Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

0;


1.

Nắng hôm nay còn chẳng đến mức nhạt nhòa, tôi ngồi trên mảnh đất cằn cỗi xác xơ những cỏ cháy, ngắm nhìn bầu trời nhuốm màu ráng chiều và không khí ngai ngái mùi của đất sau cơn mưa vội vã. Một vài suy nghĩ loáng thoáng qua trong đầu, chúng cứ vụt đi như thể sợ tôi bắt kịp, cũng như thể sợ phải đọng lại trong tâm trí tôi.

Có chăng, là về những câu nói mà Thôi Nhiên Thuân đã nói với tôi vào một ngày tháng nào đó tôi còn chẳng nhớ rõ, giờ đây đột nhiên chúng bật ra trong đầu dù tôi không thể hiểu hết ý nghĩa sâu xa anh gửi gắm bên trong.

"Em không lạnh à?"

Thôi Nhiên Thuân đến bên cạnh khoác lên vai tôi chiếc áo đã sờn cũ được chắp vá vụng về từ những mảnh vải đơn chiếc. Tôi cười xòa nép mình giữa vô vàn mùi hương vần vũ nơi đầu mũi.

Đó là mùi của sự nghèo khổ, của bất lực, của những ngày dầm mưa dãi nắng với tương lai mờ mịt phía trước.

Thấm đẫm mùi của anh.

"Sau này nếu có nhiều tiền, anh sẽ làm gì?"

Tôi hỏi bâng quơ rồi lặng nhìn anh trầm ngâm, như rất nhiều lần vẫn thế khi chúng tôi ở bên nhau giữa bốn bề tĩnh lặng. Chỉ có tôi và anh, cùng một điều gì đó nhen nhóm nơi đáy của trái tim rực lửa.

"Anh sẽ sửa sang lại nhà của ông bà, sẽ không để ông bà phải vất vả nữa, mua thêm vài mảnh đất. anh muốn nuôi cá, cũng muốn trồng rau..."

Hình như anh nói rất nhiều, nhưng tôi lại chẳng thể nhớ được bao nhiêu. Đó là những gì anh khao khát nhất nhưng chẳng thể đạt được, tôi lắng nghe anh từng câu chữ, cho đến khi anh dừng lại, cho đến khi tôi nghiêng đầu nhìn anh, cho đến khi, anh cũng nhìn tôi, mỉm cười dịu dàng.

"...Và anh muốn Khuê sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn, bên cạnh anh."

2.

Tôi và Thôi Nhiên Thuân lớn lên cùng nhau qua bao mùa mưa nắng, trong tiềm thức, anh luôn là người tôi muốn tin tưởng và dựa dẫm vào gần như cả cuộc đời.

Chúng tôi rong ruổi giữa đồng lúa chín, lắng nghe gió gọi sau triền áng mây, ngắm nhìn bốn mùa đều đặn luân chuyển. Dù không một ai lên tiếng nhưng chúng tôi luôn xem nhau như những người thân cận cuối cùng còn sót lại, tôi đã nghĩ chúng tôi sẽ mãi như thế, ở lại đây, ngay cái mảnh đất hẻo lánh này, mãi mãi, cùng nhau.

Đó là vì bản thân, cũng là nỗi niềm đầy ích kỷ.

Ba mẹ Thôi Nhiên Thuân mất sớm, anh lớn lên cùng những nhịp giã gạo từ đôi tay nhăn nheo của bà và những tiếng chặt củi từ vết chai sần trên bàn tay của ông. Nhà anh có hai, ba mẫu ruộng, nhưng vùng đất này chẳng mấy màu mỡ để chúng có thể nuôi nổi miệng ăn của cả một gia đình.

Ông của anh thường dậy lúc gà còn chưa cất tiếng, xách cây rìu sứt mẻ theo chân đám trai tráng vào rừng đốn cây. Năm ấy mưa triền miên kéo theo sạt lở, ông vẫn sống sót sau khi được tìm thấy bên dưới lớp đất đá, nhưng chẳng thể giữ được đôi chân mình và, tiềm thức ông trở nên mơ hồ hệt như khoảnh khắc anh đứng sau cánh cửa ọp ẹp lắng nghe từng giọt nước mắt của bà rơi xuống nền nhà lạnh ngắt.

3.

Sức của anh dù có làm bao nhiêu việc cũng chẳng đỡ đần được giúp bà tiền thuốc men, và rồi anh nói với tôi, anh nhận ra vào cái ngày anh đứng cạnh khóm tre đầu làng trông theo con xe sang chở cả một gia đình từ thành phố về thăm quê, không phải vì anh không làm gì được, mà là nơi này đang chôn chân anh, như một con ếch chới với bên trong một cái giếng quá cao, đến nỗi không tài nào thoát được ra bên ngoài.

Anh cứ nói còn mắt tôi chỉ đăm đăm nhìn theo hình ảnh phản chiếu của vầng bán nguyệt trên nền dòng nước, mặt nước gợn sóng lăn tăn. Tôi dần mường tượng ra nơi thành thị hoa lệ mà anh đã kể, cũng nhìn rõ cả những mong muốn tột cùng hiện hữu trong đáy mắt anh.

"Vậy anh sẽ lên thành phố hả?"

Giờ chưa phải lúc, chưa có cơ hội, anh cười nói rồi xoa xoa mái tóc tôi.

"Khuê đi với anh nhé, có muốn đi với anh không?"

Tôi lặng thinh, tôi có thể không, ba mẹ sẽ để tôi đi chứ?

Tôi không biết, sau tôi còn những đứa em chưa lớn, nếu tôi rời đi, ai sẽ là người lo lắng cho chúng trong khi ba mẹ tôi bận bịu tìm kiếm những đồng tiền ngoài kia?

"Anh đi trước, em nghĩ mình sẽ theo sau."

Không phải đợi anh, mà là tôi sẽ đi tìm anh sau khi chắc chắn rằng mọi thứ ở đây ổn thỏa. Bởi chính bản thân tôi cũng không mê mẩn gì cái cuộc sống nghèo nàn nơi đây, chưa bao giờ.

Thôi Nhiên Thuân học giỏi, dù cho nhà nghèo và thiếu thốn đủ thứ nhưng anh vẫn luôn chăm chỉ đi sớm về khuya, anh luôn là niềm tự hào của ngôi làng này, nhưng chẳng ai biết rằng, những nỗ lực đó chỉ để mong cầu một ngưỡng vọng duy nhất, anh muốn thoát khỏi nơi đây, thoát khỏi cái nghèo, thoát khỏi lầm lũi của bóng tối.

Tôi nghĩ anh sẽ làm được thôi, tôi tin chắc là vậy.

Và rồi, ánh sáng đến vào năm anh mười tám, khi ấy tôi mười lăm.

4.

Một đoàn xe sang từ thành thị nối đuôi nhau trên con đường đất đá lởm chởm. trong đoàn người có tây có ta ấy, vẻ ngoài sáng sủa cùng thành tích vượt trội của anh lọt vào mắt một quan chức người Pháp.

Vài ngày sau, chiếc xe ấy đỗ trước căn nhà xập xệ, người quản gia của ông Tây, đưa đến một đốc tờ và đặt trên bàn một xấp tiền mới cứng, ông ta nói, vị quan Pháp sẽ lo chuyện học hành cho anh, lo cho cả gia đình anh, miễn là anh đi theo ông ta về nước.

Thôi Nhiên Thuân đứng đó thẩn thờ, hết nhìn người đàn ông với hơi thở yếu ớt trên giường lại nhìn người đàn bà tóc đã bạc trắng và đôi con ngươi đục ngầu đang khẽ run run thở dài. Anh mím môi nắm tay bà quỳ xuống đất, với chất giọng khàn đặc mà quả quyết.

"Tiền đủ để mua thuốc cho ông, đủ để bà không phải cực khổ nữa. Để cho con đi bà nhé, con đi rồi con về."

Thời điểm đó, chuyện nhà giàu đưa con ra nước ngoài du học không còn là chuyện gì lạ, đây chắc chắn là thời điểm thích hợp mà anh luôn mơ ước, chỉ cần anh đi, cuộc đời anh sẽ khác.

"Anh đi nhé Khuê, em giữ sức khỏe, anh sẽ về sớm thôi."

Anh đi rồi sẽ về.

Ngày đứng dõi theo Thôi Nhiên Thuân bước lên con xe đen bóng, cái vẫy tay ấy thay cho lời tiễn biệt cuối cùng, rặng tre già che khuất bóng chiếc xe, ngã rẽ của chúng tôi bắt đầu từ đó.

Vô vàn thứ đọng lại rồi kết tinh, rồi lớn dần, rồi phôi phai.

5.

Rất lâu rồi Thôi Nhiên Thuân chẳng về thăm nhà.

Ngày nào tôi cũng quanh quẩn trong làng, làm xong việc thỉnh thoảng tôi hay sang nhà anh chăm sóc ông bà.

Anh vẫn gửi tiền về đều đặn hàng tháng, số tiền ấy đủ để lo liệu thuốc men cho ông và sửa sang căn nhà khang trang hơn. Vị đốc tờ được ông quan Pháp gửi đến đã quen thuộc với từng ngõ ngách nơi này, người ta bảo ông bà có phúc, thằng Thuân may mắn được ông Tây nhìn trúng, đợi nó học hành đỗ đạt thành danh có khi lại đón cả hai người lên thành thị, nhưng bà chỉ cười lắc đầu, cả đời bán mặt cho đất bán lưng cho trời, sinh ra ở đâu thì chết ở đó.

Tôi thường tự hình dung xem dáng vẻ của anh bây giờ thế nào, anh của tôi giỏi giang như tế, anh không cần dãi nắng dầm mưa để đất trời bào mòn thân thể nữa, hẳn sẽ rất khác xưa.

Anh đang ở Pháp, tôi nghe ông đốc tờ nói thế, nếu là ở Sài Gòn thì biết đâu tôi có thể tìm anh, nhưng bây giờ thứ chia cắt chúng tôi không đơn thuần chỉ là khoảng cách.

Tôi chợt nhận ra kể từ lúc chiếc xe kia lăn bánh rời khỏi đây, tôi đã không còn là một phần trong tương lai của anh nữa, và hóa ra, tôi chẳng biết mẹ gì về anh cả.

Anh có nhớ tôi không?

6.

Lần này, biến cố ập đến với gia đình tôi.

Vào thời điểm tôi bằng tuổi Thôi Nhiên Thuân năm anh rời bỏ vùng đất này, một ngọn lửa theo gió tràn về nuốt trọn căn nhà nhỏ, mẹ tôi bị phỏng nặng trạm xá cũng phải trả về.

Đứng giữa những tàn tro, tôi cuối cùng đã thấm thía được sự bất lực trong anh năm ấy, khi ngụp lặn màn đêm u uất, chỉ cần một đốm sáng lóe lên, con người ta sẽ chẳng màn gì mà bấu víu lấy nó như một sự cứu rỗi cuối cùng được ban phát cho số phận đáng thương đến hẩm hiu cùng cực.

Cuộc đời tôi cũng sang trang khi một lão người Tàu đến làm khách của gia đình giàu có tôi làm thuê. Lão nhìn tôi từ trên xuống dưới rồi xì xầm bằng thứ tiếng tôi chẳng thể hiểu. Rồi lão cầm cái khăn thoang thoảng mùi dầu thơm lau mặt cho tôi, sau đó chẹp miệng bằng thứ tiếng Kinh lơ lớ của mình.

"Có muốn đổi đời không?"

Tôi ngẩn người, nhớ đến cảnh gia đình nheo nhóc, nhớ đến người mẹ với tàn hơi yếu ớt, nhớ đến ba với những vết thương chồng chéo, tôi híp mắt, không cần suy nghĩ nữa mà gật đầu.

Bước lên xe đò, bỏ lại sau lưng cái nơi nghèo khổ từng nuôi mình khôn lớn, Sài Gòn hiện ra trước mắt tôi hào nhoáng và hoa lệ. Lão người Tàu sắm sửa rất nhiều thứ cho tôi, sau đó đưa tôi lên khoang cuối của con tàu chở hàng.

Nhìn quê hương dần dần khuất bóng, tôi thắc mắc liệu vào cái ngày Thôi Nhiên Thuân rời đi, anh có đứng trông theo, có vấn vương như tôi bây giờ hay không?

7.

Đổi đời của lão người Tàu thực chất chỉ là tìm người để bán cho đám nhà giàu làm người ở.

Thượng Hải xa hoa gấp ngàn lần Sài Gòn.

Suốt nhiều tháng trời, tôi phải làm quần quật trong nhà của một gã đạo diễn nức tiếng, trong biệt phủ của gã chắc phải có đến vài trăm người ở như tôi. Ai cũng chạy đôn chạy đảo cả ngày, tôi không quen biết ai, cũng chẳng hiểu họ nói gì, như một cái bóng lầm lũi một xó, đến tháng lãnh tiền, dành cho mình một ít, số còn lại gửi về nhà cho ba mẹ, dù sao cũng hơn vài đồng bạc lẻ kiếm được ngày xưa.

Ở xứ người, tôi mới dần nhận ra, hóa ra ẩn sau vẻ hào nhoáng phồn vinh lại tồn tại nhiều thứ nhơ nhuốc đến thế. Mỗi ngày là một cô diễn viên trẻ khác nhau xuất hiện trên giường của gã đạo diễn, chỉ để đổi lại hôm sau cái tên và khuôn mặt có thể xuất hiện trên tấm áp phích của một bộ phim mới dán bên ngoài xi nê.

Gã đạo diễn luôn treo trên miệng câu nói, rằng sắc đẹp chỉ là hữu hạn, tiền tài danh vọng mới là thứ cuốn con người vào vòng xoay mị lực không lối thoát.

Đối lập với ánh sáng từ đèn chùm pha lê rọi xuống những bàn mạt chượt và khói bay lửng lờ ứ đọng trong căn phòng ngập mùi thuốc phiện, nơi tôi ở là một phòng trọ nhỏ xíu trong khu ổ chuột bốc mùi hôi thối với những ống kim tiêm rơi đầy trên nền đất.

Tôi dần làm quen được với những tiếng gào thét, tiếng chửi rủa, tiếng của tầng lớp ở dưới đáy xã hội va vào nhau dội lại qua những bức tường ẩm mốc. Nhiều đêm, chúng cứ quấn lấy nhau, tràn vào các ngõ ngách nhỏ xíu của cuộc đời, chúng khiến tôi nao núng, cũng không ít lần khiến tôi bật khóc nức nở như một đứa trẻ đang lầm đường lạc lối.

Biết vậy đã không đến đây, tôi đã nghĩ rất nhiều lần như thế, nhưng rồi nhớ đến Thôi Nhiên Thuân, nhớ đến anh giờ đây cũng đang ở một đất nước xa lạ. Dáng vẻ luôn nỗ lực cố gắng của anh khảm vào trong tâm trí tôi như ngọn đèn le lói cuối cùng, tôi muốn gặp lại anh khi cả hai khoác lên mình không còn là chiếc áo rách sờn vải nữa.

Ngọn đèn ấy lơ lửng trước mặt tôi, khiến tôi mải mê chạy về phía trước dẫu biết sẽ không bao giờ có thể chạm đến được một lần nào nữa.

8.

Tôi ở đây tròn một năm, từ người làm trong biệt phủ, tôi và một vài người khác được đưa đến trường quay để quét dọn, nhờ đó mà gần đây mới nghe nói gã đạo diễn đang ráo riết tìm một diễn viên mới thay cho cô diễn viên trẻ vì làm phật ý gã mà bị biến mất khỏi giới giải trí tuần trước.

Thật ra tôi cũng chẳng rõ ngọn ngành câu chuyện, chỉ biết đã có rất nhiều rất nhiều người đến thử vai nhưng gã đều lắc đầu, gã nói ở bọn họ còn thiếu một thứ gì đó. Thứ mà đã ám ảnh gã, buộc gã phải tìm thấy được bản thể lẩn khuất bên trong những tuổi xuân mơn mởn ngoài kia.

Gã cần một điều gì đó đặc biệt để đánh bại tên đối thủ đang lăm le vị trí của mình. Một nét chấm phá, một cái gì đó táo bạo mà khắp cái kinh đô điện ảnh Thượng Hải này chưa một ai dám làm.

Tôi gặp gã đạo diễn khi đang quét dọn hành lang một mình, chẳng có gì đặc biệt, gã cũng chẳng nhớ trong nhà gã có bao nhiêu người ở. Tôi liếc vội một cái rồi cúi đầu quét dọn cho xong, hành lang vắng người, gió đưa hương hoa quyện vào không khí, tôi ngẩng lên nhìn gã khi nghe tiếng gọi, hơi híp mắt vì nắng rọi lên khuôn mặt gã méo mó với đôi mắt xếch cao, đột nhiên tôi không kiềm được mà bật cười.

Sau ngày hôm đó, cuối cùng gã đạo diễn đã tìm được nét chấm phá đã ám ảnh gã một thời gian dài.

9.

Những tấm áp phích cầu kì được treo ngay bên ngoài trường quay, rồi sau đó là các xi nê, trên khắp các con phố.

Hình ảnh đối lập trên đó khiến người ta tò mò, một nửa gương mặt người con trai với nét cười rạng rỡ, với đôi mắt hoa đào cuồn cuộn như gió xuân. Nửa gương mặt còn lại là mi thanh mục rũ tô điểm phấn hoa, kiều diễm như nắng, đỏ rực như màu của hoàng hôn.

10.

Những tiếng nói cười vồn vã bên tai, chúng va vào nhau dội về từ những vách tường lát đá lấp lánh. Ánh sáng vàng nhạt từ đèn pha lê rọi xuống bên dưới, tôi ngồi trước bàn trang điểm, mắt nhìn mình trong gương, tai lắng nghe tất thảy âm thanh đang tồn tại của nơi này.

"Anh Beomyu có đói không?"

Một ai đó hỏi, tôi chẳng biết, cũng chẳng muốn biết là ai, chỉnh lại cổ áo, vơ lấy cây quạt lụa trên bàn, nhìn dáng vẻ phản chiếu của mình, tôi nghĩ mình nên mỉm cười. Một nụ cười có thể làm được rất nhiều thứ.

Nhất là nụ cười của người đẹp, của bóng hồng nên thơ của xứ sở điện ảnh đương thời.

Bộ sườn xám trên người như siết tôi đến nghẹt thở.

Nghe thật chế giễu làm sao, nhưng ở đây chẳng ai nghĩ thế, thậm chí những kẻ giàu có và quyền lực còn xem đó như chuyện bình thường. Hình ảnh giới thượng lưu ở mảnh đất này hiện lên trong tôi chỉ có duy nhất một loại người, đó là những kẻ chỉ cần vung tiền, lời nói của bọn họ chính là lẽ phải, là hiển nhiên, là sự thật.

Vài tháng sau cuộc gặp gỡ với gã đạo diễn, bộ phim được công chiếu, người ta vẫn luôn lưu luyến hình ảnh giản đơn đối lập với nồng nàn đỏ thắm trên tấm áp phích được nhá hàng trước đó. Bộ phim đã đưa danh tiếng gã vang dội, đưa tôi từ một đứa vô danh trở thành minh tinh được nền điện ảnh săn đón, đâu đâu cũng là hình ảnh với cái tên Choi Beomgyu mỹ miều lấp lánh như một món trang sức quý giá.

Họ nói tôi có nét vô thực, có thể như nam cũng tựa như nữ, và vô vàn lời gì đó tôi chẳng nhớ hết. Gã đạo diễn cũng hay khen ngợi tôi như thế, và sau đó, việc phải vận lên người nữ trang hay nam trang đối với tôi không còn quan trọng nữa. Số tiền kiếm được nhiều hơn, gửi được về cho ba mẹ gấp mấy chục lần thời gian trước đây, vậy là đủ.

Dần dà, tôi bước vào thế giới của những kẻ có chức có quyền, tôi học cách nghe hiểu, cũng có thể nói cười trên những sòng bài đỏ đen, có thể tiếp rượu trong những nhà hàng lớn. Ở cái giới này là như thế, việc được gã đạo diễn nâng đỡ cũng chính là biến bản thân thành món hàng để cho gã trao đổi, để đổi lại chữ ký trên những bản hợp đồng đắt giá ngàn vàng.

Nhưng khác với những cô diễn viên đong đầy ái tình chỉ để đổi lại danh tiếng chớp nhoáng, tôi có thể vận sườn xám, cũng có thể vận vest đen, nhưng sẽ không bao giờ lên giường với bất kì một ai chỉ vì đồng tiền.

Tôi có thể buông bỏ những phù phiếm xa hoa này nếu như tôi cảm thấy không hứng thú nữa, còn gã đạo diễn, để tìm kiếm được vinh quang lần nữa như lúc này, sẽ là một khoảng thời gian rất lâu. Cho nên gã cũng không muốn làm phật ý tôi, đây là mối quan hệ cả hai đều thể hiện rõ mong muốn của mình.

Tôi cười nhạt, ngửa đầu uống cạn chén rượu giữa tiếng nói cười và những cái động chạm vồn vã.

Giờ thì tôi biết, hóa ra thứ đắng cay nhất chẳng phải là vị rượu chạm vào đầu lưỡi, mà đắng cay nhất, là số phận chới với giữa phù phiếm xa hoa, khi mà cuộc đời luôn bị chi phối bởi đồng tiền, để mặc cho chúng cứ thế mà xoay tròn, xoay vòng cả trên lương tâm của con người.

Trong một thoáng, tôi nhớ đến anh ấy, một anh mờ nhạt trong kí ức thuở thiếu thời, một anh luôn hiện lên chớp nhoáng mỗi đêm khi men rượu chiếm lấy tâm trí.

Chúng quấn lấy tôi như sợi dây thừng rồi siết chặt, đến nghẹt thở...




















Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro