Chương 6-10
Chương 6: Đừng mua
Cuối cùng Triệu Hữu Phòng vẫn trả lương nửa tháng cho Lâm Tri.
Lương cứng, không có hoa hồng.
Đấy còn là vì khi trả lại thẻ ra vào cho khách thuê nhà, Triệu Hữu Phòng tiện thể đề cập đến hành động của Lâm Tri. Vị khách thuê nhà ấy khen Lâm Tri làm thế là rất có đạo đức nghề nghiệp, quyết định gia hạn hợp đồng, nên lần này Triệu Hữu Phòng mới không coi Lâm Tri như ôn thần.
Còn lúc này đây, Lâm Tri đang nhìn theo bóng Triệu Hữu Phòng rời xa mình như chạy nạn, vẫn chưa biết bản thân còn có thêm một phần thu nhập ít ỏi.
Cậu chỉ ngáp dài, tính về nhà ngủ tiếp. Phải tội lại động vào vết thương, cậu không khỏi xuýt xoa.
"Ôi dồi, thằng nhóc này!"
Trương Thúy Phương ở cạnh đấy không đành lòng nổi, "Mặt sưng húp lên thế kia!"
Ban nãy thím ta còn có thể phởn phơ cười cợt khi nghe chuyện, nhưng đến lúc phát hiện kẻ khùng điên kỳ cục trong lời Triệu Hữu Phòng hóa ra là cu cậu mà mình từng khen, thì Trương Thúy Phương lại không thể nhìn nhận khách quan công bằng được.
Phần xương gò má bên phải của cậu thanh niên đã u thành một cục, phá hỏng cả gương mặt tuấn tú xinh trai. Nửa mặt chỗ xanh chỗ tím, còn trầy da một tẹo, vừa trông đã hết hồn, thím ta mới nhìn thôi mà cũng thấy đau theo.
"Cưng bôi thuốc chưa? Bác sĩ bảo sao?!"
Trương Thúy Phương có kinh nghiệm đời sống phong phú, vừa nhìn vết thương của Lâm Tri là thím biết ngay thằng nhỏ chưa sơ cứu gì. Vì thế thím vẫy tay gọi Lâm Tri đến gần mấy bước. Thím còn nhớ tiệm mình có mấy thứ cồn i-ốt với băng dán linh tinh, nên vừa gọi vừa luôn tay kiếm tìm.
Còn Lâm Tri thì không biết Trương Thúy Phương gọi mình qua làm gì, nhưng cậu vẫn ngoan ngoãn đi sang.
Rõ ràng chỉ mới gặp nhau đôi lần, nhưng Trương Thúy Phương lại mang đến cho cậu một cảm giác rất thân thuộc.
Có lẽ... là vì màu sắc của thím ấy giống với màu của mẹ cậu.
Lâm Tri quan sát người phụ nữ đang lục lọi thùng hàng, nghĩ thầm, đều là màu vàng cam, khiến cậu cảm thấy rất thoải mái.
Chẳng qua, mẹ là màu cháo gạo kê được hầm đặc mềm, còn bà chủ tiệm tạp hóa này thì giống máy sưởi hiệu ChangHong ở nhà hơn, to tiếng và hơi nong nóng.
"Nào nào nào, nghiêng đầu qua đây!"
Trương Thúy Phương không đợi Lâm Tri trả lời, mà lấy mấy chai thuốc ra khỏi thùng, lật đít chai lên xem hạn, xong xuôi mới vặn nắp ra dùng.
Thím mở một túi tăm bông, lấy một que ra để dặm cồn i-ốt. Phần bông trắng lập tức hút cồn, hóa thành màu nâu thẫm khiến người ta cảm thấy nặng nề. Lâm Tri nhìn nó chòng chọc một lúc lâu, nhưng vẫn quay đầu qua theo lời thím, để Trương Thúy Phương bôi thuốc cho mình.
Cậu ngoan ngoãn đến vậy, khiến người ta không thể liên tưởng cậu với cái người mà Triệu Hữu Phòng vừa kể ban nãy.
Trương Thúy Phương nghĩ thế, mà Nhiếp Chấn Hoành đang nằm nghiêng sưởi nắng trên ghế cũng có chung quan điểm.
Ánh mắt anh không khỏi dịch từ phương xa về nhà kế bên. Ở nơi đó, cậu thanh niên cao gầy đang rướn cổ, tựa nửa người lên tủ kính bán hàng.
Chiếc áo ngủ của cậu hơi cộc, người cậu nghiêng về một bên, một đoạn eo lộ ra.
Gầy nhẳng gầy nhơ, như thể chưa được ăn no bao giờ.
Nhiếp Chấn Hoành nhìn mấy lượt, rồi liếc qua chỗ khác. Nhưng tai anh vẫn vô thức lắng nghe tiếng động bên ấy.
"Cưng giả nhời coi chuyện là thế nào đi? Trông cũng là đứa hiền lành, sao lại đánh nhau với người ta?"
Trương Thúy Phương vừa xử lý vết thương cho Lâm Tri, vừa cầm lòng không đậu mà lải nhải, "Ban nãy chị mới nghe Triệu Hữu Phòng kể rồi, lão quản lý kia muốn gì thì cưng cứ đưa lão luôn là được, cãi cọ với người ta làm chi? Cưng chưa nghe câu 'Miếu nhỏ lắm gió độc, Hồ cạn nhiều rùa đen'* bao giờ à!
"Cái bọn đấy toàn diễu võ dương oai, cầm lông gà mà cứ tưởng là lệnh tiễn** thôi!"
Lâm Tri quả thực chưa từng nghe câu tục ngữ mà Trương Thúy Phương nhắc đến bao giờ.
Cậu rót nó vào tai nghiền ngẫm hồi lâu, rồi mới chợt nhớ ra câu hỏi của bà chủ tiệm.
"Không được tiết lộ thông tin riêng tư của khách hàng ạ."
Cậu nghiêm túc ngước mắt lên, nói với Trương Thúy Phương, "Sổ tay nhân viên, có ghi."
Cậu đã đọc đi đọc lại cẩn thận rất nhiều lần, không đọc sai được đâu.
"Hầy! Thời buổi này, ai còn thật thà như cưng nữa?!"
Trương Thúy Phương đảo mắt ra chiều cũng tôi cũng chịu ông, "Hồi xưa, vì muốn lấy một hộp trứng gà, nên chị để lại số điện thoại cho đứa tiếp thị. Sáng hôm sau, lập tức có người gọi điện hỏi chị có muốn mua cửa hàng không!"
Thím ta bĩu môi, "Bà đây trông giống người có đủ tiền mua cửa hàng lắm chắc?!"
Trương Thúy Phương chỉ làu bàu một câu thế thôi, nào ngờ cậu nhóc trước mặt thím lại gật đầu với vẻ cực kỳ nghiêm túc.
"Giống ạ."
Bà thím ngoài bốn mươi cười run cả người trước câu trả lời thành thật của Lâm Tri, hí hửng phát lên cánh tay cậu, "Dồ ôi, xem cái miệng của cưng này!
"Ngọt thế còn gì!"
Trương Thúy Phương cười một lát, rồi lại nghĩ tới hai chuyện còn lại mà Triệu Hữu Phòng đề cập ban nãy, không khỏi hỏi thăm ngọn nguồn từ đương sự.
"Người ta mua sang nhượng, đã hài lòng rồi, sao cưng còn kể với người ta nhà kế bên là nhà xác?"
Lâm Tri ngoẹo đầu suy nghĩ một lát, mới nghĩ ra Trương Thúy Phương đang nói đến chuyện gì.
Cậu chớp chớp mắt, "Nhưng mà, có phải em nói vậy đâu ạ."
"Hở?" Trương Thúy Phương thầm chửi Triệu Hữu Phòng một câu trong lòng, không ngờ cái thằng đấy cũng chỉ toàn ăn bốc nói phét.
Lâm Tri luôn không thích giải thích dông dài với người khác.
Nhưng Trương Thúy Phương mang lại cho cậu cảm giác rất thân thiết, nên cậu sẵn lòng nói thêm mấy lời —— đấy là nếu thím ấy muốn biết thêm.
"Đấy là một bà cụ trong khu phố, nói đấy ạ."
Hôm đó, Lâm Tri được Triệu Hữu Phòng đưa đi làm quen địa bàn trước.
Suốt quãng đường, quản lý Triệu rẽ tóc 7:3 vuốt keo bóng loáng toàn kể lể với cậu khu này tốt đến nhường nào, bảo Lâm Tri gặp khách thì nhớ phải nói với người ta như thế.
Lâm Tri vừa quan sát xung quanh, vừa nghiêm túc ghi nhớ lời Triệu Hữu Phòng dặn dò.
Chẳng qua cậu đi cạnh sếp mà không hó hé gì, nên thoạt trông còn giống khách được cò đưa đi xem nhà hơn.
Đến lúc Triệu Hữu Phòng dẫn Lâm Tri xem hết nhà cửa quen hết phố xá, tiện thể đi vệ sinh, thì Lâm Tri bèn tự xuống lầu trước.
Sau đó cậu bị một bà cụ trong khu phố cản lại.
"Cháu ơi, cháu đi mua nhà đấy à?"
Bà cụ ăn vận tinh tươm, mặc một bộ váy hoa. Ban nãy lúc họ lượn quanh khu dân cư này, bà luôn ngồi trên chiếc ghế ven đường đan áo len.
Lâm Tri lắc đầu, ý bảo mình không mua nhà.
Nhưng có vẻ mắt bà cụ hơi kém, bà không thấy cử chỉ của cậu, cứ giữ chặt cậu lại, thì thào.
"Chớ mua, chớ có mua! Thằng cò kia phỉnh cháu đấy!"
"Phỉnh" nghĩa là lừa gạt người khác. Bà cụ có chất giọng địa phương đậm đặc khẩu âm Dung Thành, khuyên nhủ cậu, "Cái nhà nớ là nhà xác, hay để quan tài lắm!"
Lâm Tri nhìn theo hướng bà cụ chỉ, thấy một tòa nhà chánh hai tầng.
Mấy dải lụa trắng bay ngoài nhà chánh, màu trắng tang tóc phấp phới giữa tầng không xám xịt, như đang trình diễn một bộ phim không lời đen trắng.
Còn tiếng nhạc u ám khiến người ta không tài nào vui nổi vọng ra từng hồi từ tòa nhà ấy chính là bản nhạc nền duy nhất của bộ phim câm này.
"Nghe thấy chưa, lại bật nhạc đám ma đấy."
Bà cụ thở hắt ra, ngừng cả động tác đan áo, vén mái tóc hoa râm lên.
"Bà già này tích cóp cả đời, chỉ muốn mua một căn nhà để dưỡng lão trong thành phố. Nào ngờ lại bị chúng nó phỉnh, mua phải cái nhà thế này.
"Nó bảo chỗ này còn làm cả tiệc cưới tiệc mừng, lừa ma nhà nào thế! Để quan tài đấy suốt ngày, ai còn dám tổ chức tiệc mừng?" Bà cụ lắc đầu, lại chỉ một căn đằng sau tòa nhà chánh kia, "Nhưng hẵng còn may, nhà bà còn cách nhà xác một đoạn. Dù sao bà già này cũng là người đã chôn nửa thân dưới mồ, không sợ đen đủi nữa.
"Nhưng cháu thì khác, cháu ơi! Cháu còn trẻ, đừng để phong thủy chỗ này ảnh hưởng đến đời cháu!"
Lâm Tri không hiểu phong thuỷ với đen đủi là cái chi chi, cũng không biết những điều kiêng kị của người thuộc thế hệ trước.
Cậu chỉ ghi tạc lời bà cụ trong lòng, đến lúc vị khách mua nhà cũ hỏi thăm thì thuật lại đúng như sự thực.
[HẾT CHƯƠNG 6]
*Miếu nhỏ lắm gió độc, Hồ cạn nhiều rùa đen: Vốn là một câu đối. Câu này có liên quan đến vào nửa cuối năm 1973, "đội tuyên truyền giải phóng quân tư tưởng Mao Trạch Đông" và "đội tuyên truyền công nhân tư tưởng Mao Trạch Đông" cùng vào chiếm giữ nhà hát Nghệ thuật Nhân dân Bắc Kinh, tuyên bố đại diện cho giai cấp vô sản để chiếm lĩnh "đầu cầu nghệ thuật sai lệch của chủ nghĩa xét lại phản cách mạng" đã bị giai cấp tư sản thống trị nhiều năm. Nhiều người hay than là mấy đội kia đúng là hạng "Miếu nhỏ lắm gió độc, hồ cạn nhiều rùa đen", là loại đơn vị không ra gì, có liên quan đến tác phong của một số cán bộ lãnh đạo "thiểu số chủ chốt".
**Thành ngữ "拿著雞毛當令箭" (Nã trước kê mao đương lệnh tiễn) với ý nghĩa đại khái là "cầm cái lông gà mà cứ cho đó là lệnh tiễn" để chỉ bọn lòn cúi có chút quyền mà lên chân với người thường, còn nếu mà thật sự được cho quyền thì bọn này đúng là một loại hung thần cho người khác. Thuộc tích Loạn Kiêu Binh. .
Trong chương truyện này, và những chương truyện tiếp theo, ta thấy Lâm Tri có khả năng nhìn thấy cảm xúc, "aura" của người khác theo dạng màu sắc. Điều này có thể ngụ ý Lâm Tri mắc hội chứng cảm giác kèm (synesthesia). Hội chứng synesthesia là một bệnh lý thần kinh khi não xử lý các dữ liệu, thông tin bằng nhiều giác quan trong cùng một lúc. Do vậy, những người mắc phải hội chứng này có thể vừa nghe thấy âm thanh vừa nhìn ra những màu sắc tương ứng, hay họ có thể nếm được vị khi nhìn vào các hình khối khác nhau. Những người thuộc phổ tự kỷ có khả năng mắc hội chứng này cao hơn người bình thường. . Tuy nhiên, cần chú ý rằng có lẽ phiên bản trong truyện là một phiên bản mang nhiều màu sắc hư cấu hơn của hội chứng này.
Chương 7: Dán băng.
Đều là dân buôn bán, Trương Thúy Phương hiểu rõ làm sao để đổi đen thay trắng.
Ngay cả Nhiếp Chấn Hoành ngồi một bên cũng có thể dễ dàng xâu chuỗi được một góc nhìn khác trong câu chuyện của Triệu Hữu Phòng từ mấy câu nói ít ỏi của Lâm Tri.
"Cái thằng Triệu Hữu Phòng này đúng là thiếu đạo đức!"
Trương Thúy Phương mắng sa sả, "Tiểu Tri nhà mình rõ ràng làm chuyện tốt, mà lại bị thằng đấy nói xiên xẹo thành người xấu! Sao nó không tự soi lại lương tâm mình đi?!"
Lăn lộn bao nhiêu năm trên phố phường, Trương Thúy Phương đảo mắt một cái là biết ngay toan tính của Triệu Hữu Phòng——
Thằng đấy muốn lợi dụng thông tin bất cân xứng để lừa khách lạ chứ gì nữa?
Đừng nghe gã khen căn nhà bán lại kia đẹp đẽ thế nào, đoạn đường ấy đáng mua ra sao mà bị lừa. Đấy mà là của ngon thật, thì người ta đã chẳng nẫng từ sớm? Nếu không phải nó ế chỏng vì nguyên nhân khiến người ta kiêng kị đó, thì làm sao lại tới tay gã chào hàng.
Là người đứng giữa, đúng ra gã phải thông báo chính xác tất cả thông tin mà mình nắm giữ cho khách hàng, còn khách quyết thế nào, có muốn mua hay không, thì đấy là chuyện của khách. Nhưng thời buổi này có quá nhiều người chỉ chăm chăm tiền nong, đánh mất hết lương tri.
Trước kia Trương Thúy Phương toàn để Lão Vương nhà mình giao tiếp với Triệu Hữu Phòng, bản thân thím cũng không thân quen với gã. Thím chỉ hay thấy Triệu Hữu Phòng nhiệt tình đưa khách đi xem nhà trong khu này, thầm cảm thấy Tiểu Triệu là đứa cần cù, không ngờ gã cũng là hạng khôn vặt để lấy thành tích.
Nếu Nhiếp Chấn Hoành nghe được suy nghĩ trong lòng Trương Thúy Phương, có lẽ anh sẽ lại có quan điểm khác.
Phải là mấy năm trước, nếu công việc bán nhà này đến tay anh, chắc hẳn anh cũng sẵn sàng chọn cách nói ngọt khen hay. Dù gì ai mà lại rảnh hơi chuốc phiền vào người, chê lắm tiền quá phỏng tay hay gì?
Chẳng qua anh vẫn có giới hạn chừng mực. Nếu chuyện gì động vào giới hạn cuối của anh, thì anh nhất quyết không bao giờ làm.
Nhưng bây giờ, động lực kiếm tiền của anh đã tắt, đến mở mồm ra nói chuyện anh còn lười. Sống được ngày nào hay ngày ấy, sống sao cũng là sống thôi, cố đấm ăn xôi như thế mà làm gì?
Lâm Tri không biết suy nghĩ của hai ông bà chủ cửa hàng, mà cậu cũng chẳng muốn biết.
Cậu chỉ thấy hơi lạnh vì gió từ chiếc quạt trong quầy bán quà vặt, không khỏi hắt xì một cái.
"Ấy chết! Xem chị này, chỉ lo nói chuyện, còn chưa cả thoa thuốc xong cho cưng!"
Trương Thúy Phương định thần lại từ tiếng hắt xì, vội thoa nốt cồn i-ốt lên chỗ cuối còn chưa có gì trên mặt Lâm Tri. Xong việc, thím lại cúi đầu tìm băng cá nhân.
"Ấy, băng dán cá nhân nhà chị đâu nhỉ? Chị nhớ còn một hộp mà..."
Trương Thúy Phương cúi đầu lục lọi mãi trong hộp thuốc nhà mình mà vẫn không tìm thấy. Thím gân cổ lên hỏi lão chồng trong nhà, "Vương Kim Bảo, băng dán cá nhân để đâu rồi?"
"À, mấy bữa trước có người hỏi mua, nên anh bán cho người ta rồi." Vương Kim Bảo còn đang dọn dẹp kệ hàng, thuận miệng đáp.
Trương Thúy Phương cạn lời, quán nhà thím bán bia rượu thuốc lá đồ uống quà vặt là chính, băng dán là để nhà tự dùng. Lão chồng tên có chữ Kim nhà thím đúng là chẳng buông tha bất kỳ cơ hội kiếm tiền nào!
Cũng chẳng còn cách nào khác, cuối cùng thím đành lấy một túi gạc y tế ra khỏi hộp, gấp lại hai lần, chắc cũng có thể dùng như băng dán cá nhân.
Có điều giờ lại không có băng dính để cố định gạc.
"Tiểu Nhiếp, bên chú có băng dính không?" Trương Thúy Phương dứt khoát nhờ hàng xóm trợ giúp.
"... Để em tìm xem."
Nhiếp Chấn Hoành còn nhớ hình như mình cũng có thật, hồi xưa anh dùng nó để cố định đồ da.
Anh vịn tay ghế đẩy người dậy, đi cà nhắc cà nhắc vào phòng, tìm kiếm trên kệ hàng.
Ánh mắt Lâm Tri dừng lại ở bên chân trái đi lại không được bình thường lắm của người đàn ông.
Anh thợ sửa giày đeo một đôi xăng đan bằng da, những miếng da đan chéo thành lưới, ôm khít nửa trước bàn chân. Phần gót không có đai, để lộ một khoảng mắt cá chân màu mật, thoạt trông rất tiện xỏ vào rút ra.
Chỉ là ở chỗ mắt cá chân bên trái, một vết sẹo dài tầm ba ngón tay đang nằm đó. Nó khảm thẳng vào da thịt, tựa như một con rết khô cằn cuộn mình trên thân cây.
"Đừng có nhìn chằm chằm!"
Lâm Tri đang tò mò ngắm con rết kia, thì bà chủ quán đột nhiên kéo cậu lại, ghé sát tai cậu thì thào, "Cái chân đấy của Tiểu Nhiếp hơi có vấn đề..."
Trương Thúy Phương đã thầm coi Lâm Tri như loại choai choai ngốc nghếch đầu óc đơn giản không được nhanh nhạy lắm, bắt đầu dạy dỗ cậu bằng giọng điệu của người đi trước, "Cưng cứ nhòm lom lom như thế, người ta sẽ thấy khó chịu đấy!"
Có điều thím ta không biết rằng, tiếng thì thào mà thím tự cho là nhỏ lắm rồi của mình đã bị cái tai khá thính của Nhiếp Chấn Hoành nghe được gần hết.
Mấy năm nay Nhiếp Chấn Hoành đã quen rồi.
Hồi mới ra viện, anh vẫn chưa vượt qua được vướng bận trong lòng, luôn cảm thấy bản thân là kẻ dị hợm giữa đám đông. Về sau dần dà anh quen đi, chấp nhận số phận, rồi cũng chẳng đặt nặng gì nữa.
Nhưng điều ấy không có nghĩa là anh thích bị người ta nhòm ngó bằng ánh mắt ẩn chứa sự thương hại xót xa tiếc nuối.
Như thể anh là một kẻ tàn tật cần được chăm sóc, bị tách biệt sang một thế giới khác khỏi những cá thể bình thường.
Vì thế Nhiếp Chấn Hoành vờ như không nghe thấy, quay người lại, quơ quơ cuộn băng dính trong tay, "Tìm thấy rồi ạ."
Anh vốn định đưa băng dính cho Trương Thúy Phương rồi lủi về phòng trốn trong yên lặng. Nhưng khi lơ đãng liếc tới đôi mắt Lâm Tri, bàn tay đang đưa ra của anh lại không khỏi khựng lại.
Cậu thanh niên mặt lạnh như tiền đứng trước cửa. Ánh mắt nhìn về hướng này cũng không chất chứa vẻ trắc ẩn thương hại như anh tưởng, mà chỉ tuyền một màu thản nhiên tĩnh lặng.
Tựa như nước trong lu đá ở sân sau nhà anh, thoạt trông thì ảm đạm, nhưng chỉ cần có ánh sáng chiếu vào, là người ta sẽ phát hiện làn nước ấy trong văn vắt, sạch sẽ đến độ nhìn sơ là có thể thấy là thành lu bằng đá.
Khi gió thổi qua, mặt nước sẽ gợn sóng lăn tăn, lấp la lấp lánh.
"Bà chủ, cho hai bao thuốc Ngọc Khê với."
Lúc này có khách đến tiệm, Trương Thúy Phương đáp ngay, vội nhét túi gạc mình đang cầm vào tay Nhiếp Chấn Hoành, "Chú dán cho thằng bé đi, khách tới rồi!" Đoạn, thím ra quay ra tiếp khách.
Nhiếp Chấn Hoành bóp thứ đồ vừa dôi ra trong tay mình, lại nhìn Lâm Tri đang ngoan ngoãn đứng ngoài cửa ngó anh, thở dài.
"Lại đây đi."
Anh bật đèn trong tiệm, thờ ơ xé mấy đoạn băng dính dán lên tay mình.
Thấy cậu thanh niên chăm chú nhìn tay mình vô cùng nghiêm túc, Nhiếp Chấn Hoành bỗng nhiên nhớ tới trải nghiệm kỳ cục lần trước.
"Tôi vừa rửa tay rồi."
Anh giải thích khô khan.
"Ồ."
Người trước mặt cũng đáp một chữ cộc lốc.
Họ nhìn nhau không nói gì.
Nhiếp Chấn Hoành phá băng trước, anh nhếch môi lắc đầu nhè nhẹ.
Một thằng hơn ba sọi như anh, sao lại so đo với một đứa choai choai? Ai cũng có cách sống riêng, anh không làm gì sai, mà cu cậu nhà người thích sạch sẽ cũng chẳng có lỗi lầm gì cả.
Anh dứt khoát duỗi tay ra đỡ cằm Lâm Tri, nâng mặt cậu về hướng đèn rọi, ấn miếng gạc đã được gấp thành hình vuông lên phần xương gò má của cậu.
Sau đó anh dùng từng miếng băng dính giấy cố định bốn góc miếng gạc lên má phải của Lâm Tri.
Tư thế hiện tại của hai người đang gần sát nhau.
Gần đến độ Nhiếp Chấn Hoành còn thấy được lông tơ trên mặt Lâm Tri.
Làn da của chàng trai trẻ tuổi rất sạch sẽ, trắng theo kiểu quanh năm không thấy ánh mặt trời. Da cậu thậm chí còn trắng đến độ thiếu sức sống, tới nỗi những mạch máu li ti còn hiện ra dưới ánh đèn.
Thảo nào vừa nãy chị Trương lại kêu ca rền rĩ như thế. Đối lập với chỗ da còn lành lặn, thì vết thương kia quả thật khiến người ta hoảng hồn. Nhiếp Chấn Hoành nghĩ thầm.
Nhưng... nhóc này còn cao quá nhỉ?
Cậu ta cao gần đến tai anh, e là phải mét 8 đấy. Mỗi tội gầy đét y hệt cây gậy trúc, như kiểu gió thổi là bay vậy.
Từng dòng suy tưởng bâng quơ vớ vẩn xẹt qua đầu Nhiếp Chấn Hoành, nhưng tay anh vẫn thoăn thoắt không ngừng.
Chỉ sau mấy nhịp thở, vết thương trên mặt Lâm Tri đã được băng bó xong.
Tuy miếng băng trắng muốt dán trên má trông vẫn rất bắt mắt, nhưng chí ít vẫn đỡ hơn cái mặt ứ xanh ứ tím ban nãy khá nhiều rồi. Nhiếp Chấn Hoành đang thầm gật đầu trong dạ, liếc qua lại thấy cậu thanh niên giơ tay sờ lên mặt, như thể đang tò mò không biết mặt mình đã thành ra thế nào.
Loại băng dính kia không chắc lắm, Nhiếp Chấn Hoành vội vàng tóm cánh tay gầy guộc của Lâm Tri, sợ cậu chàng cọ rớt cái gạc.
Anh nhìn quanh cửa hàng một lượt, phát hiện một chiếc gương bọc nhựa bên cạnh giá để TV. Gương to bằng bàn tay, mặt sau màu đỏ đất in bức ảnh tạp chí một cô gái xinh đẹp đang chải đầu.
—— Có lẽ con bé Phan Tri Nhạc thó từ tiệm nhà mẹ nó mang qua đây, chả rõ nó để ở nhà anh từ bao giờ.
"Này, cậu soi bằng cái này đi."
Nhiếp Chấn Hoành dứt khoát duỗi tay lấy chiếc gương ấy, nhét vào tay Lâm Tri.
Thấy cậu thanh niên nghiêm túc ngắm nghía nửa bên mặt sưng húp của mình trong gương, Nhiếp Chấn Hoành không khỏi nói thêm một câu.
"Về sau gặp phải chuyện thế này thì cậu nên tránh đi, đôi lúc... mạnh mồm dễ chuốc vạ vào thân đấy."
Anh không muốn chõ vào chuyện nhà người khác. Nhưng có thể sự ương bướng của Lâm Tri khiến anh nhớ lại mấy việc ngày xưa, nên Nhiếp Chấn Hoành không kìm được lòng mình mà nhiều lời thêm chút vậy.
Cũng chẳng phải anh chỉ trích hành động của Lâm Tri là sai lầm.
Chỉ là, thế giới của người trưởng thành không phân trắng đen rõ ràng. Nhiều lúc, phải quanh co lòng vòng tìm điểm cân bằng ở giữa.
"Đậu phụ."
Không ngờ anh vừa dứt lời, người trước mặt đã bật ra một từ chẳng dây mơ rễ má gì.
"Cái gì cơ?"
Nhiếp Chấn Hoành tưởng mình nghe không rõ.
Anh lại thấy ngón tay thon dài trắng nõn của Lâm Tri ấn lên miếng gạc màu trắng gạo, chọc nhè nhẹ.
Sau đó cậu lặp lại cho anh nghe ——
"Giống đậu phụ."
—
Nha Đậu:
Lão Nhiếp (khuyên nhủ chí tình): Cẩn thận chuốc vạ.
Chít Chít (suy nghĩ đâu đâu): Muốn ăn đậu phụ.
[HẾT CHƯƠNG 7]
Chương 8: Trên ban công
Lần này Nhiếp Chấn Hoành hoàn toàn không thể lý giải nổi rốt cuộc mạch logic của Lâm Tri là thế nào.
Nhưng trong những ngày tháng về sau, anh sẽ hoặc cố ý hay vô tình dấn từng bước vào rừng cây nhỏ kỳ quái này, lang thang đó đây, cuối cùng không thể trở ra được nữa.
Anh cũng được Lâm Tri dẫn lối, dần phát hiện một phương diện kỳ diệu và đẹp đẽ khác của thế giới.
Còn giờ đây, họ mới chỉ là hai kẻ xa lạ vừa gặp gỡ đôi lần.
Cùng lắm thì chỉ có thêm quan hệ bà con khối phố.
Đúng vậy, Nhiếp Chấn Hoành không ngờ được rằng, Lâm Tri lại ở chung một tòa với anh, còn ở ngay tầng dưới.
Như đã đề cập trước đó, phần lớn dân buôn bán nhỏ quanh đây đều sống tại khu nhà của xưởng máy móc ở đằng sau con phố này. Nhiếp Chấn Hoành và vợ chồng Trương Thúy Phương kế bên cũng vậy. Chẳng qua Nhiếp Chấn Hoành ở đơn nguyên 1, nằm trên cửa hàng của họ, ngay ven đường. Còn vợ chồng Trương Thúy Phương thì ở đơn nguyên 2 khuất nẻo hơn.
Trương Thúy Phương vừa bán xong thuốc lá, lại chạy qua trò chuyện với Lâm Tri. Tán dóc một lát, thím không kìm nổi bản tính hóng hớt, hỏi thăm gia cảnh Lâm Tri thế nào. Cũng nhờ vậy, Nhiếp Chấn Hoành mới biết cậu trai trẻ này lại sống ở nhà 201 cùng tòa với anh.
"Úi chao, trùng hợp thật đấy!" Trương Thúy Phương vỗ đùi, "Chị nhớ Tiểu Nhiếp ở ngay 302 mà! Chẳng phải là ngay trên nhà cưng còn gì?"
Đôi lúc Nhiếp Chấn Hoành cũng phải bội phục trí nhớ của bà chị trung tuổi Trương Thúy Phương này.
Anh chỉ mới đề cập một lần lúc chuyển tới đây hồi mấy năm trước, vậy mà Trương Thúy Phương có thể đào nó ra khỏi đầu chỉ trong chớp mắt. Thảo nào thím toàn làu bàu nếu ngày xưa mình mà không lấy chồng, thì đã theo nghiệp sách vở đi học đại học rồi.
"Trên nhà em là nhà 301 ạ." Mỗi tội Lâm Tri lại bắt đầu trả lời kiểu thẳng đuột.
"Ờ ờ ờ, nhà ngay trên cưng là 301." Trương Thúy Phương không phản bác câu đốp chát của Lâm Tri, chỉ lập tức chuyển qua người quen khác, "Nhà đấy của một ông cụ về hưu, còn là chủ nhà của Tiểu Nhiếp nữa đấy!" Lâm Tri cảm thấy khó hiểu trước vẻ biết tuốt nằm lòng của thím.
"Nhưng cưng với Tiểu Nhiếp cũng có thể coi là hàng xóm nhà trên nhà dưới mà!" Trương Thúy Phương cười tủm tỉm vỗ mu bàn tay hai người, như một bà mẹ nhiều lắng lo, "Tốt quá! Hai đứa đều là lớp trẻ, về sau nhỡ có gì còn giúp đỡ nhau được!"
Nhiếp Chấn Hoành quệt mặt, rất muốn nói mình có còn trẻ trung gì nữa đâu.
Nhưng anh sợ mình vừa thốt ra câu ấy thì sẽ lại bị chị Trương càm ràm một hồi, nên quyết định ngậm mồm lại, còn phải bất đắc dĩ kết bạn WeChat với Lâm Tri trước sự đẩy đưa của Trương Thúy Phương.
Nhiếp Chấn Hoành vừa băng bó cho Lâm Tri nên hai người đứng sát cạnh nhau. Vậy nên anh có thể quan sát vô cùng rõ ràng, dưới khuôn mặt tuấn tú không có biểu cảm của Lâm Tri, ẩn giấu một tâm trạng cực kỳ miễn cưỡng.
—— Chậm chạp, rầy rà. Có lẽ cậu ta cũng thấy ngại vì chị Trương nhiệt tình quá, nên mới bất đắc dĩ móc di động ra.
Cảm giác không chỉ mình mình phải "chịu khổ" này, kỳ lạ thay, lại khiến tâm trạng của Nhiếp Chấn Hoành khá khẩm hơn ít nhiều.
Anh không khỏi nghĩ thầm, nếu đã là hàng xóm của nhau, thì lần sau cậu ngố này còn qua anh sửa giày, anh sẽ không tăng giá nữa.
*
Có điều, suy nghĩ này của Nhiếp Chấn Hoành mãi mà không có cơ hội trở thành sự thực.
Bởi vì từ hôm đó trở đi, Lâm Tri gần như không bước chân ra khỏi cửa nhà nữa.
Anh phát hiện ra bằng cách nào ấy hả?
—— Nếu một bóng dáng luôn ở trong tầm mắt đằng ấy khi đằng ấy tựa ghế uống trà phơi nắng hằng ngày, thì đằng ấy cũng chẳng lờ nó đi nổi đâu.
Khu tập thể của xưởng máy móc tuy chỉ có thang bộ, còn xây mấy chục năm rồi, bề ngoài tã tượi tả tơi, nhưng lúc mới xây xưởng cũng tốn khá nhiều tâm tư, còn xây ban công cho từng nhà.
Tòa nhà cũ không cao, chỉ có sáu tầng, mỗi tầng hai hộ, mỗi hộ có một sân phơi nhỏ bên ngoài tầm 3-4 mét vuông đặt song song với nhau, xếp thành một hàng, thoạt trông như những chiếc bánh mật ong nằm san sát ở góc phố.
Phép so sánh này đột nhiên nảy ra trong đầu Nhiếp Chấn Hoành.
Anh thoáng sửng sốt, đảo mắt qua một ban công trong số ấy, chỉ cảm thấy mình bị lây bệnh ngố tàu từ ai đó rồi.
Nhưng quả thực có hương bánh kem mật ong thoảng qua chóp mũi anh đúng lúc này, Nhiếp Chấn Hoành hơi ngạc nhiên. Anh còn chưa kịp suy nghĩ cẩn thận, thì đã nghe thấy một chất giọng ngây thơ vang lên bên cạnh mình.
"Chú Nhiếp, ăn bánh nè!"
Một bé gái bện tóc kiểu sừng dê nhào vào người anh, bàn tay nhỏ xinh còn cầm một miếng bánh màu cam vàng.
"Cảm ơn Khả Khả."
Nhiếp Chấn Hoành cười tủm tỉm đỡ cô bé, để bé trèo lên người mình vững hơn, "Nhưng chú không đói, Khả Khả tự ăn đi nhé."
"Khả Khả, xuống ngay!"
Một bà lão chống gậy đi theo sau bé gái, bà đập đập cây gậy, quở mắng cô bé, "Bà đã dạy con thế nào hử? Con gái con đứa là phải nết na!"
Bé gái đang bám vào người Nhiếp Chấn Hoành lè lưỡi, vội chống tay vịn ngồi dậy.
Nhiếp Chấn Hoành cười vuốt mũi bé, nói với bà cụ, "Bà Cam, không sao đâu ạ, Khả Khả hoạt bát thế này mới tốt chứ."
"Đúng rồi đấy, bà Cam à," Ông chủ tiệm quà vặt kế bên cũng thò đầu ra, đế theo, "Khả Khả nhà mình lanh thế này, bà đừng o ép tính cách của con trẻ ạ!"
"Ôi, mấy cái đứa này!"
Bà Cam nghiêm mặt được vài giây là phải thôi, tỏ vẻ bất đắc dĩ, "Cứ chiều nó thế, có khi Khả Khả thành bà tướng con của phố này mất!"
Vương Kim Bảo vung tay, "Bà tướng thì bà tướng ạ, càng hay, đỡ bị đứa nào bắt nạt!"
Chú ta hớn hở xé một chiếc kẹo mút xuống từ dây quà vặt treo trên vách tường, nhét vào tay bé gái, "Sau này chỉ có Khả Khả nhà mình bắt nạt đứa khác thôi, phải không nhỉ, Khả Khả?"
Bé gái ăn mặc rất giản dị, nhưng đôi mắt lại sáng ngời.
Bé liếc nhìn bà mình đầy vẻ chờ mong, thấy bà gật đầu khẽ, bé mới cầm kẹo mút, "Dạ dạ!"
"Thôi, nói chẳng nổi cái lũ da trâu chúng bay."
Bà Cam lắc đầu, mở túi bánh kem mình đang xách ra, đưa cho Vương Kim Bảo một miếng bánh kem to bảo chú ta ăn, rồi mới nhìn về phía Nhiếp Chấn Hoành lần nữa, "Tiểu Nhiếp à, bà đi chợ sỉ mua ít vải. Bà để Khả Khả chơi trong tiệm con một lát, phiền con trông nó hộ bà nhé."
"Vâng, bà cứ đi đi ạ." Nhiếp Chấn Hoành nhận món quà vặt từ bé gái, gật đầu đồng ý, "Cháu trông cho, bà yên tâm."
Những cuộc nhờ vả thế này đã lặp đi lặp lại bao nhiêu lần, bà Cam dặn nhiều, mà Nhiếp Chấn Hoành và Vương Kim Bảo nghe mãi cũng quen.
Vì thế bà cụ yên tâm chống gậy đi.
"Hôm nay Khả Khả không đi nhà trẻ à?"
Nhiếp Chấn Hoành duỗi tay nhấc cái ghế da nhỏ tới bên cạnh, bế cô bé qua ngồi lên đó.
"Chú ngốc thế, Khả Khả chưa khai giảng mà!"
Bé gái mới hơn 4 tuổi mà đã rất nhanh mồm rồi, bé vừa đung đưa chân gặm bánh kem, vừa trả lời Nhiếp Chấn Hoành.
"Ui, tại chú có tuổi, trí nhớ không tốt đấy."
Nhiếp Chấn Hoành bị chê ngốc nhưng vẫn vui hơn hớn, anh vuốt bím tóc của cô bé, lại mở túi bánh bông lan hỏi bé, "Ăn nữa không?"
"Không ăn nữa ạ." Cam Khả Khả lắc đầu, "Bà bảo, đấy là bữa sáng ngày mai. Con chỉ được ăn một tẹo vậy thôi."
Bé vừa nói, vừa khua ngón út ước lượng cái "một tẹo", trông vừa tủi thân lại vừa đáng yêu.
"Có sao đâu, Khả Khả đói thì cứ ăn đi," Vương Kim Bảo ở bên cạnh nói xen vào, "Ăn hết chú Kim Bảo lại mua cho con!"
Nhà Vương Kim Bảo có một thằng con trai, từ bé đã hay nghịch ngợm gây sự, chỉ nghe lời bà mẹ Trương Thúy Phương, lúc nào cũng khiến Vương Kim Bảo khốn khổ khốn nạn. Điều ấy dẫn tới việc khi thấy cô bé Khả Khả nghe lời thế này, trái tim chú ta chợt mềm nhũn, chỉ ước chi đây mới là con vàng con bạc nhà mình.
"Cảm ơn chú Kim Bảo ạ," Khả Khả lại lắc đầu, "Con không ăn nữa đâu."
Bà bảo, không được tùy ý vòi đồ nọ đồ kia của các cô chú trên đường. Đấy đều là "ơn huệ" gì gì đấy, nặng nề lắm. Khả Khả còn bé, không hiểu tại sao "ơn huệ" lại "nặng nề", nhưng bé rất nghe lời bà dạy.
Nhiếp Chấn Hoành sợ cô bé bị nghẹn bánh kem, nên đứng dậy vào phòng đun ấm nước lần nữa.
Ở gian ngoài, Vương Kim Bảo đang kể chuyện cho Cam Khả Khả, nhưng chú ta kể lắp ba lắp bắp, Nhiếp Chấn Hoành nghe mà thấy buồn cười. Trong lúc đợi nước sôi, ánh mắt anh đảo qua những miếng lót giày treo trên giá ở vách tường. Ngẫm nghĩ một hồi, anh mở ngăn kéo để tiền ra.
Nước sôi, Nhiếp Chấn Hoành xé gói sữa bột, quấy với nước ấm bưng ra ngoài.
"Khả Khả, ăn chậm chút thôi." Anh nhét bình nước nhỏ màu hồng vào tay bé gái, "Khát thì uống nhé."
Cái bình này là do Vương Kim Bảo tặng. Nhà bên ấy mở tiệm tạp hóa, nhập nhiều hàng. Có mấy món quà do đại lý bán sỉ tặng, họ toàn để trên quầy bán bừa bãi. Cam Khả Khả thường xuyên đến mấy cửa hàng này chơi, có lần bé phát hiện một bình nước nhỏ in hình dâu tây xuất hiện trên giá, nên không khỏi liếc thêm mấy lần.
Tuy Vương Kim Bảo khờ khạo, nhưng là dân buôn, mắt ai chả tinh như cú vọ.
Đó là quà tặng của đại lý Yakult khi nhà chú ta nhập lốc 5 chai nhỏ —— một bình Yakult cỡ lớn, có dây đeo chéo. Mấy đứa con gái thấy thì thích lắm, chú ta đã bán được mấy bình rồi.
Cửa hàng của Vương Kim Bảo tuy không lớn lắm, nhưng tọa lạ đúng chỗ phố xá sầm uất, làm ăn phát đạt, không thiếu tiền chút nào. Thêm cả nhờ cái tính hay hóng hớt ba hoa của Trương Thúy Phương, nên hàng xóm láng giềng xung quanh đều biết thân thế của Khả Khả. Chú cũng rất thương con bé, nên muốn tặng bé bình nước luôn.
Nhưng bà Cam ở đấy, cuối cùng chú ta không tặng được.
Khả Khả không dám nhận, Vương Kim Bảo quẳng phứt cho Nhiếp Chấn Hoành. Dù sao cô bé cũng hay chạy qua bên này, cứ để bé nó đến rồi dùng là được.
Nhiếp Chấn Hoành cũng chẳng chối từ, anh để nó trong phòng, tiện thể mua túi sữa bột pha từ quán Vương Kim Bảo, thi thoảng cho con bé thêm một bữa dặm.
"Chú Nhiếp, anh kia... đang làm gì thế ạ?"
Cô bé ngửa đầu nhấp từng ngụm sữa nhỏ, đôi mắt đen láy liếc từ tầng không xanh lam đến tòa nhà cũ trên đầu mình, tạm dừng tại một ban công.
Nhiếp Chấn Hoành nhìn theo tay bé chỉ, lại thấy bóng dáng luôn chiếm cứ tầm nhìn của anh gần đây.
"Tại sao anh ý cứ ngồi bất động ở chỗ ấy ạ?
"Tay anh ý cầm cái gì vậy?
"Cái bảng kia to quá, anh ý cũng làm nghề mộc như chú ạ?"
Cô bé liến thoắng không ngừng, tò mò tung ra rất nhiều nghi vấn.
Ba mặt sân phơi nhô ra khỏi tòa nhà cũ, người ta chỉ xây tường gạch ở mặt trước, hai mặt bên thì vây lan can sắt. Bé gái lùn xủn, chỉ nhìn thấy nửa thân trên của chủ nhà, và một bên mặt chẳng có biểu cảm gì.
Bấy giờ Nhiếp Chấn Hoành vẫn đang đứng, nghe vậy, anh khom lưng bế Cam Khả Khả lên, để bé nhìn được cao hơn.
"Thấy rõ chưa, tay anh ấy cầm gì nào?"
Anh không có con, nhưng cũng biết tụi con nít tuổi này rất hiếu kỳ. Phải dẫn dắt từ từ, để các bé làm quen với những cái mới.
"Cầm cọ ạ!" Cam Khả Khả đã nhận ra.
"Đúng vậy, bút cọ đấy." Nhiếp Chấn Hoành lại nắm ngón tay cô bé, dịch về tay kia của người phía trên, "Còn tay kia anh ấy cầm gì, Khả Khả biết không?"
"Biết ạ!"
Cam Khả Khả gật đầu cực kỳ kiêu ngạo, "Là bảng, bảng..." Nói một nửa bé lại không nhớ nổi từ kia.
"Bảng pha màu."
Nhiếp Chấn Hoành bổ sung nốt cho bé.
"Đúng rồi! Bảng pha màu!"
Trong tiết mỹ thuật, giáo viên từng dạy các bé dùng rồi!
"Vậy giờ con đã biết anh ý đang làm gì chưa?"
Nhiếp Chấn Hoành xóc cô bé, chọc ghẹo bé.
Cùng lúc đó, người đang ngồi ngẩn ngơ đối diện với bảng vẽ trên ban công dường như cũng nghe thấy cuộc đối thoại của họ.
Cậu liếc mắt nghiêng đầu, nhìn xuống dưới.
[HẾT CHƯƠNG 8]
Chương 9: Tặng em.
"Anh ý đang vẽ tranh ạ!" Bé gái nhỏ xinh đáp liền.
Tiếng nói trong vắt vút lên cao theo cơn gió, cũng bay vào tai Lâm Tri.
"Đúng rồi, Khả Khả thông minh ghê."
Nhiếp Chấn Hoành xác nhận đáp án của cô bé, thả bé xuống khỏi lòng mình.
Chân anh bị tật, không thể bế trẻ con lâu được.
Thật ra Cam Khả Khả còn muốn rướn lại gần xem anh giai ở lầu hai đang vẽ gì, nhưng bé nhớ lời bà dặn, chú Nhiếp bế bé lâu sẽ bị mệt, nên bé vẫn ngoan ngoãn buông lỏng cái tay đang ôm Nhiếp Chấn Hoành ra.
Mái đầu nhỏ thắt bím tụt xuống, để lại ánh mắt hai người lớn chạm nhau giữa tầng không.
"... Hi."
Nếu đã nhìn tận mặt rồi, thì không thể vờ như không thấy nhau được nữa. Nhiếp Chấn Hoành khách khí giơ tay chào hỏi hàng xóm mới.
Mấy bữa nay anh luôn thấy Lâm Tri ngồi vẽ tranh trên ban công.
Dựng bảng vẽ, cầm bút, đôi lúc ngồi suốt một ngày, còn lì hơn cả anh.
Nhiếp Chấn Hoành thầm lấy làm lạ. Khà, cái chốn cây nhà lá vườn của họ còn có dân nghệ sĩ dọn đến ở cơ à?
Thảo nào hồi mới gặp cứ thấy cu này kỳ kỳ, hóa ra đôi tay ấy không phải là để hầu hạ người khác. Có lẽ mạch suy nghĩ của đám nghệ sĩ cũng khác người thường bọn anh.
Ý nghĩ này chỉ lướt thoáng qua đầu Nhiếp Chấn Hoành, rồi lập tức bị anh bỏ quên.
Bình thường anh chỉ để tâm đến địa bàn của mình, còn người khác ra sao cũng chẳng liên quan gì đến anh.
Lúc này, cậu hàng xóm trẻ tuổi trên ban công cũng giơ tay lên bắt chước anh, vẫy vẫy.
Chẳng qua hình như cu cậu đã quên khuấy mất tay mình vẫn đang cầm cọ vẽ, mà cọ lại vừa nhúng màu xong.
Bộp bộp.
Mấy giọt nước vẩy ra.
Nhiếp Chấn Hoành giơ tay lau trán mình, xòe ngón tay ra trước mặt nhìn.
"..." Toàn một màu vàng c*t.
"Ơ."
Ánh mắt của người trên ban công đậu lại chỗ tay và mặt Nhiếp Chấn Hoành, đôi mắt một mí lơ mơ rốt cuộc cũng mở to.
Hình như cậu đã phát hiện đấy là lỗi của mình, bèn ném cây cọ trong tay vào xô.
Nhiếp Chấn Hoành đang nghĩ thầm hay là thằng cu trên lầu ngứa mắt mình, ngoái lại thì chợt thấy Lâm Tri đột nhiên rướn nửa người ra khỏi lan can.
"Ối, cậu đừng thò người ra!"
Nhiếp Chấn Hoành xám hồn trước động tác của Lâm Tri.
Tuy mỗi tầng của tòa nhà cũ không cao, nhưng cũng phải gần 3 mét. Nếu ngã xuống từ tầng 2, chết thì không đến mức, nhưng gãy xương là điều khó tránh khỏi.
Thấy cậu thanh niên hẵng còn dựa lan can duỗi tay xuống, Nhiếp Chấn Hoành mới để ý thấy Lâm Tri đang nắm chặt một tờ khăn giấy, như thể muốn đưa nó cho anh.
"Cậu không phải đưa đâu, tôi có mà."
Anh vội vàng rút một tờ khăn giấy từ trên tủ nhà mình để lau mặt, bấy giờ mới thấy Lâm Tri rụt người về.
Nhiếp Chấn Hoành: "..."
Một cục hờn dỗi hóa thành bất lực.
Còn chưa kịp ngưng tụ thành hình thì đã bị hành động của cậu ngố làm cho tan tác.
"Ha ha, chú nhọ nhem!"
Tuy Nhiếp Chấn Hoành đã lau hết những chỗ ướt trên mặt, nhưng vệt màu loang lổ vẫn còn vương lại không ít trên da. Bé gái vừa uống xong sữa thấy thế thì hớn hở cười như nắc nẻ.
Tiếng cười vui vẻ của trẻ thơ xua nốt chút bực bội còn lại của Nhiếp Chấn Hoành, anh hiền hòa ngồi xổm xuống, "Mặt chú nhọ rồi, Khả Khả lau cho chú được không?"
Cam Khả Khả đảo mắt.
"Được ạ được ạ." Bé cười hì hì gật đầu.
Vì thế Nhiếp Chấn Hoành cảm nhận được ngón tay nhỏ xíu của cô bé lướt qua lướt lại trên trán mình, mãi mà chưa xong.
"Được chưa?"
Anh ngồi xổm hơi lâu rồi, dịu giọng hỏi con bé.
"Ừm... dạ rồi ạ!"
Chẳng mấy khi được hôm nghịch ngợm, Cam Khả Khả giấu ngón tay gây rối sau lưng, mím môi gật đầu.
Nhiếp Chấn Hoành không để tâm lắm, chỉ chống kệ hàng đứng lên, thả lỏng chân. Dù gì anh cũng chẳng trông mong một đứa bé có thể lau sạch mặt cho mình được, anh chỉ nghĩ bụng lát ra sân sau rửa lại là xong.
Nhưng anh không biết bé gái trước mặt chẳng hề lau liếc cho anh, mà vẽ một bức "tranh" trên trán anh bằng nước màu ban nãy.
Trên ban công tầng hai, Lâm Tri thấy vừa rồi bé gái uống sữa ngon lành quá, nên cũng cầm cốc nước lên làm một ngụm.
Nào ngờ cậu vừa đặt cốc xuống thì lại thấy anh thợ sửa giày lầu dưới ngẩng đầu lên. Dưới ánh nắng, một chữ "Vương (王)" to cồ cộ xuất hiện trên trán anh, bắt mắt nổi bật vô cùng.
"Phụt."
Nét chữ non nớt của trẻ nhỏ đi cùng gương mặt thô ráp chân râu lún phún của người đàn ông, chẳng hiểu sao lại khiến Lâm Tri bật cười.
Số nước còn chưa nuốt xong trong miệng cậu suýt lại phì cả xuống lầu.
Lâm Tri vội giơ tay che miệng.
Nước trôi hết xuống họng rồi, cậu mới buông tay, nhưng đôi lúm đồng tiền vẫn hiển hiện bên má.
Này là lần thứ hai Nhiếp Chấn Hoành thấy Lâm Tri cười, anh nhất thời hơi bối rối.
Trong mắt Lâm Tri, hình như có một dấu hỏi to đùng đang chậm rãi nhảy ra từ đầu người đàn ông, đứng ngay trên mái tóc đen đen của anh.
Dấu chấm hỏi màu nâu, còn có hoa văn vằn vện giống da hổ, như thể mọc ra từ con chữ bằng màu vẽ trên trán anh vậy.
—— Y hệt một chú hổ khờ khạo.
Lâm Tri nghĩ thế, lúm đồng xu bên khóe môi lại càng lõm sâu hơn.
Nhiếp Chấn Hoành chậm mất nửa nhịp thì mới hiểu ra có lẽ con nhóc Cam Khả Khả lại vẽ linh tinh lên trán anh rồi.
Anh cố ý chống nạnh. Cam Khả Khả sợ quá, vội chạy ra ngoài, vừa chạy còn vừa cười khanh khách.
"Ha ha, hổ bự sắp tới rồi!"
Nhiếp Chấn Hoành cầm cái gương nhỏ trên tủ lên xem, giả vờ sắp đi tóm người, "Nhóc con giỏi lắm, dám vẽ lung tung lên đầu cọp!"
Anh xắn tay áo, "Hổ bự chuẩn bị khoe oai hùm ăn thịt người đây!"
"Ha ha ha đừng mà!"
Cam Khả Khả cười khì khì chạy qua một bên, "Chú Kim Bảo cứu con với! Khả Khả không muốn bị nuốt chửng đâu!"
"Để coi con chạy đi đằng nào!"
"Úi chà, Khả Khả mau qua đây, trốn sau lưng chú này!"
Hai ông chú 30-40 tuổi đầu chơi trò diều hâu bắt gà con với một đứa bé 4 tuổi một lát. Tới tận khi Cam Khả Khả thở hồng hộc phát mệt vì chơi, Nhiếp Chấn Hoành mới bỏ cuộc, lại về phòng rót nửa bình nước ấm cho cô bé, để bé giải khát.
Lâm Tri cứ tựa lan can, nghiêng đầu xem họ chơi đùa như thế.
Lần đầu tiên lòng cậu nảy sinh hứng thú với thứ gì khác ngoài vẽ vời.
Một thoáng nghi hoặc hiện lên trong đôi mắt không có ánh sáng của cậu —— hóa ra đàn ông cũng có thể chơi với trẻ con à?
Tâm trí cậu không khỏi bị kéo về những hồi ức tăm tối.
Lúm đồng tiền trên má cũng nhạt dần đi, cuối cùng khuôn mặt Lâm Tri lại quay về vẻ lạnh tanh thường ngày.
Cho đến khi tiếng gọi lảnh lót của cô bé lầu dưới đánh thức cậu.
"Anh ơi, anh đang vẽ gì thế ạ?"
Cô bé chơi mệt, nằm trên chiếc ghế gỗ của Nhiếp Chấn Hoành, lắc lư hỏi với lên ban công tầng 2.
Lâm Tri quay đầu nhìn bức tranh trên giá vẽ.
Khô rồi.
Cậu không trực tiếp trả lời câu hỏi của cô bé, chỉ xoay người gỡ tờ giấy trên giá vẽ xuống, sau đó gấp nó lại chẳng chút thương xót gì.
Cậu thành thạo gấp xong một chiếc máy bay giấy.
Trên cánh máy bay, người ta có thể thoáng thấy mấy màu sắc, tựa như lớp sơn trên vỏ máy bay vậy.
"Bắt lấy nè."
Cậu ghé người vào lan can, phi chiếc máy bay giấy xuống lầu.
Chiếc máy bay được Lâm Tri gấp thẳng thớm chuẩn chỉnh, chẳng qua không địch nổi cơn gió nhẹ ngày Xuân.
Chiếc máy bay giấy lượn tròn trong không trung theo làn gió, ngoặt hướng, rơi vào lòng Nhiếp Chấn Hoành.
"Oa! ~"
Cô bé bị hớp hồn bởi chiêu này của Lâm Tri, nhảy lên tính túm thứ vừa đậu lên người Nhiếp Chấn Hoành.
Nhiếp Chấn Hoành ngẩng đầu liếc nhìn Lâm Tri, rồi đưa máy bay giấy cho Cam Khả Khả.
Biết trong ấy cất giấu một bức họa, nên Cam Khả Khả gỡ máy bay ra thật cẩn thận.
Đến khi bốn góc đều đã trải phẳng, một bức tranh rực rỡ đậm đà xuất hiện trước mắt hai chú cháu.
Những nét cọ màu lam nhạt, nâu đậm và từng tảng màu xanh lục lớn chạy dài trên tờ giấy vẽ.
Tựa như ta đang đặt mình trong một rừng cây nguyên sinh. Bức tranh um tùm, cỏ cây sum suê chen chúc, khiến tổng thể bức họa tuyền một vẻ xanh mướt tốt tươi.
Trên tờ giấy vẽ nho nhỏ, mấy chục thân cây cao thấp đan xen, đều vươn thẳng lên trên. Chỉ một cây trong đó là bị vẽ hơi xiêu vẹo —— có lẽ do nó lạc lõng giữa một mảnh thẳng tăm tắp, nên người ta chỉ cần liếc một cái là phát hiện ra ngay.
Trên cành khô của cái cây vẹo vọ kia, nhìn kỹ, còn có thể thấy một con rết đang nằm đó.
Nếu chú mục vào con vật nhỏ này, rừng cây còn lại và bầu trời bỗng như hóa thành cảnh nền mơ hồ. Người vẽ tranh cũng không tập trung phác họa những cái chân li ti của con rết, mà chỉ gọt giũa từng đoạn thân uốn lượn của nó, khiến nó mang nét hoạt họa, không tới mức quá ghê tởm đáng sợ.
Chẳng qua vì màu của nó nhang nhác thân cây, nên người xem không nhận ra nó ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Nhiếp Chấn Hoành nương ánh sáng, quét mắt qua bức tranh vài lần.
Anh cảm thấy có lẽ tác giả muốn mô tả cảnh tượng hùng vĩ và tràn trề sức sống, nhưng cảm xúc đầu tiên mà bức họa này mang lại cho anh lại là hơi rợn ngợp.
Nhiếp Chấn Hoành không hiểu hội họa, cảm giác này của anh chỉ hoàn toàn thuộc về chủ quan.
Nhưng đứa bé mới mấy tuổi đầu không ngẫm được nhiều như thế, bé chỉ cảm thấy bức tranh này thật là tươi đẹp rực rỡ.
"Anh vẽ đẹp quá!!"
Cam Khả Khả ôm bức họa nhảy nhót, bé ngửa đầu nở một nụ cười vừa hưng phấn vừa chờ mong với Lâm Tri.
"Anh ơi, anh tặng bức tranh này cho Khả Khả ạ?!"
Bé lén nghĩ thầm, bà không cho bé nhận đồ ăn đồ dùng của người khác, nhưng mà, bức tranh này có ăn với dùng được đâu, chắc là bé... cầm cũng được nhỉ?
Ở nhà trẻ, Cam Khả Khả chỉ được lén cầm bút vẽ mấy bận.
Giáo viên mỹ thuật nói bút vẽ có hạn, mỗi lượt chỉ vài bạn được xài thôi. Bé đã đi học hai học kỳ, mà mới được dùng bút vẽ có 2-3 lần.
Hơn nữa tranh mà các bạn trong lớp vẽ đều bị các cô thu lại lúc tan học. Có lần bé lén theo sau cô giáo, phát hiện cô giáo vo hết chúng lại thành cục ném vào thùng rác.
Cam Khả Khả buồn lắm, về nhà bé kể chuyện này cho bà nghe.
Nào ngờ bà của bé lại cảm thấy chẳng có vấn đề gì, còn không cho bé kể chuyện ấy cho các bạn khác nghe, khiến Cam Khả Khả ấm ức quá chừng.
Bé sụt sùi thật lâu, phải đến lúc bà Cam lấy một mảnh vải thừa ra, dạy bé dùng phấn vải thay cho phấn vẽ phác họa lên vải, Cam Khả Khả mới quên đi chuyện này.
Hôm nay được ngắm bức tranh đẹp nhất mà mình từng thấy trên đời, Cam Khả Khả hưng phấn quá đỗi.
Còn đẹp hơn tranh do giáo viên mỹ thuật của bé vẽ ý!
Cô bé không khỏi nghĩ thầm, nếu anh giai kia chịu tặng bé bức họa này, bé sẽ về nhà ngay, rút giấy khen ra khỏi khung kính, lồng bức tranh này vào!
Lâm Tri không ngờ tác phẩm mình vẽ hú họa lại khiến cô nhóc phấn khởi như thế.
Cậu gật đầu rất thản nhiên, "Tặng em đó."
Phải tội cậu đứng trên lầu, còn nói bằng ngữ điệu đều đều nhè nhẹ bình thường, lời còn chưa lọt vào tai Cam Khả Khả thì đã bị gió thổi tan tác.
Cam Khả Khả chỉ thấy miệng anh giai kia cử động, bé vội kéo người bên cạnh.
"Chú Nhiếp, anh ý nói gì thế ạ?"
Nhiếp Chấn Hoành cũng không nghe rõ, nhưng mắt anh lại thấy rõ đôi môi mấp máy của Lâm Tri.
"Anh ý nói là..."
Nhiếp Chấn Hoành đè phẳng những nếp gấp trên giấy vẽ giúp cô bé, nhẹ nhàng vuốt ve bím tóc nhỏ của bé.
"Anh ý bảo Khả Khả nhà mình đáng yêu thế này, đương nhiên phải tặng tranh cho con rồi."
[HẾT CHƯƠNG 9]
Chương 10: Bán miếng lót giày
Buổi chiều, Nhiếp Chấn Hoành chơi với cô nhóc một lúc lâu, chờ bà Cam mua đồ xong đón cháu về, thì anh cũng tiện thể đóng cửa hàng luôn.
Nếu hỏi làm ông chủ có chỗ nào hay, thì đấy là có thể tự quyết định mình sẽ tan làm vào lúc nào. Nhiếp Chấn Hoành đi chéo qua bên kia đường mua đồ ăn về. Tới nhà, anh làm hai món mặn một món chay, giải quyết xong bữa tối, còn có đồ thừa để bữa sau.
Căn nhà anh mua từ ngày xưa này cũng không quá nhỏ, có ba phòng ngủ một phòng khách. Đấy là do mẹ anh khuyến khích mua, bà bảo mua rộng một tí, sau có con cái cũng tiện.
Hồi đấy chân Nhiếp Chấn Hoành còn chưa bị thương, chẳng qua anh bận rộn kiếm tiền suốt ngày, không thấy tăm hơi người yêu người đương đâu. Nhưng vì không chịu nổi việc cứ phải nghe mẹ càm ràm, nên anh đã mua một căn hộ lớn.
Giờ căn hộ hơn trăm mét vuông chỉ có mình anh sinh sống, ngã một cái là nghe vang khắp nhà.
Cơm nước xong, Nhiếp Chấn Hoành đi qua ngồi xuống sofa.
Nghe tiếng Bản Tin Thời Sự phát trên TV, anh duỗi tay lấy lọ dầu bóp trên bàn nước, đổ vài giọt vào lòng bàn tay, ủ cho nóng rồi bôi lên mắt cá chân trái.
Ban ngày vừa bế trẻ con vừa chạy chơi, hoạt động bên chân này nhiều, vết thương cũ lại bắt đầu đau nhâm nhẩm.
Anh thoa dầu thuốc lên xương mắt cá cực kỳ thuần thục, tới khi Bản Tin Thời Sự kết thúc, anh mới đeo dép vào lần nữa, vào phòng bếp rửa tay, tiện thể rửa bát luôn.
Trong cùng tòa nhà ấy, ở lầu dưới xeo xéo với nhà Nhiếp Chấn Hoành, một cậu thanh niên đang chậm chạp mở cánh cửa đã bị gõ rõ lâu ra.
"Anh ở nhà ạ, em còn tưởng nhà mình không có ai cơ."
Nhân viên giao đồ ăn gãi đầu, đưa hộp cơm mình đang cầm cho chủ nhà. Cậu ta liếc thấy một đống hộp ăn xong còn chưa kịp vứt kế cửa, miệng không khỏi hé ra.
"Anh..." bị tật ở chân nên đi lại khó khăn à?
Nhân viên giao đồ ăn rất giỏi tưởng tượng lung tung, cậu ta tốt bụng hỏi, "Anh có muốn em vứt rác hộ không?"
Lâm Tri sửng sốt, liếc mắt theo hướng nhân viên ship hàng đang nhìn. Cậu suy nghĩ mấy giây, nhưng cũng không từ chối.
"Ồ. Cảm ơn."
Cậu mà bắt tay vào vẽ, là rất dễ quên khuấy mất thời gian. Thi thoảng buông bút xuống thì đêm đã khuya lắc khuya lơ, cậu nghĩ bụng mai phải nhớ mà đi vứt rác. Kết quả hôm sau thức dậy cầm bút lên, cậu lại quên tiệt mất.
Trước kia... mẹ toàn nấu cơm cho cậu, vứt rác giúp cậu.
Nhân lúc gã đàn ông kia không có nhà, mẹ còn kéo cậu ra ngoài đi dạo, đi xem triển lãm tranh với cậu nữa. Cậu... cậu chẳng cần nghĩ về điều gì khác cả.
Nhớ đến mẹ, bầu không khí xung quanh Lâm Tri chùng hẳn xuống, đôi mắt vốn không có mấy ánh sáng lại càng u tối hơn.
Nhân viên giao đồ ăn chỉ cảm thấy một làn khí lạnh khó tiếp cận tản ra từ người này, vội khom lưng xách túi rác kia lên rồi chạy xuống lầu.
Xuống được nửa cầu thang, cậu ta mới nhớ ra để gào vọng lên, "Phiền anh đánh giá tốt 5 sao cho em nhé ạ!"
Chẳng thấy được mặt nhau, nhưng Lâm Tri vẫn gật đầu, tựa cửa mở phần mềm đặt đồ ăn ra.
Cậu nghiêm túc ấn năm ngôi sao vàng nho nhỏ.
*
Hôm sau thức dậy, chân Nhiếp Chấn Hoành đã không còn đau nữa.
Anh xem giờ, phát hiện đã gần đến giữa trưa, nên cũng chẳng vội xuống lầu mở tiệm, mà tập thể dục ở nhà một lát, rồi giải quyết bữa trưa.
Tuy một chân hơi tật, nhưng những bộ phận khác trên cơ thể Nhiếp Chấn Hoành vẫn rất khỏe mạnh.
Bác sĩ ngày xưa làm phẫu thuật cho anh từng dạy anh mấy bài tập phục hồi chức năng, Nhiếp Chấn Hoành luôn thực hiện những bài tập ấy chung với mấy động tác bình thường như chống đẩy, gập bụng.
Dù gì giờ anh đã thế này rồi, về già sẽ càng khó khăn hơn. E là lúc già anh còn phải mua xe lăn, nếu giờ không tập luyện cho người ngợm khỏe khoắn một tí, thì sau này một mình lẻ loi hiu quạnh, sẽ lại càng khổ hơn.
Đây là nguyên văn lời bà Nhiếp nói với anh.
Bà Nhiếp từng sống chung với Nhiếp Chấn Hoành ở đây một thời gian để tiện chăm sóc con trai.
Nhưng về sau thấy Nhiếp Chấn Hoành suốt ngày biếng nhác lợn chết không sợ nước sôi, cũng chẳng thèm tìm người yêu người đương, bà nói mãi mà anh không chịu thủng, nên cáu quá dọn về nhà con gái ở luôn, coi như mắt không thấy tim đỡ phiền.
Nhiếp Chấn Hoành chỉ ước chi mẹ mặc kệ mình, nhưng trong lòng thì vẫn nghe thấu lời cằn nhằn của mẹ, thường hay tập tành vận động trong nhà.
Tuy anh chẳng trông mong chân mình lành lại được, nhưng bét ra cũng không thể trở thành lão bụng phệ như ông hàng xóm Vương Kim Bảo được.
Thế thì lại mất mặt quá.
Ăn xong bữa trưa, Nhiếp Chấn Hoành mới từ tốn xuống lầu.
Lúc đi qua tầng 2, anh thoáng thấy hộp cơm vẫn còn chưa bóc tem ngoài cửa, không khỏi lắc đầu.
Nếp sinh hoạt của cậu nhóc ngố kia chẳng lành mạnh gì cả.
Ru rú trong nhà vẽ tranh hết cả ngày thì cũng thôi, nhưng hình như hôm nào cũng ăn cơm hộp, thời gian các bữa còn chẳng theo quy luật gì. Thi thoảng anh dọn quán về trễ, tới nhà rồi mà vẫn thấy cơm hộp Lâm Tri gọi từ trưa để ngoài cửa, chưa được ai mang vào.
Nhiếp Chấn Hoành không phải là kiểu thích ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng.
Nhưng chẳng rõ tại sao, tưởng tượng đến cái vẻ ngáo ngơ đủ đằng của Lâm Tri, và cả đôi mắt không có ánh sáng của cậu, anh lại không kìm nổi lòng mình mà nảy sinh mấy suy nghĩ vu vơ.
Tuổi còn trẻ, mà lại giống cụ già sống trong thế giới riêng hơn cả anh, không có người thân nào quan tâm cậu ta hay sao?
Nhưng anh cũng chỉ giữ suy nghĩ vu vơ ấy trong lòng mà thôi.
Họ chẳng thân quen gì với nhau, Nhiếp Chấn Hoành cũng không tốt bụng được như Trương Thúy Phương.
Cho nên lần này anh cũng chỉ nhìn lướt qua hộp cơm ngoài cửa rồi xuống lầu mở tiệm.
Vào các ngày thường trong tuần, lượng khách của tiệm sửa giày đều chỉ vầy vậy. Dù gì hầu hết mọi người còn phải đi làm sáng đi chiều về, chỉ có một số cụ già đã nghỉ hưu là mang đồ cần sửa qua vào ban ngày thôi.
Nhiếp Chấn Hoành sửa lại khóa kéo bị hỏng trên túi da giúp một bác gái, rồi lại đánh hai chìa sơ cua cho chiếc xe đạp điện mới của cậu nhân viên ship hàng. Lúc rảnh rang pha một tách trà, anh thấy bà Cam dắt đứa cháu gái đi từ đầu đường bên kia đến tiệm anh.
"Tiểu Nhiếp à..."
Giọng bà cụ hơi yếu, bà vừa mở miệng là ho mấy cái liền.
"Bà ơi, bà cảm lạnh ạ?"
Nhiếp Chấn Hoành vừa đun nước xong, lấy một cốc khác ra pha trà đưa cho bà Cam, "Bà uống miếng nước giải khát ạ."
"Có sao đâu có sao đâu, hôm qua bà phơi tí gió thôi."
Bà cụ xua tay, nhưng cũng không từ chối ý tốt của Nhiếp Chấn Hoành, cầm cốc lên uống một ngụm.
"Bà đừng chê cháu nặng lời. Nhưng giờ còn đang rét tháng Ba, bà nên mặc nhiều hơn ạ, đừng để bị cảm." Nhiếp Chấn Hoành vừa nói, vừa xoa đầu cô bé để tóc thắt bím đằng sau bà, "Khả Khả còn phải trông chờ bà chăm sóc tới lúc lớn đấy ạ."
"Ừ, bà biết rồi."
Bà Cam cũng biết Nhiếp Chấn Hoành có ý tốt, nụ cười nở trên gương mặt bà, có điều những nếp hằn do biến cố gia đình mấy năm trước vẫn còn rất sâu.
"Con yên tâm, bà già này vẫn còn sức, phải chờ Khả Khả nhà bà lớn rồi lấy chồng nữa chứ."
Bà nhìn đứa cháu thơ ngây ngô, lại tự trách bản thân, "Hầy, nếu không phải tại ngày xưa bà cứ đòi lên thành phố ở, thì bố mẹ nó cũng không phải đi xe đường dài để tích tiền mua nhà... Vợ chồng son chúng nó nỡ lòng nào ra đi dứt khoát quá, kẻ đáng chết như bà còn phải ở lại đây chuộc tội..."
"Bà Cam, bà còn nghĩ thế nữa là cháu phải mắng vốn bà đấy ạ!"
Nhiếp Chấn Hoành cố ý nghiêm mặt lại, "Đáng chết là thế nào? Tên say rượu lái xe gây tai nạn kia mới đáng chết chứ. Con trai con dâu bà hiếu thảo với bà, giờ Khả Khả cũng ngoan thế này, sau này bà sẽ được hưởng phúc thôi ạ! Bà đừng nói những chuyện hẩm hiu mãi thế, con nít nghe được lại không hay."
Thật ra bà cụ cũng hiểu cái lý ấy. Phải tội có tuổi rồi, người ta hay thích nghĩ ngợi nhiều. Nghe được những lời nói đượm vẻ quan tâm của Nhiếp Chấn Hoành, nỗi buồn đau trong lòng bà cũng tiêu tan.
Đúng vậy, con trai con dâu đều đi rồi cả rồi, nhưng bộ xương già này hẵng còn sống được mươi hai mươi năm nữa. Giờ điều quan trọng nhất là phải nuôi nấng cháu gái yên ổn tử tế.
"Tiểu Nhiếp, cảm ơn con nhé."
Bà Cam móc mấy tờ tiền ra khỏi túi, "Con có lòng thơm thảo, bình thường bà và Tiểu Khả được con quan tâm đỡ đần nhiều thì thôi, con còn bán miếng lót giày hộ bà nữa chứ..."
Nhiếp Chấn Hoành vừa thấy số tiền kia, là biết ngay tại sao hôm nay bà Cam lại tới đây.
Bàn tay chằng chịt nếp nhăn của bà Cam túm lấy Nhiếp Chấn Hoành, kiên quyết nhét tiền vào lòng bàn tay anh.
"Con có bán được mấy đôi lót giày đâu, mà nhét nhiều tiền cho Khả Khả như thế làm gì? Con lấy về đi, hai bà cháu bà còn chưa tới nỗi không sống nổi mà..."
Dù sao Nhiếp Chấn Hoành cũng là đấng mày râu, anh muốn né là né được ngay thôi. Nhưng thấy thái độ của bà cụ cứng rắn như thế, anh đành phải cầm tiền trước đã.
"Bà ơi, bà hiểu lầm cháu thật rồi," anh chỉ về phía cái móc sắt treo trên tường, "Sao lại không bán được lót giày hở bà?"
Có rất nhiều đồ vật linh tinh được treo bằng những cái kẹp nhỏ, nào là tất, móc chìa khóa, dây lưng, vân vân. Đấy đều là những món đồ bán kèm trong tiệm sửa giày của Nhiếp Chấn Hoành. Thi thoảng khách đến sửa giày thì tiện thể mua luôn.
Trên giá treo tường, có vài cặp lót giày vừa nhìn đã biết là hàng thủ công.
Chỉ thêu sặc sỡ vẽ nên những hoa văn đa dạng trên miếng lót giày, có hoa mẫu đơn diễm lệ đua nở, cũng có hoa văn tượng trưng điềm lành như ý. Đôi nào cũng được khâu vá tỉ mỉ bằng từng đường kim mũi chỉ. Để làm ra một cặp lót giày thế này, nhanh cũng phải ba bốn hôm, tốn cả vạn mũi kim.
Mỗi một đôi lót giày đều được bọc cẩn thận bằng bao nilon trong suốt, còn ghi cả size bằng bút dạ. Chẳng qua, hoa văn trên những miếng lót giày kia đều quá cổ lỗ và quê mùa, không còn theo kịp trào lưu thời trang bây giờ.
Nhiếp Chấn Hoành gõ lên giá treo tường mấy lần, "Bà nhìn này, lần trước bà mang qua cho cháu mười đôi, giờ chỉ còn 5 đôi thôi đấy.
"Hôm qua đúng dịp Khả Khả sang bên này, nên cháu gửi tiền bán 5 đôi cho con bé trước." Anh quơ quơ chỗ tiền mình đang cầm, "Giờ bà lại trả về cho cháu, làm thế sao được bà ơi?"
Thấy bà cụ có vẻ đã xuôi xuôi, đang nghiêm túc đếm số cặp lót giày trên tường, Nhiếp Chấn Hoành mới thở phào nhẹ nhõm.
Anh vẫy tay gọi Cam Khả Khả vẫn luôn im thin thít đằng sau bà cụ tới cạnh mình, lại nhét tiền vào cái túi đeo chéo nho nhỏ của con bé.
Anh nói với bà Cam, "Tiền này bà cực khổ kiếm được. Bà không cần, thì cũng phải để Khả Khả nhà mình dùng chứ ạ?"
Có lẽ hôm qua về nhà con bé đã bị bà sạc cho một trận, nên hôm nay trông không được hoạt bát lắm. Nhưng nghe Nhiếp Chấn Hoành nói vậy, bé lại ôm túi lén cười thầm.
Bé không hiểu cung cách lòng vòng quanh co của người lớn, bé chỉ biết chú Nhiếp bảo tiền này là do bà kiếm được, nên bé thoải mái nhận thôi.
Nhiếp Chấn Hoành vụng trộm đóng ngăn kéo dưới bàn làm việc đằng sau mình chặt thêm chút nữa.
Trong đấy còn giấu mấy đôi lót giày, không thể để hai bà cháu nhìn thấy được.
Bà Cam nghiêm túc đếm xong số lót giày trên tường, thầm thở phào trong lòng. Nhưng ngoài miệng bà vẫn nói cứng, "Nhưng cũng làm gì nhiều bằng số tiền con nhét cho nó! Lót giày của bà một đôi có vài tệ bọ, con đưa gần 100 tệ rồi!"
"Bà ơi, giờ là thời nào rồi ạ? Giá hàng hóa lên nhanh lắm, bà xem sạp rau của Lão Chu nhà bên kia, nửa ký rau còn được bao nhiêu tiền ấy!"
Nhiếp Chấn Hoành trợn mắt nói dối, "Cháu quyết định lấy giá mấy miếng lót này đắt hơn, nhưng vẫn có người mua đấy ạ. Tụi trẻ bây giờ chịu chi lắm, bà ơi, bà đừng có lo ạ."
"... Vậy à."
Bà cụ cũng hơn 60 tuổi rồi, không theo kịp thời đại, đến cả di động bà dùng vẫn là loại bấm nút. Nghe Nhiếp Chấn Hoành nói có sách mách có chứng như thế, bà cũng tin là thật ngay.
Chi phí làm lót giày không cao, chỉ tốn tiền vải bông và kim chỉ thôi. Nhiếp Chấn Hoành để giá cao là có thêm lợi nhuận, bà Cam vui lắm, nhưng tay lại giựt cái túi nhỏ mà đứa cháu đang ôm, mở ra đếm lại tiền.
"Tiền kiếm thêm cũng là nhờ công lao của con, con còn dành chỗ bán hàng giúp bà. Kiểu gì thì kiểu, con cũng phải cầm một nửa về!"
"Ôi bà ơi bà à, bà đừng chi li với cháu như thế chứ!"
Nhiếp Chấn Hoành hơi đau đầu. Bà Cam tốt đủ đằng, phải tội giàu lòng tự trọng quá, hay chi li mấy chuyện ơn ai huệ gì, không muốn nhận sự giúp đỡ của người khác.
Anh túm chiếc túi của cô bé, lại kéo khóa lại, đoạn vỗ mu bàn tay bà cụ, "Quán cháu to thế này, có bán được lót giày cho bà không cũng chẳng ảnh hưởng đến việc làm ăn nhà cháu đâu ạ. Biết đâu nhờ bà nên cháu mới có thêm khách ấy chứ, bà đừng bận tâm mấy việc lắt nhắt này nữa mà.
"Nếu bà cứ tính toán chi li như thế, thì lần tới bà mang canh sang cháu cũng chẳng dám uống đâu!"
Bà cụ sống cùng đứa cháu gái trong một căn nhà trệt ở đoạn đường thuộc khu tập thể cũ. Chỗ đấy có một tiệm may, chủ nhà là một bà góa, cũng có một căn trong khu nhà của xưởng máy móc. Thấy hai bà cháu đáng thương, nên dì đã để lại căn phòng đằng sau cho hai người ở. Bình thường bà Cam phụ việc là ủi khâu vá trong tiệm may, coi đấy như tiền thuê nhà, tiện thể kiếm chút học phí cho cháu gái.
Hàng xóm láng giềng xung quanh đều biết tình cảnh nhà hai bà cháu, bình thường hay quan tâm giúp đỡ, bà Cam cũng có qua có lại. Thi thoảng nhà có dôi ít tiền, bà sẽ mua ít thổ sản trên núi, tự nấu mấy món, sau đấy chia cho những láng giềng mình quen biết mỗi nhà một phần.
Bà Cam thấy Nhiếp Chấn Hoành nằng nặc từ chối, nên cũng không cố chấp nữa.
Bà lại thành tâm cảm ơn vài câu, rồi mới dắt tay cháu gái định về. Nhưng trước khi đi, bà lại nhớ đến một chuyện khác.
"À đúng rồi Tiểu Nhiếp, hôm qua Khả Khả mang một bức tranh về nhà, nói là một anh nào đấy tặng nó, cháu có biết không?"
Bà cụ không được học hành, nhưng cũng cảm thấy bức tranh kia khá đẹp. Bà sợ cháu mình nói dối, trộm từ nhà nào, hình thành thói xấu ăn cắp vặt.
Cam Khả Khả nghe bà hỏi thế, vội lén kéo vạt áo của Nhiếp Chấn Hoành.
Nhiếp Chấn Hoành cười vỗ đầu cô bé, để bé yên tâm, rồi lại dẫn bà Cam ra ngoài cửa tiệm, chỉ tay lên một chỗ xeo xéo trên đầu bà cụ.
"Đây, cậu ấy tặng đó ạ."
Trên ban công, cậu thanh niên thường hay nhìn giá vẽ đăm đăm lạ thay lại không ngẩn người, mà đang bưng một bát cơm, tựa người bên lan can.
Cậu đang nhai thức ăn, má phồng thành hai cục tròn xoe. Thấy ba người dưới lầu bỗng nhiên nhìn về phía mình, cậu cứng đờ bất động như phản xạ có điều kiện.
Y hệt đang nghe lỏm thì bị bắt quả tang vậy.
—
Nha Đậu:
Tri Tri: ...Chít?
[HẾT CHƯƠNG 10]
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro