Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

xuân

[tình không tuổi, và xuân không ngày tháng] là một phần của event "tháng năm", nếu mọi người yêu thích có thể ghé wall mình tìm đọc các fic khác trong danh sách đọc cùng tên.



fic sau: 06:00 - áo trắng, hạ tàn - onkerrealdien


một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm,
mấy cành xanh, năm bảy sắc yêu yêu
thế là xuân. tôi không hỏi chi nhiều.
xuân đã sẵn trong lòng tôi lai láng.
xuân không chỉ ở mùa xuân ba tháng;
xuân là khi nắng rạng đến tình cờ,
chim trên cành há mỏ hót ra thơ;
xuân là lúc gió về không định trước.
đông đang lạnh bỗng một hôm trở ngược,
mây bay đi để hở một khung trời
thế là xuân. ngày chỉ ấm hơi hơi,
như được nắm một bàn tay son trẻ...

...

tình không tuổi, và xuân không ngày tháng.

[xuân diệu]

mùa xuân là mùa của tình yêu, mà tình yêu lại giống như hạt mầm, nằm yên suốt đông giá, đợi chờ xuân về, sự sống cùng tình yêu như bừng dậy khỏi đất thơm, dâng hiến cho đời tất cả những gì trân quý nhất.

người có tình nhất định sẽ gặp nhau...

xuân, hạ, thu, đông, rồi lại xuân

bốn mùa của trời đất

vĩnh cửu của lòng người.











"chuyến này tuấn đi cố gắng kiếm tư liệu người thật việc thật mà làm một bài phóng sự. giờ đời sống bà con mình trên đó cũng tốt hơn nhiều rồi, phải làm một phóng sự thực tế cho đồng bào cả nước biết, rồi còn nộp tranh giải báo chí của năm chứ nhỉ?" tiếng chú thịnh trưởng phòng vang lên giữa cuộc họp đầu tuần, chú cười hiền, đưa tay choàng qua vai tôi, vỗ nhẹ.


các anh chị trong tòa soạn cũng mừng. tôi mới về ban văn hóa giáo dục được hai năm, năm ngoái vẫn còn là thằng nhóc cộng tác viên chuyên chạy qua chạy lại cắt tin bài, tìm nguồn phỏng vấn cho mọi người mà năm nay vừa tốt nghiệp đã lên chính thức, lại còn được về công tác ở tòa soạn.


mấy thằng bạn cấp ba, đứa nào cũng bảo thằng tuấn thế mà sướng, công việc có khi lại ổn định nhất nhóm. tôi chỉ cười, khẽ quát bọn nó rằng đời tôi còn muốn cống hiến, muốn đi nhiều nơi, muốn gặp nhiều người lắm chứ không phải chỉ yên vị một chỗ thế này được.


"lần này đi tây bắc, khéo lại đón được cô nào về xuôi ấy chứ, tuấn nhỉ?" chị hạnh nháy mắt, đùa một câu làm cả phòng cười ồ lên. đấy, cứ nhắc đến chuyện tình cảm là cả cái ban văn hóa giáo dục này lại như trẻ con lên bảy. hào hứng vô cùng.


tôi chỉ cười trừ, lần này lên tây bắc công tác cũng là cơ hội để tôi được đến một vùng đất mới, một nơi mà chỉ nghe đến tên người ta sẽ nghĩ ngay đến núi cao mây phủ, chỉ nghe đến tên người ta sẽ nghĩ ngay đến chốn nghỉ ngơi, thư giãn. thế nhưng không hiểu sao lòng tôi xôn xao đến lạ...


xe khởi hành từ bến xe mỹ đình lúc trời còn tờ mờ sương. hà nội cuối xuân, thời tiết ẩm ướt đến mức khiến người ta phiền lòng. nồm giời, nhà cửa, đồ đạc như chảy nước ra cả. đêm hôm qua mẹ vừa xếp thêm mấy gói lương khô vào ba lô cho tôi vừa dặn, nhớ gấp hết chăn gối bỏ vào tủ không đến lúc về là lên mốc, lên nấm hết.


tôi khịt mũi một cái. bệnh xoang cứ hành tôi mãi chẳng yên, nó như con yêu quái, núp sâu ở đâu đó, chờ tôi chẳng phòng bị gì là ập tới, tấn công, hại tôi suốt ngày ôm cái đầu đau nhức đi làm.


đeo tai nghe lên, chọn bừa một danh sách phát trên ứng dụng nghe nhạc, tôi kéo cao cổ áo khoác, định bụng ngủ cho đến khi nào đổi trạm.


từ hà nội lên bắc hà, xe phải chuyển trạm một lần; đầu tiên là ở bến xe lào cai, sau đó sẽ chuyển sang xe nhỏ để đi vào trung tâm bắc hà. đấy là trên mạng, trên những trang review người ta kháo nhau thế chứ còn tôi thì chỉ mong chóng đến nơi, kiếm chỗ nào khô ráo để đỡ phải chịu cái cảnh ẩm rì rì, khó chịu này.


ngoài trời vẫn lâm thâm mưa phùn, hà nội phồn hoa dần lùi lại phía sau lưng cùng với tí chút bâng khuâng, chuyến xe khách cứ thế lặng lẽ đưa tôi tới một vùng trời khác.


xe hôm nay không đông, có lẽ là vì xe sớm, chỉ có lác đác mấy cô cậu sinh viên được nghỉ tranh thủ về sớm thăm gia đình. tôi cố ru mình vào giấc ngủ, mí mắt nặng trĩu cũng chẳng cố chống đỡ được lâu. thi thoảng lại nghe thấy mấy tiềng rì rầm khe khẽ.


xe đến bến trung tâm lào cai, ban tuyên giáo tỉnh cử anh mần làm hướng dẫn cho tôi, vừa xuống xe tôi đã thấy anh đứng đợi ngay điểm dừng. anh cười tươi, chất phác: "ớ... tuấn ở dưới ban văn hóa giáo dục của thông tấn đấy hử? có mệt lắm không? tớ mới ra đây thôi... có đồ đạc gì cho lên xe, tớ đèo đi ăn sáng đã rồi về cơ quan nhận công việc sau."


"em chào anh. em là tuấn ạ, chắc là cơ quan cũng gửi thông tin rồi... anh là..."


"ấy... cứ gọi tớ là mần. tớ làm bên ban tuyên giáo."


anh mần giúp tôi chất đồ lên xe. đồ đạc của tôi cũng chẳng có mấy, đàn ông con trai, không lằng nhằng vướng víu chuyện quần áo lắm, chỉ có một cái túi xách cùng một cái ba lô. hai anh em đèo nhau vượt qua đèo mây mà vào đến chợ phiên.


tính ra tôi cũng được coi là may mắn, lên bắc hà đúng dịp chợ phiên. ở dưới xuôi, đã không dưới một lần tôi nghe các anh chị ở cơ quan chia sẻ chuyện đi chợ phiên bắc hà. mọi người đều bảo chợ phiên vui, lại náo nhiệt, thứ gì cũng có. từng tốp người rời khỏi những nếp nhà sàn từ tờ mờ sáng, chạy đua với mặt trời để có mặt tại chợ phiên. họ mang theo biết bao nhiêu là nông sản, gia súc gia cầm, thậm chí là nông cụ, đồ thủ công để buôn bán trao đổi.





chợ phiên nửa tháng mới có một lần, cho nên dù có vội vàng, ai ai cũng cố gắng sửa soạn cho mình những bộ trang phục rực rỡ nhất. cả một con đèo ánh lên như vườn hoa muôn sắc muôn màu dưới nắng sớm long lanh.

anh mần dừng xe lại trước một quầy bán quà sáng. trên sạp bày nào là bánh đúc ngô, nào là bánh phở tươi thái tay cùng vô vàn món ăn từ thịt, thịt chín, thịt tươi đủ cả.

"tuấn ăn gì nhỉ? để tớ gọi luôn."

"anh thế nào thì cho em thế đấy ạ."

"cho hai bát phở thịt đi chủ quán ơi!"

giọng anh mần lớn, tưởng như có thể vang qua cả ngọn đồi. vợ chồng chủ quán nhận ra khách quen, niềm nở chào hỏi, ra hiệu bảo chúng tôi cứ ngồi đợi một chút, đồ ăn lên ngay.

mùi thơm của nước dùng thảo mộc, mùi đồ ăn phảng phất trong gió khiến bụng tôi sôi khẽ.

anh mần bật cười, khề khà: "đói rồi đúng không? đi xa thế cơ mà. thế mà còn đòi về cơ quan luôn đấy?! tớ bảo rồi, cứ ăn cho ấm cái bụng đã rồi tớ đèo về. không phải sợ."

tôi ngượng ngùng xoa xoa mũi, nở một nụ cười với anh.

hai bát phở được bưng ra nóng hổi, đầy đặn thịt thà. thấy tôi có vẻ bất ngờ, anh mần tiếp lời luôn:

"trên đây chúng tớ phải ăn thế này mới đủ. đi đường xa mà... lại bán hàng cả ngày nữa. ăn bằng này mới chắc cái bụng."

hai anh em ăn uống xong cũng đã bảy rưỡi, người xuống chợ cũng đông hơn. từng tốp từng tốp người đi lướt qua chúng tôi như từng đợt sóng màu. các bà, các chị ai nấy đều những gùi những túi, nào là đồ mang xuống chợ bán, nào là đồ mua về cho gia đình. phía xa xa, người ta buộc bò, buộc trâu thành một bãi để bán cho lái buôn. những cô gái chàng trai trẻ trung xúng xính váy áo thổ cẩm, vòng bạc, xà tích lóng lánh lên dưới nắng.

anh mần bảo tôi: "nào, lên xe. tớ đưa cậu về giới thiệu với mọi người. nhưng mà tớ bảo cái này... ngại quá... trên ban tuyên giáo đang sửa lại mấy phòng nên không có chỗ ngủ... bọn tớ có nhờ được cho cậu ở điểm trường gần đó. có ổn không?"

"không sao anh ơi. em sao cũng được mà."

tôi cười xòa. đến nơi lạ, gặp được người nhiệt tình như anh mần đã là một cái may mắn mà tôi không biết trả sao cho hết thì một chỗ ngủ có đáng là bao.

điểm trường tiểu học nằm cách trụ sở ban tuyên giáo huyện tầm hơn 2 cây số, nhưng hầu như chỉ có thể bộ hoặc nhờ người vững tay lái, quen đường đèo.

ở một xã tương đối xa trung tâm thế này, ban tuyên giáo cũng chỉ có một, hai người công tác. họ chủ yếu là người địa phương, vẫn đang ngày ngày cố gắng đem một phần sức lực của mình để xây dựng, phát triển thêm quê hương, cải thiện cuộc sống cho bà con đồng bào.

anh mần giới thiệu chị tính với tôi, chị tính mới về ban tuyên giáo huyện được hai năm, nhà chị dưới trung tâm thị trấn bắc hà, cuối tuần vẫn về chơi với con trai. chị xởi lởi, lại nhiệt tình, chân chất, thật thà. chị bảo có cái đuôi này, đi đâu, làm gì cũng nhớ. nghe chị nói chuyện một hồi, trong tôi chập chờn cái cảm giác "thèm" nhà.

chị tính bảo, lát nữa anh chị dẫn tôi sang giới thiệu với bên điểm trường. là cán bộ tuyên giáo, hỗ trợ các thầy cô bám trường bám bản là lẽ đương nhiên. anh chị ai cũng yêu con trẻ nên đều nhiệt tình cả.

điểm trường có khoảng hơn bảy mươi học sinh, đủ cả 5 khối lớp. đương nhiên, cũng chỉ có 5 thầy cô đứng lớp. bản thì xa, mấy ai chịu nổi vất vả, chịu nổi nỗi nhớ gia đình. người lớn tuổi nhất là cô loan, cô từng công tác dưới thị trấn, giờ cũng sắp về hưu nhưng cô vẫn xin lên đây với các trò. cô loan cười hiền, giọng hay như hát. cô kể chuyện núi rừng tây bắc đẹp như thơ.

còn mấy chị nữa thì tôi chưa gặp, cô loan bảo, họ vào bản vận động thêm đồng bào cho con em đi học.

dưới cái nắng sớm hửng lên phủ một lớp màu lấp lánh lên cây cối núi đồi, tôi bắt gặp một vạt áo sơ mi xanh nhạt. người kia ngồi ngoan dưới gốc cây, chăm chú lật giở từng trang sách. tưởng như chỉ một khắc tôi không tập trung là anh sẽ tan đi giống như sương mờ dưới chân đèo khi nắng lên.

cô loan thấy tôi chăm chú thì cười, hơi cao giọng gọi người kia lại: "hách! lại đây con, hôm nay trường mình có khách."

chàng trai sơ mi xanh ngẩng đầu lên khỏi trang sách, nhìn về phía chúng tôi, mỉm cười đôn hậu. anh đứng dậy, từ tốn, nâng niu gập trang sách lại, tiến về phía cô loan định chào hỏi. anh mần là người lên tiếng trước:

"giới thiệu với hách, đây là cậu tuấn, phóng viên của thông tấn. cậu tuấn đi công tác lên xã mình để tìm hiểu về công tác giáo dục, tuyên giáo đấy. còn đây là thầy hách, bám trường, bám bản với chúng mình cũng được năm năm đến nơi rồi."

anh hách cười, khóe môi mèo khẽ cong lên. anh đưa tay về phía trước, vui vẻ: "mình là hách. quê mình ở dưới lào cai... thế tuấn quê đâu nhỉ?"

lòng tôi tưởng như gió xuân quét qua, mang theo hương tươi mát của cỏ cây dưới ánh nắng sớm.

"em... em ở hà nội ạ."

"chà! thế là hai đứa mình cũng có duyên phết tuấn nhỉ? ngày trước tớ cũng từng có một thời gian sống và học tập ở hà nội." anh nói rồi lại cười tươi. kể cũng lạ, sao lại có người thích cười đến thế chứ?

chào hỏi xong xuôi, cô loan bảo anh hách dẫn tôi về khu nội trú của giáo viên. đó là một dãy nhà một tầng dài gồm năm phòng nhưng thực chất cũng chỉ dùng hết ba phòng, còn đâu dùng làm kho để đồ. bốn cô giáo hai phòng, anh hách ở một mình, giờ có tôi lên, mọi người bảo tôi dọn vào ở cùng anh cho tiện.

anh hách vừa đi vừa kể, hồi anh mới lên, cũng là các cô, các chị dọn dẹp phòng cho. mọi người ai cũng nhiệt tình cả, mấy đứa học trò thì dễ thương. học trò vùng cao, mỗi lần về nghỉ cuối tuần, thầy cô chỉ sợ các con mải đi chăn trâu, mải đi làm mà thứ hai quên tới trường. nhưng dần dà, lũ trẻ cùng cha mẹ cũng hiểu được tầm quan trọng của việc học, cũng mến trường, mến thầy nên tình trạng nghỉ học, bỏ học giữa chừng không còn nữa.

anh hách còn kể cái hồi anh mới xuống hà nội học, cái hồi mà một cái bánh mì không vẫn còn giá hai nghìn, cái hồi mà chỉ cần đi bộ một vòng quanh con ngõ cạnh sư phạm cũng đủ để mấy cậu chàng sinh viên no bụng. cái hồi ấy, hình như tôi mới là thằng nhóc cấp 2 vẫn ngửa tay xin mẹ mười nghìn ăn sáng.

anh hách được coi là "hàng hiếm", năm anh nhập học, cả khoa giáo dục tiểu học mới có được bốn bạn nam, anh lại còn là bạn nam ngoại tỉnh duy nhất. lớp anh quý anh như vàng, có gì hay cũng gọi "hách ơi", "hách à", có chỗ nào vui cũng muốn đưa tương hách đi cùng. cứ thế, anh hách có không ít kỉ niệm đẹp với hà nội.

hà nội trong anh là cổ kính mà cũng là hiện đại, nó khác xa với nơi rừng núi xanh trong, khác với bản làng e ấp trong mây ngàn.

nhưng để chọn, anh vẫn sẽ trở về với cội nguồn.

tôi yên lặng nghe anh kể đến ngẩn ngơ. giữa những lời kể ấy, tôi thấy được tình yêu quê hương, yêu người, yêu trẻ tràn ra trong mắt anh.

anh hách dẫn tôi đến dãy nhà nội trú của các thầy cô, mở cửa căn phòng đầu tiên. căn phòng sơn xanh không quá rộng, đủ chỗ kê hai chiếc giường đơn, một chiếc tủ quần áo và một chiếc bàn học gỗ cùng giá sách. phòng không nhiều đồ, thứ nào cũng được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp như chính con người anh vậy.

anh bảo tôi cứ tự nhiên, vui vẻ chia cho tôi nửa bên tủ quần áo. tủ quần áo của anh chỉ có vài bộ quần áo đi làm được là thẳng thớm, một cái áo phao đen đã hơi bạc treo bên cạnh. tôi giống như cậu học trò lớp một, ngoan ngoãn bỏ mấy bộ quần áo vào một bên theo lời thầy.

sơ mi xanh cạnh áo len ghi. yên bình đến lạ.

hai ngày cuối tuần, tôi cùng anh hách và các cô, các anh chị trồng rau, dọn dẹp phòng học cho các con, xuống thị trấn mua thêm đồ dùng học tập, sinh hoạt. chỉ mới hai ngày, tôi như hiểu thêm về cuộc sống của những thầy cô bám trường bám bản. tôi được thấy anh hách tỉ mẩn chọn từng cây bút để làm quà cho các con học sinh, thấy cô loan cẩn thận vun từng luống rau thẳng hàng xanh mướt.

sáng thứ hai, núi rừng từ từ tỉnh giấc khỏi chăn mây, chiếc gối dệt từ sương mờ cũng dần tan, để lộ ngôi trường như ửng lên trong nắng sớm. cuối xuân, trời không còn vẩn đục tầng tầng mà đã trong trẻo hơn, cây rừng đua nhau tắm dưới suối nắng dịu hiền.

anh hách dậy sớm, tranh thủ quét sân, xuống bếp chuẩn bị đồ ăn sáng cho mọi người. ở các điểm trường nội trú, các con sẽ học từ chiều thứ 2 đến sáng thứ 6, mỗi ngày có một buổi học chính khóa và một buổi tự học. buổi tối sẽ là thời gian các con làm bài tập về nhà hoặc được thầy cô tổ chức cho các hoạt động ngoại khóa. cho nên sáng thứ 2 sẽ là khoảng thời gian để các con tập trung và chuẩn bị cho buổi học chính khóa.

lác đác vài đứa trẻ nhà gần trường đã lục tục kéo nhau đến trước cổng, chúng ríu rít "con chào thầy ạ" như chim non. anh hách cười dặn các con vào trong phòng cất đồ đạc rồi ra ngoài nhà ăn, thầy có nấu đồ ăn sáng.

mấy đứa nhỏ bé xíu, lọt thỏm trong áo bông đã hơi sờn, hai má hây hây đỏ, vai đeo ba lô, tay xách theo một túi gạo nhỏ cùng với chục bắp ngô. đó là khẩu phần ăn mà bố mẹ chuẩn bị cho các em trong một tuần. tôi bước ra khỏi cửa định xách hộ chúng cho đỡ mệt nhưng mấy đứa như thỏ con thấy người lạ, rụt chặt má vào trong cổ áo, chạy tới núp sau lưng thầy.

anh hách bật cười: "không sao đâu. đây là chú tuấn, nhà báo ở dưới xuôi mới lên. các con chào chú đi."

tôi cố nở nụ cười mà bản thân cho là hiền hòa nhất với lũ trẻ, mò được trong túi vài ba gói lương khô, đưa ra trước mặt chúng: "chú là tuấn! xin lỗi vì đã làm các con sợ. các con ăn đi này..."

anh hách chìa tay nhận bánh từ chỗ tôi, đưa lại cho lũ trẻ, chúng vui vẻ đón quà, chạy lại một góc chia nhau.

"tuấn mà gặp trẻ con thì phải dịu một tí, không là các con sợ."

"em... em cũng không biết là làm mấy đứa sợ..."

"không sao hết. hồi trước lúc tớ mới lên đây... mấy đứa học trò cũng không quen, chúng chưa gặp thầy giáo bao giờ, cả ngày núp sau lưng các cô lén nhìn tớ. học sinh lớp một là dễ làm thân nhất, chỉ cần tớ cho kẹo, đọc truyện rồi chải tóc cho các con là chỉ chốc lát tụi nhỏ đã quấn lấy tớ rồi."

"anh hách thấy làm việc ở trên điểm trường có khác gì những ngày còn học đại học không ạ?"

"khác nhiều chứ. trước ở dưới hà nội đi học rồi đi thực tập, mọi thứ đều thuận tiện hơn cả. chẳng hạn cậu muốn in bài, in tranh cho học sinh thì chỉ cần soạn trên máy tính rồi mang ra quán photo, mấy phút là có. nhưng trên tớ thì không nhanh như vậy, nhiều năm qua đều là các cô thiết kế thủ công cho các con hết. cũng may trong năm sở vừa cấp cho điểm trường chúng tớ một cái máy in. có nó tiện biết bao nhiêu, thầy cô chúng tớ cũng có thể nhanh chóng hơn trong việc chuẩn bị bài vở."

"với cả tâm thế của cậu chàng sinh viên sao có thể giống với hiện giờ. nhưng tớ nghĩ đã làm nghề này thì có một thứ chẳng thể nào thay đổi. chính là tình yêu với lớp với trò. sứ mệnh của chúng tớ có lẽ đã được định sẵn từ ngày bước chân vào cánh cửa đại học. cậu biết đấy, cẩu thả trong bất kì công việc nào cũng là một tội ác, công việc của chúng tớ rất đặc thù, "sản phẩm" chúng tớ tạo ra không thể bỏ đi hay làm lại. cho nên tất cả đều phải cẩn thận từng li từng tí. nguyện vọng lớn nhất của tớ có lẽ là các con khỏe mạnh, thích học và thích đến trường là được rồi."

anh vừa nói, vừa tiếp tục động tác đưa tay, gom đống vụn rác vào một chỗ, dọn dẹp sạch sẽ rồi xoay người bước về phía khu vực bếp ăn.

"đói chưa? vào ăn cùng tớ với các con luôn."

trong phòng tiếp khách của điểm trường, anh hách đưa lại cho tôi một chén trà còn bốc khói nghi ngút. tôi đón lấy, say sưa ngắm nhìn mấy đứa trẻ đang được các cô giáo cho học thể dục ngoài sân qua ô cửa sổ gỗ đã nhạt màu vì nắng gió.

"anh ạ. em nhận nhiệm vụ từ cơ quan nhưng cũng là mang theo nguyện vọng của riêng mình. em muốn làm một phóng sự về cuộc sống của bà con mình trên đây, đặc biệt là về lĩnh vực văn hóa giáo dục trong bối cảnh hiện tại. vì thế, em mong anh hách có thể trở thành người dẫn dắt, giúp đỡ em trong chuyến công tác này. không biết... ý anh thế nào ạ?"

anh nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi những đám mây vẫn dịu dàng vờn quanh đỉnh núi. gắn bó với mảnh đất này 5 năm, anh biết rõ cuộc sống ở đây không dễ dàng, đặc biệt là với thế hệ trẻ. đã có rất nhiều đứa trẻ vừa đủ tuổi trưởng thành đã rời đi, tìm cho mình một con đường mới, vượt qua phía bên kia đồi, từ chối đến trường. nhưng chính anh cũng biết, dù khó khăn đến đâu, thì mỗi nụ cười của học trò vẫn là ánh sáng thắp lên hy vọng. cho chính chúng, cho cha mẹ chúng và cho cả chính anh nữa...

"tớ nghĩ là cậu sẽ thành công thôi. cần hỗ trợ gì cứ nói với tớ." anh trầm giọng, đáp.

có được sự đồng ý từ một người hiểu về nơi đây, có lẽ tôi sẽ khai thác được một đề tài đặc biệt cho phóng sự của mình.

anh hách tiến gần lại phía tôi, đưa tay chỉ về phía cô học trò nhỏ: "kia là lý. năm nay con học lớp 5, từ nhà con đến trường phải đi bộ qua rừng. tớ nhớ trước đây lên thuyết phục bố mẹ con cho con và em gái đến trường cũng phải đi mất gần 1 tiếng đồng hồ. đấy là tớ sức dài vai rộng. còn hai con, đứa lớp 5 đứa lớp 2 mỗi sáng thứ hai đều phải dậy từ lúc còn tù mù để tới lớp. thế nhưng lý và em chưa từng nghỉ học, dù mưa phùn gió bấc hay sương phủ trắng trời, các con cũng cố gắng đến trường. chính vì thế nên năm học này tớ cũng thuyết phục bố mẹ cho hai con ở hẳn nội trú ở trường, khi nào muốn về thăm nhà thì thầy cô đưa về cho đỡ vất vả. con bé học tốt lắm, chữ viết cũng nắn nót, cẩn thận. con bảo sau này muốn làm cô giáo để giúp cho nhiều em trong bản được đi học hơn, để được dạy cùng thầy hách. cậu có thể viết về con cho bài phóng sự của mình."

theo hướng tay anh chỉ, tôi đưa máy ảnh lên, bắt trọn được nụ cười tươi như nắng mai của lý. cô bé có đôi mắt sáng trong như nắng sớm. trong đôi mắt em, ngọn lửa của niềm hi vọng cứ thế rực sáng vô cùng.

trong suốt một tuần đó, tôi như được hòa mình vào cuộc sống của điểm trường, quen với việc dậy sớm cùng giờ với anh hách để chuẩn bị bữa sáng, đánh thức các con dậy làm vệ sinh cá nhân, quen với việc trở thành một học sinh bất đắc dĩ ngồi cuối mỗi lớp học của anh, quen với việc đến tối tổ chức trò chơi cho các con.

lũ trẻ đã thân thiết với tôi hơn, có một số đứa bạo gan còn gọi tôi là "thầy tuấn". tôi giật mình vội chối: "đừng. chú không dạy các con, không gọi là thầy được đâu..."

"nhưng thầy hách bảo một chữ cũng là thầy mà nửa chữ cũng là thầy... chú dạy bọn con làm bài tập đấy thôi."

tôi xoa mũi ngượng ngùng nhìn anh hách, anh cũng mỉm cười, giải vây cho tôi: "bài tập thì các con phải tự làm, khi nào khó quá mới hỏi mọi người xung quanh chứ không phải là phụ thuộc vào chú nghe chưa?"

sáng thứ bảy, phần lớn học sinh đã trở về nhà, điểm trường trở về trạng thái yên tĩnh như ngủ say trong sương núi. hôm nay tôi sẽ cùng anh hách đưa chị em lý về thăm nhà, anh hách vào bản vận động thêm đồng bào cho con đi học, tiện thể cũng để tôi tìm kiếm thêm tư liệu cho bài phóng sự.

anh hách dậy từ sớm, vẫn cẩn thận chuẩn bị bữa sáng, tôi dậy sau một chút, kiểm tra lại ba lô rồi sang nhờ một cô giáo gọi giúp hai chị em lý dậy ăn sáng. hai đứa trẻ con bé xíu, dụi dụi mắt bước ra khỏi phòng, giữa cái rét thấm vào da thịt của núi rừng, từng tia nắng đầu tiên chiếu xuống đất, như muốn đánh thức vùng đất này dậy sau một đêm dài.

chúng tôi cùng nhau lên đường, hai đứa trẻ đi trước dẫn đường, tôi cùng anh hách đi sát ngay phía sau. phía xa xa, từ trên đỉnh núi nhìn xuống, cảnh vật như được khảm vào một bức tranh thủy mặc, núi non trùng điệp, những cánh rừng già ẩn hiện trong màn sương, thỉnh thoảng lại vắt vẻo một vài đám mây bồng bềnh, nhẹ nhàng trôi như những làn sóng mơ màng.

hành trình lên bản mèo khuông bắt đầu. con đường mòn chạy quanh co giữa những triền núi dốc đứng, đất đá lởm chởm dưới chân, nhưng lại mang theo một vẻ đẹp hoang sơ khó tả. hai bên đường, những thảm cỏ mượt mà vươn mình ra khỏi đất, xen kẽ với những cây hoa dại, mấy bông hoa trắng ngần, đỏ tươi nở rộ như những dấu chấm sáng trong bức tranh xanh mướt của thiên nhiên. chị em lý vui vẻ, hái mấy bông hoa dại xếp vào chiếc gùi nhỏ sau lưng. những đám mây lơ lửng trên đỉnh núi, thỉnh thoảng lại xẻ ra, được mặt trời chiếu vào tạo ra những vệt sáng vàng nhạt, lấp ló qua kẽ lá cây như tấm rèm dệt bằng kim tuyến lung linh.

là người duy nhất không thuộc đường, tôi cố gắng đi gần lại cùng mọi người hơn một chút.

"tuấn này, cậu thấy gì không?" anh hách chỉ tay về phía trước, nơi có những nếp nhà nhỏ bé xuất hiện mờ mờ trong làn sương. "đó là bản mèo khuông. từ đây đến đó, chúng ta phải băng qua một con suối lớn nữa. mùa này nước chưa lớn, còn có thể lội qua, chứ mùa nước về thì khó khăn hơn nhiều, dân địa phương phải đi bè để qua."

tôi nhìn theo hướng tay anh chỉ, trong mắt ngập tràn vẻ tò mò và ấn tượng. con đường nhỏ hẹp giữa rừng, nơi những cây cổ thụ rêu phong phủ kín, làm cho không gian càng trở nên u tĩnh. dưới từng bước chân, những hòn đá trơn trượt lăn xung quanh, nước suối trong vắt chảy róc rách qua từng khe đá, tạo thành một thứ âm thanh nhẹ nhàng, giống như tiếng ca dành để ca ngợi cuộc sống của riêng núi rừng.
đến một đoạn suối, anh hách dừng lại, rồi quay sang tôi: "chúng mình cần phải lội qua đây. cẩn thận đấy."

suối chảy xiết, nước trong vắt nhưng lạnh buốt. những viên đá nhẵn thín ngủ ngoan im dưới lòng suối, thi thoảng có mấy khúc gỗ trôi theo dòng nước, làm cho việc lội qua càng thêm khó khăn. anh nắm lấy tay lý, cẩn thận dẫn cô bé bước từng bước chầm chậm qua suối rồi đến em gái của lý.

tôi nhìn dòng nước dưới chân, rồi nhìn anh, thì ra đây chính là con đường đến trường của trẻ em nơi này... tôi bước xuống nước, cẩn trọng từng bước, để không bị trượt chân. anh hách quay lại, chìa tay đến trước mặt tôi: "nắm lấy. tớ dẫn cậu qua, không quen đường nguy hiểm lắm." tôi đưa tay mình đặt vào tay anh, lòng an tâm đến lạ.

khi tất cả chúng tôi qua được bờ bên kia, anh hách ra hiệu ngồi xuống nghỉ mệt, lắng nghe âm thanh của rừng núi xung quanh. một cơn gió nhẹ thoảng qua, mang theo hơi thở của đất, của cây cỏ. tôi nghiêng đầu nhìn anh hách, lại một lần nữa tôi cảm nhận được sự kiên nhẫn và yêu thương mà anh dành cho vùng đất này. đối với anh, tây bắc thật đẹp, cả đất và người đều khiến anh say đắm. và có lẽ trong khoảnh khắc ấy, đã có một sợi dây vô hình xuất hiện giữa hai chúng tôi, kết chặt chúng tôi lại với nhau. tiếng hát của núi rừng cũng trở nên trong trẻo, tràn ngập niềm vui hơn.

cảnh vật như càng lúc càng mở ra trước mắt chúng tôi, những con đường mòn vắt ngang qua các ngọn đồi cao, quanh co uốn lượn như một con rắn lớn, mơ màng trong sương và khói bếp. mỗi bước đi của chúng tôi đều như đánh dấu một chương trong cuộc phiêu lưu, khám phá về cuộc sống nơi đây của tôi.

dưới những tán cây, ánh sáng từ mặt trời chiếu xuyên qua những khe lá, tạo ra những vệt sáng nhấp nhô trên mặt đất, giống như những mảng sóng lóng lánh giữa đại dương thẳm xanh.
tôi nhìn vào mắt anh, cảm nhận rõ sự gắn bó mà anh dành cho nơi này. "anh hách đã quen với con đường này rồi, đúng không? có khi nào anh cảm thấy mệt mỏi không?"

anh hách im lặng một lúc, rồi mới trả lời, giọng anh hơi trầm xuống. "mình là con người mà, đâu phải máy móc mà không biết mệt, nhưng mỗi lần nhìn thấy mấy đứa học trò, dường như tớ lại có thêm động lực để tiếp tục. tây bắc là thế đấy, xa xôi cũng chưa phát triển bằng dưới xuôi, nhưng chính những đứa trẻ ở đây, những ước mơ đẹp đẽ vô cùng của chúng, mới là điều khiến bản thân tớ tự nhủ không bao giờ được bỏ cuộc."

chúng tôi dừng lại ở một ngôi nhà nhỏ nằm cheo leo trên sườn đồi, xung quanh là những vườn rau xanh mướt, những ngôi nhà sàn bằng gỗ đơn sơ, thấp thoáng giữa làn khói bếp tỏa ra từ mái hiên. những bà mẹ mông địu con trên vai, chăm chú trỉa ngô, những ông bố gùi gạo nương về. tất cả đều giản dị nhưng ấm áp, như hòa mình vào nhịp sống của núi rừng.

chị em lý chạy ùa vào trong nhà, chào hỏi bố mẹ, chúng tranh nhau bế em cho mẹ, ríu rít nói cười. trong khi tôi đưa máy ảnh lên ghi lại cuộc sống của đồng bào nơi đây thì anh hách bước sang một bên, trò chuyện với bố mẹ lý.

anh mỉm cười, dúi vào tay mẹ lý một túi giấy nhỏ, anh bảo: "cái này là ít thuốc bổ cùng vitamin em nhận dưới trạm xá thị trấn, chị mới sinh, dùng để bồi bổ thêm cho sớm lại sức."

tôi đứng bên cạnh, nhìn anh mà cảm xúc dâng trào lên trong mắt. mắt tôi hơi xót nhưng không dám nói gì, sợ rằng chỉ một tiếng động sẽ phá vỡ đi khung cảnh ấy,  lặng lẽ cầm máy ảnh, ghi lại khoảnh khắc đẹp đẽ đó. tình yêu với những đứa trẻ ấy, với những ước mơ của chúng, với những nếp nhà, với những đồng bào hàng ngày vẫn gửi gắm niềm tin với trường lớp chính là điều mà tôi cảm nhận được qua mỗi lời nói, cử chỉ của anh.
tôi thầm cảm ơn cuộc đời vì đã cho mình cơ hội được đến đây, được chứng kiến sự kiên cường và tình yêu thương vô bờ bến của con người nơi này.

chiều đến, ánh nắng vàng ươm của hoàng hôn buông xuống, phủ lên những nương lúa chín vàng. cả hai chúng tôi men theo con đường mòn dẫn lên đỉnh đồi, nơi có thể nhìn ra toàn cảnh thung lũng phía dưới. gió chiều nhẹ nhàng thổi qua, mang theo hơi lạnh của núi rừng, làm xua tan cái nóng oi ả của ban ngày. tương hách phóng tầm mắt nhìn ra xa, nơi những đám mây dần vén đi, để lại một bầu trời xanh thẳm, và trong khoảnh khắc ấy, anh cảm thấy lòng mình thanh thản, bình yên lạ thường.

tôi đứng bên cạnh anh, mắt khẽ ánh lên một niềm vui thầm lặng. "anh hách này, em cũng đã từng theo chân các thầy, các cô chú anh chị ở cơ quan nhưng em chưa bao giờ nghĩ rằng có một nơi như thế này tồn tại. cảm ơn anh đã chia sẻ với em. cảm ơn anh vì đã cho em thấy những điều mà em chưa bao giờ tưởng tượng được."

anh nhìn thẳng vào mắt tôi, kèm theo nụ cười nhẹ nhàng trên môi. "có lẽ tôi cũng phải cảm ơn em, tuấn ạ. chính em đã giúp tôi nhìn lại những gì mình đã làm, và cũng chính em đã giúp tôi hiểu rằng, tôi đến đây vì ai, tôi làm công việc này vì điều gì, vì sao tôi gắn bó với mảnh đất này."

đêm xuống, ngọn đèn dầu trong nhà của một gia đình người mông le lói như một ngôi sao trong đêm tối. tất cả chìm vào sự tĩnh lặng của núi rừng, chỉ còn lại tiếng gió thổi qua các từng tán cây quế, tiếng suối chảy róc rách, và trong lòng mỗi người, một cảm giác khó tả đang dần lớn lên. dưới bầu trời đầy sao, tôi và anh lặng lẽ ngồi bên nhau, cảm nhận những điều đơn giản của cuộc sống, từng chút từng chút một, nhỏ bé, giản dị nhưng lại đẹp đẽ vô cùng.

cảnh vật tây bắc vốn đã đẹp lạ lùng, nhưng với chúng tôi lúc này, nơi đây còn trở thành một miền ký ức, một miền đất của tình cảm, nơi những cảm xúc chân thành và sâu sắc được nảy nở trong từng bước đi, trong từng lời nói, trong từng khoảnh khắc mà chúng tôi có được cùng nhau.

ngón tay tôi lành lạnh đặt trên mỏm đá, chúng tôi hít căng lồng ngực hơi thở của núi cùng mùi thảo dược được sấy sau mỗi mái nhà. tôi nhớ lại cái nắm tay hồi chiều, tay anh hách mảnh khảnh, trắng trẻo, từng khớp ngón tay rõ ràng, có một vài vết chai do việc cầm bút, cầm phấn lâu năm. tay anh khô lại hơi lạnh, lọt thỏm trong tay tôi mà vững chãi, mà an tâm.

"tuấn này, công tác xong em định làm gì tiếp?" tôi có thể nghe ra chút ngập ngừng trong câu hỏi của anh hách.

"em sẽ tiếp tục viết, không ngừng viết, em sẽ đi đến những vùng đất khác, tìm mọi cách để cung cấp cho khán giả của em những góc nhìn mới mẻ nhất về một vùng đất mới. đó là sứ mệnh của chúng em. chính chuyến đi này và anh đã dạy cho em biết hãy yêu công việc mình đã chọn và hãy làm công việc đó bằng cả trái tim..."

"tây bắc là quê hương, là một phần máu thịt của tôi, là nơi tôi đi để trở về nên tôi yêu tây bắc vô cùng. nếu chỉ một mình tôi xây dựng tây bắc thì không thể... chính vì thế tôi muốn đem sức mình, biến bản thân thành cây cầu, đưa được thật nhiều trái tim yêu tây bắc, muốn phát triển tây bắc tiếp cận với giáo dục. để họ có cơ hội tự mình viết lên cuộc đời mình..."

tôi thấy mắt mình hơi ướt, chẳng biết có phải do hơi thảo mộc cay nồng hay hơi gió hay vì một thứ hương thơm từ đâu vọng lại... anh hách đẹp quá, trái tim anh trong sáng quá. anh cùng mảnh đất này để lại cho tôi nhiều thương nhớ quá...

hai chúng tôi cứ thế yên lặng, cái yên lặng của chúng tôi hòa vào với cái yên lặng của đại ngàn mênh mông. trái tim tôi khẽ thổn thức... không biết là say cảnh hay say con người nơi đây?

tôi khẽ khàng, lặng lẽ quay mặt đi, cố giấu đi sự bối rối trong lòng.

sáng hôm sau tôi theo chân anh hách đến các nhà trong bản để vận động bà con cho trẻ tới trường. nhà của chị em lý đã được coi là ngôi nhà dễ tới nhất bản mèo khuông, người mông thường sống bên những vách đá cheo leo, họ lấy độ cao của núi, độ dốc của đồi để đo ước mơ mình.

chúng tôi đi sâu thêm vào trong bản, từng bước từng bước bám lên con đường đất thi thoảng có những rễ cây cổ thụ nổi gồ lên. anh hách cười nói: "bản mèo khuông là đường dễ nhất rồi, còn nhiều bản khác, muốn đi tới từng nhà còn phải đi mất nửa ngày. ở đó bà con khó khăn lắm, đất thì nhiều nhưng chẳng được mấy người lao động, canh tác. trẻ con đẻ ra 5 tuổi đã phải theo bố mẹ lên nương. họ không biết tiếng kinh nên tôi cùng các cô giáo và cán bộ tuyên giáo đều phải học tiếng dân tộc để trò chuyện, thuyết phục bà con mình. hi vọng năm tới điện lưới sẽ về đến mèo khuông, đến các bản xa để bà con đỡ vất vả."

cuối xuân không khí còn ẩm, đường như trơn trượt hơn, tôi mải nghe anh nói, đến khi chú ý lại thì hai ríu chân vào nhau. lòng thầm nghĩ rằng chỉ còn một chút nữa thôi là sẽ ngã xuống, lo sợ hỏng máy ảnh nên đành đưa tay lên ôm ngang ngực để tránh máy ảnh va xuống đất. anh hách đưa tay đỡ chặt lấy vai tôi, giữ lại.

may nhờ có anh, mà chân tôi chỉ hơi sưng lên chứ không ngã hay gì cả.

"có sao không tuấn? đường trơn, phải cẩn thận..." anh đỡ tôi ngồi xuống bên một gốc cây, lo lắng đưa tay nắn chỗ cổ chân đang hơi sưng lên của tôi.

"em không... không sao ạ... bất cẩn quá, để anh phải lo rồi." tôi hơi nhăn mày, nói là không sao chứ với cái chân này khéo chỉ trở thành gánh nặng cho anh trong suốt quãng đường còn lại.

"tuấn đợi tôi một chút, tôi hái chút lá rừng cho em đắp để giảm đau, giảm sưng." nói rồi, anh vội vã chạy ngược lại chỗ chúng tôi vừa đi qua, chỉ trong chốc lát đã mang về một nắm lá rừng. anh bọc chúng vào khăn tay, lấy đá nghiền qua rồi đắp lên vết thương cho tôi. vết sưng nhanh chóng được xoa dịu, tôi cũng cảm thấy thoải mái hơn. anh hách đưa tay buộc chặt chiếc khăn lại nơi cổ chân tôi.

"ngồi nghỉ chốc lát đã. lát nữa thuốc ngấm em sẽ thấy dễ chịu hơn. nhé?" giọng anh nhẹ nhưng không giấu được sự lo lắng trong đó.

"cảm... cảm ơn anh. là em đi đứng không cẩn thận."

"đừng nói vậy. do em không quen đường thôi. trước đây hồi mới lên công tác, tôi cũng vậy... đường rừng nhiều khó khăn, nhưng rồi đi mãi cũng thành quen thôi. chủ yếu là lũ trẻ, những con đường thế này cản trở chúng nhiều lắm..." anh nói rồi thở dài.

không biết khi ấy thứ gì xui khiến mà tôi lại đưa tay lên vỗ nhẹ vai anh: "rồi sẽ ổn thôi anh ạ. không gì là khó khăn mãi mà."

anh hách nhìn tôi, nở nụ cười dịu dàng: "em nói phải. cái gì cũng phải có bước đầu tiên, có thể sẽ khó khăn nhưng tôi tin, nếu chúng tôi cùng đồng hành, các em ấy sẽ có cơ hội bước đi trên những con đường đẹp đẽ hơn."

tôi gật đầu chắc nịch, thuốc cũng đã ngấm, tôi không còn cảm nhận được cơn đau nữa bèn dựa gốc cây đứng dậy. anh hách đưa hai tay ra đỡ lấy, dìu tôi cùng bước lên phía trước.

đi được thêm một quãng nữa, anh hách dừng lại trước một mái nhà sàn còn lụp xụp, có cảm tưởng chỉ cần một cơn gió thổi qua là cả căn nhà sẽ bị bốc lên, cuốn bay xuống dưới thung lũng. trước hiên nhà có một thằng bé độ 6, 7 tuổi, gầy gò, hai má nẻ đỏ hây hây. nó ôm trong lòng một cái chăn bé xíu, nhìn kỹ mới nhận ra là một đứa bé nữa, chắc chỉ mới vài tháng tuổi. anh tiến lại gần, mở ba lô, lấy ra một túi nhỏ có áo khoác cùng tất, đưa lại cho thằng bé.

nó vui vẻ chào anh, khoanh hai tay nhận lấy túi đồ, mở ra lấy tất cùng áo khoác choàng thêm cho em nó. anh hách xua tay, bảo nó mặc áo rồi ôm em vào trong cho ấm. thằng bé có chút xíu, lọt thỏm trong cái áo khoác trẻ con. giờ đã cuối xuân mà vẫn còn rét ngọt, nó co ro cố tìm thêm chút hơi ấm từ cái áo mới.

"bố mẹ con đâu?" anh hách hỏi nó bằng tiếng mông.

"lên nương hết rồi ạ. nhà hết gạo, mẹ bảo con ôm em cho mẹ để mẹ đi làm sớm... không thì đến mèn mén cũng chẳng có mà ăn."

anh ngồi xuống, ôm thằng bé vào lòng. tôi cũng đưa tay lục trong ba lô, lấy ra một gói lương khô còn hơn phân nửa, đưa lại cho nó.

"con cầm đi. chú cho, khi nào đói quá mà bố mẹ chưa đi làm về thì ăn tạm." anh hách lên tiếng giúp tôi.

nói xong, anh đi vào nhà, như quen cửa quen nẻo, nhóm lại bếp củi đã hơi lạnh, bắc nước, vo gạo rồi hỏi thằng bé: "nhà con có gì ăn không? để thầy nấu..."

thằng bé nghĩ nghĩ một lúc, bế em đặt vào trong chăn, chạy xuống gầm nhà, lấy ra một quả bí đỏ to bằng cái bát ăn cơm, đưa tới cho anh hách. anh nhận lấy bí, cẩn thận gọt vỏ, cắt thành miếng, bỏ lên bếp xào với một ít nước. chuẩn bị cơm nước xong xuôi, anh dặn thằng bé ăn cơm sớm, thừa bao nhiêu thì để gọn lại phần cho bố mẹ.

"lần khác thầy lại đến, con có cần thêm gì không?"

thằng bé lắc lắc đầu, chạy tới ôm chặt lấy anh hách, mắt nó trong lại sáng như con suối đầu nguồn. tôi có thể thấy trong đôi mắt đó là cả một tương lai rực rỡ ở phía trước. mà để đến gần hơn với tương lai ấy, lũ trẻ ở đây rất cần một người dẫn đường như anh hách.

"nhà nó còn 4 anh chị nữa, cũng không đứa nào học đến nơi đến chốn cả... chị cả mó mười bốn đã đi lấy chồng ở bản xa... bố mẹ thì đông con, khó khăn nhiều... họ cứ nghĩ đông con thì sẽ có thêm người làm nương, làm ruộng..."

"bên điểm trường cùng ban tuyên giáo cũng nhiều lần lên thuyết phục nhưng họ đều từ chối... bảo rằng không có tiền cho con đi học, chúng tôi cũng cố gắng nhờ bên huyện hỗ trợ làm hồ sơ nhận trợ cấp nhưng cũng vẫn phải có sự đồng ý của phụ huynh nữa."

"thế đấy... không phải cứ có ước mơ thì sẽ có cơ hội thực hiện, nhưng mà... tôi vẫn luôn hi vọng các em ấy không đánh mất ước mơ của mình. để rồi đến một ngày nào đó, các em sẽ biến nó thành hiện thực."

thứ đáng giá nhất tôi nhận được trong chuyến hành trình này có lẽ là việc được gặp anh hách, được hiểu thêm về những ước mơ đẹp đẽ của anh.

chúng tôi trở về trường vào sáng thứ hai, trời còn chưa sáng hẳn, anh hách kiểm tra lại chiếc đèn bão chúng tôi mang theo từ hôm trước, hai đứa trẻ con líu ríu chào bố mẹ rồi theo chúng tôi về.

vết thương ở chân đã lành hẳn, tôi xách hộ hai đứa một túi gạo, đường tối khó đi, đêm qua lại có mưa phùn nên trơn trượt hẳn. anh hách dặn hai đứa trẻ đi cẩn thận, chúng tôi đi ngược lại con đường vào mèo khuông để xuống trường.

đường đi học của các em, những con đường đầy chông gai và thử thách, rồi mai này, đường đời của các em cũng sẽ gặp những khó khăn, có lẽ còn hơn như vậy nhưng tôi luôn có một niềm tin rằng nếu các em được chỉ dẫn đúng, nếu các em có đủ kiên định với con đường mình đã chọn thì chẳng điều gì có thể cản bước các em.

cả hai chúng tôi đã đi qua những con đường mòn quanh co, vượt qua những khe suối lạnh buốt và những dãy núi hùng vĩ này để tới với mèo khuông, nhưng giờ đây, con đường về lại mang một cảm giác khác, một cảm giác lặng lẽ, khó tả.

trên con đường mòn dẫn về trường, chúng tôi đều giữ sức nên không nói nhiều, chỉ thỉnh thoảng trao đổi vài câu chuyện vụn vặt về cuộc sống của tôi dưới hà nội hay chuyện tiết học của anh chiều nay sẽ thế nào. cảnh vật xung quanh như một bức tranh tuyệt đẹp, núi rừng như nàng thiếu nữ từ từ tỉnh dậy sau giấc ngủ say, nhẹ nhàng vươn tay ôm lấy chúng tôi. mùi đất, mùi cỏ ẩm ướt hòa lẫn với hương gió núi sau cơn mưa, tạo thành một bầu không khí trong lành, nhưng cũng khiến cho lòng người trở nên trĩu nặng.

anh hách đi trước, tay cầm chiếc gậy tre, thỉnh thoảng quay lại nhìn tôi cùng hai đứa trẻ. có cảm giác anh chính là ngọn hải đăng vững chãi, soi đường, chỉ lối cho bất kỳ ai đang mông lung, vô định.

tôi vội vã theo sau, tầm mắt tôi như muốn thu trọn cả núi rừng, cả người con trai trước mặt này vào trong tim. chúng tôi không vội vã, không gấp gáp. cả hai cứ vậy bước đi, để cảm nhận từng nhịp thở của vùng đất này, như thể đang hòa mình vào nó.

đứng trước anh, tôi dường như cảm thấy những câu chuyện trước đây mình viết, những phóng sự trước đây mình làm, những mảnh đất trước đây mình đến, những con người trước đây mình gặp như trôi hết về một miền ký ức xa xôi, mờ mờ không rõ. tây bắc qua ống kính, qua con mắt của tôi, qua lời kể của anh hách vô cùng thật, vô cùng khác biệt. tôi sẽ chẳng thể nào quên những đứa trẻ chăn trâu, những bà mẹ địu con lên nương.

tôi im lặng nhìn anh, thấy trong anh sự kiên trì và tận tụy đến mức khó thể diễn tả thành lời.

trong ấn tượng ban đầu của tôi, anh hách không phải là người dễ dàng bộc lộ cảm xúc, nhưng qua từng ánh mắt, qua từng lời nói, từng hành động của anh, tôi nhận ra sự gắn bó giữa anh và mảnh đất này, giữa anh và những học trò của anh.

về đến gần trường, nơi những nếp nhà đơn sơ của khu nội trú đang hiện ra trong ánh bình minh, anh hách bỗng dừng lại. anh quay sang tôi, trong mắt có chút gì đó đượm buồn. "tuấn này, có lẽ em sẽ cảm thấy khó hiểu về những gì tôi đang làm ở đây. cái tôi cần, cái tôi luôn hướng tới không phải là những lời tuyên dương hay những bài báo, những câu chuyện đẹp về tây bắc. tôi không muốn người ta biết đến tây bắc chỉ là chốn nghỉ dưỡng, chốn xa xôi, heo hút... mà là sự thay đổi thực sự trong những đứa trẻ nơi đây, sự thay đổi trong từng ước mơ của chúng."

tôi im lặng, không vội vàng đáp lại. bởi lẽ tôi hiểu rằng những lời nói của anh không phải là để tìm kiếm sự đồng cảm, mà là để chia sẻ một phần trái tim anh. cả lí trí và trái tim tôi đã bắt đầu hiểu, không phải về công việc của anh hách, mà về con người anh, về cách anh yêu mảnh đất này, về những cảm xúc không thể diễn tả thành lời.

cuối cùng, khi bước vào trong sân trường, tiếng nói cười của những đứa trẻ vang lên, trong không khí ngập tràn niềm vui và hy vọng. anh nhìn tôi một lần nữa, rất đỗi chân thành. anh nở nụ cười nhẹ như lần đầu chúng tôi gặp mặt. "đây là nơi tôi thuộc về. cảm ơn em đã cùng tôi đi qua chuyến hành trình này."

tôi nhìn anh, rồi nhìn những đứa trẻ đang cười nói, những ánh mắt sáng ngời ấy như đã thay đổi cách nhìn của tôi về cuộc sống. "em hiểu rồi! anh ơi! em hiểu rồi! cảm ơn anh!"

chúng tôi cứ đứng đó, giữa sân trường được nắng vàng từ từ nhuộm sáng, giữa những ánh mắt ngây thơ của học trò, như tìm thấy một câu trả lời cho những thắc mắc trong lòng mình.

chuyến công tác hơn 3 tuần của tôi đã kết thúc, nhưng những cảm xúc, những tình cảm đang lớn dần nơi tim thì vẫn còn đó, như những con đường sẽ luôn luôn rộng mở, dẫn con người đi đến nơi họ muốn trong đời.

trở về hà nội, tôi đem tất cả những gì mình mắt thấy tai nghe biên tập thành một phóng sự 4 tập, gửi đi dự thi giải báo chí của năm.

trong phóng sự của tôi, một tây bắc hoang sơ nhưng cũng thật kiên cường hiện lên, một tây bắc cứng rắn nhưng cũng thật dịu dàng hiện lên. ở đó có những ước mơ đẹp như bông hoa ban trắng của lý, của cậu bé mông, có những con người vẫn ngày đêm gắn bó, đem hết tâm huyết của mình phục vụ quê hương như anh mần, chị tính hay cô loan. và ở đó, còn có một con người dành cả trái tim của mình để soi sáng, điểm tô cho quê hương.

lý tương hách như một nốt bổng ông trời ưu ái ban cho bản nhạc đời tôi, níu chân tôi cùng trái tim tôi lại với tây bắc.

lý tương hách như một cành mơ trắng rạng rỡ vươn mình giữa đại ngàn, hữu xạ tự nhiên hương.

bài phóng sự của tôi, sau khi hỏi ý kiến anh hách, không một câu một chữ nào nhắc đến anh nhưng câu nào chữ nào khi đọc lên cũng khiến cho người ta thấy được một trái tim giàu tình yêu với mảnh đất và con người tây bắc.

anh từng nói anh thuộc về tây bắc, anh là của tây bắc...

ngày bước lên bục nhận giải thưởng, trong bài phát biểu của tôi, tôi muốn gửi lời cảm ơn tới tất cả những ai đã và đang đồng hành cùng với tôi, cùng tôi viết lên cuộc hành trình này. tôi thực sự muốn cảm ơn lý tương hách, nhiều thật nhiều.
sau buổi lễ, tôi gọi một cuộc điện thoại. chuông reo được hơn chục giây thì có người bắt máy. tiếng rè rè khe khẽ vang lên vì sóng yếu.

"anh..."

"tuấn à, có việc gì không em..."

"em nhớ tây bắc... em nhớ anh..."

"ừm, anh nghe rồi."

tiếng gió vọng từ nơi anh đứng, vượt ngàn cây số, truyền đến tai tôi bên cạnh hơi thở khe khẽ của người ấy.

tôi thấy tim mình như siết chặt một mầm tình nhỏ bé mà đẹp xinh, một suy nghĩ chợt loé ngang qua trí óc tôi như sao băng lao vút qua bầu trời.

phải rồi!


một lần nữa, khi nàng xuân lại ghé thăm trần gian, tôi hăm hở thu xếp hành lý trở về nơi tôi tin rằng có người vẫn luôn ở đó. lần này tôi đi với một tâm thế khác hoàn toàn.

phía bên kia đồi, lý tương hách cùng núi non thức dậy, chờ văn huyền tuấn của anh trở lại.





dayu_: chúc mừng năm mới cả nhà ^^ chúc tất cả những độc giả thân thiết một năm mới mạnh khỏe, bình an, có thể đạt được tất cả những gì mình ước mong. chúc cho mhj và lsh sẽ có một năm mới rực rỡ, thành công, sẽ cùng nhau đồng hành thêm thật nhiều "tháng năm" nữa.

xin được gửi lời cảm ơn đến những cô em gái đỉnh nóc, kịch trần của dayu, những người đã đồng hành cùng dayu trong "tháng năm" lần này. cảm ơn các em vì đã cùng khóc, cùng cười, cùng nỗ lực hết mình để ca ngợi tình yêu của họ. dayu yêu các em nhiều

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro