#8. Chữ nhẹ khôn kham
Năm lớp Năm, lớp mình nảy ra phong trào viết "Lệnh truy nã". Mỗi tờ "Lệnh truy nã" bao gồm tên một người cùng lớp, hình vẽ mặt người đó (thường được vẽ thành một con khỉ hay một con lợn đang sùi bọt mép), và liệt kê toàn bộ "tội ác" của người đó. Vì bọn mình khi đó mới 10 tuổi nên thâm niên tội phạm được gắn cho mỗi người bắt đầu từ năm 1 tuổi, và mỗi kẻ đang bị truy nã có ít nhất khoảng 15 tội ác trở lên. Càng thêm một tuổi thì mức độ "nghiêm trọng" của tội ác càng tăng: năm 1 tuổi người ta có thể phạm phải tội xả rác ra đường, nhưng 5 năm tuổi có thể phạm tội bắt cóc Tổng thống Obama, 7 tuổi có thể phạm tội chơi gái và 10 tuổi thì có thể hoặc phạm tội chặt đầu người bỏ vào thùng rác, hoặc hiếp dâm. Sau mỗi lần sáng tác một lệnh truy nã, 20' trước giờ ngủ trưa là khoảng thời gian cả lớp cực kì phấn khích túm lại nơi lệnh truy nã được dán lên - y hệt như trong phim cao bồi vậy. Tác giả đã tốn rất nhiều chất xám để khiến cho các tội ác phải 1. quái đản và 2. buồn cười nhất có thể, và giá trị nghệ thuật của mỗi tờ lệnh được đo bằng 1. số người phá ra cười và 2. sự điên tiết của người bị "truy nã". Mình và bạn thân mình năm lớp Năm bồi đắp tình bạn bằng cách đồng sáng tác 2 tờ lệnh, với tên tội phạm là một đứa cùng lớp mà bạn thân mình rất khoái chọc ghẹo. Chọc ghẹo theo kiểu hai đứa đấy không đuổi nhau và cầm compa đâm nhau ngày nào là không đứa nào ăn ngon ngủ yên được.
Mọi trò vui cũng kết thúc khi cô chủ nhiệm phát hiện ra. Năm lớp Năm mình là lớp phó học tập và rất được cô chủ nhiệm tin tưởng giao các nhiệm vụ (làm chân chạy vặt). Một buổi trưa nọ, ngay trước giờ ngủ trưa, cô chủ nhiệm nhờ mình chạy qua một lớp khác để lấy tài liệu cho cô. Mình đã rất hân hoan thực hiện yêu cầu, đơn giản nghĩ rằng cô chủ nhiệm muốn mình đem chồng vở tập làm văn về lớp để cô chấm. Mỗi lần được cô chủ nhiệm giao việc, mặt mình luôn hồng hồng lên một chút, vì việc được tin tưởng giao việc bởi một giáo viên vẫn là một điều mới mẻ với mình.
Cho nên mặt mình tái mét khi "tài liệu" mà cô giáo của lớp khác đưa cho mình là xấp tờ lệnh truy nã mà cả bọn đã thi nhau sáng tác.
Rốt cuộc thì trò nghịch cũng kết thúc bằng một buổi truy tố, trong đó tất cả những tên tội phạm phải đứng cả giờ ngủ trưa để suy nghĩ và tốt nhất là ăn năn hành vi của mình. Mình phải thú thật là mình thật sự không nhớ ngày hôm đó cô chủ nhiệm đã phân tích hay mắng mỏ gì chúng mình. Hi vọng mình đang không nghe như khoe mẽ nhưng buổi trưa hôm đó đã đánh dấu sự ra đời cái mình tạm gọi là "óc kể chuyện". Cũng như những đứa tham gia trò nghịch khác, mình cũng đứng cúi gằm mặt, nhưng trong đầu mình còn đang mải suy nghĩ về sự kịch tính của vụ việc. Cô giáo chủ nhiệm đúng là biết tạo tình huống - đầu mình vẫn còn đang tua lại cảm giác nhận xấp tờ lệnh truy nã và mang nó lên lớp. Lần đầu tiên trên đời mình thật sự hiểu thành ngữ "bước lên đoạn đầu dài" là gì. Lúc đó thì hãi thật đấy, nhưng giờ khi có thể đứng trên bàn và cúi đầu hối lỗi, mình chỉ thấy buồn cười kinh khủng trước diễn biến câu chuyện. Thậm chí ngay lúc này, khi mình viết ra câu chuyện này, mình vẫn còn cười khùng khục. Đúng là chỉ có trẻ con mới có thể nghĩ ra cái trò quái đản như viết lệnh truy nã bạn cùng lớp.
Nhưng điều quái đản mà năm đó mình và cái sự cười khùng khục của mình không nhận ra, chính là việc bọn mình đã biến một số hành vi thành trò đùa: bắt cóc, giết người, hiếp dâm. Dĩ nhiên có thể giải thích rằng, năm 10 tuổi, tất cả những hành vi đó đều tưởng chừng là rất xa vời với bọn mình - và chính vì thế bọn mình mới hăm hở gán cho bạn học của mình. Tất nhiên không vì cái sự đùa của bọn mình mà tỉ lệ phạm tội gia tăng, hay có ai đó trong bọn mình lập tức phạm tội như vậy cả. Nhưng nhìn nhận lại, năm đó những đứa nhóc 10 tuổi bọn mình đã không ý thức được sức nặng của những tội ác đó. Đặc biệt là hiếp dâm.
Bạn thấy đấy, khi đó chúng mình đã liệt kê hiếp dâm vào hàng những tội ác không tưởng. Nó cũng nhẹ nhàng như giết người. "Tao hiếp mày đấy" cũng nhẹ nhàng như "tao giết mày đấy". Nó có thể được nói ra từ bất kì ai, không kể nam hay nữ. Trong giờ tiếng Anh, để chọc cười nhau, thay vì nói "Please help me", chúng mình sẽ nói trại đi thành "Please hiếp me". Tại vì nó buồn cười. Việc gán cho bạn mình tội hiếp dâm trong một tờ lệnh truy nã tếu táo cũng có hiệu ứng gây cười tương tự. Hiếp dâm, nó rất mơ hồ. Nó mơ hồ như việc mình có thể xem phim cao bồi và người ta rút súng bắn nhau, hiểu rằng việc rút súng bắn nhau là một điều gì đó...không đúng. Mình không bao giờ nghĩ sâu xa hơn về nó, bởi nó giống như là là giơ hai ngón tay ra và nói "pằng pằng" vậy. Nó chỉ buồn cười thôi, cái từ đó - "hiếp dâm".
Mình có lẽ không cần phải viết thêm mình đã sai như thế nào. Điều mình đang suy nghĩ ở đây chính là sức nhẹ khôn kham của con chữ. Năm đó mình đã không biết và không hiểu rằng có một trách nhiệm mình phải ý thức là mình có, và phải liên tục nỗ lực thực hiện nó. Cách mình sử dụng từ ngữ phản ánh cách mình suy nghĩ về trải nghiệm gắn liền với từ ngữ đó. Từ "hiếp dâm" không chỉ đơn giản là phương tiện ngôn ngữ của hành động hiếp dâm. Nó còn là phương tiện cho sự khiếp đảm. Sự bất lực. Sự xâm hại. Sự ám ảnh. Và nếu từ ngữ cho hành vi được coi thuộc mức độ nghiêm trọng nhất - "hiếp dâm" được sử dụng một cách không suy nghĩ, vậy thì những từ ngữ làm phương tiện cho những hành động khác, như quấy rối, như tấn công, hoàn toàn cũng có thể rơi vào tình trạng này. Hậu quả của nó là một ý thức cá nhân coi nhẹ trải nghiệm mà những hành vi đó tạo ra, và một văn hóa tập thể cùng coi nhẹ.
Thỉnh thoảng học sinh tiếng Anh của mình rất hăm hở kể về việc chơi game, nhưng em cũng có lúc sử dụng cách em "rape" đối thủ như nào. Năm nay em 13 tuổi. Mình không nhớ mình nhận ra coi nhẹ "hiếp dâm" là sai từ lúc nào. Nhưng mình có thể giả sử là đến năm 13 tuổi, mình vẫn chưa ý thức được. Liệu có khi nào, từ năm 10 đến 13, một người mình biết không thể nói ra được điều kinh khủng mà họ đã gặp, vì mình đã là một phần của thói quen chung, thói quen coi thường sức nhẹ khôn kham của từ ngữ? Rằng bất chấp việc bản thân đã là một nạn nhân của quấy rối và xâm hại trước đó, mình vẫn là một phần của một văn hóa coi thường "hiếp dâm", và vô tình cô lập một ai đó đang rất tổn thương? Giờ tự trách bản thân cũng không thể sửa chữa điều tàn nhẫn mình đã vô tình tạo ra nữa. Mình chỉ có thể cố gắng làm tốt nhất có thể, từ lúc hiểu ra cho đến nay thôi.
Nên nhóc ạ, nếu có khi nào chị đang rất tươi cười nghe em kể chuyện, bỗng nhiên mặt chị đanh lại rất đáng sợ và gạt qua bài học một bên chỉ để nói về cách em vừa sử dụng một từ ngữ, em hiểu cho chị nhé? Chị có thể dạy em một ngoại ngữ, nhưng giúp em phần nào hiểu được cái sức nhẹ khôn kham của ngôn ngữ, điều đó mới là quan trọng nhất.
---
Tiêu đề bài viết này được lấy dựa trên tiêu đề tiếng Việt "Đời nhẹ khôn kham" - dịch bởi dịch giả Trịnh Y Thư - của tiểu thuyết "The Unbearable Lightness of Being" của Milan Kundera.
Hi vọng các bạn có thể chia sẻ các học thuyết của ngôn ngữ học mà có thể giải thích cho những gì mình viết ra ở đây. Bài viết này đang cực kì thiếu sót, và mình chắc chắn sẽ quay lại chỉnh sửa và bổ sung.
---
Mình muốn chia sẻ với các bạn màn trình bày bài hát "Till It Happens To You" của Lady Gaga tại Lễ trao giải Oscar 2016, cùng chia sẻ sân khấu với các nạn nhân của xâm hại tình dục xuất hiện trong bộ phim tài liệu "The Hunting Ground". Phải, thật cay đắng khi nhận ra rằng, để hiểu được mức độ nghiêm trọng của một việc, có lẽ ta phải chịu đựng và trải qua, mới có thể hiểu hết được.
https://youtu.be/tlkBrgSOV_s
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro