Tên tôi là Liên
Tên tôi là Liên.
Tôi đã chào đời ở đâu, tôi cũng không rõ. Có lẽ là ở bệnh viện. Nhưng ký ức đầu tiên của tôi là ở trong căn nhà ấy. Ấn tượng đầu tiên của tôi về thế giới này, là một màu đỏ chói rực rỡ hơn mọi màu đỏ khác.
Thật ra tôi đôi lúc ngờ ngợ, liệu có phải đó thực sự là ký ức của tôi không? Hình như tôi đã đọc ở đâu đó một câu chuyện tương tự. Không, chắc chắn tôi đã đọc được một điều giống như thế từ trong sách. Có điều tên cuốn sách đó và tác giả của nó đã biến mất. Chỉ có bản thân hình ảnh là sống trong lòng tôi, nhập nhòa vào giấc mơ của tôi. Hoàn toàn biến mất, đó là ý nghĩa thực sự của một tác giả hoàn hảo. Tác giả ấy đã viết, người ta chỉ nhìn thấy mọi thứ trên đời đúng một lần, và những lần tiếp theo, chỉ là nhớ lại ký ức của lần đầu tiên đó mà thôi. Tức là khi một người nhìn thấy một trái banh đỏ lần đầu, đó là lần duy nhất anh ta thực sự thấy màu đỏ. Những lần sau, chỉ là sự gợi nhớ về kí ức nguyên thủy đó mà thôi.
Có lẽ tôi chỉ đang tự đánh lừa mình. Hoặc có lẽ tác giả đó cũng đã có cùng một kinh nghiệm như tôi. Nhưng tôi luôn nhớ rằng, ký ức xa xưa nhất của mình là một trái banh đỏ. Một khối màu đỏ lăn ra từ tấm màn nhòe nhoẹt trắng xóa, đến bên tôi. Khối cầu màu đỏ đó thu hút sự chú ý của tôi hoàn toàn, có lẽ vì tôi không hiểu được ý nghĩa của nó. Đối với tôi màu đỏ ấy dường như có trọng lượng, hình khối, và sức nóng thật sự, sống động rõ ràng, như thể đang chập chờn lay động khi trái banh nảy lên. Toàn bộ thần trí của tôi bị thu hút. Tôi vươn tay đến, và thay vì chạm tới trái banh, lại chạm phải một bề mặt lạnh như đá. Trước mặt tôi chợt hiện lên gương mặt một đứa trẻ khác. Tôi ngoảnh đầu, nó cũng ngoảnh đầu. Tôi nhăn mặt, nó cũng nhăn mặt. Phát cáu, tôi đập tay vào bề mặt lạnh ngắt trước mặt, và òa khóc.
Bạn đọc hẳn đã đoán ra rồi, những gì tôi nhìn thấy, chỉ là hình ảnh trong một tấm gương. Đó là chiếc tủ đứng có gương soi trong phòng cô tôi. Cái tủ đấy, bên hông còn có hình một cô gái ôm bó hoa hồng do chú Nguyên vẽ lại từ tạp chí, đến bây giờ vẫn còn dán đấy. Ai đó đã nghĩ ra trò đùa ác trêu tôi vào hôm đó. Tôi khóc không ngừng, trong lúc người bế tôi bật cười, và khi nhìn lại tấm gương soi lần nữa, trong một khoảng khắc ngắn ngủi, tôi thấy đứa trẻ trong gương đang nhếch môi cười, dường như có nét hiểm độc vô cùng. Một suy nghĩ sáng lên trong lòng tôi, và không chịu tan đi đến tận bây giờ, dù người lớn đã nhiều lần giải thích. Đứa trẻ đó không phải là tôi. Đứa trẻ đó nhất quyết không phải là tôi. Thay vì hình phản chiếu của chính mình, tôi đang nhìn vào một thế giới khác. Trái banh đỏ đứa trẻ ấy cầm trên tay chói rực đẹp đẽ hơn trái banh trên tay tôi nhiều. Biết đâu, biết đâu thế giới ấy mới là chân thực.
Kinh nghiệm đầu đời đó đã khiến tôi sợ những tấm gương – mà tôi tin thực ra nhiều người trong số chúng ta cũng vậy. Có những nỗi sợ, những giấc mơ, những sự ám ảnh mà nhân loại chia sẻ cùng nhau. Cũng như nỗi sợ búp bê, những con rối, mannequin vậy. Thế giới trong tấm gương rất gần với thực tại, mà lại không phải thực tại, khiến ta nghi ngờ chính sự tồn tại của ta. Về phần tôi, những năm tháng sau này, khi rời khỏi một tấm gương, tôi đều không nén được việc liếc nhìn lần cuối thật nhanh về phía nó, ngờ vực rằng biết đâu cái người trong tấm gương sẽ thôi trò giả vờ bắt chước là cái bóng của tôi, và khi tôi quay lưng bước đi, nó sẽ vẫn đứng đó nhìn theo.
Khoảng khắc đó, khi trái banh đỏ lăn đến bên tôi, gần như là một điềm triệu.
Hình ảnh đầu tiên tôi đã nhận thức là về một thứ không hề tồn tại.
Ký ức đầu tiên tôi lưu giữ về thế giới này, là ảo ảnh phản chiếu của nó.
※
Tên tôi là Liên.
Cái tên tôi, đương nhiên nghĩa là hoa sen.
Năm tôi lên bốn tuổi, một lần ông nội tôi nhúng tay vào nước trà viết chữ ấy lên bàn cho tôi, miệng khẽ mỉm cười. Đó là lần đầu tiên, và cũng là lần cuối cùng tôi thấy ông viết chữ Hán. Tôi biết, ông có học chút chữ nghĩa vào thời thơ ấu từ một ông đồ gần nhà. Và hình như ông có biết chút ít tiếng Pháp, dù chưa học hết tiểu học trước giải phóng. Có điều, tôi chưa bao giờ thấy ông dùng đến ngoại ngữ.
Ai đã đặt tên cho tôi, cũng là một điều bí mật. Cha tôi bảo rằng ông đã đặt tên cho tôi qua điện thoại. Bà nội nói rằng chính bà đã đặt tên cho tôi, vì Liên là một cái tên hiền thảo, dịu dàng, hợp với một đứa con gái. Nhưng dẫu là ai đặt, đó chắc hẳn cũng là một quyết định khá vội vàng.
Vì đến khi tôi ra đời, cha mẹ tôi, và mọi người xung quanh, đều đinh ninh tôi là một đứa con trai.
Điều này nghe có vẻ lạ lùng, nhưng về sau, tôi biết được việc đọc kết quả siêu âm sai lệch cũng không phải chuyện hiếm có lắm. Nhất là với bệnh viện nhỏ bé ấy, nơi chuyên viên siêu âm duy nhất có vẻ hơi chập thần kinh – theo lời mẹ tôi. Khi học tiểu học, chính tôi đã thấy trường hợp tương tự với một người phụ nữ gần nhà. Đến tháng thứ sáu, khi có việc lên thành phố siêu âm lại để kiểm tra chứng bệnh gì đó, cô ta mới phát hiện ra đứa con trong bụng là con gái. Người phụ nữ đó nói chuyện với mẹ tôi khi mắt rơm rớm, đôi khi lấy khăn tay ra lau nước mắt. Trông cô ta buồn thảm đến độ, dường như kết quả khám nghiệm rằng đứa con trong bụng không bị bệnh tật gì chỉ là chuyện vặt vãnh vậy.
Cha mẹ tôi thì không may mắn như thế, và đến khi sinh, mọi người mới biết tôi là con gái. Hẳn ai cũng đã rất ngạc nhiên – như thể có bàn tay nào đã đánh tráo tôi từ trong bụng mẹ vậy. Sau ngạc nhiên là sự bối rối, bởi suốt thời gian ấy họ đã chuẩn bị cho một đứa con trai. Họ đã xin quần áo cho bé trai từ lúc tôi chưa sinh ra. Vấn đề quan trọng hơn là, cái tên mọi người đã vắt óc nghĩ ra cho đứa cháu trai đầu tiên của dòng họ đột ngột không còn phù hợp nữa.
Vì thực lòng, con gái tên Thiết nghe cũng kì quặc lắm.
Khi tôi lớn lên, bà nội và mẹ tôi không ai đả động tới việc này. Cô An còn thấy vui mừng, bởi cô vẫn thích may quần áo, và may đồ bé gái vui hơn là bé trai. Mọi chuyện chỉ đến tai tôi qua lời bép xép của mấy bà hàng xóm lắm lời. Khi họ ra về, mẹ tôi nhăn mặt ngay lập tức, lẩm bẩm cay nghiệt, một lũ đàn bà nhiều chuyện đáng ghét. Sau đó bà quay lại nhìn tôi, với ánh mắt rất khó hiểu mà đến giờ tôi vẫn không lý giải được, như bà muốn nói gì đó với tôi, mà lại thôi.
Tôi tên là Liên. Nhưng tôi đáng lẽ phải mang một cái tên khác. Tôi đáng lẽ phải là một đứa con trai. Suy nghĩ đó, hay lời nói vô tình độc ác của người hàng xóm đã không rời khỏi tâm trí tôi suốt thời thơ ấu. Vì thế, trong suốt thời kì đầu, tôi đã cố gắng hành xử như một đứa con trai, nhăn mặt khi nhìn thấy váy áo nơ hoa và các thứ đồ chơi cho con gái.
Freud sẽ dễ dàng chẩn đoán một ca như thế.
※
Tên tôi là Liên.
Cái tên, dĩ nhiên có nghĩa là hoa sen. Nhưng đến tận năm sáu bảy tuổi, tôi mới nhìn thấy hoa sen thực sự lần đầu. Đương nhiên tôi đã thấy hoa sen trong sách báo tranh ảnh, nhưng vật thật vẫn khác với hình ảnh của nó nhiều lắm, và cũng tạo những ấn tượng khác nhau.
Đó là một ngày mùa hạ. Ông tôi có việc ra ngoài, và vì thế dắt tôi theo. Ông thường mang tôi đến những dịp họp mặt như thế. Ngày hôm ấy có vẻ là một ngày trọng đại gì đó, vì ông tôi thắt cái cà vạt màu xanh đậm yêu thích. Cái cà vạt ấy ông chỉ dùng trong những dịp trang trọng. Từ khi bắt đầu đi làm, cha tôi và các cô chú đã tặng ông những cái cà vạt mới khác. Nhưng lúc nào cũng vậy, khi cần ăn mặc đường hoàng, lục lọi một hồi trong tủ, cuối cùng thì ông cũng lấy ra đúng cái cà vạt ban đầu. Đó là một câu chuyện vui của gia đình chúng tôi.
Ngày hôm ấy, khi những ông già ngồi nói chuyện với nhau, tôi chỉ im lặng ăn kẹo trong góc. Những ông già đó mua kẹo rất nhiều, dù họ chẳng mấy ai nhai được, vì vậy khi quay về các túi áo túi quần của tôi đều nhét đầy kẹo. Trên đường về, ông và tôi băng qua lối khác, không phải như lúc đi. Chầm chậm dắt tôi đi giữa hai hàng cây, ông hỏi tôi, liệu có mệt không.
Tôi vừa nhai kẹo vừa lắc đầu. Thực tình tôi hơi mệt, nhưng không thấy phiền. Giữa ông và bà, tôi vẫn thích ở cạnh ông hơn. Thú thực, tôi vẫn có cảm giác không thể quá gần gũi bà. Với vóc người gầy guộc, giọng nói đậm chất Bắc nhè nhẹ đến gần như thầm thì, khác xa những bà già hàng xóm lúc nào cũng nói cười rổn rảng, bà nội tôi có vẻ mỏng manh, nhỏ bé, yếu ớt như cách Agatha Christie đã miêu tả Cô Marple. Nhưng cũng như Cô Marple, phía sau dáng vẻ mỏng manh đó là một cá tính rất mạnh mẽ. Như nhiều người phụ nữ đã sống qua chiến tranh, bà là người có chủ ý trong mọi chuyện. Chưa bao giờ tôi thấy bà to tiếng, nhưng bằng phương thức yên lặng của mình, bà quản lý mọi việc trong nhà, từ cách sắp xếp hũ muối lọ đường đến chuyện tiền nong. Một điều bà đã nói ra là một điều bà đã quyết, rất khó làm bà thay đổi. Chính vì vậy, dù ít khi bị bà la rầy, tôi cũng không dám cãi lời hay mè nheo với bà như đã làm với các cô chú và ông nội tôi.
Nhưng ông nội thì khác. Ông nội cũng luôn im lặng, nhưng theo một kiểu khác với sự cứng cỏi của bà. Ông cho tôi một ấn tượng mềm mỏng hơn hẳn, gần như là dịu dàng. Ông là người dù luôn giả bộ đồng tình mỗi khi bà nội từ chối không cho tôi tiền ăn quà, nhưng luôn dúi vào tay tôi ít đồng khi mọi người quay đi. Và khi có ông bà già hàng xóm nào vô tình nhắc đến sự cố khi tôi ra đời, cùng với những cái tặc lưỡi ra bộ tiếc nuối, ông nội sẽ cúi xuống xoa đầu tôi, hôn lên tóc tôi, mỉm cười và bảo: Cháu trai cũng được, cháu gái cũng được. Cháu nào tôi cũng quý như nhau hết.
Buổi trưa ấy, dù tôi lắc đầu, ông nội vẫn cúi xuống, để tôi leo lên lưng. Ông cháu chúng tôi đi một quãng, những hàng cây xanh tách ra, để lộ bầu trời xanh ngắt. Tôi nheo mắt, chợt thấy chói lòa. Giữa quầng xanh trước mặt tôi, hiện ra những vệt hồng trắng chập chờn rung rinh theo gió.
Ông nội tôi quay đầu nhìn về phía đó, và tôi cũng ngoảnh theo. Một cơn gió mát thổi đến bên chúng tôi. Nhìn kìa, bé Liên, hoa sen kìa. Ông nói, giọng đầy hồ hởi phấn khởi, và tôi chợt hiểu ra, ông đã dẫn tôi đi qua lối này cốt để tôi có thể nhìn thấy hoa sen. Đó là loại hoa mang tên tôi đấy, ông bảo, cứ như tôi không biết điều đơn giản đó vậy.
Trên lưng ông, tôi vẫn im lặng, nheo mắt nhìn thật kĩ quang cảnh chói lòa trong nắng hạ.
Suy nghĩ đầu tiên của tôi lúc ấy là, loại hoa ấy trông mới đáng ghét làm sao.
※
Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tôi đã ghét loại hoa ấy từ lần đầu vì lý do gì? Chắc chắn là khi còn bé, tôi đã không thích cái tên mình. Tôi càng không thích nó hơn khi nhập học ở trường tiểu học, và nhận ra cái tên Liên phổ biến đến thế nào khi giáo viên đọc danh sách. Ngọc Liên, Thụy Liên, Kim Liên, Bạch Liên. Một cái tên con gái quen thuộc đến nhàm chán, và vì thế mà đáng ghét biết bao.
Khi một nhân vật của Mishima Yukio bắt đầu đi học, thằng bé cũng nhận thức được sự vô nghĩa của chính mình. Khi một mình đứng giữa hàng trăm đứa học sinh mặc đồng phục, nghe giáo viên đọc bản danh sách những cái tên Liên nối tiếp liên tục như không kết thúc, tôi cũng thấy như vậy đấy.
Tôi có cảm tưởng chỉ vì cái tên đó, một điều tôi không thể chi phối được, mà tôi đã bị xếp vào một đoàn quân đông đảo những người tên Liên. Người ngoài nhìn vào sẽ gán ghép một tính cách chung nhất nào cho chúng tôi vì cái tên đó. Một thứ suy nghĩ như thể, à, một người tên ABC gì đó thì sẽ giống thế này. Nghĩ đến đó, tôi chỉ thấy căm tức, và chính mình cũng không hiểu vì sao.
Nhưng có lẽ nếu tôi phải đổ tội cho gì đó cụ thể hơn, thì suy nghĩ kì dị của tôi đã được khuyến khích từ một bài tản văn của ai đó đọc trên sóng radio mà tôi cùng nghe với chú. Nhà văn ca tụng sự thanh cao của hoa súng, và cho rằng đó mới là loại hoa quân tử. Và vì thói thường không thể ca tụng thứ này mà không miệt thị thứ khác, ông hết lời chê bai hoa sen. Theo nhà văn, hoa sen đã tỏ ra cao ngạo như thế, mà lại còn có màu sắc sặc sỡ, rồi tỏa hương thơm ngát để quyến luyến khách bộ hành, thì đúng chẳng phải là loại hoa ngay thẳng gì cả.
Bản tin đó làm tôi bị sốc, vì không ngờ có ai lại nặng lời với loại hoa mang tên mình như thế. Và sau đó, vì đã chẳng thích cái tên của mình, tôi quay sang hoàn toàn đồng ý với nhà văn. Có thể nói sự ghét bỏ tiềm tàng của tôi với hoa sen đã có từ trước khi tôi nhìn thấy nó trong thực tế, thông qua hình ảnh phản chiếu của loại hoa đó trong tâm trí của một người khác.
Vì thế, trong buổi chiều hôm đó, mùi hương của hoa sen làm tôi khó chịu, màu sắc rực rỡ nổi bật của nó khiến tôi ngứa mắt, và mặc sự hồ hởi của ông tôi khi chỉ cho tôi loại hoa ấy, tôi chỉ ậm ừ cho có, rồi gục mặt lên vai ông, đòi quay về vì mệt.
Nhiều năm sau, đôi lúc tôi vẫn nghĩ, nếu trước ngày hôm ấy, tôi đã không mang chút thành kiến nào với loại hoa đó, nếu tôi đã không nghe bài tản văn kia, nếu tôi đã nhìn mọi thứ bằng con mắt ngây thơ vô nhiễm, có khi trong mắt tôi hoa sen đã hiện ra với một hình ảnh khác. Có thể tôi sẽ tìm ra vẻ đẹp của nó chăng. Khi đó, có thể tôi sẽ yêu quý cái tên của mình hơn đôi chút.
Và điều đó, biết đâu có thể sẽ thay đổi cách suy nghĩ, và cả cuộc đời tôi.
Nhưng điều đó, đều là những chuyện giả định viển vông.
※
Tên tôi là Liên.
Cái tên đó, và cả giới tính của tôi, là một điều tôi không thể thay đổi được, và vì thế làm tôi căm ghét.
Tôi đáng lẽ phải là một đứa con trai. Tôi đáng lẽ phải mang một cái tên khác. Vì suy nghĩ đó mà khi nhìn vào gương, tôi hình dung ra một đứa con trai đang nhìn lại mình. Tôi là hình ảnh phản chiếu của đứa con trai đó, người theo kết quả siêu âm đáng lẽ đã phải ra đời thế vào chỗ của tôi, cũng như thế giới quanh tôi chỉ là hình ảnh trong gương của thế giới của cậu ta. Dù tôi cố chạm vào cậu ta, đầu mấy ngón tay của chúng tôi cũng không chạm vào nhau. Luôn có một khoảng cách rất nhỏ ngăn cách cái bóng và hiện thực. Điều đó là do mặt tráng bạc của những tấm gương luôn nằm sau lớp kính, cha tôi giải thích.
Vì vậy tôi tên là Liên.
Một cái tên không thuộc về tôi.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro