Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

1;

Trước đây, Tuấn Anh luôn rủ Xuân Trường đi dạo vào buổi chiều, tiện đường chạy qua quán quen lối cũ, ghé vào uống trà chiều muộn. Vẫn luôn là hai đôi giày cũ mèm, một đen đỏ một xanh trắng, sạch sẽ tinh tươm đến lạ kỳ. Vẫn luôn là chị chủ tiệm với nụ cười răng khểnh và gò má lốm đốm tàn nhang, gật đầu chào hai cậu trai vừa bước qua cửa kéo trước khi quay lại nhàn nhã đổ trà vào ly. Vẫn luôn là hai chiếc ghế gỗ, bàn nâu cũ sờn, khung cửa sổ sắt sơn màu xanh thiên thanh, treo lửng lơ chiếc chuông gió.

Và, vẫn luôn là những tách trà nồng thơm, ấm sực bao ngày đông cũ.

Lớn hơn một chút, lịch tập, lịch đấu và bao buổi họp báo ngày càng dày đặc, thêm đó là băng trắng và cáng cứu thương, ra vào bệnh viện chục lần một tuần; những tách trà cũng thưa dần, rồi mất hẳn. Sau ngày Tuấn Anh đi, vào những buổi sáng, Xuân Trường thường ra khỏi giường rất sớm, đôi lúc sớm hơn cả các thầy, rón rén mở cửa tránh đánh thức cậu em cùng phòng. Cũng chẳng để làm gì, chỉ là ngủ ít đi, thì sẽ thôi phải mơ về những điều không đáng.

Và nếu bên cạnh chiếc điện thoại xước xát có thêm một ly cà phê đen đặc, thì Văn Thanh sẽ đánh dấu trên lịch, mỗi tờ là một tháng, chi chít những dấu đỏ. Thanh to xác thô kệch, nhưng điều đó không có nghĩa hắn không lo cho ông anh của mình. Chỉ là, hắn không thể nào xóa đi hoen ố tuổi mười tám của anh, người có thể làm vậy, vốn đã đi mất. Hoặc giả, là Thanh nghĩ thế.

Xuân Trường trở về nước trước Tuấn Anh, mang theo trong mình bao hoài niệm của mùa hè nơi xứ người. Sau này, khi rảnh rỗi, anh vẫn hay bắt những chuyến bay đêm đến Thủ đô. Tối muộn, sân bay tỉnh lẻ bé xíu, lác đác vài chuyến đáp lệch múi giờ từ nước ngoài, mấy chiếc va li không người nhận lẻ loi trên băng chuyền, và những ông chú nằm dài ở phòng chờ trong bộ vest xộc xệch.

Ban đầu, Trường chọn buổi tối vì có thể cố sức thức đến sáng, hoặc lên máy bay ngủ vùi, lạ nơi lạ chốn sẽ không thể mơ lung tung. Sau này, anh vẫn giữ nguyên thói quen ấy, cho dù có người luôn cằn nhằn đủ đường. Đến sân bay khi mặt trăng đã treo trên đỉnh đầu, cảm nhận hương vị của rừng núi bạt ngàn vấn vít qua kẽ tay, thân thuộc như hơi thở.

Ra Hà Nội, cũng chẳng để làm gì, chỉ là có người từng bảo, đẹp lắm trường ơi, sau khi tớ giải nghệ, nhất định sẽ chuyển đến sống. Mười chín tuổi, Xuân Trường lang thang giữa lòng thành phố, không điểm đến cũng chẳng chốn về, người phủ đầy hoa phượng đỏ rực, cổ đeo lủng lẳng chiếc máy phim. Vốn dĩ Trường không thích chụp ảnh, cũng chẳng biết chụp ảnh, chỉ là năm ấy có người thường ngày trầm tính, vậy mà mỗi khi cầm trên tay tấm ảnh nào đẹp đẽ, thì lại cười tít mắt khoe với anh.

Mãi như vậy, Hà thành bé tí hin, đi một vòng là hết, lúc dừng lại, không biết đã mò ra tận Hoàn Kiếm tự bao giờ. Anh ngồi cạnh Hồ Gươm, ngắm nhìn mặt nước xanh thẳm, nắng sớm chiếu lên những mảng bàng bạc, quẹt qua má anh từng đốm rám nắng tròn.

Trường chỉ ở lại đây ba ngày, hai đêm, cùng một cái homestay, cùng một khu phố cổ, lần nào cũng vậy. Mãi rồi, chủ nhà cũng quen mặt, thấy bóng chiếc ba lô vải cũ kỹ, đặt trên sàn nhà gạch qua khe cửa gỗ gụ, là đã cười vẫy tay chào anh. Con gái của chủ nhà biết anh là cầu thủ, có một dạo, Trường đang ngồi uống cà phê, đọc báo giấy trước hiên nhà, cô bé ấy bỗng nhiên kéo chiếc ghế đối diện anh ra, rụt rè ngồi xuống.

Cô nói rất nhiều, cũng hỏi rất nhiều, bằng chất giọng trong veo như con trẻ, và nếu không thấy đôi bàn tay run rẩy, siết chặt gấu váy đến trắng bệch của cô, thì anh đã không kiên nhẫn ngồi lại đó, trong cái nóng oi ả giữa năm, trả lời từng thắc mắc của cô rồi. Cũng may, chỉ toàn mấy chuyện không đầu không đuôi, nhạt nhẽo đến bất ngờ, xen lẫn vài lời động viên được che dấu kỹ lưỡng sau những câu ẩn dụ, mà anh không nghĩ ở tuổi của mình cô bé có thể thốt lên.

Sau rốt, cô có hỏi, nếu anh thích hà nội đến vậy, tại sao chỉ ở đây ba ngày? Trường cười, mắt biến thành hai sợi chỉ đúng nghĩa, lắc đầu bảo, vì anh sợ nếu dừng chân lâu hơn, anh sẽ mãi mãi không thể rời đi được nữa.

Lặng lẽ đi, rồi lại lặng lẽ về, trốn chui trốn nhủi trước cả vạn câu hỏi từ đám người ở học viện, trốn cái lắc đầu ngán ngẩm của Minh Vương cùng ánh mắt lo lắng của Văn Toàn. Thi thoảng, Xuân Trường sẽ càu nhàu với cả đội một chút, nửa cầu xin nửa đe dọa họ không được kể bất cứ chuyện gì cho Công Phượng, và đặc biệt là Tuấn Anh.

Sáng phố núi nắng đẹp, anh sẽ nhắn tin với Phượng, gửi đi những tấm ảnh chụp thiếu sáng, mờ nét, căn góc lệch, đợi cậu ta xem rồi nhắn lại cho anh những đoạn ghi âm ngắn ngủi, mà đa phần chỉ là tiếng mèo kêu, tiếng lá cây xào xạc, hay tiếng nước chảy nhẹ nhàng róc rách. Phượng không bao giờ gọi thẳng cho anh, gọi video thì càng không. Trong điện thoại của hai đứa chỉ chất đầy những dòng tin nhắn cụt ngủn, những tấm sticker màu mè trẻ trâu, và thỉnh thoảng, sẽ là vài bài hát hay ho mà một trong hai vừa khám phá ra.

Thế nhưng, chiều Gia Lai mưa nặng, xối xả đập vào mái tôn phát ra âm thanh to hơn tiếng trống, anh sẽ gọi những cuộc gọi đường dài đến Nhật Bản, nghe tiếng thở của người bên kia đầu dây, bình thản, tĩnh lặng, và đau đớn. Anh sẽ không nói gì, rồi người ấy sẽ cất tiếng trước, hỏi, trường làm sao thế, chỉ để anh cắn răng giấu đi giọng nghẹt mũi, rằng không, không có gì đâu. Và, để nước mắt hòa cùng với màn mưa, mặn đắng, lạnh lẽo. Tuổi hai mươi của Trường cứ trôi qua như vậy, nhiều thêm những chuyến đi xa, nhiều thêm những đêm không ngủ, ít đi những nụ cười, và cả những hạnh phúc.

Cuối cùng, năm hai mươi mốt tuổi, Lương Xuân Trường gặp được Phạm Đức Huy.

;

Huy, là một câu chuyện không dài cũng chẳng ngắn.

Lần đầu tiên gặp nhau, Xuân Trường chỉ nhớ lờ mờ, ấn tượng trước nhất, hẳn cũng không tốt đẹp gì. Cái giải U13 ất ơ nào đấy, khóa 1 HAGL đi cùng dàn 95-97 của Hà Nội và vài CLB khác. Hàng Đẫy qua trí nhớ của đứa trẻ chưa dậy thì, rộng lớn bao la như biển cả, các bài tập cũng khó nhằn không kém.

Cuối buổi, đám con trai khoác vai bá cổ nhau chạy về, chuyện trò rôm rả như thể đã quen biết được vạn kiếp. Những bước chân của Trường chậm lại, vì Tuấn Anh và Công Phượng cũng thế, ba đứa cứ lững thững đi, phía trước là bóng lưng cao lớn của đàn anh. Được một đoạn, Trường vì để ý tiếng huyên náo phía sau nên dừng hẳn, hai người kia sớm bỏ anh một quãng xa. Anh cân nhắc trong hai giây, giữa việc chạy lên bắt kịp đồng đội hay tự cho phép mình hóng chuyện.

Xuân Trường quay đầu lại.

Đập vào mắt là cậu bạn mũm mĩm đầu giờ không thấy mặt, bị huấn luyện viên mắng cho té tát có lẽ vì tội trốn tập. Hồi sau, thầy đuổi cậu bạn ấy đi đứng phạt, còn Trường, không hiểu ma xui hay quỷ khiến, khập khễnh bước đến đứng cạnh, mạnh dạn bắt chuyện. Đức Huy lúc đầu im như hến, mặt ủ mày chau, rồi cũng thuận theo chất giọng Tuyên Quang ngọt lịm mà đáp trả bằng âm Hải Dương ngọt ngây.

Chiều đó, họ đã nói rất nhiều, sự sáng trong và thơ ngây của tuổi thơ đong đầy trong đáy mắt, xen lẫn những tiếng cười giòn giã. Mối quan hệ được hình thành từ đam mê và hy vọng, sau này dù có muốn, sẽ không ai trong số họ có thể quay về ngày xưa cũ được nữa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro