Tháng 2-3: Thỏ Lông Xù
NHỮNG THANH ÂM GIAO THỜI
Màn đêm đen đặc, lơ thơ mấy vạt mây mỏng bện vào nhau như tàn tích của một năm mưa bão kéo dài. Nhưng tất cả mọi người đều biết, tối nay sẽ kjó mà có giọt nước nào rơi từ trên trời xuống. Từ khi nó được sinh ra tới giờ, chưa từng có đêm giao thừa nào Ngọc Hoàng thượng đế lại nở đổ mưa.
Nó nhìn xung quanh nơi này một lượt. Cả khoảng không nói rộng chẳng rộng, hẹp chẳng hẹp, chỉ là cái công viên tự phát bé xíu bằng ba bốn lô đất nền gọp lại. Nghiễm nhiên, từ đầu chí cuối sân không có lấy bóng người. Giờ này ai nấy cũng đều chuẩn bị đón giao thừa cùng gia đình hoặc kéo nhau lên trung tâm thành phố xem pháo hoa cả rồi.
Giữa tĩnh mịt, giai điệu mừng xuân xa xa vọng đến, chẳng thể nghe rõ lời. Nó lại lắng lỗ tai lên, cố gắng lắm cũng chỉ có âm thanh trò chuyện nho nhỏ, bát đĩa cúng chạm vào nhau. Xéo phía góc đèn đường đối diện, bà Hai Xôi đang ôm bát xôi đầy ụ, bóng lưỡng chuẩn bị đồ bái tế. Nó nhìn đồng hồ, còn hẳn ba mươi phút nữa mới đến giao thừa. Khuôn miệng nhỏ nhếch lên nụ cười nghịch ngợm.
"Đùng"
Cú nổ lớn đến mức vài người khu trong nhà ùa ra ngó dáo dác. Bát xôi của bà Hai đã chia năm xẻ bảy, từ đồ cúng thành của cô hồn. Bà sợ đến nỗi khuôn mặt trắng bệt, từ từ té xuống sàn xi măng lạnh ngắt. Hàng loạt tiếng chó sủa dồn dập ùa tới đầy hoảng loạn. Còn nó thì đứng cười ha hả.
- Thằng oắt con, về nhà mau! - Tên đàn ông to khỏe quát lớn, cũng thuận đà vung tay đe dọa.
- Trời ạ! Con cô Yến ở đầu ngõ đây mà! - Chị gái tóc xõa dài ngao ngán lắc đầu. - Đúng là không thể dạy nổi.
Mặc kệ những lời mắng chửi hay dạy dỗ, nó vẫn ôm bụng nắc nẻ như được mùa. Chỉ là một quả pháo lại có thể khiến gần như cả khu phố phải nhào ra đường, thật vui hết sức.
Cuối cùng, không muốn cuối năm còn sinh chuyện, người ta lần lượt trở vào nhà với tâm trạng xám xịt. Những tưởng mọi chuyện đến đây là kết thúc.
Chỉ mươi, mười lăm phút sau, cả khu phố lần nữa dậy sóng. Tiếng vang lần này thậm chí còn lớn hơn cả lần trước. Giống như tiếng đạn bắn lại tựa hồ boom nổ ngay bên tai. Ở cái thời buổi nhà nước cấm đốt pháo đã hơn hai mươi năm, thì cái âm thanh ấy không khác gì cảnh báo khủng bố.
Tim vài người xém chút nữa rớt ra ngoài. Ai yếu bóng vía, giàu sức tưởng tượng thì bủn rủn tay chân, mặt cắt không còn chút máu. Tệ hơn hết là nhà bà Hai Xôi. Còn chưa đầy mười phút nữa năm hết, tết đến, mà xe cấp cứu phải tới tận nhà khiêng bà cụ ra gấp. Tiếng chó sủa không khác bài ca cổ động đầy phẫn nộ là mấy.
Lần này, người ta không nhỏ nhẹ dạy dỗ nữa, mà chỉ thẳng mặt, gọi tên nó là đồ mất dạy. Mẹ nó cũng xuất hiện, cầm theo cây roi thật to, ra sức kéo tay nó về nhà.
- Không muốn. - Nó gào lên. - Không muốn, con không muốn về nhà!
- Không về nhà cũng không thể đốt pháo.
- Có tin tao báo công an bắt mày không hả?
- Cô có biết dạy con không hả?
- Đúng là có mẹ không có cha, vô giáo dục.
Mỗi một cái miệng góp một câu, càng về sau lại càng quá đáng. Nhưng đối với nó chẳng hề gì. Nó có mẹ, mẹ nó đẹp, nhà nó giàu, anh nó làm bảo kê, chẳng việc gì thằng bé như nó phải quan tâm đến lũ người kia. Bọn họ vừa già, vừa xấu lại cỗ hủ, lại còn ngu ngốc. Ngày xưa ông bà ta đốt pháo, thì bây giờ nó cũng đốt. Vậy thì mới gọi là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Nó tự thấy mình thật thông minh.
Kim phút chỉ còn hai vòng xoay nữa sẽ hoàn thành chu kỳ công việc của nó. Dì Yến cũng hết thuốc với thằng con trời đánh, đành bỏ vào nhà kèm theo câu đe dọa: "Không về thì đừng về nữa!"
Nó nghe xong, càng cảm thấy thỏa mãn hơn. Không về nhà thì nó chạy sang nội, nhà nội chỉ cách đó hơn trăm mét, chạy loạn cũng đến nơi. Nó chỉ muốn ở đây chơi đốt pháo. Thanh âm long trời lỡ đất mới đúng là tết. Chứ thời buổi bây giờ, nhà nào nhà nấy, đóng cửa tự chơi với nhau đến nhàm chán. Trẻ con còn chẳng quan tâm bánh chưng, bánh tét với bành dày có ý này, nghĩa nọ. Thời buổi vật giá leo thang chẳng, có nhà đến chậu bông còn ngại vác về chưng trước ngõ. Tết bây giờ nhạt quá thể.
Lại đùng một tiếng. Chưa tới năm chó, mà chó đã được dịp lên tiếng sủa rần trời. Cả khu phố xôn xao tiếng chửi rủa. Có ông cụ nghiến răng nuốt giận, sợ qua năm mắc phông lông, xui rủi vào nhà. Nhưng tuyệt nhiên, chẳng ai bước chân ra cửa nữa. Người ta còn bận khấn, bận vái lạy ông bà tổ tiên. Trẻ con bận vẽ nụ cười công nghiệp, chờ tiếng chuông báo giao thùa xòe tay xin phong bao. Thiên hạ bận lắm, đâu ai để ý bóng tối vừa ghé qua.
Trên dãi lụa đen tuyền mềm mại, loạt pháo hoa nổ tung rực rỡ xanh đỏ tím vàng. Người ta hô vang chúc mừng năm mới. Bài hát u ám "Happy new year" vô thưởng, vô phạt ngâm nga đầy quen thuộc. Nhà thờ cũng ngân lên từng hồi chuông trong trẻo. Tiếng chuông giao thừa không chút lặng lẽ.
Xe cứu thương lần nữa rẻ vào con hẻm nhỏ, dừng lại góc công viên. Người mẹ trẻ gào khóc gọi tên con mình. Mấy người trong khu phố thò đầu ra cửa trông theo. Kẻ lắc đầu ngao ngán, kẻ lẫm bẫm "đáng đời", vài kẻ khác không nói nên lời.
Trên cáng cứu thương, đứa trẻ tầm mười hay mười hai tuổi gì đấy, gương mặt bê bết máu. Âm thanh giao mùa rộn rã thật, nhưng tết vẫn nhạt như nước ốc. Mùa xuân năm sau, hy vọng âm thanh giao mùa sẽ tròn đầy hơn. Khi mà người ta biết gìn giữ văn hóa hơn, và ý thức của đứa trẻ kia cũng trưởng thành hơn.
***************
Lời của thỏ: Thật là, đầu năm có quá nhiều việc để làm nên gần như thỏ quên mất vụ này luôn. Thật xin lỗi hết sức. Lần này thỏ chọn đề tài khá lạ, mong là người đọc sẽ chiêm nghiệm một chút nhé. Thỏ không đặt tên nhân vật "nó", vì đối với thỏ "nó" đại diện cho một thế hệ trẻ đang muốn giữ lại cái hồn dân tộc, nhưng chưa hiểu và chưa thực sự ý thức được cách làm của mình. Còn cái khu phố nơi "nó" ở chính là người trưởng thành trong xã hội ngày nay. Hy vọng, đề tài này không quá khó nuốt.
Mà nếu có còn lần sau, góp ý ai ra đề không cần phải ra nhiều đề, nhưng thỏ hy vọng đề sẽ chắc và không lang mang như lần này nhé. Đề quá rộng, xem như không có tường rào, để ý tưởng cứ thế trôi về nơi xa, chẳng có gì giữ lại hết trơn.
Thỏ Lông Xù đóng dấu, ký tên.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro