Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

CHƯƠNG I: TRÙNG PHÙNG SAU XA CÁCH - CÁCH BIỆT TRÙNG PHÙNG

*

(1). Liên quan đến điển cố "nam qua đề lương" (quai ấm bí ngô). Từ câu này mà Trần Hồng Thọ (1768 - 1822) nảy ra ý tưởng thiết kế ấm trà có quai xách (để nhấc ấm) thay vì quai cầm như thông thường.

(2). Trích bài Vọng Giang Nam - Siêu Nhiên đài tác (Vọng Giang Nam - Làm trên đài Siêu Nhiên) của Tô Thức.

(3). Trích từ bài thơ về trà Thứ vận Tào Phụ ký hác nguyên thí bồi tân trà (Đáp lời Tào Phụ nhờ ngọn suối pha thử trà mới) của Tô Thức.

(4). Thẩm Tùng Văn (1902 - 1988) là một trong những nhà văn vĩ đại của Trung Quốc hiện đại. Biên thành, một tác phẩm được đánh giá là kiệt tác của ông đã được xuất bản ở Việt Nam.

(5). Lục Vũ là một học giả uyên bác thời nhà Đường, đóng góp nhiều cho văn hoá trà của Trung Quốc. Trà kinh là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của ông.

(6). Trích hồi 22, Hồng lâu mộng, bản dịch của nhóm Vũ Bội Hoàng.

                           ____________

Ngày xuân rực rỡ, vạn vật đều thức tỉnh, trong nhân gian, thứ phong nhã nhất cũng nặng tình nhất chính là mùa này. Giang Nam muôn tía ngàn hồng, khói nước mênh mang, tùy ý tìm kiếm một góc nhỏ bình thường cũng có thể thấy sắc xuân, cũng là biêng biếc thắm hồng. Mùa này hợp với những cuộc trùng phùng ở một đô thành nào đó, hàn thuyên với cố nhân xa cách lâu ngày, nhận ra chính mình của kiếp trước.


Tháng Tư của nhân gian là mùa đep như gấm thêu, cũng là những ngày đẹp nhất để uống trà. Trong thưởng trà, người ta đều nhắc đến nước xuân ý thu, nước trà của mùa xuân thanh tân tự nhiên, không có một chút cũ kỹ nào, giống như suối trong giữa núi sâu, lại giống như sương sớm trong cánh hoa, tinh khiết ngọt ngào. Còn trà thu giống như một nhã sĩ đã sớm hiểu thấu thế sự, lại tựa như một giai nhân xinh đẹp đa tình, trầm tĩnh mà đầy ý vị.


Bạn bè vô số nhưng bạn trà khó tìm. Uống trà khiến người ta tĩnh tâm, minh tâm kiến tính và cũng chống đỡ được giấc mộng trần. Một mình sau một buổi chiều mưa nào đó, bỏ một nhúm trà mới vào trong chén, rót nước sôi vào, ngắm từng lá trà từ từ duỗi ra, qua mấy lượt chìm nổi, nước trà xanh biếc hiện ra, mới trở thành một chén trà thơm vui mắt sướng lòng, thơm hương mê người.


Trà là nước trầm tĩnh, lạc giữa mây mù, lấy trọn tinh túy hồn phách của trời đất, có thể hiểu thấu nhân sinh, lĩnh ngộ thiền ý. Một chén trả trong cùng một căn phòng đầy thư tịch, còn có mùi hương tươi mới của cỏ cây ở ban công sau cơn mưa. Tâm sự như được gột rửa, mọi phiền não danh lợi của thế tục đều lắng lại trong một chén nước trà, những chuyện xưa rối rắm không còn vương bóng nữa.


Từ xưa tới nay đã có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng viết về trà, nhưng tôi ấn tượng nhất là Uống trà của Chu Tác Nhân. Uống trà ở dưới song cửa sổ giấy, mái ngói, nước suối trong trà biếc, dùng trà cụ bằng gốm sứ, cùng uống với đôi ba người, có được cái thú nhàn nhã dài ngày, có thể chống đỡ được giấc mộng trần mười năm. Còn có Nhàn tình ký thú của Thẩm Tam Bạch và những câu chuyện thú vị chốn khuê phòng của Vân – người vợ của ông. Lúc hoa sen mùa hạ mới nở, sáng nở mà chiều ngậm, Vân dùng túi vải sa nhúm một ít lá trà, đặt ở giữa nhụy hoa, sáng hôm sau lấy ra, đun nước suối trời mà pha trà, hương thơm vô cùng tuyệt diệu.


Trà có thể làm say lòng người cũng có thể tu tâm. Trà quý ở cái trong, tựa như một vùng nước xuân trong leo lẻo, rửa sạch phàm trần bận bịu, có được cái hứng thú nửa ngày. Gió thông lò trúc, nhấc ấm chào nhau(1), là tình điệu và ý cảnh của văn nhân nhã sĩ thời xưa lúc uống trà. Tụ tập giữa rừng thông, nhóm lò trúc đun nước, trải chiếu ngồi thưởng trà, hương trà lẫn tình thơ khiến khiến cho thời gian cũng như chậm lại, quên mất phải trôi đi.

Lại nhen lửa mới đun trà,
Rượu thơ vấn vít tuổi hoa(2)

Là nhàn tình hứng thú uống trà của Đông Pha cư sĩ, cũng là tâm sự lãng mạn của ông. Tô Đông Pha là tài tử phong lưu, thường làm bạn với giai nhân, du ngoạn khắp núi sông, không uổng một đời. Ông có vợ là Vương Phất tình sâu ý nặng, ơn sâu như bể, sau này còn có Vương Nhuận cùng ông đồng cam cộng khổ, khi già cũng có hồng nhan tri kỉ Vương Triêu Vân bầu bạn. Triêu Vân bệnh mất, Đông Pha cư sĩ không còn vương vấn ái tình nữa, luôn sống một mình và làm bạn với thi từ trà hương.


Xưa nay trà ngon như người đẹp(3), một bình trà ngon, dịu dàng như người đẹp nước thu, phong thái yểu điệu tha thướt, thanh lệ tuyệt trần. Trong nhà sáng sủa sạch sẽ, sứ men xanh, gốm tử sa, lò trúc lọ sứ, lấy nước suối để pha trà, rót một chút vào chén uống từ từ mới cảm nhận được mùi vị thực sự trong đó, cũng có thể thưởng thức một niềm vui thanh nhã. Uống hết mấy chén trà, rửa sạch mọi mệt nhọc, nội tâm trong vắt, hương thơm thanh mát phảng phất mãi. Tôi cũng trở thành người giai nhân pha trà ấy, giữa nước trà trong nhìn thấy đời này kiếp trước của chính mình.


Duyên phận với trà giống như duyên phận với con người, duyên sâu duyên nông đều ở trong khói lò, chén trà. Một phiến lá xanh nhìn tưởng chừng bình thường, uống vào cũng đủ thanh đạm mà ý vị vô cùng, trước sau không thể quên được. Có những người ngày thường chung sống hờ hững với nhau, cực ít tụ hội, nhưng bất luận là trải qua bao nhiêu năm, khi trùng phùng lại giống như gặp gỡ lần đầu, vẫn là tư vị năm xưa.


Trang Tử nói: "Người quân tử chơi với nhau nhạt như nước". Giá như chỉ là nước thì thực sự quá nhạt nhẽo vô vị. Nếu đây là một chén trà, thoảng vị chát mà ngòn ngọt, thanh khiết nhàn nhã thì chẳng phải sẽ thêm phần thú vị và sâu xa? Gặp được một chén trà phù hợp với mình, hoặc gặp được một người có thể khoan dung với mình, đều là duyên phận, là may mắn.


Đời này trôi nổi bất định giống như mây, đến đến đi đi, gặp gỡ vài người, lại lãng quên vài người. Đến cuối cùng những gì có thể nhớ được chỉ là vài thứ sót lại lẻ loi, những gì còn lại đều tản mát giữa bụi bặm của thời gian. Những người đã từng nắm tay, đã từng thề hẹn ấy lại chẳng ở bên nhau lâu dài, mà những người bình thường tưởng chừng như xa rời, sau nhiều năm vẫn có thể tìm thấy dấu vết của anh ta.


Giống như trà, hương vị thuần hậu mà ngày trước cảm thấy khó quên sau này lại nảy sinh lòng xa cách. Trái lại, những loại nước trà cảm giác thanh đạm lại luôn quẩn quanh trăm ngàn lần trong lòng, không thể cắt bỏ. Cỏ cây hữu tình, chỉ là không thể tự mình nói ra giống như con người mà dốc bầu tâm sự với người mình yêu. Chúng sinh vô ý, thường dễ dàng buông lời thề hẹn rồi vội vã xóa bỏ ký ức của quá khứ.


Cuộc đời của một người rất dài, tất cả mọi chuyện giống như từng cuốn kinh văn không thể nào dịch nổi. Cuộc đời của một người rất ngắn, tất cả mọi buồn vui chỉ nằm trong một ấm trà trong tinh khiết giản đơn. Chúng ta đều chỉ là khách qua đường giữa cõi đời này, không thể nào tự làm chủ những gì có được và đánh mất. Dòng sông duyên phận có thể sẽ khiến cho người thành tâm đối đãi trở nên hoang phế, cũng có thể sẽ khiến đôi bên ung dung phiêu bạt, chẳng rõ tung tích.


Trước sau tôi luôn tin rằng tụ tan ly hợp đều đã có số phận định sẵn. Nhìn thông suốt thế sự biến đổi, cuộc đời xóa bỏ hết những phức tạp, giữ lại giản đơn, quay lại với sự chất phác, chân phương, ấy mới là ý nghĩa thực sự. Có một ngày, tùy ý hái chiếc lá tươi trên cành cổ thụ, uống trà bằng món đồ gốm thô mộc, viết những dòng chữ như nước chảy mây trôi, chuyện trò với người tri kỷ tựa gió lành, có thể đây chính là cảnh mà tôi luôn theo đuổi.


Thẩm Tùng Văn(4) từng nói: "Cả đời tôi đã đi qua đường ở rất nhiều nơi, đi qua cầu ở rất nhiều nơi, ngắm mây rất nhiều lần, uống rất nhiều loại rượu, nhưng chỉ yêu một người ở độ tuổi thích hợp nhất." Có thể mỗi người đều từng có một lịch trình và tâm sự giống như vậy, chỉ là bị thời gian thúc giục nên dần dần nhạt nhòa đi. Quá khứ như mây nước luôn hữu tình, rất nhiều câu chuyện rốt cùng đều bị lãng quên ở một xó xỉnh không ai hay biết, đến hồi ức cũng trở nên mơ hồ.


Làm một người bình thường đạm bạc chẳng thà làm một bình trà rót vào chúng sinh, bất cứ tình huống nào đều có sự nhàn nhã và phong tình không sao tả xiết. Từ đậm đặc đến thanh nhạt, từ rực rỡ đến trầm tĩnh, chớp mắt ngắn ngủi lại là một đời khó quên. Sau này thời gian ngâm trong trà quá lâu, lãng quên mất cả đường đi của mình, đồng thời cũng quên mất cả lối về. Đối với con người và sự việc không còn lòng phân biệt nữa, ngày tháng trôi qua lặng lẽ, không cần nói chuyện đúng sai, dốc nỗi yêu hận với ai nữa.


Một cuốn Trà kinh của Lục Vũ(5) đã khiến vài lá trà xanh, một bình trà ngon trở thành phong tục thời thượng. Người đọc qua vạn quyển thi thư, đi qua Giang Nam Bắc, nếm qua nước ngàn con sông, cũng chẳng qua là xa cách lâu ngày mà được gặp lại cỏ cây nhân gian. Một chén trà tầm thường có thể khiến nội tâm thức tỉnh, nhưng không phải tất cả mọi người đều có thể đi ra khỏi sự hoang vu của nội tâm, tìm đến cố nhân của quá vãng.


Giả Bảo Ngọc từng viết một bài Ký sinh thảo.


Không phải ta không phải người,
Theo ai nhưng chẳng biết là ai?
Tha hồ đi lại không vướng mắc,
Vui vẻ hão huyền thôi cũng mặc.
Thân sơ ai có kể làm chi!
Trước đây lận đận bởi duyên gì?
Bây giờ nghĩ lại thật là vô vị!(6)


Bảo Thoa nói chàng đã ngộ rồi, lại nói những lời bí ẩn trong sách đạo dễ làm người ta thay đổi tính tình. Lời của Bảo Thoa rốt cuộc vẫn đủ liên hệ đến lời thề hẹn cỏ gỗ từ kiếp trước của chàng và Đại Ngọc.


Nhớ lại lần đầu Bảo Ngọc và Đại Ngọc gặp nhau, Bảo Ngọc từng nói một câu như thế này: Ta đã từng gặp qua cô em này rồi. Giả mẫu cười mà bảo chàng nói xằng, chàng đáp: Tuy là chưa gặp em ấy, nhưng cháu nhìn gương mặt hiền lành, trong lòng đã coi như là quen biết cũ, hôm nay chỉ là xa cách lâu ngày mà gặp lại. Hóa ra mọi cuộc gặp gỡ trên thế gian này đều là xa cách lâu ngày mà gặp lại, chàng và Đại Ngọc đã có hẹn ước từ kiếp trước, kiếp này mới có một mối duyên tình chưa dứt.


Lâm Đại Ngọc thường nói mình là người cỏ cây, kiếp trước của nàng chính là cỏ Giáng Châu mọc bên cạnh hòn đá Tam Sinh. Cỏ cây hữu tình, cớ sao tạo hóa trêu người, duyên phận giữa họ nhiều như thế, đi đến cuối cùng lại chẳng thể cứu vãn được. Con người có sống chết, cỏ cây có tươi héo, thời gian một đời nói qua đi là qua đi, nhìn lại đều là chán chường buồn bã.


Nếu như có thể bắt đầu lại từ đầu thì tốt biết bao. Những người nói câu này đều đã bị thanh xuân vứt bỏ ở rất xa. Một đời của con người rốt cùng có bao nhiêu nuối tiếc, những người ở lại cũng chỉ còn giữ lại hồi ức. Kiếp sau nếu có thể gặp nhau, chỉ coi như xa cách lâu ngày mà gặp lại.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro