SÁU CỬA VÀO ĐỘNG THIẾU THẤT GIẢNG GIẢI 5
CỬA THỨ TƯ: PHÁP MÔN AN TÂM
Chúng ta muốn an tâm phải làm sao? Đây Ngài dạy:
Khi mê người theo pháp
Khi hiểu pháp theo người
Hiểu thì thức nhiếp sắc
Mê thì sắc nhiếp thức.
Mấy câu đó làm sao chúng ta hiểu được? Mê thì người theo pháp, còn hiểu thì pháp theo người? Như mê, người theo pháp còn có thể dễ hiểu phải không? Bởi vì chúng ta mê cho nên đối với sáu trần chúng ta chạy theo nó, thì người theo pháp dễ hiểu rồi. Nhưng mà khi hiểu thì pháp theo người, nó theo bằng cách nào? Bây giờ pháp theo người ra sao? Tỷ dụ như bây giờ tôi hiểu, mấy cái bông này nó có chạy theo tôi không? Bây giờ ai tìm coi pháp theo người ra sao?
Mê, người chạy theo pháp thấy dễ hiểu quá, nhưng mà tới ngộ hay hiểu, "pháp theo người" đa số là khó hiểu. Nhưng mà đâu có khó hiểu. Tại mình không nhớ chỗ Phật, Tổ chỉ bày, bởi vì có pháp nào ngoài tự tâm mà sanh đâu, phải vậy không? Nếu chúng ta ngộ là ngộ muôn pháp từ tâm mà sanh, đã từ tâm sanh thì nó thuộc về ai? Tức là nó về mình hết rồi chớ gì? Còn mê đây là mình thấy ngoài tâm có pháp cho nên mình mới chạy theo pháp, còn nếu mình nhận ra muôn pháp đều từ tâm mà sanh, thì hỏi pháp nào không về mình? Vì vậy cho nên hiểu thì pháp nó về mình.
Hiểu thì thức nó nhiếp sắc, còn mê thì sắc nó nhiếp thức. Như vậy nếu mình hiểu thì tức nhiên thức của mình đâu có chạy theo sắc nữa, mà biết các sắc nó từ nơi tâm thức phân biệt mà ra, còn nếu mê thì mình liền thấy ngoài tâm có pháp cho nên thấy sắc ở bên ngoài, và mình theo đuổi nó để phân biệt. Như vậy nếu chúng ta hiểu thì muôn pháp trở về chúng ta, tâm chúng ta có yên không? Như vậy, người mê chạy theo pháp thì tâm bất an phải không? Người ngộ biết muôn pháp từ nơi tâm mình thì làm sao mà không an? Chúng ta biết thấy tâm sanh các pháp thì các pháp tức thuộc về tâm. Nếu các pháp thuộc về tâm rồi thì còn gì nữa mà không an? Đuổi theo cái gì chớ không lẽ tâm đi tìm tâm? Như vậy là chúng ta thấy Ngài dạy cách an tâm rồi đó. Ngoài ra, Ngài còn giải thích thêm:
Chỉ có tâm phân biệt tính kể tự thân hiện lượng ắt thảy đều là mộng.
Câu này nói sao? Nói rằng chỉ có tâm phân biệt tính kể, còn nếu mà tự thân hiện lượng thì thảy đều là mộng. Nói rằng nếu mà chúng ta hiện thấy có sự vật bên ngoài là thật là đều do cái tâm phân biệt, suy xét, tính kể của chúng ta mà có, chớ nếu chúng ta sống với cái hiện lượng tự nhiên thân chúng ta, thì lúc đó mới thấy các pháp bên ngoài như mộng, như huyễn. Nếu chúng ta sống được cái hiện lượng của tự thân chúng ta, thì lúc đó mới thấy các pháp bên ngoài thảy đều là mộng, không có thật gì hết.
Nếu cái thức tâm nó lặng lẽ, không có một chỗ nào động niệm, ấy gọi là chánh giác.
Nghĩa là nếu nơi cái thức tâm của mình nó lặng lẽ, không có dấy một niệm xao động, đó là chánh giác rồi chớ gì? Như vậy chúng ta thấy Ngài chỉ thẳng bon, không có giấu diếm, không có quanh co gì hết, thấy không? Khi nào tâm mình không còn dấy một động niệm nào hết, đó là chánh giác, không có đi tìm chánh giác ở đâu hết. Mà chánh giác gọi là gì? Đó là Phật rồi. Như vậy muốn thành Phật thì chỉ có tâm không động niệm chớ không có gì hết. Ai mà không động niệm thì người đó trở về thành Phật, chớ không có tìm gì xa lạ nữa hết. Như vậy đó là lối an tâm, nghĩa là nếu mình biết muôn pháp đều không thật, do phân biệt mà có, thì mình không khởi phân biệt tức là trở về hiện lượng, thì muôn pháp bên ngoài nó có như mộng, như huyễn hóa chớ không có gì lạ hết. Như vậy tâm mình nó lần lần lặng lẽ, không còn động nữa, thì đó là chánh giác.
Hỏi: - Thế nào là tự tâm hiện lượng?
Đáp: - Thấy tất cả pháp có, có chẳng phải tự có, tự tâm chấp kể mà tạo thành có.
Thấy tất cả pháp không, không chẳng phải tự không, do tự tâm chấp kể mà tạo thành không.
Cho đến tất cả pháp cũng như thế đều là tự tâm chấp kể mà tạo thành có, tự tâm chấp kể mà tạo thành không.
Như vậy, Ngài nói như thế có giải về hiện lượng đâu? Nói rằng chúng ta thấy tất cả pháp nó có, và có tự chẳng phải có mà do tâm mình nó chấp, nó tạo nên có. Thấy tất cả pháp không, các pháp nó không tự không mà do tâm mình chấp mà tạo thành không. Như vậy các pháp thành có, thành không là do đâu? Do cái chấp của mình, chấp nó có liền thành có, chấp nó không liền thành không, đều do tâm chấp chớ các pháp nó không tự có, cũng không tự không mà do tâm chấp nên nó có, nó không.
Nói như vậy thì chúng ta cảm thấy như mình chủ quan quá. Nếu mình không chấp, tỷ dụ như bây giờ đây trên bàn có những vật mà tôi không chấp nó có thì nó có hay không? Bây giờ có cái bình bông, cái đồng hồ, chai dầu gì gì để đầy bàn đó mà bây giờ tôi không thèm chấp nó có, thì nó có với tôi không? Tôi không chấp có tự nhiên nó không có là gì đối với tôi, nhưng mà nó có với những người nào mà thấy nó thật có. Giả sử như mình tất cả ở đây không ai chấp nó có hết thì nó có ở đây không? Nó có với ai? Khi chúng ta không ai chấp nó có hết thì sự nó có là có mà không thành nghĩa lý gì hết, phải không? Nó thành nghĩa lý bình bông này trang hoàng cho cái bàn nó đẹp, đó là do mình chấp, thấy không? Còn nếu chúng ta không chấp, không để ý, không màng gì tới nó hết thì nó có cũng là có một cách vô duyên, không dính dáng gì chúng ta hết. Như vậy, Ngài dạy chúng ta, Ngài cố giải thích tự tâm hiện lượng, mà Ngài nói như vậy mình thấy tâm hiện lượng chưa? Nó sao? Bây giờ mình biết rõ tại mình chấp có thì sự vật thành có; tại mình chấp không, sự vật thành không. Chấp có, chấp không ấy là không phải hiện lượng, phải vậy không? Nếu rời cái chấp có, chấp không, sự vật là sự vật không có cái khởi niệm có, niệm không, niệm tốt, niệm xấu thì đó là cái gì? À! Cái hiện lượng ngay đó. Cho nên đây giải cái nghĩa ngược của nó, nghĩa là cái vô chấp phải không? Cái không chấp đó là hiện lượng, còn chấp đó nó không phải là hiện lượng. Đó là Ngài mới nói về cái có, cái không.
Lại nếu người tạo ra tất cả tội, tự thấy được Pháp vương của mình liền được giải thoát. Nếu từ ở trên sự mà được giải thoát thì khí lực mạnh. Từ ở trong sự mà chấp pháp tức là chỗ không mất niệm. Từ văn tự mà hiểu thì khí lực yếu. Tức nơi sự, tức nơi pháp là sâu từ nơi ông các thứ vân vi (vận động, hành động) rồi nhảy nhót điên cuồng thảy không ngoài pháp giới, cũng không có vào pháp giới. Nếu dùng pháp giới mà vào pháp giới tức là người si. Phàm có chỗ thi vi trọn không có thể ngoài tâm pháp giới (không có thể ra khỏi cái tâm pháp giới) vì cớ sao? Tâm thể ấy là pháp giới (vì tâm thể ấy là pháp giới).
Đoạn này chúng ta dễ hiểu hay khó hiểu? Đoạn này thấy thì thật là khó hiểu. Đây trường hợp Ngài muốn chỉ cho chúng ta thấy rõ cái hiện lượng quan trọng như thế nào? Nói rằng: Nếu có người tạo tất cả tội (tội đầy đầu) mà người đó tự thấy ông Pháp vương của mình (ông vua pháp của mình) thì người đó liền được giải thoát, thì tội liền biến thành tiêu tan. Sao mà bất công vậy? Tạo tội, bây giờ thấy được Pháp vương, tội mất hết, như vậy không trả nghiệp sao? Như vậy tới đó nó không còn hiệu dụng gì nữa sao? Thường thường nói nhân quả là lý công bằng, mà ở đây tạo nghiệp đầy đầu, bây giờ thấy Pháp vương là không có mắc tội gì nữa hết. Như vậy mất công bằng rồi! Thành ra ở không phải là mất công bằng mà vẫn là công bằng. Công bằng cách nào? Tỷ dụ như Tổ Sư Tử Ấn Độ thấy được Pháp vương chưa? Nhưng mà người ta chặt cổ cứ chặt, phải vậy không? Chặt cổ cứ chặt, nhưng mình thì thấy chặt cổ, Ngài không thấy, cho nên đối với Ngài thì tất cả nghiệp nó không còn, nhưng mà thế gian thấy Ngài vẫn bị chặt cổ như thường. Rồi đến Tổ Huệ Khả cũng vậy, Ngài cũng thấy Pháp vương nhưng mà cũng vẫn bị đày ở trong khám. Ngài không thấy bị đày nhưng mình thấy bị đày, phải vậy không? Như vậy đâu có mất lẽ công bằng.
Quả quyết rằng tất cả nghiệp đều hết, nhưng mà không mất lẽ công bằng. Đối với Ngài là hết, với phàm tục chúng ta thì thấy còn trả, phải vậy không? Với Ngài thì đã qua, còn với phàm tục chúng ta thì thấy trả. Vì lẽ đó cho nên chúng ta tu hành mà nếu dù cho hư, cho quấy, cho lỗi mấy đi nữa mà thấy được Pháp vương của mình thì bao nhiêu cái hư, cái quấy đó liền tiêu hết. Còn nếu chúng ta dù tốt mấy mà mù mịt không thấy Pháp vương, nhiều khi cái tốt đó nó dẫn chúng ta đi trong con đường mê lầm khác, cho nên chỗ thiết yếu ở đây là phải nhận ra Pháp vương. Pháp vương là gì? Tức là tự tâm hiện lượng chớ không có gì hết. Tự tâm hiện lượng đó là Pháp vương.
Đây mới nói thế này (mấy câu này là mấy câu then chốt của người tu đây, chúng ta ráng nghe cho hiểu):
Nếu từ ở trên sự mà hiểu được gọi là khí lực mạnh. Trên sự mà hiểu được là khí lực mạnh sao? Bây giờ trên sự là sao hiểu được? Mà hiểu được thế nào gọi là khí lực mạnh? Nói trên sự hiểu được thì tôi dẫn câu sau đối là chúng ta hiểu liền.
Còn nếu từ trên văn tự mà hiểu là khí lực yếu. Từ trên sự mà hiểu là khí lực mạnh; từ trên văn tự mà hiểu là khí lực yếu là sao? Hai cái đối nhau rồi mà chưa thấy là dở. Bây giờ tôi nói thí dụ nhỏ: thí dụ như chúng ta đi ra ngoài đường thấy người đó họ nhào lăn, họ rên rỉ! Chúng ta thức tỉnh: À! Con người là đau khổ, cho nên nhận ra cái lý khổ, tức là trên cái gì? Như vậy nhận ra lý khổ do con người sanh ra, rồi bệnh hoạn là đau khổ. Nhận ra lý khổ đó nó mạnh hơn. Còn chúng ta nghe giảng, ở con người đó là khổ, khổ thế này, khổ thế kia, dùng văn tự diễn bày. Khi nghe, chúng ta hiểu thì cái hiểu đó mạnh hay yếu? Cho nên cái hiểu này là cái hiểu qua ngôn ngữ, lý thuyết, cái hiểu đó nó yếu, nó nhẹ lắm. Ngay trên cảnh đó mình thấy, mình ngộ liền, đó mới là sức mạnh. Trên sự mà nhận ra mới là sức mạnh. Cho nên người tu Thiền phần nhiều người ta không trọng cái hiểu qua ngôn ngữ, mà phải nhìn thẳng vào sự vật mà ngộ, mà nhận, thì cái đó mới là sức mạnh. Chúng ta hiểu đó tức là ngay trên sự mà mình ngộ, mình hiểu thì cái đó mới là mạnh, chớ còn từ văn tự do người ta nói, diễn tả ra thì yếu.
Tôi thêm một thí dụ nữa. Thí dụ như bây giờ chúng ta thấy người ăn mày họ khổ. Chúng ta thương, khóc được với họ; với chúng ta đọc một bài văn của một văn sĩ nào đó diễn tả cảnh khổ, chúng ta đọc cái đó rơi nước mắt thì cái nào mạnh cái nào yếu? Có nhiều người họ không muốn khóc gì hết, thấy người ăn mày họ cũng dửng dưng, nhưng mà đọc qua lời văn của văn sĩ nọ, họ khóc được, thấy không? Thành ra như vậy là tại vì trên văn tự đó người ta khéo lựa lời, khéo chuốt ngót cho nên mình dễ xúc động. Còn trên sự thật đó nó hiển hiện ra trước mắt mà nó không có ngôn ngữ, nó không có nói cho mình xúc động, cho nên mình ít xúc động. Mà ngay trên hình ảnh đó mà mình xúc động được, tức là lòng thương rất mạnh, phải không? Còn đợi người ta nói thiết tha mình mới xúc động là lòng thương yếu. Cũng như vô nghe mấy chú cải lương ca than van, xót xa, chừng đó rơi nước mắt, vậy mà ra gặp người ta khổ thì cười. Đó là do ngôn ngữ kêu rên than thở mình mới xúc động, đó là yếu chớ không phải mạnh. Còn trước sự thật, mình cảm thông liền, cái đó mới là mạnh. Qua những thí dụ đó chúng ta mới nhận ra được ý nghĩa "trên sự mà hiểu đó là khí lực mạnh, còn trên văn tự mà hiểu đó là khí lực yếu".
Giờ thêm câu nữa: Từ trong sự mà thấy pháp tức là chỗ không mất niệm. Thấy pháp là thấy gì? Thấy pháp tức là thấy tâm chớ gì, phải không? Chữ pháp tức là pháp lý, đó tức là tâm. Như vậy chỗ chỗ đều không thất niệm. Như chúng ta thấy từ trong sự mà thấy được pháp, tỷ dụ như bây giờ trong tất cả các sự vật ở trước mắt mình đây, mình biết không sự vật nào ngoài tâm mình, thì như vậy chỗ nào mình có mất niệm đâu, phải vậy không? Còn nếu mình thấy thật có một vật ngoài tâm mình, thì mình cam chạy theo vật. Cho nên trong sự mà thấy pháp thì cái đó không chỗ nào mình thất niệm hết. Nghĩa là thấy gì cũng biết là không ngoài tâm mình, là không thật, do tâm mê mà hiện ra thì thấy cái gì cũng thấy tâm mình được hết. Đó là không có chỗ nào thất niệm. Như vậy đó mới mạnh. Chớ còn nhìn một chỗ để tâm không chạy thì đâu có mạnh. Thấy tất cả mà đều thấy tâm đó mới mạnh, nhớ như vậy đó. Nên tôi chủ trương không ngồi (thiền) ghì xuống một chỗ, mà ngó người chạy, người đi, xe hơi chạy, thấy nhà, thấy cửa, thấy đủ thứ hết, mà trông cái nào, mình cũng biết cái có ấy là huyễn hóa không ngoài tâm mình hiện. Cứ thấy như vậy có lỗi gì đâu? Thấy tất cả mà không lỗi. Còn nếu mình dòm chỗ không có gì hết, tâm nó yên, còn chỗ có thì tâm nó chạy theo tức là có vật ngoài tâm, như vậy dễ bị thất niệm. Nhớ như vậy để mà mạnh dạn hơn. Có học mấy chỗ này rồi, chúng ta mới thấy chỗ cao, chỗ thấp, chỗ mạnh, chỗ yếu của người tu.
Tức sự tức pháp thì sâu, từ nơi ông các thứ vân vi. Tức là sao? Tức nơi sự tức nơi pháp, nghĩa là ngay nơi sự tức là pháp chớ không có rời sự mà có pháp. Chữ pháp này tức là tâm đó. Tức nơi sự tức nơi pháp thì sâu, từ nơi ông có các thứ vân vi (vận động). Tức nơi sự tức nơi pháp thì có các thứ vận động, rồi nào là nhảy chạy lăng xăng thảy đều không ra ngoài pháp giới. Nếu mình tức nơi sự biết tức là pháp, không có sự nào khác hơn pháp (sự là cảnh, pháp là tâm). Như vậy tất cả cái vận động, vân vi của mình đều là từ mình hết, tất cả cái vận động vân vi đều là từ nơi mình chớ không nơi ai. Bao nhiêu cái lăng xăng lộn xộn cũng không ra ngoài tự tâm, không có ra, không có vào.
Nếu cho pháp giới vào pháp giới tức là người si (tâm mà vào tâm là si). Phàm có thi vi trọn không ra ngoài cái tâm pháp giới. Vì cớ sao? Vì tâm thể là pháp giới vậy.
Như vậy đến kế đó tức nơi sự, tức nơi pháp nghĩa là mình biết việc nào, pháp nào và sự hai cái nó cũng không ly khai nhau. Hồi nãy ngay trong sự mà mình thấy pháp thì đó là mạnh, tức là ngay nơi sự mà thấy tâm. Bây giờ mình thấy pháp và sự tức là cảnh và tâm, hai cái không rời nhau thì như vậy dù có lăng xăng, có làm mọi việc mà cũng không ra ngoài tự tâm. Mà không thấy ra, không thấy vào đó là người thấy đạo. Còn nếu thấy nó ra, có vào đó, là người si mê.
Hỏi: - Người thế gian có các thứ học vấn (người thế gian học các thứ) tại sao mà không được đạo?
Đây hỏi có nhiều người thế gian họ học đủ thứ hết mà tại sao không đạt được đạo?
Đáp: - Do thấy mình cho nên chẳng đạt được đạo. Chữ kỷ (mình) tức là ngã vậy.
Kẻ chí nhân gặp khổ không buồn, gặp vui chẳng mừng, do chẳng thấy mình vậy. Sở dĩ chẳng biết khổ vui đó là do quên mình vậy, đến cái chỗ hư vô, mình tự còn quên lại có cái vật gì chẳng quên?
Ở đây nói rằng: tại sao người ta học nhiều thứ quá mà họ không thấy đạo? Đây nói rằng sở dĩ học nhiều mà không thấy đạo là vì họ học mà họ còn thấy mình, càng học càng thấy có mình, phải vậy chăng? Mà chính cái học thế gian đều là cái học vì mình. Tỷ dụ học từ hồi nhỏ ôm sách vở vô trường đâu có biết bằng cấp là gì? Chỉ biết học a, b, c... để mà biết chữ, nói thành ngôn ngữ, khi học vô rồi mấy ông lớn bày đặt cho mình cấp bằng để cho mình ham. Rồi thi, lâu lâu thi cấp này, thi cấp kia, thi cấp tiểu học rồi lên trung học, trung học rồi lên đại học, rồi thi bao nhiêu cấp. Mà thi được một cấp thì thấy cái ngã của mình to được một tí, thi được cấp thứ hai thì to thêm một tí nữa. Được thêm nhiều cấp chừng nào cái ngã mình to thêm, lớn lên chừng nấy, thấy không? Như vậy càng học cái ngã càng lớn, mà ngã càng lớn thì làm sao thấy đạo. Thấy đạo là quên mình, mà bây giờ thấy mình to lớn quá làm sao mà thấy đạo được? Bây giờ chúng ta thử nghĩ lại coi, chúng ta đi học đời đều là như vậy hết, đều là vì mình mà học. Vì lẽ đó cho nên không thấy đạo. Cho nên ở đây Ngài nói rằng: "Người chí nhân gặp khổ không buồn, gặp vui không mừng." (Người mà tột gặp khổ không buồn, gặp vui không mừng.) Bây giờ gặp khổ mà bóp đầu, bóp trán tức là chưa phải là chí nhân rồi phải không? Gặp vui vỗ tay cười ha hả chưa phải là chí nhân rồi. Chí nhân thì khổ vui tới người ta vẫn bình thản. Tại sao mà không mừng, không buồn? - Bởi vì không thấy có mình. Sở dĩ mình buồn, mình vui là vì cái khổ làm cho mình đau, phải vậy không? Khi mà mình đau tức là có mình mới thấy mình đau. Cái vui làm cho mình thích tức là thấy có mình, mình mới thích. Chớ nếu không thấy có mình thì còn cái gì đau, còn cái gì thích? Vì vậy cho nên không buồn, không mừng là cái ngã họ đã xuống rồi. Còn buồn, còn mừng là cái ngã còn lên, cái ngã còn to.
Những cái này là những kinh nghiệm ngã của mình. Chúng ta gặp cảnh khổ mà chúng ta âu sầu thì biết rằng cái ngã của chúng ta cũng còn khá lắm! Còn gặp gì thích thì vui lên thì biết cái ngã của chúng ta cũng khá, chưa phải hết đâu. Chừng nào khổ vui vẫn như như thì người đó bản ngã họ đã dẹp rồi. Như vậy chúng ta nhìn lại mình thì biết liền, lấy cái đó làm kinh nghiệm. Muốn biết ai tu tới đâu, dòm cái đó thì biết, gặp những cảnh đó nhìn vô mặt thì biết liền, lấy cái đó làm kinh nghiệm để biết tu cao, tu thấp chớ khỏi trú dạ lục thời gì hết. Nếu trú dạ lục thời mà gặp cảnh đó hiện tướng thế nào thì mình biết liền. Cái đó mới là chân thật. Cho nên đây mới nói rằng sở dĩ mà không biết khổ, không biết vui là do đã quên mất mình rồi. Quên mất mình thì còn nghĩ cái gì khổ, cái gì vui? Đây là khổ vui thôi chớ sự thật tới chỗ cứu kính rỗng rang thì tự mình còn không, còn quên, có vật gì mà mình chẳng quên? Còn mình bây giờ nhớ đủ thứ vật tức là mình không quên mình nổi. Bởi mình nhớ mình nên mình nhớ vật.
Hỏi: - Các pháp đã không thì cái gì hay là ai để mà tu đạo?
Đáp: - Nếu còn có cái "ai" thì phải tu hành, còn nếu không còn có cái "ai" tức là không cần tu hành.
Kỳ vậy, miễn còn có cái "ai", tất cả pháp đã "không" thì còn có cái "ai" mà tu hành? Muôn pháp đã "không" thì còn "ai" mà tu hành. Đây Ngài đáp rằng: "Còn thấy cái ai thì phải tu hành, còn không thấy cái "ai" thì không có cái gì tu hành nữa hết."
Tại sao vậy?
Cái "ai" đó cũng là ngã, nếu không có ngã thì gặp vật chẳng sanh phải quấy.
Phải là ta tự phải mà vật thì chẳng phải.
Quấy là ta tự quấy mà vật thì chẳng có quấy.
Như vậy, chúng ta thấy ở đây Ngài đáp những câu đáp nó gọn, nó nhỏ mà thật là thâm làm sao! Nếu còn thấy có mình thì phải ráng tu. Nói "ai" đó cũng là nói mình chớ gì. Ngài nói các pháp giả thì còn "ai" để mà tu? Nói thân ngũ uẩn đã giả còn "ai" nữa để tu? Còn "ai" đó là chấp mình rồi, còn chấp mình thì người đó phải tu, chớ nếu biết giả, không phải thật, không có mình thì thôi khỏi tu rồi. Ông biết ông không thật tức nhiên ông khỏi tu, tại vì ông còn thấy có cái mình thật thì phải tu. Người đó là người phải tu đó. Bây giờ Ngài giải thích thêm:
Nếu không có cái ta thì gặp vật không có sanh phải quấy. Nếu không có ta thì nói gì là phải, gì là quấy phải không? Còn nếu còn có cái ta thì gặp vật sanh ra phải, quấy nghĩa là còn có chấp ngã thì có phải, quấy.
Cho nên chính câu này làm cho chúng ta thấy rõ: Người nào còn chấp phải, chấp quấy nhiều thì bản ngã người đó nặng hay nhẹ? Nói cái này phải, nói cái kia quấy, rồi phê bình người này phải, người kia quấy, rồi cứ nói phải, nói quấy, phê bình người này phải, người kia quấy lăng xăng, người đó có chấp ngã không? Người mà hay phê bình nhiều thì đó cũng là lối chấp ngã. Tại sao vậy? Đây nói rằng: phải đó là ta tự phải mà vật thì không phải. Còn quấy đó thì ta tự quấy mà vật thì không có quấy. Tại sao? Bởi vì thấy cái quấy là ta thấy. Bởi ta thấy cho nên ta nói vật này là phải, vật kia là quấy. Thí dụ như những cái bông mà chúng ta chưng trước mặt hai, ba thứ đó, nếu mà chúng ta không phân biệt cái bông nào tốt, cái bông nào xấu thì bông nó có tự tốt xấu hay không? Tại mình phân biệt nó, phải không? Nói cái này tốt, cái kia xấu, tốt ở nét nào, xấu ở nét nào thì đó là tại ta, phải không? Ta nhìn, lấy cái phân biệt của ta gá vào nó mới thành tốt, xấu phải không? Chớ tự thể nó không tốt, xấu gì hết. Nó là nó, nó không nói tốt xấu; phân biệt tốt xấu là ngã, thấy không? Tốt xấu, phải quấy cũng vậy, nó cũng một loại đó. Như vậy để thấy rằng phân biệt nhiều mới có nói tốt, xấu, phải, quấy. Mà phân biệt ấy chính là ngã chớ có gì đâu!
Tức tâm mà không tâm ấy là thông đạt đạo. Tức vật mà chẳng khởi thấy gọi là đạt đạo.
Sao tức tâm mà không tâm gọi là thông đạt đạo? Làm sao tức tâm mà không tâm? Thì câu đó dễ chớ không có gì khó. Bao nhiêu cái vọng tưởng dấy lên tức là tâm chớ gì? Mà biết nó là không thì đó là không tâm, đó là thông đạt Phật đạo chớ không có gì xa lạ hết, nghĩa là bao nhiêu cái vọng tưởng mình biết nó là không phải tâm thật, nó là vọng không thật tức là thông đạt Phật đạo, chớ không có gì xa lạ hết. Rồi nếu tức vật mà chẳng khởi thấy gọi là đạt đạo, tức là ngay nơi vật, mọi sự vật ở đó mà nhìn nó, mình không khởi thấy, không khởi thấy đây ở hai khía cạnh:
Một: Nếu khía cạnh của người còn yếu, thì không thể thấy bằng cách nhìn sự vật biết nó là giả cho nên mình không chấp, không khởi thấy.
Hai: Tất cả sự vật dàn trải trước mắt mà không dấy niệm duyên cái gì hết, đó là không khởi thấy.
Không khởi thấy như vậy gọi là như như, vậy đó là người đạt đạo chớ gì? Như vậy, chúng ta thấy thông đạt Phật đạo hay là đạt đạo có gì lạ đâu? Chỉ cần tức tâm mà không tâm, ngay nơi tâm nó dấy lên ầm ầm đó, mình biết nó không thật rồi là thông đạt Phật đạo, rồi thấy tất cả sự vật mà không có chạy theo một cái gì hết đó là đạt đạo.
Thấy vật (hay là gặp vật) mà mình thông đạt, biết được cái bản nguyên của nó, người này là người mở được tuệ nhãn.
Như vậy có gì lạ đâu, nếu mình gặp tất cả sự vật mà mình nhận biết thẳng cái nguồn gốc của nó gọi đó là người có tuệ nhãn, con mắt tuệ mở rồi. Chúng ta thấy như vậy, muốn có con mắt tuệ không phải khó lắm đâu, phải không? Tỷ dụ nói con mắt tuệ này tôi nói hai mặt:
Một: Biết các pháp theo cái trình tự của Bát- nhã. Mình thấy cái bàn, nhìn thấy sự vật nào mình cũng biết nó là duyên hợp, tự tánh là không thì đó là con mắt tuệ đã mở. Thấy người, thấy vật cũng biết rõ như vậy hết. Đó là con mắt tuệ đã mở.
Hai: Thấy tất cả vật mà biết do mê tâm mà hiện, không có vật nào thật hết thì đó là con mắt tuệ đã mở. Con mắt tuệ sau sâu hơn con mắt tuệ trước.
Như vậy muốn mở dễ ợt chớ gì thấy không? Tự mình nhắm chớ có gì đâu? Bây giờ chỉ như vậy đó: thấy tất cả vật bên ngoài, mà biết không vật nào ngoài tâm mê mà có hết. Như vậy mê mà có vật thì vật đó là huyễn hóa, không thật. Cũng như nói rằng ngủ mê mà có chiêm bao, thì cảnh chiêm bao đó là huyễn hóa, không thật. Nhớ như vậy, biết như vậy thì con mắt tuệ đã mở rồi. Người nào như vậy đó là hằng mở con mắt tuệ. Còn không được như vậy thì con mắt tuệ nó bị đóng kín rồi.
Người trí nhậm vật mà chẳng nhậm kỷ tức không thủ xả, trái thuận. Còn người ngu thì nhậm kỷ chẳng nhậm vật tức có thủ xả, trái thuận.
Cái này chúng ta hiểu sao? Người trí nhậm vật chẳng nhậm kỷ, như vậy cho nên tức không có thủ xả, trái thuận. Người ngu thì nhậm kỷ mà chẳng nhậm vật, tức có thủ xả, trái thuận. Nhậm vật tức là: chữ "nhậm" này thường cắt nghĩa là mặc tình, nhưng mà ở đây cắt nghĩa mặc tình nghe cũng hơi khó hiểu. Nói rằng người trí thấy sự vật thì mặc sự vật mà không có mặc nơi mình, vì vậy tức không có trái không có thuận. Nói như vậy thì chúng ta nghe nó cũng còn tối, khó hiểu. Tại sao mà nói mặc sự vật? Tức là nhìn thấy sự vật mà không phân biệt, không duyên, không dính, không mắc tức là mặc nó chớ gì? Mặc tình sự vật mình không dính, không mắc, không duyên theo nó thì là mặc sự vật, nhưng mà đối với mình không phải là làm ngơ. Nơi mình lúc nào cũng là chủ chớ không phải để mặc tình. Bản thân mình thì mình làm chủ, không để mặc tình, nhưng nơi sự vật mình mặc tình, mình không theo. Sự vật thì mặc tình không theo mà nơi mình thì lúc nào chủ nhân ông cũng hiện, như vậy là người trí. Vì vậy cho nên đâu có theo vật mà có trái có thuận, có thủ có xả, phải vậy không? Không theo vật cho nên không thủ, không xả, không trái không thuận.
Còn người ngu thì nhậm kỷ tức là buông lung mình, mặc tình mà chẳng nhậm vật tức là không để mặc tình sự vật. Sự vật thì mình lại muốn chia manh chia mún nó, mà không để nó tự nhiên, còn mình thì để mặc tình chạy Đông, chạy Tây rong ruổi. Như vậy đó là nhậm kỷ mà bất nhậm vật.
Như vậy người trí và người ngu khác nhau ở chỗ đó. Người trí thì lúc nào cũng làm chủ mình mà không theo vật, nói vậy cho dễ hiểu, nhậm tức là theo. Người trí lúc nào cũng làm chủ mình mà không theo vật. Còn người ngu lúc nào cũng buông lung mình mà không có để mặc tình sự vật. Vì lẽ đó mà người ngu thấy có thủ xả, trái thuận.
Chẳng thấy một vật gọi là thấy đạo.
Chẳng hành một vật gọi là hành đạo.
Nếu mà mình còn thấy một vật thật, thì tức nhiên mình đâu có đạt được tất cả pháp từ tâm; tức là mình không thấy đạo. Còn nếu mình biết tất cả pháp bên ngoài nó là huyễn hóa, không thật thì tức là không thấy một vật nào thật hết, như vậy mình thấy các pháp từ tâm mà hiện, đó là thấy đạo.
Không hành một vật tức là không theo một vật bên ngoài mà thực hành, tức là không mắc kẹt hành động bên ngoài, mà chỉ biết tất cả đều là từ tâm. Như vậy đó gọi là hành đạo, tức là mọi hành động chỉ hướng tâm thì đó là hành đạo.
Tức là tất cả chỗ mà không có chỗ, tức chỗ tạo tác mà không có pháp tạo tác, tức là thấy Phật.
Câu này nó tối nghĩa mà nó khó. Nói rằng: "tức tất cả chỗ mà không có chỗ" nghĩa là sao? Hồi nãy nói về thấy vật và thấy hành động, bây giờ về xứ sở, nơi chốn, nếu mình thấy tất cả chỗ là thật, có chỗ này chỗ kia, Đông, Tây, Nam, Bắc đều là thật thì tức là mình chưa thấy rõ được Phật đạo, tức là xứ sở, nơi chốn thật thì chưa đạt được Phật đạo. Còn nếu mình thấy chỗ đó mình biết nó không có xứ sở thật, và chính ngay chỗ tạo tác mà mình không thấy có pháp gì tạo tác thật, thì người đó là người thấy được Phật tức là người giác.
Nói tóm lại, trên hành động của mình, đối với sự vật bên ngoài cũng như nơi chốn đều không thấy nó là thật, từ tâm mê mà hiện. Thấy được như vậy là người giác.
Nếu khi thấy tướng liền tất cả chỗ thấy quỉ, chấp tướng cho nên rơi vào địa ngục.
Nếu khi nào mình thấy có tướng thật, thì như vậy liền ở tất cả chỗ mình thấy quỉ hiện. Sao vậy? Tỷ dụ bây giờ mình thấy có một cây bông thật thì lúc đó quỉ hiện ở đâu? Bởi vì mình nếu thấy có một tướng thật, thì tức nhiên ngoài tâm mình còn có pháp thật, mà còn có pháp thật tức gọi là tà kiến phải vậy không? Thấy còn có pháp thật ở ngoài tức là tà kiến, mà tà tức là quỉ chớ gì? Như vậy thì quỉ hiện rồi, đó là yêu quái rồi đó. Cho nên nói rằng khi thấy có tướng hiện tức là tất cả chỗ thấy quỉ.
Thủ tướng tức đọa địa ngục.
Nếu mình chấp tướng thì phải rơi vào địa ngục.
Pháp quán cho nên được giải thoát.
Quán pháp tức là quán tâm, ngay nơi tâm mình mà thấy, thấy được tâm mình thì đó là được giải thoát.
Nếu thấy tướng, nhớ tưởng phân biệt tức là chịu cảnh chảo dầu sôi, lò than nóng... (nếu mà chúng ta nhớ tuởng, phân biệt tướng tức là chúng ta sẽ thọ, sẽ chịu những việc khổ não nào là bỏ trong chảo dầu sôi, nào là bị đun nóng trong lò lửa), hiện thấy cái tướng sanh tử.
Nếu thấy pháp giới tánh tức là tánh Niết-bàn. Không nhớ, tưởng phân biệt tức là pháp giới tánh.
Tâm là chẳng phải sắc cho nên chẳng phải có.
Dụng mà chẳng có bỏ cho nên chẳng phải không.
Dụng mà thường không cho nên chẳng phải có.
Không mà thường dụng cho nên chẳng phải không.
Mấy đoạn nghe giống như đọc thần chú, phải vậy không? Mấy đoạn này là mấy đoạn thiết yếu để an tâm, nhưng mà nghe thì thật là khó. Nói rằng nếu thấy pháp giới tánh, thấy pháp giới tánh là thấy cái gì? Tức là thấy cái tâm thanh tịnh của mình đó. Thấy tâm thanh tịnh của mình gọi là thấy pháp giới tánh. Vì tâm thanh tịnh ấy là nguồn chân của muôn pháp cho nên gọi là pháp giới. Thấy tâm thanh tịnh của mình thì đó là pháp giới tánh, tức là tánh Niết- bàn chớ gì? Khi mà thấy tâm thanh tịnh của mình lúc đó mới không còn những nhớ, những tưởng, những phân biệt, tức là pháp giới tánh. Không còn tưởng, không còn nhớ, ở đây nói rằng nếu thấy pháp giới tánh tức là tánh Niết-bàn. Hỏi cái gì là pháp giới tánh? Cái không tưởng, không nhớ, không phân biệt tức là pháp giới tánh. Cắt nghĩa cho mình biết pháp giới tánh là cái gì? - Cái không tưởng, không nhớ, không phân biệt đó là pháp giới tánh. Chúng ta thấy, Ngài cắt nghĩa cho mình thấy tường tận, nhiều khi những danh từ mình mắc kẹt. Đây Ngài giải thích thêm:
Tâm là chẳng phải sắc cho nên chẳng phải có. Câu này nghe khó hiểu nhưng sự thật đâu có gì khó hiểu. Tâm nó có hình tướng không? Bởi nó không có hình tướng cho nên đâu phải sắc, bởi không phải sắc cho nên người ta nói chẳng phải có. Bởi vì cái gì có là có hình tướng, phải không? Còn nếu không hình tướng thì họ nói có hay không? Như vậy cho nên tâm nó không phải sắc, cho nên nó không có hình tướng. Bởi không có hình tướng cho nên người ta nói nó là không có.
Dụng mà chẳng phải bỏ cho nên chẳng phải không. Tuy nó không có hình tướng mà cái diệu dụng của nó có hay không? Dụng nó chẳng bỏ tức là hằng có diệu dụng, cho nên nói nó không phải là không. Như vậy căn cứ vào tướng mà nói thì tâm không có, nhưng mà căn cứ vào cái diệu dụng thì tâm đâu phải là không.
Dụng mà thường không cho nên chẳng phải có. Tuy có hằng muôn diệu dụng mà không có hình tướng, cho nên nói rằng chẳng phải có. Bởi không có hình tướng cho nên nói rằng nó thường không. Thường không cho nên người ta nói rằng chẳng phải có.
Không mà thường dụng cho nên chẳng phải không. Tuy không có hình tướng mà nó hằng có diệu dụng, vì vậy mà không thể nói nó là không được.
Như vậy tâm nói có cũng không được, nói không cũng không được, thấy không? Nói có thì người ta tưởng lầm như cái bàn, cái ghế; tâm nó không phải như cái bàn, cái ghế thì làm sao nói nó có? Cho nên ở trường hợp đó thì có thể nói nó là không. Nhưng mà dụng của nó, chúng ta muốn nói chuyện thì tâm dấy niệm lên mới nói, chúng ta muốn đi thì tâm khởi nghĩ đi mới đi. Như vậy cái dụng của nó thường hằng làm sao nói là nó không được? Tuy hằng dụng mà không, cho nên không thể nói có; tuy không mà hằng dụng cho nên không thể nói không. Nói có nói không đều không trúng hết. Như vậy cho nên chúng ta đừng mắc kẹt ở cái có và cái không. Như vậy thì tâm mình mới an.
Liền nói tụng:
Tâm tâm tâm khó có thể tìm
Khi mở ra thì nó khắp cả pháp giới
Khi ép lại thì nó chẳng lọt mũi kim
Cũng chẳng thấy ác mà sanh ghét
Cũng chẳng xem lành mà siêng làm
Cũng chẳng bỏ trí mà gần ngu
Cũng chẳng ôm mê mà tìm ngộ
Người đạt đạo thì nó quá lượng
Người không được Phật tâm thì ra ngoài chừng hạn
Không cùng phàm Thánh đồng hàng (hay đồng qua)
Vượt hẳn gọi đó là Tổ.
Không cùng phàm Thánh đồng qua, vượt hẳn đó là Tổ. Như vậy người Tổ này hơn Thánh hay sao? Hơn Thánh không? Như vậy hơn Thánh thì người ta nói Phật thánh, hàng Thánh giả Phật cũng là một vị Thánh. Cái này hơn Thánh thì ông đó gọi là zông gì? Nhưng mà đừng hiểu lầm cái hơn, ở đây nói rõ cái tâm mà trở về cái tâm thể an ổn, thì cái tâm thể đó nó trùm khắp. Nếu nói về bề rộng nó trùm khắp; nếu nói về bề hẹp thì nó không lọt mũi kim. Đó là chỉ cho cái tâm thể. Căn cứ vào tâm thể đó thì không còn thấy có thiện, có ác để mà ghét và ưa. Cũng không còn thấy có trí, thấy có ngu để mà gần và chán. Không còn thấy có mê, không còn thấy có ngộ để mà ưa hay là ghét. Như vậy người mà vượt hẳn cái đối đãi đó thì người đó mới gọi là người đạt đạo, người đó qua tất cả cái tâm đo lường của thiên hạ, mà người đó là người thông đạt được tâm Phật, ra ngoài hết những cái chừng hạn của thế gian. Như vậy, người đó không còn mắc kẹt ở trong đối đãi của phàm Thánh để mà so sánh, người đó mới gọi là Tổ, là người không còn mắc kẹt ở trong cái đối đãi, người vượt qua khỏi hai cái đó rồi mới gọi là Tổ. Chớ không phải nói Tổ là ông đó lớn hơn Thánh. Ông Tổ là ông không còn mắc kẹt ở trong đối đãi: đối đãi của thiện ác, đối đãi của mê ngộ, đối đãi của ngu trí, đối đãi của phàm Thánh mà vượt ra khỏi các cái đó. Cái đó gọi là Tổ. Mà chính cái đó là pháp môn an tâm. Vượt ra ngoài đối đãi mới thật là "An tâm". Còn ở trong đối đãi là tâm bất an.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro