chết. Tưởng chỉ thế thôi, rồi sau này Văn Bình sẽ tự biết quý trọng bản thân mình hơn, nào ngờ lại đến hôn sự giữa hai nhà Bùi- Nguyễn. Tây Sơn mới bước đầu xây dựng, rất cần tiền gạo, rất cần có các thế lực ủng hộ chống lưng ở phía sau để phát triền thanh thế, vừa vặn thay nhà họ Bùi lại hội tụ đủ các yếu tố đó. Nguyễn Nhạc là anh cả, quyền huynh thế phụ, mối hôn sự này nhanh chóng được tiến hành. Em trai có vợ, Tây Sơn có thế lực ủng hộ, thật vẹn cả đôi bề. Trong mắt mọi người đó là chuyện đáng mừng, thế còn Văn Bình, anh trai anh có yêu cô gái ấy không, anh biết là không, nhưng vì Tây Sơn, Văn Bình đã lấy cô gái đó về làm vợ, điều đó khiến những bất mãn, bực bội trong anh tích tụ bao lâu liền bùng phát như vỡ đê.
Văn Bình ôn hòa, thấu hiểu người khác, nhưng cũng chính điều đó lại làm anh ấy là người bị thương tổn nhiều hơn. Nhân từ với kẻ địch, để rồi bị hắn đâm trọng thương, không phải là thân chủ của cái thai nhưng vẫn cưới về, rồi đến hạnh phúc của mình cũng không được tự do mà theo sự sắp đặt của người khác. Khi anh bày tỏ bất mãn, Văn Bình chỉ nói có những chuyện không thể làm theo ý mình. Anh trai anh có nhiều ràng buộc, có nhiều trách nhiệm và cũng có nhiều tổn thương, và anh thì không muốn thế. Chứng kiến Văn Bình luôn vì người khác mà không quan tâm đến bản thân muốn gì, anh rất đau lòng, tức giận và muốn phản kháng. Bất đồng quan điểm, hai anh em thường xuyên cãi nhau. Đỉnh điểm cho sự cãi nhau đó là một trận quyết đấu giữa cả hai để kết thúc chuyện này. Nếu anh thắng, Văn Bình hãy để mặc anh và nếu ngược lại, anh sẽ thuận theo ý Văn Bình, từ nay về sau sẽ không chống đối, mọi chuyện đều nghe theo ý anh mình.
Huệ đã nghĩ như thế, lúc nào anh cũng nghĩ như thế. Từ nay về sau không chống đối nữa, không cãi cọ nữa, mà sẽ luôn yêu thương, bảo vệ, không để cho bất cứ ai khiến anh mình bị tổn thương. Văn Bình quá hiền để không thể từ chối người khác, Văn Bình quá thấu hiểu để không thể làm đau người khác, đứng ngoài lề nhìn người mình yêu thương đau lòng mà bất lực không thể làm gì, thật khó chịu, vô cùng khó chịu, cái cảm giác khó chịu đó gặm nhấm, bào mòn anh, khiến anh vùng lên phản kháng, chống đối tới cùng.
Kết quả là sao…
Anh chết. Chết trong trận quyết chiến. Vào giây phút cuối cùng để luận thắng thua, đường đao của Văn Bình lướt tới anh, anh đã không tránh. Khoảnh khắc đó, anh chỉ nhìn Văn Bình, và không thể nào quên ánh mắt sửng sốt pha lẫn đau đớn ấy, giây phút đó, một niềm tin mãnh liệt thôi thúc anh, linh hồn anh như tách ra khỏi thân xác, hút về phía Văn Bình. Anh phải sống, để bảo vệ cho anh trai, để không ai làm tổn thương đến. Anh đủ tàn nhẫn đễ làm tổn thương người khác, đủ thẳng thắn để từ chối tất cả, đủ mạnh mẽ để bảo vệ cả hai, nhưng, có lẽ, ngay giây phút anh quyết định chết, đó là một sai lầm, và khi anh tỉnh lại trong thân xác Văn Bình đúng như mong muốn, đó lại chỉ là một sai lầm nữa mà thôi.
Cuộc đời anh, hết sai lầm này đến sai lầm khác, mong muốn bảo vệ lại thành phá hoại, muốn người mình yêu thương sẽ hạnh phúc, nào ngờ chỉ toàn là những niềm đau không lành
Anh đã sai, sai lại càng thêm sai, và bây giờ anh tiếp tục sai lầm nữa sao?
Nguyễn Huệ cúi đầu, hai bàn tay chà xát lên gương mặt, lời nói của lão đạo sĩ ngày càng thêm vang vọng, rồi xoáy sâu vào đầu anh. Năm hôm, đã năm hôm rồi, anh còn muốn đợi đến khi nào? Đợi đến khi đôi mắt này không còn nhìn thấy nữa, thân xác này không cử động nữa, chờ cho đến khi nó rệu rã và tan thành tro bụi hay sao?
Hệ quả đầu tiên sẽ là đổ bệnh, đôi lúc hô hấp nhanh, chóng mặt, mất khả năng tập trung và đầu óc đôi khi trống rỗng vì phải dung nạp quá nhiều thứ, sau đó cơ thể sẽ dần suy kiệt, sức khỏe trở nên yếu dần, tuổi thọ sẽ giảm do phải chứa đến hai linh hồn!
Anh không biết chuyện này, thật sự không biết!
Còn Văn Bình, có biết không? Nay đã biết rồi mà vẫn muốn lưu giữ anh lại hay sao?
Huệ đột ngột cười to, tiếng cười khiến rừng cây lay động, chim chóc xôn xao. Dựa lưng vào thân cây, Huệ nhắm mắt lại, đôi vai buông thõng, những ngón tay bất động. Tiếng chim hót líu lo trên cao, ánh nắng nhảy múa lung linh trên bờ vai rộng, gió lao xao, thì thào vào tai anh những lời bí mật, thời gian trôi qua trên đầu. Đột ngột, Huệ mở bừng mắt, đôi mắt bừng sáng như ánh lửa rực rỡ. Huệ thong thả đứng dậy, anh ngẩng đầu nhìn bầu trời trong xanh, cao vợi một lúc lâu rồi bước vào nhà.
Không thể sai lầm nữa. Tuyệt đối không thể sai lầm nữa.
oOo
Trên con đường phủ bóng hòe râm mát, Linh Lan sải những bước chân vui vẻ hướng về Hoàng đế thành, trên tay là chiếc túi thơm con con vừa mới săn được ở phiên chợ chiều nay.
Chiếc túi thơm này giành cho nó ư? Không phải, mà là giành cho Huệ, mấy hôm nay nó để ý thấy anh có vẻ mệt mỏi, hai mắt có quầng thâm chứng tỏ đã thức khuya nhiều ngày. Dạo gần đây Linh Lan cảm thấy anh có hơi khác lạ, nhiều khi nghe nó gọi mà không quay đầu lại, đến khi quay lại cũng bỏ đi chẳng nói câu nào, khiến nó vừa buồn vừa giận. Nhưng, dù có giận đến đâu, nó cũng vẫn lo lắng cho sức khỏe của anh, chiếc túi thơm này có tác dụng an thần, giúp giấc ngủ thêm ngon, rất tốt cho Huệ, đã không biết tự lo thân rồi mà còn làm người khác lo lắng theo nữa, khổ ghê!
Linh Lan lẩm bẩm, nhìn thấy bóng dáng Hoàng đế thành xa xa, niềm vui trong nó tăng dần theo nhịp bước chân. Chợt, nó vội vàng nép sau một thân cây bên đường khi nhìn thấy Huệ từ trong Hoàng đế thành đi ra. Nhìn theo bóng Huệ, Linh Lan nhướng mày ngạc nhiên, đã chiều tà rồi mà anh còn đi đâu, hơn nữa lại không cưỡi ngựa mà còn mặc thường phục, chẳng lẽ… anh đi… hẹn hò?
Ý nghĩ đó vừa nhóm lên trong đầu, Linh Lan không được vui, nó mím chặt môi lại, rồi lặng lẽ bám theo sau Huệ ở một khoảng cách an toàn. Nếu Huệ phát hiện, chắc chắn nó sẽ bị đuổi về hoặc bị cắt đuôi, mà nó thì đang muốn biết Huệ đi đâu giữa chiều hôm thế này. Nếu là đi công việc, nó sẽ về ngay, còn mà đi hẹn hò thì…
Linh Lan càng nghĩ, càng khó chịu. Nó biết thời buổi này chuyện hôn nhân mai mối chính trị rất nhiều, Huệ có lấy một cô gái có gia thế để củng cố thêm cho Tây Sơn cũng là điều dễ hiểu. Lý thì đã thông nhưng tình thì vẫn lấn cấn, nhìn thấy người mình yêu thích ở bên cạnh một người con gái khác cười cười, nói nói, nó không thể chịu được. Nghĩ đến viễn cảnh đó, trong lòng Linh Lan bùng lên ngọn lửa ghen tỵ, trên đường bám theo sau Huệ, ngọn lửa ấy cứ âm ỉ trong lòng nó, làm nó thấp thỏm không yên. Hy vọng Huệ đi công chuyện, hy vọng đối tượng gặp gỡ của Huệ là nam chứ không phải nữ, hy vọng…
Cứ thế, Linh Lan cứ thầm hy vọng, cho đến khi thấy Huệ dừng chân trước một ngôi nhà tranh nằm khuất sau lũy tre làng, trái tim Linh Lan vọt mạnh. Nó nấp sau một thân cây, hé mắt nhìn Huệ gõ cửa, rồi sau đó thở phào nhẹ nhõm khi một lão già tóc bạc từ trong nhà bước ra. Thấy người Huệ gặp là một lão già, không phải nữ, Linh Lan như trút được gánh nặng ngàn cân, nhưng rồi sau đó lại sầm mặt xuống khi nghĩ tới biết đâu trong nhà còn có một cô gái xinh đẹp đang ngồi đánh đàn khoan thai, thần thái phiêu diêu chờ Huệ bước vào.
Muốn biết trí tưởng tượng có phong phú hay không, theo dõi là biết liền chứ gì! Linh Lan nhủ thầm, nó cố trấn áp sự ghen tỵ bùng cháy trong lòng, rồi rón rén từng bước vòng ra phía sau, núp trong bụi chuối mà ló mắt, dòm vào bên trong ngôi nhà.
Do diện tích ngôi nhà khá khiêm tốn, lại ở vị trí thuận lợi, Linh Lan có thể nghe thấy người trong nhà nói gì. Do Huệ quay lưng về phía nó, nên Linh Lan chỉ thấy lão đạo tóc bạc đang mời trà, ngoài ra không có cô gái đánh đàn như trong tưởng tượng, khiến nó thở phào nhẹ nhõm, tự cười mình quá đa nghi. Biết mà, Huệ làm gì để mắt đến ai cơ chứ!
Biết được Huệ không đi hẹn hò, Linh Lan dợm quay người đi, thôi không nghe ngóng nữa, nhưng nghĩ sao đó nó liền nán lại. Đã cẩn thận thì cẩn thận cho trót, lỡ anh không đi hẹn hò, nhưng lão đạo này lại là ông mai thì sao, ai mà biết được, chính xác thì vẫn hơn.
Nghĩ như thế, Linh Lan rụt đầu lại, mắt lướt vào nhà, tập trung nghe xem họ có nói gì liên quan đến hôn nhân hay không. Nào ngờ, nghe ngóng đã lâu mà vẫn không thấy Huệ nói năng gì, lão đạo cũng nhắm mắt tựa như người nhàn rỗi, Linh Lan núp bên ngoài phải xua đuổi muỗi mòng tấn công mình, đến lúc sắp mất kiên nhẫn thì lão già tóc bạc bỗng mở mắt, hỏi chậm rãi
- Tướng quân đã nghĩ kỹ chưa? Đã có quyết định rồi mới đến gặp lão phải không?
Suy nghĩ, quyết định?
Đang còn tự hỏi không biết hai người này đến khi nào mới có động tĩnh, Linh lan giật mình khi nghe lão già mở miệng. Trong phút chốc, trái tim nó đập nhanh! Suy nghĩ gì đây? Quyết định gì đây? Chẳng lẽ quả thật như nó nghĩ, lão già này là ông mai sao?
- Ta đã quyết định rồi! Thật sự như lời lão nói, một thân xác chứa hai linh hồn thì thân xác chủ sẽ bị giảm thọ, gánh thêm nhiều hậu quả sau này chứ!
Huệ nói, giọng thoảng như hơi thở, nhưng đối với Linh lan lại chẳng khác nào sét đánh ngang tai. Toàn thân nó chấn động, trong vô thức, mười ngón tay run run của nó bấm sâu vào thân chuối, người chồm về phía trước để nghe rõ đoạn đối thoại trong nhà.
- Tướng quân, hạ dân tuyệt đối không dám dối gạt người, năm ngày qua, có lẽ tướng quân đã cảm nhận được triệu chứng của việc nghịch luân hồi này rồi. Nếu tướng quân vẫn chấp mê bất ngộ, kiên quyết tồn tại, thì hạ dân cũng đành bất lực mà thôi.
Lão đão nói, sau đó thở dài, tiếng thở dài quét vào tâm tưởng Huệ, quét đi những tàn dư còn bám víu trong lòng. Huệ không nói gì, anh nhắm mắt lại, lâu thật lâu rồi mở mắt ra, mỉm cười
- Được! Nếu như một trong hai phải biến mất, thì người đó sẽ là ta!
- Tướng quân, nếu người đã quyết định, hạ dân cũng xin nói cho người biết. Theo thuyết nhân quả, những người nào làm trái ý trời, vi phạm vào luật nhân quả, thì sau khi biến mất, người đó sẽ mãi mãi không được siêu sinh, không được đầu thai, không có luân hồi, không có kiếp sau. Tất cả vĩnh viễn là hư không!
Lão đão nhấn mạnh từng lời khi đề cập đến chuyện nhân quả, xem vị tướng quân này đã quyết định thật sự chưa, có nghĩ đến bản thân sẽ lãnh hậu quả như thế nào chưa. Trước những lời đó, Huệ không biểu lộ chút cảm xúc nào, anh nhìn ra ngoài vạt nắng đậu hờ hững trước hiên nhà, lâu thật lâu rồi mới đáp lời
- Đằng nào thì sinh mạng này vẫn không nên tồn tại, ta đã quyết định thì tuyệt không hối hận!
- Không được!!!
Nghe quyết định của Huệ, lão đạo chưa kịp nói gì thì một tiếng quát lanh lảnh vang lên, khiến cả hai giật mình. Đứng sừng sững trước cửa, Linh Lan nhìn xoáy vào Huệ, sắc mặt trắng bệch, đôi mắt mở to, bờ môi run run vì vẫn chưa thể tin những gì mình vừa mới nghe. Thấy Linh Lan đột ngột xuất hiện, đôi mày kiếm của Huệ nhíu lại, anh không lý gì tới nó mà lại ngoảnh mặt về phía lão đạo, giọng sắc lại
- Lão nói nếu ta có quyết định thì hãy đến tìm, như vậy lão có cách trục xuất linh hồn của ta, phải không?!
Hết đưa mắt nhìn Linh Lan, rồi lại nhìn Huệ, lão đạo gật đầu
- Không sai, có cách!
Vừa nói, lão đạo vừa móc trong người ra một lọ thuốc nhỏ màu trắng. Có lẽ như lão đạo đang chờ Huệ đến, nên lúc nào cũng mang theo lọ thuốc này. Nhìn thấy lọ thuốc đó, Linh lan tái mặt lại, nó vội vàng lao tới, chụp lấy lọ thuốc trong tay lão đạo. Không ngờ Linh Lan lại đột ngột hành động, lão đạo ngớ mặt ra, định thần lại thì lọ thuốc đã không còn trong tay mình nữa. Về phần Huệ, vì quá bất ngờ cũng không kịp trở tay, trong phút chốc, đôi mắt anh thẫm lại, lãnh lẽo như đáy vực sâu
- Đưa lọ thuốc cho ta!
- Không!!!!
Ôm chặt lọ thuốc vào lòng, Linh Lan mím môi, nó chưa kịp nói gì thì mắt đã hoa lên. Huệ lướt đến trước mặt Linh Lan, vỗ một cái thật mạnh vào tay, khiến nó “ ối” lên một tiếng đau đớn nhưng vẫn không chịu buông lọ thuốc ra. Thấy Linh Lan đổ bướng, đôi mắt của Huệ như nảy lửa, gương mặt anh lộ vẻ tàn khốc, nắm ngón tay cong lại thành thế trảo chụp xuống. Chỉ nghe “rắc” một tiếng, nước mắt Linh Lan ứa ra, bàn tay nó thõng xuống, năm ngón tay bất lực buông lơi, để lọ thuốc rơi vào tay Huệ một cách gọn gàng
- Đừng mà, anh… không thể chỉ vì lời của lão đạo sĩ xa lạ đó mà hủy hoại mình. Nhất định sẽ có cách khác mà! Anh đừng biến mất, đừng biến mất mà!!
Để đoạt lại lọ thuốc, Huệ không nhân từ gì mà bẻ gãy tay nó, điều đó không làm nó đau bằng quyết định của anh. Linh Lan nói, gần như cầu xin, nó ôm lấy cánh tay thõng xuống của mình, mắt nhìn Huệ qua màn lệ. Không để ý đến gương mặt tuyệt vọng cùng lời năn nỉ khẩn thiết của nó, Huệ mở nắp lọ thuốc, nhìn thật lâu vào đó, rồi nhắm mắt lại, ngửa cổ, dốc cạn một hơi.
- Đừng mà!!!!
Mắt thấy Huệ uống cạn lọ thuốc, Linh Lan gào lên. Bất chấp cánh tay đã bị gãy, nó vội lao về phía Huệ, giằng lấy lọ thuốc trong tay anh nhưng đã muộn. Năm ngón tay Huệ buông lõng, chiếc lọ nhoài người rơi xuống đất, vỡ tan thành muôn mảnh trước đôi mắt tê dại của Linh Lan! Nó vội ngồi thụp xuống, tay quờ quạng những mảnh vỡ qua màn lệ. Không còn gì cả! Không còn chút gì cả! Một giọt cũng không!!! Một giọt cũng không!!!!
Trong phút chốc, khi làn thuốc trôi xuống cổ họng. Thấm qua từng tế bào, mạch máu, Huệ cảm thấy một luồng khí nóng đột ngột xuất hiện, thổi bùng thành từng đám hoa lửa, thiêu đốt lục phủ ngũ tạng anh. Từng giọt mồ hôi nặng nề rịn trên trán, Huệ nắm chặt tay, đón nhận mọi cảm giác cuối cùng của mình. Từng hình ảnh như thác lũ dồn về, nhồi nhét trong đầu Huệ. Từ giây phút vừa mới sinh ra, khóc oa oa cùng người bên cạnh, rồi bỗng vụt lớn dần lên chàng một chàng trai hai mươi tuổi khỏe mạnh. Mùi đồng cỏ hăng hắc, làn nước khỏa lăn tăn, bầu trời chói chang trên cao, mùi máu tươi tràn về trên chiến trường, tất cả những hình ảnh đó vặn vẹo, xoắn lại rồi đột ngột vỡ nát, khiến anh thống khổ ôm lấy đầu, vùi thật sâu vào lòng bàn tay.
Rồi đột ngột, tất cả những hình ảnh biến mất, chỉ còn lại một bóng hình mờ ảo như sương như khói, đang nhìn anh mỉm cười.
Văn Bình!
Bờ môi tái nhợt của Huệ mấp máy, thốt gọi, bàn tay vươn về khoảng không trước mặt. Cảnh vật nhập nhòe, mờ dần rồi biến mất. Trái tim anh đập nhẹ dần, nhẹ dần. Linh hồn anh rướn về phía trước, vặn vẹo, rồi thoát khỏi thân xác, bay lên trời cao, tan biến trước khi chạm vào ánh nắng mặt trời
Sinh mạng này vốn không nên tồn tại!
Linh Lan đau đớn, bàn tay bất lực, rỏ máu của nó vươn ra, ôm chặt lấy Huệ, gào thét. Huệ nhắm mắt, gương mặt anh như đang ngủ, trên bờ môi còn vương nụ cười càng làm cho trái tim Linh lan như bị xé nát. Nó thì thào, anh chưa biến mất đâu, có lẽ anh chưa biến mất đâu. Anh chỉ ngủ thôi, anh chỉ ngủ một lát rồi tỉnh dậy thôi!
- Huệ… thôi nào, anh hãy tỉnh lại đi, đừng ngủ ở nhà người khác chứ! Tỉnh lại, tôi sẽ đưa anh về! Rồi khi đó, anh muốn ngủ đến chừng nào cũng được!
Huệ vẫn không mở mắt
- Huệ, tỉnh lại đi! Tôi van anh đấy, tỉnh lại đi mà! Anh còn biết bao việc phải làm, anh thế này tôi sẽ rất lo lắng, Văn Bình sẽ rất lo lắng đấy, Huệ!!
Đôi bàn tay Huệ vẫn lạnh băng.
- Huệ, đừng… mà! Đừng… biến mất! Đừng… bỏ lại tôi! Đừng… bỏ tôi lại một mình….
Linh Lam ôm chặt lấy Huệ, giọng nói nó run rẩy, đứt quãng, nghẹn ngào. Anh không thể ra đi, anh không thể ra đi như thế, tình cảm của nó không thể chớm nở rồi vội tàn như thế! Nó còn chưa kịp nâng niu mầm con ấy, nó còn chưa kịp chăm sóc cho mầm con ấy trưởng thành. Anh vì Văn Bình mà ra đi, còn nó thì sao? Còn nó thì sao? Anh vẫn chưa gọi tên nó, chưa bao giờ gọi tên nó, và bây giờ thì mãi mãi, mãi mãi nó sẽ chẳng còn được nghe anh gọi tên nữa rồi.
Lạnh nhạt cũng được.
Hờ hừng cũng được, là con sâu cái kiến cũng được.
Nhưng đừng như thế này!!!
Đừng như thế này!!!
Linh Lan ôm chặt lấy Huệ, những giọt lệ nóng hổi vặn vẹo, rồi chậm chạp trườn khỏi bờ mi, lăn nhanh, lăn nhanh trên gương mặt tang thương. Linh Lan khóc, không thành tiếng, những giọt nước mắt đau đớn chảy nhạt nhòa, buồn thảm rơi xuống gương mặt Huệ, như mưa rơi.
Đừng mà!!
Đừng mà!!!
Đừng biến mất!
Đừng bỏ tôi!!!
Đừng bỏ tôi!!
Linh Lan ôm chặt Huệ, điên cuồng cầu xin. Chợt đôi mắt nó mở to khi cảm thấy bàn tay Huệ dần ấm lại. Vội vàng nhìn xuống Huệ, trái tim Linh Lan nghẹn lại khi mi mắt Huệ động đậy, rồi từ từ mở ra.
Ngay giây phút ấy, trái tim đập mạnh của Linh Lan đã chết lặng.
Một đôi mắt quen thuộc đang nhìn nó. Bất lực và đớn đau.
Linh Lan nhìn đăm đăm vào gương mặt đó. Huệ trong vòng tay nó cựa quậy, rồi lặng lẽ ngồi dậy. Nó vẫn yên lặng, đôi mắt vô hồn nhìn trân trân vào vòng tay trống không của mình. Không có giọt nước mắt nào rơi xuống, không có đớn đau, không có tuyệt vọng, không có chua xót, bởi khi thấy đôi mắt đó, những cảm xúc trong lòng Linh lan đã chết, tình yêu đã lụi tàn và hy vọng cũng vỡ tan.
Đứng lặng lẽ một bên, lão đạo nhắm mắt, thở dài, những thớ thịt trên mặt rung rung. Nhìn cảnh ly biệt trước mặt, dù đã sống gần một đời, nhưng lão vẫn không thể quen. Sự đau đớn của người ở lại, lẽ nào lão không cảm nhận được, nhưng một người ra đi cho người ở lại sống, còn đỡ hơn cả hai cùng ra đi.
- Tướng quân…
Nhìn Linh Lan ngồi ngây ra trên mặt đất thật lâu, vị tướng quân lặng yên không nói, anh nhìn lão đạo, mỉm cười, nụ cười tịch liêu
- Lão đạo, Cám ơn ông!
—————————-
Giây phút tiễn Huệ đi, mọi người clik vào link để nghe nhé
160.
Văn Bình đẩy cửa bước vào phòng.
Đứng trước ngưỡng cửa, anh chậm chạp nhìn quanh. Đồ đạc được sắp xếp rất gọn gàng, ngăn nắp. Mọi thứ đều không có gì thay đổi. Chợt, ánh mắt anh dừng lại cuối căn phòng, nơi có thanh kiếm treo lủng lẳng trên vách. Văn Bình chậm chạp tiến lại, anh đưa tay chạm vào thanh kiếm, vuốt dọc, cảm nhận được lưỡi kiếm lành lạnh, vô tình trước mọi nồng ấm của thế gian.
Văn Bình đứng thật lâu trước thanh kiếm, đôi mắt mênh mông tịch liêu. Anh chậm rãi đến về phía chiếc bàn, để rồi sững người lại, bất động khi nhìn thấy một phong thư dán kín kẽ, đặt ngay ngắn trên bàn.
Văn Bình cầm lấy phong thư, những ngón tay run rẩy tách trang giấy. Những con chữ quen thuộc hiện ra, ngay ngắn, khiến trái tim Văn Bình quặn lại, xót xa.
“ Anh trai!
Anh có thể từ bỏ mọi thứ vì em không? Em thì có!
Trách nhiệm trên vai anh quá lớn, anh có thể buông bỏ cũng như có thể để kỳ vọng, tin tưởng của mọi người trôi theo sông biển không?. Em thì có!
Anh có thể làm tổn thương mọi người không? Có thể từ chối người khác không? Em thì có!
Nếu một trong hai người phải ra đi, anh có thể ra đi không? Em thì có!
Cho nên anh phải ở lại, làm những gì anh có thể mà em không làm được.
Em đã sai, không thể sai thêm lần nữa.
Luôn là em trai của anh”
Lá thư rơi xuống đất.
Văn Bình đứng chôn chân giữa phòng, người anh như chao nghiêng.
Đột ngột, cửa phòng mở toang, Văn Bình lao ra bên ngoài, anh phóng lên ngựa, tay vun roi quất mạnh một cái. Con ngựa lồng lên, bốn vó khua trong không trung rồi lao về phía trước như tên bay.
Gió điên cuồng gào thét
Vó ngựa giẫm loạn trên mặt đường.
Tiếng thét giục giã tuấn mã vang vọng trong đêm tối. Rừng cây lùi dần ra xa, nhạt nhòa, nhạt nhòa!
Bầu trời thổi thốc, mây đen cuộn về, nhúng gặp nhau, ôm lấy nhau, vần vũ trên bầu trời. Một giọt mưa nặng nề rơi xuống, sau đó, trời đổ mưa, nức nở. Rừng cây oằn mình, nghiêng ngả, cành lá quất vào nhau, cố bám trụ trước cơn giông tố đột ngột của đất trời.
Trong đêm gió bão, tiếng vó ngựa lao xao. Xuyên qua màn mưa, thấp thoáng như một ảo ảnh, bóng người điên cuồng thúc ngựa, con tuấn mà đã chạy hết sức nhưng vẫn không thể vừa lòng chủ nhân. Đường dài bị bóng tối nuốt chửng, những hòn đá nằm trơ trọi trên mặt đất được bóng đêm che chở, cọ xát vào vó con tuấn mã đang điên cuồng phi nước đại. Bốn vó khuỵu xuống, người ngựa cùng té, cùng trượt dài về phía trước. Ướt mèm.
Văn Bình nằm trên mặt đất, mắt nhìn không gian mịt mù trên cao. Bóng đêm, bầu trời hòa tan vào nhau, chập chùng trong đôi mắt anh. Mưa xối xả dốc xuống, tuôn tràn trên tóc, chảy vào trong đôi mắt đang mở trừng trừng, rồi lăn dài xuống má, tựa như những giọt lệ đang rơi
Anh có thể từ bỏ mọi thứ vì em không?
Anh không thể.
Anh có thể buông bỏ cũng như có thể để kỳ vọng, tin tưởng của mọi người trôi theo sông biển không?
Anh không thể.
Anh có thể làm tổn thương mọi người không? Có thể từ chối người khác không?
Anh không thể!
Không thể!
Không thể!
Cái gì anh cũng không thể!
Nhưng em thì có!
Huệ thì có!
Cái gì Huệ cũng có, tất cả là vì anh. Chết cũng vì anh, ra đi cũng vì anh. Còn anh làm được gì vì Huệ. Không gì cả! Chẳng gì cả! Anh đã đau đớn, ngỡ ngàng khi hiểu được lý do vì sao em trai anh lại phải chết, để rồi quyết định ngủ yên, nhường thân xác này cho Huệ, để em trai anh được sống, còn anh sẽ ở một nơi sâu thẳm nào đó, mong Huệ được hạnh phúc và bình yên.
Đến cuối cùng, hai linh hồn lại trái luật nhân quả, một trong hai phải ra đi. Anh không muốn Huệ biến mất, nhưng bản thân anh cũng không thể biến mất. Để đến cuối cùng, Huệ quyết định ra đi, dứt khoát, kiên quyết, rành mạch, không để cho anh kịp làm gì khác, mà chỉ để lại vỏn vẹn một lá thư trên bàn.
Khi anh tỉnh dậy, ướt đẫm nước mắt trong vòng tay của Linh Lan, anh biết, anh đã mất Huệ rồi.
Anh đã mất một lần, đau đớn, xót xa, để rồi lại tiếp tục mất lần thứ hai, và lần này là mãi mãi.
Một câu từ biệt cũng không có. Một cái ôm cũng không có. Một cái xiết tay cũng không có. Ngay cả gọi tên cũng không có!
Huệ! Huệ!
Văn Bình bật cười to, hai tay chà xát lên mặt, Nước mưa tuôn tràn qua khóe mắt, thấm qua kẽ tay, rơi xuống, chìm sâu vào mặt đất tối tăm.
Bây giờ gọi thì có còn gì nữa đâu!
Có còn ai đáp lời nữa đâu…
oOo
Trong màn mưa trập trùng, Anh Tú giục ngựa phóng về phía trước. Anh vừa đi, vừa cất tiếng gọi to Linh Lan, nhưng vọng lại anh chỉ có tiếng gào thét của mưa gió, tuyệt không thấy bất cứ dấu hiệu nào của Linh Lan trước đó, khiến lòng anh xáo trộn không ngừng.
Chiều nay lúc từ Tây Sơn trở về, Anh Tú đã một phen hốt hoảng khi nghe tin Linh Lan bị gãy tay, nhưng rồi sau đó đã tạm yên lòng trở lại khi tướng quân đã cho thầy lang chữa trị và băng bó. Vì Linh Lan cần được nghỉ ngơi, Anh Tú không tiện quấy rầy, đợi đến khi dùng xong bữa cơm tối rồi mới tìm đến, ai ngờ gõ mấy tiếng mà vẫn không thấy ai trả lời. Ban đầu anh cho rằng Linh Lan đã ngủ, tính quay trở về phòng, nhưng sau lại cảm thấy có chuyện gì đó không ổn nên đánh bạo đẩy cửa bước vào.
Linh lan không có trong phòng. Đồ đạc vẫn ngăn nắp, có lẽ Linh Lan chỉ đi dạo loanh quanh đâu đó, khiến Anh Tú bớt lo phần nào. Sau vụ Ngọc Uyển, anh bây giờ rất thận trọng, chỉ mong không còn ai đến báo thù cho em gái mình được sống bình yên. Hiện giờ, em gái anh đang yêu, tuy không biết sau này thế nào nhưng thân là anh, Anh Tú cũng cảm thấy vui lây. Sống trong thời loạn, có thể tìm thấy tình yêu, được người đó bảo vệ và chăm sóc là chuyện vô cùng tốt đẹp, có cầu cũng không thấy. Chỉ là, không biết sau này em gái lấy chồng rồi sẽ thế nào, có còn cái tính cứng đầu khó bảo, chăm chăm làm theo ý mình nữa không, hay là trở nên ngoan ngoãn, đáng yêu, e ấp bên cạnh người ta rồi.
Anh Tú vừa nghĩ, vừa cười, nhưng anh không còn cười được nữa, thay vào đó là sự lo lắng đang nhen nhóm bởi đã ngồi đợi một lúc lâu rồi mà vẫn không thấy Linh Lan trở về. Nghĩ đến vụ Ngọc Uyển, trái tim Anh Tú vọt mạnh, anh vội vàng đi dò hỏi tin tức của Linh Lan, thì được một người lính canh cửa cho biết Linh lan đã ra ngoài, trong khi tướng quân đã trở về phủ từ khi nào.
Hay tin em gái ra ngoài, đến bây giờ vẫn chưa trở về, bất chấp mưa gió loạn lạc, Anh Tú phóng ngựa chạy như bay để tìm kiếm Linh Lan. Vừa thúc ngựa tìm kiếm, nỗi bất an trong lòng Anh Tú ngày càng tăng. Chuyện gì đã xảy ra? Em gái anh vừa bị gãy tay, cần phải được tịnh dưỡng, tại sao lại bỏ ra ngoài, chẳng may gặp chuyện gì thì sao đây. Linh Lan ơi Linh Lan, tại sao bao giờ em cũng cứng đầu, chỉ biết làm theo ý mình mà không quan tâm đến mọi người sẽ như thế nào vậy? Chỉ trách anh quá cưng chiều em, để em tự tung tự tác nên mới như thế này đây.
Anh Tú mắng thầm, nỗi lo lắng trong lòng ngày càng tăng. Anh đã cho ngựa đi thật chậm, căng mắt phóng ra màn đêm mênh mông, vạch từng bụi cây, ngọn cỏ, nhưng vẫn không thấy tung tích của Linh Lan đâu cả. Cố gắng trấn tĩnh ngọn lửa bất an đang thiêu đốt trong lòng, Anh Tú cẩn thận cho ngựa lần về phía trước, mắt tìm kiếm, không bỏ sót bất cứ động tĩnh nào. Tuyệt đối anh phải kiếm cho được Linh Lan, bằng mọi giá anh phải đưa Linh Lan quay trở về.
Anh Tú phóng mắt nhìn quanh. Chợt, trái tim anh linh động khi nhìn thấy một bóng hình mảnh mai đang đứng câm lặng ở phía trước. Vội vã thúc ngựa chạy lại, Anh Tú mừng như điên khi nhận ra đó chính là Linh Lan. Nhanh chóng nhảy xuống ngựa, anh nhào về phía nó, để rồi sau đó ngẩn người ra khi nhìn thấy tình trạng của em mình khi này.
Linh Lan đứng lặng trong mưa gió, bàn tay bị gãy được băng bó cẩn thận nay thõng xuống, gương mặt trơ ra, không chút cảm xúc, để mặc cho những hạt mưa thi nhau rơi trên mắt, môi mình. Biểu hiện ấy khiến Anh Tú kinh ngạc, anh muốn hỏi, nhưng đành nén lại, vuốt những giọt nước mưa chảy tràn trên gương mặt Linh Lan, anh vội vàng khoác lên người em mình chiếc áo tơi đi mưa, rồi nói nhẹ nhàng
- Bé Lan, về thôi!
Anh Tú vừa nói, vừa nắm tay Linh Lan dắt đi, liền sau đó quay người lại khi Linh Lan như bám rễ trên mặt đất. Thấy Linh Lan không nhúc nhích, cũng chẳng liếc mắt nhìn mình, mà chỉ đăm đăm nhìn khoảng không đen tối vô tận ở phía trước, Anh Tú nhíu mày. Chuyện gì đã xảy ra với em gái anh?
- Bé Lan, về thôi!
Anh Tú nắm chặt tay Linh Lan, mềm mỏng nhắc lại, nhưng nó vẫn đứng nguyên tại chỗ không nhúc nhích. Tuy không biết Linh Lan đã gặp chuyện gì, nhưng bây giờ nó đang bị thương, đứng dầm mưa thế sẽ rất nguy hiểm, anh cần phải nhanh chóng đưa em gái trở về. Một tia sáng lóe lên trong đầu Anh Tú, anh ôm lấy Linh Lan, cánh tay giơ lên, chém xuống sau gáy nó. Có lẽ do cơ thể đã suy kiệt từ trước, thế nên khi Anh Tú vừa chém xuống, thân người lạnh ngắt của nó run lên một cái, rồi ngã nhào về phía trước. Nhanh nhẹn đỡ lấy Linh Lan, Anh Tú cẩn thận bế nó lên ngựa, rồi chậm rãi thúc ngựa trở về doanh trại, để tránh động đến vết thương của em gái mình.
oOo
Bầu trời hôm nay xanh trong, cao vời vợi, từng cơn gió rì rào xua tan cái nóng khiến mọi người khoan khoái, nhưng tiếc rằng Anh Tú không được như thế.
Cẩn thận bưng chén thuốc chính tay mình sắc đến phòng của Linh Lan, Anh Tú chậm rãi đẩy cửa bước vào. Linh Lan đang ngồi trên giường, tay ôm lấy gối, mắt nhìn đăm đăm về phía trước, vẫn với gương mặt vô hồn, không chút cảm xúc. Năm ngày rồi, đã năm ngày rồi, kể từ khi tìm được Linh lan trong đêm mưa gió, đưa nó trở về doanh trại thì đã trở nên như thế. Anh hỏi gì cũng không nói, anh nói gì cũng không cười, tựa như thế gian này chẳng còn ai tồn tại, tựa như chẳng có gì có thể lay động trái tim khép kín của nó. Cháo mang đến không ăn, thuốc mang đến không uống, chỉ ngồi lặng yên trên giường, im lặng như một cái bóng, khiến Anh Tú vô cùng đau lòng.
Đặt chén thuốc xuống bàn, Anh Tú ngồi xuống giường, sờ tay lên trán Linh Lan, để rồi giật mình khi thấy trán em gái nóng như lửa đốt. Ăn không ăn, uống không uống, không có sự đề kháng, làm sao sức khỏe có thể phục hồi. Chẳng lẽ Linh Lan cứ tự hành hạ bản thân thế này mãi hay sao?
- Bé Lan, uống thuốc đi, uống xong rồi còn ăn cháo. Đã năm ngày qua em không ăn gì rồi!
Anh Tú ân cần đưa chén thuốc về phía Linh Lan, sau đó lại đặt xuống khi nó không hề hé môi, cảnh tượng ấy khiến Anh Tú vừa giận vừa thương. Năm ngày qua, lần nào cũng như lần nào, bất cứ thứ gì anh đưa Linh Lan cũng không hề động tới. Mọi người tới thăm nhìn thấy cảnh tượng đó cũng chỉ biết lắc đầu, còn Tướng quân chỉ đến duy nhất một lần, anh gặng hỏi, chỉ bắt gặp được nỗi đau xót vô tận trong đôi mắt ấy, nên không thể hỏi gì nhiều. Mỗi khi thầy lang tới bắt mạch, ông lại thở dài, lắc đầu, càng khiến Anh Tú sốt ruột hơn. Đã không ăn uống, lại còn không uống thuốc, Linh Lan muốn chết, thật sự muốn chết hay sao?
- Bé Lan, nói đi, em đã gặp chuyện gì? Gặp chuyện gì mà bị tổn thương tới mức này? Em là người luôn trân trọng bản thân! Tại sao lại bỏ bê mình như thế? Bé Lan! Nói đi chứ!! Em cứ như thế này anh rất lo lắng!!!
Trong phút chốc, bao nỗi lo lắng, bất an tích tụ trong suốt năm ngày qua bùng phát, Anh Tú nắm chặt vai Linh Lan, hét lớn, thế nhưng lời nói của anh như gió thoảng qua tai, mất tăm tích. Linh Lan vẫn trơ ra
- Được! Được lắm! Em không chịu nói, cũng không chịu ăn uống gì phải không! Được! Ngày trước do anh quá nuông chiều nên em mới không coi anh ra gì như thế này! Được lắm, em không coi anh là anh, tại sao anh không phải coi em là em. Em muốn chết thì cứ chết, còn anh sẽ rời khỏi Tây Sơn để không phải nhìn thấy em nữa! Anh hay sống hay chết cũng không liên quan gì em! Thuốc này cũng đừng uống làm gì!
Anh Tú nghiến lời nói qua hai kẽ răng, rồi sau đó đứng dậy, quăng chén thuốc xuống sàn nhà, vỡ tan thành từng mảnh, mặc cho Linh lan ngồi đó mà bỏ đi.
Linh Lan ngồi ôm chân trên giường, tựa như chẳng thấy gì cả, chỉ thấy phía trước là khoảng không mịt mù.
Chiều dần tắt, màn đêm lại bao bọc nhân gian trong cánh tay êm mượt như nhung. Trong phòng Linh Lan, ánh nến lập lòe, hắt chiếc bóng nó lay lắt trên mặt đất. Bất chợt, yên tĩnh bị phá vỡ, tiếng chân vang lên dồn dập, cánh cửa bật mở, hiện rõ dưới ánh nến vàng vọt là gương mặt xanh xao, hốt hoảng của Xuân
- Cô Nhạn, không xong!!! Anh trai của cô do bị phát hiện đang trốn khỏi doanh trại, hiện đang bị dẫn ra trước toàn quân, chờ xử chém rồi!!!!
——————
Bản nhạc cho 2 người ở lại- Lament
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro