Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương thứ 2: Hoàn cảnh

Edit: Quàng thượng soái ca

_______________________________

Cuối đời Đường, phiên trấn cát cứ*, chiến loạn liên miên.

(*) Phiên trấn cát cứ: phiên là bảo vệ, trấn chỉ quân trấn. Triều đình phong kiến khi đó thực hiên quân trấn để bảo vệ sự an toàn của trung ương nhưng kết quả lại hình thành nên một thế lực cát cứ (cát cứ là chia cắt lãnh thổ lập chủ quyền riêng, không phục tùng chủ quyền trung ương) đối kháng với thế lực với chế độ trung ương tập quyền (người đứng đầu phiên trấn là tiết độ sứ) - nguồn onggiaolang.com.

Tướng lĩnh các nơi lớn nhỏ đều tự cầm binh hỗn chiến lẫn nhau.

Triều đình vô lực khống chế cục diện, chỉ có thể buông xuôi bỏ mặc.

Vinh quang của thời đại hoàng kim nghìn xưa đã sớm một đi không trở lại. Hoàng thất Đại Đường chỉ còn trên danh nghĩa, vẻn vẹn chỉ còn một góc nho nhỏ chốn Trường An làm đất dung thân.

Dân chúng nhà tan của nát, phiêu bạt khắp nơi.

Mùa thu năm ngoái, bách tính cả châu* khôngchịu nổi thuế má cùng lao dịch nặng nề, bùng nổ dân loạn, vô số người hưởng ứng, rất nhanh đã tập hợp hàng trăm vạn người. Nghĩa quân liên tiếp đánh đâu thắng đó, qua Trường Giang, lấy Tương Dương, tiếp lại lấy Đông đô Lạc Dương, mắt thấy đã sắp đánh tới kinh đô Trường An, chấn kinh triều đình.

(*) Châu: đơn vị hành chính thời xưa.

Triều đình vội vàng phái kim ngô Đại tướng quân Lư Sư Đạo đảm đương chức vụ hành doanh đô Chiêu thảo sứ* cùng Tiết độ sứ các nơi chia ra làm chiêu thảo sứ bắc nam, bắt đầu dẫn binh chinh phạt.

(*) Chiêu thảo sứ là một chức vụ của quan võ thời xưa, còn hành doanh đô là nơi tổng chỉ huy đóng quân.

Thiên hạ đại loạn.

Nhưng riêng Giang Châu dưới sự quản lý của Chu Thứ sử lại vẫn trời yên biển lặng, bách tính an cư lạc nghiệp, hoàn toàn không biết tới gió tanh mưa máu bên ngoài.

Phủ Thứ sử.

Ngày xuân lúc ấm lúc lạnh, buổi trưa lúc ấm nhất cũng vẫn cần mặc thêm áo ngoài che đến nửa cánh tay chống lạnh.

Trong đình viện, vài gốc đào mận đang đón gió nở rộ, gió nhẹ lướt qua, phấn hoa trắng xóa theo gió nhẹ nhàng rơi đầy đất tươi đẹp.

Mấy tỳ nữ búi tóc mặc áo ngắn màu lục cùng váy đỏ tay nâng mâm đặt bình hoa quỳ bằng sứ trắng, nhẹ nhàng lướt qua, vội vàng đi qua đình viện, vào hành lang xoắn ốc.

Màn trúc cuốn cao, trên sàn nhà bằng gỗ trơn bóng bố trí một chiếc giường nhỏ, bên trên đặt một chiếc kỷ án*, trải thảm nỉ, ánh nắng ấm áp xuyên qua nhánh hoa tươi tốt, chiếu vào hành lang.

(*) Kỷ án: loại bàn nhỏ thời xưa thường xuất hiện trong mấy phim cổ trang Trung Quốc, sử dụng khi ăn, đọc, viết.

Một người vấn tóc hai bên, vạt áo ngắn màu lục dệt hoa văn mềm mại, hoa anh đào đỏ hồng rơi vương vãi trên nửa cánh tay tiểu nương tử đang nằm nghiêng trên giường nhỏ, váy đính ngọc trai ngũ sắc tản ra, xen lẫn với dải lụa choàng trên vai buông thõng nơi mặt đất.

Phía sau có mấy tỳ nữ đang quỳ, hai tay cầm cán dài của chiếc quạt tròn quạt cho nàng, một người bóp vai, một người đấm chân cho nàng, còn có một người bóc nho, đưa từng quả một đến bên môi tiểu nương tử.

Tiểu nương tử mắt ngọc mày ngài, tuổi còn nhỏ, khuôn mặt nhỏ nhắn tựa phấn điêu ngọc trác, bên má một đôi má lúm đồng tiền, đôi mắt đen nhánh tỏa sáng, một tay chống hàm, lười biếng hưởng thụ sự hầu hạ của tỳ nữ, chỉ chỉ kỷ án, ra hiệu cho tỳ nữ mang mâm cùng chén dĩa lui xuống.

Mấy tỳ nữ lặng lẽ trao đổi ánh mắt, trong lòng kinh sợ.

Sáng nay Cửu nương vừa tỉnh lại, đã liên tục kêu gào mình đói bụng, ăn suốt một canh giờ mà vẫn chưa ăn xong!

Quạt tròn lớn rồi thị dê, hồ bánh*, trọn một mâm đào lạnh, bánh hồng lăng*, một bọc bánh xuân* nhân thịt,...

(*) Hồ bánh là bánh có xuất sứ từ người Hồ, bánh hồng lăng là bánh gạo nếp đỏ, còn bánh xuân là bánh màu trắng thường ăn trong tiết Lập Xuân bên Trung Quốc. ~Đói quá~

Một bữa Cửu nương ăn nhiều như vậy khiến bọn tỳ nữ trợn mắt há mồm, chỉ sợ nàng sắp làm dạ dày no đến hỏng rồi, ngăn không cho nàng ăn thì vành mắt Cửu nương lại ửng đỏ, bảo nàng vẫn chưa ăn no.

Mấy tỳ nữ vừa thu dọn mâm chén vừa gọi người đến mời nhũ mẫu của Cửu nương, Phùng cô.

Nghe tỳ nữ nói xong, Phùng cô sợ hết hồn, vội vội vàng vàng chạy tới hành lang uốn khúc bên ngoài.

"Có đúng thân thể Cửu nương khó chịu không?"

Cửu Ninh nhét miếng mứt anh đào mềm dẻo vào miệng, nghe thấy Phùng cô hỏi, chẹp một cái nuốt miếng anh đào ngọt ngấy xuống, khóe miệng khẽ cười, đuôi mày hơi cong.

"Không có gì, ta rất đói bụng."

Nhiệm vụ trước nguyên bảy ngày bảy đêm nàng phải nhịn đói mới tóm được cơ hội đánh lén nhân vật chính, giờ là quỷ chết đói đầu thai, trước cứ ăn bữa cơm đã rồi lại nói.

Trời đất bao la, ăn cơm to nhất.

Phùng cô quét mắt nhìn kỷ án một cái, mí mắt giật giật: "Tiểu tổ tông, ăn nhiều như vậy sao tiêu hóa nổi, lại còn là đồ chua với đồ lạnh nữa, cẩn thận tiêu chảy bây giờ!"

Dứt lời, bà lạnh lùng nhìn tỳ nữ đứng hầu hai bên.

Bọn tỳ nữ câm như hến.

Cửu Ninh cười cười, đặt bát xuống, kêu ai nha một tiếng.

Phùng cô biến sắc, thu lại ánh mắt uy hiếp bọn tỳ nữ, ân cần hỏi: "Có phải trướng bụng rồi không?"

Cửu nương trở mình, ngửa mặt nằm trên giường nhỏ, làm nũng với bà: "Phùng cô, người xoa cho con đi."

Phùng cô đau lòng không thôi, ba chân bốn cẳng chạy vào hành lang uốn khúc, ngồi quỳ một bên giường, cẩn thận từng li từng tí nâng Cửu Ninh dậy, nhẹ nhàng xoa bụng cho nàng.

Bà vốn quen hầu hạ người khác, lực đạo rất chuẩn, Cửu Ninh vừa ăn một bữa no nê, bên cạnh có tỳ nữ vây quanh, một đám người ân cần hầu hạ, thoái mái tới mức rên hừ hừ.

Chỉ chốc lát sau đã ngủ thiếp đi.

Phùng cô dở khóc dở cười, ném cho tỳ nữ một ánh mắt ra hiệu đi mời y công.

Cửu nương thân thể mảnh mai, vừa rồi lại ăn một lần nhiều thứ, dạ dày làm sao mà chịu được?

Tỳ nữ đến tiền viện tìm y công, một lát sau, cúi đầu trở về.

"Nương tử nói y công hôm nay không rảnh, không ở trong phủ."

Phùng cô cười gằn hai tiếng.

"Y công không rảnh, sao nương tử không sang Ôn gia cách vách mời?

Tỳ nữ không dám lên tiếng.

Phùng cô sợ đánh thức Cửu Ninh, nhẫn nhịn không nổi giận, "A lang có ở trong phủ không?"

Tỳ nữ lắc đầu: "Hôm nay thiền sư ở Vĩnh Yên tự mở tục giảng, a lang mang theo đại lang, tam lang, thập lang tới đó xem rồi."

Phùng cô chau mày.

Phụ thân Cửu nương là Chu Bách Dược trước sau tổng cộng cưới ba vị phu nhân.

Phu nhân đầu tiên sinh cho ông hai đứa con trai rồi bị bệnh mà mất.

Vị phu nhân thứ hai là mẹ ruột của Cửu nương, Thôi thị. Thôi thị chỉ sinh được một nữ nhi là Cưu nương, năm năm trước Thôi thị cũng bất hạnh mà mất sớm.

Năm ngoái, Chu Bách Dược lại cưới tiếp một người vợ kế là Ngô thị. Lúc Ngô thị còn chưa gả đi đã có xích mích với Thôi thị, giờ lại trở thành mẹ kế của Cửu nương, dĩ nhiên sẽ không cho Cửu nương sắc mặt tốt gì.

Ngô thị suy cho cùng thì vẫn nghĩ đến mặt mũi, lại chán ghét Cửu nương, cũng sẽ không công khai làm khó dễ nàng, có điều cũng chỉ giới hạn ở chuyện này thôi. Chu Bách Dược một lòng giáo dưỡng hai đứa con trai trưởng, chẳng mấy khi quan tâm tới tiểu nương tử trong phủ. Cửu nương tuy là con vợ cả nhưng lớn ngần này rồi mà Chu Bách Dược chưa từng ôm nàng lấy một lần.

Phụ thân lạnh nhạ, kế mẫu chẳng quan tâm, Cửu nương lại chẳng có anh chị em cùng mẹ, tự mình lớn lên trong gập ghềnh trắc trở nhưng lại vẫn giữ được sự ngây thơ hồn nhiên, hoàn toàn không chút tâm cơ.

Tuy sau này Phùng cô mới vào phủ hầu hạ Cửu nương nhưng lại thương nàng côi cút, coi nàng như con ruột, thấy nàng tính tình nhu thuận ngoan hiền chỉ lo nàng phải chịu oan ức bởi vậy bà không cho phép người khác xem thường nàng. Phùng cô ưa tính toán chi li, phàm là tỳ nữ, nô bộc nào trong phủ xem thường Cửu nương bà đều làm một trận ầm ĩ lên.

Tính tình Cửu nương lại rộng rãi, không tham mấy chuyện này, tuổi càng lớn cũng dần dần trở nên hòa ái cùng sắc sảo nhạy bén hơn, dần xa lánh Phùng cô thường hay gây xích mích thị phi.

Tiểu nương tử không khỏe, Ngô thị thân là mẹ cả lại thờ ơ như vậy, nếu như là trước kia, Phùng cô nhất định sẽ làm một trận ầm ĩ lớn, tốt nhất là phải huyên náo đến mức cả nhà đều biết nhưng bà lại nhớ tới tiểu nương tử hiểu chuyện giờ đang ngày càng xa lánh mình, sợ khiến nàng không vừa ý nên chỉ có thể cố nén bất mãn, nhỏ giọng dặn dò tỳ nữ: "Tháng trước đạo trưởng vừa đưa mấy viên đan dược tới, hòa một viên ra cho nương tử uống."

Tỳ nữ vâng dạ.

Sau một canh giờ, ăn uống no nê lại ngủ say một hồi, Cửu Ninh mơ màng tỉnh lại, chậm rãi duỗi eo.

Tuy rằng Chu gia không tính là danh gia vọng tộc, chỉ có thể coi là gia tộc có quyền có thế trong vùng nhưng giờ hoàng thất Lý Đường suy bại, ở Giang Châu, Chu thứ sử nghiễm nhiên trở thành vua một cõi nói một là không có hai. Nàng thân là cháu gái ruột của em trai Chu đô đốc, thân phận tôn quý, nô bộc như mây, áo đến tận tay, cơm đến tận miệng, thật sự rất thoải mái dễ chịu.

Trong trí nhớ hiếm hoi còn sót lại của Cửu Ninh, nàng chưa từng có những ngày tháng thư thái như vậy bao giờ.

Đang cảm khái thì một tiểu tỳ nữ mặt tròn mắt nhỏ nhấc váy chạy thẳng vào sân, đứng trước hành lang thở không ra hơi, nói: "Không xong rồi, lang quân nô dịch kia trở về rồi!"

Phùng cô cùng mấy tỳ nữ lớn tuổi sững sờ trong chốc lát, biến sắc.

Cửu Ninh hiếu kỳ hỏi: "Ai trở về?"

Phùng cô dữ tợn liếc xéo tiểu tỳ nữ một cái, chuyện như vậy cần gì phải nói vời tiểu nương tử?

Tiểu tỳ nữ co rúm người, hối hận mình lỡ lời nhưng Cửu nương đã mở miệng hỏi, cũng không dám giấu, nhỏ giọng đáp: "Nô, nô dịch..."

Cửu Ninh dựa vào bàn con, để tỳ nữ bóp chân cho mình: "Có phải nhị lang trở về rồi không?"

Tiểu tỳ nữ gật gật đầu, nhỏ giọng nói: "Bên ngoài rất nhiều người đang vây xem."

Cửu Ninh khẽ mỉm cười, cuối cùng cũng tới rồi.

Nhị lang Chu gia Chu Gia Hành, huynh trưởng khác mẹ của Cửu Ninh... Nam chính trong "Giáng Tiên Truyện".

Nhân vật chính trong "Giáng Tiên Truyện tất nhiên không phải là vai phụ thánh mẫu Tiểu Cửu nương mà là Cao Giáng Tiên. Trong "Giáng Tiên Truyện", nàng ta được miêu tả là một con người từ tỳ nữ địa vị thấp kém trở thành mẫu nghi thiên hạ, cuối cùng trở thành Thái Hậu truyền kỳ lâm triều thính chính* trong lịch sử.

(*) Lâm triều thính chính: tức thượng triều cùng vua, nghe chuyện chính sự.

Trong quyển "Giáng Tiên Truyện" này, Đại tướng quân, Thừa tướng tay nắm thực quyền, Vương tử dị quốc đều đối vời Cao Giáng Tiên tình sâu như bể.

Chỉ có Chu Gia Hành là ngoại lệ.

Cha đẻ Chu Gia Hành là Chu Bách Dược, là con cháu của gia tộc lớn ở Giang Châu nhưng mẹ đẻ lại là một nô lệ thấp hèn. Từ khi còn bé hắn đã không được gia tộc coi trọng, lớn lên giữa dân gian. Vì nuôi sống mình và mẫu thân mà từng đi buôn muối, làm cu li, hiểu rõ nỗi khốn khó trong dân gian. Tuy rằng cuộc sống của hắn cực khổ nhưng lại kết bạn với không ít anh hùng hào kiệt, giỏi cưỡi ngựa bắn cung, am hiểu viết lách. Sau khi trở lại Chu gia đã nhanh chóng bộc lộ tài năng, được tộc trưởng thưởng thức, trở thành con nối dõi của ông, đoạt được quyền thừa kế Chu gia. Từ đó thăng tiến như diều gặp gió, nhanh chóng trở thành chúa tể một phương.

Trong quyển "Giáng Tiên Truyện" này, kỳ thực từ đầu tới cuối, nam chính Chu Gia Hành không tiếp xúc với nữ chính Cao Giáng Tiên nhiều.

Nhưng trong mấy năm ngắn ngủi hắn phát triển lớn mạnh, suất quân thân chính, đánh bại từng chính quyền cát cứ, thống nhất bắc nam, đề bạt nhân tài, chỉnh đốn chính trị, một lần hành động mà có thể ổn định cơ nghiệp thịnh thế, là địch thủ khó đối phó nhất trong đời của nữ chính Cao Giáng Tiên, vì thế nên được công nhân là nam chính.

Vị Hoàng Đế khai quốc này, chí lớn chưa thành mà sinh mệnh đã hết. Vừa kết thúc thời loạn lạc phân tranh, còn chưa kịp thu phục mười sáu châu Yên Vân đã vì lao lực nhiều ngày sinh bệnh mà chết.

Khi còn sống hắn không kết hôn, tất nhiên cũng không để lại con nối dõi, con cháu khác của Chu gia tầm tường vô trí, không phải người có thể đảm đương chức trách lớn nên cơ nghiệp nửa đời của hắn chỉ tiện nghi cho huynh đệ tốt của hắn là Tống Hoài Nam.

Sau khi hắn chết vừa được nửa tháng, Tống Hoài Nam liền phát binh biến, khoác hoàng bào, đăng cơ thành Hoàng Đế, lập tức sắc phong Cao Giáng Tiên thành Hoàng Hậu.

Thực ra Chu Gia Hành không phải bị ốm chết mà nguyên nhân chính xác của cái chết là gì trúng độc mãn tính.

Hung thủ chính là nữ chính Cao Giáng Tiên.

...

Cửu Ninh không quan tâm Cao Giáng Tiên làm cách nào độc chết Chu Gia Hành.

Nàng chỉ biết là, mình thực sự quá xui xẻo.

Trong quyển truyện này, nam chính cùng nữ chính không phải một đôi uyên ương anh anh em em mà là nam chính lại bị nữ chính hại chết!

Không phải nàng chưa từng gặp qua tương ái tương sát nhưng nam nữ chính dường như còn chưa từng gặp mặt trong cả quyển truyện, từ đầu tới cuối chỉ nói mấy câu như này là lần đầu nàng gặp phải.

Sống lại trở thành Tiểu Cửu nương, nàng không chỉ muốn duy trì tính mệnh đã được định sẵn là phải chết sớm này mà còn phải giúp hắn sớm ngày kết thúc loạn thế, trả lại một thiên hạ thái bình, hoàn thành tâm nguyện của Tiểu Cửu nương, song lại còn phải lo lắng đề phòng, tuyệt đối không thể đắc tội nữ chính Cao Giáng Tiên, để tránh bị nàng ta ghi hận.

Hết lần này đến lần khác Chu Gia Hành và người mẹ đẻ thân phận hèn mọn của hắn bị mẫu thân của Cửu Ninh là Thôi thị đuổi ra khỏi Chu phủ, nghe nói vị mẫu thân kia sau khi bị đuổi ra khỏi Giang Châu liền bị bệnh nặng không dậy nổi, nằm dai dẳng trên giường bệnh mấy năm trời sau đó cũng vì bệnh mà chết.

Cửu Ninh nắm nắm chiếc vòng tay bằng vàng đeo trên tay, cảm thấy rất đau đầu.

Tiểu Cửu nương tuy là huynh muội với Chu Gia Hành nhưng lại không lớn lên cùng nhau.

Công tử thế gia có thể nuôi thiếp thất xinh đẹp, có thể sủng ái vũ nữ trong nhà nhưng tuyệt sẽ không để thứ nô tì ti tiện sinh con dưỡng cái.

Mấy chục năm nay, cho tới giờ không có con cháu thế gia nào phạm phải loại sai lầm này.

Chu Bách Dược chính là người đầu tiên.

Sau khi ông ta say rượu lại đi sủng hạnh một kẻ nô tì, lại còn để nô tì kia sinh ra một đứa con, chuyện đó đã biến thành trò cười của cả thành Giang Châu, thường bị mấy thế gia quen biết chế nhạo khiến ông ta thẹn quá hóa giận, dung túng cho thê tử là Thôi thị ức hiếp mẹ con nô tì kia, đuổi bọn họ ra khỏi Chu phủ, mặc bọn họ tự sinh tự diệt.

Chu Gia Hành chính là nhi tử của nô tì kia, đứng hàng thứ hai, là nhị ca của Tiểu Cửu nương.

Theo lý mà nói, một người làm quan cả họ được nhờ*. Chu Gia Hành là một nhân vật anh hùng có tiền đồ như vậy, nam đinh phong hầu bái tướng, nữ quyến thì trở thành cáo mệnh gia thân*, hẳn là cả họ đều được thơm lây mới đúng.

(*) Chỗ này nguyên văn là "một người đắc đạo, gà chó lên mây", đồng nghĩa với câu "một người làm quan cả họ được nhờ" của Việt Nam nên ta để luôn câu này.

(*) Cáo mệnh phu nhân là phẩm vị của nữ quyến nhà quan thời xưa.

Nhưng Tiểu Cửu nương không có cái phúc lớn ấy.

Nàng từ nhỏ đã là mỹ nhân nổi danh Giang Lăng, tuổi càng lớn, danh tiếng khuynh thành tuyệt sắc lại càng truyền khắp Trung Nguyên.

Bá chủ các lộ cát cứ đều ngấp nghé mỹ mạo của nàng, dấy binh tới đoạt.

Vì muốn có thêm thật nhiều tiền nên Chu gia gả nàng cho Thái thú Ngạc Chau, một lão già hơn năm mươi tuổi đầu. Nàng ở Ngạc Châu suốt hai năm, sống không bằng chết.

Về sau , Thái thú bị giết, nàng bị đám hạ thần coi như lễ vật mà dâng lên cho thủ lĩnh nghĩa quân, trở thành tân sủng của thủ lĩnh nghĩa quân.

Người của Chu gia lấy danh nghĩa phụ huynh nhà mẹ đẻ của nàng phát binh giết thủ lĩnh nghĩa quân, đoạt lại nàng về Giang Lăng, mượn cơ hội mở rộng thế lực.

Tiểu Cửu nương tưởng rằng có thể về cố hương sống đến cuối đời nào ngờ chỉ vẻn vẹn một tháng sau nàng lại bị người Chu gia mang tới đất Thục, trở thành phi tần của Thục Đế vừa xưng đế không lâu.

Cứ như vậy, một nữ tử tay trói gà không chặt như nàng lưu lạc giữa loạn thế, qua tay bao bá chủ, nước chảy bèo trôi chẳng thể làm bất cứ điều gì.

Mỗi lần Chu gia lầm vào "tình thế bức bách" là lại đưa nàng lên giường của một bá chủ khác, rồi lại phái bình đoạt nàng về Giang Châu, thuận tiện tiêu diệt những bá chủ thèm muốn mỹ mạo của nàng.

Trong khi đó, Chu Gia Hàn lại được Chu Thứ sử thưởng thức, dẫn binh nam chinh bắc chiến, mở rộng lãnh thổ. chiếm lại đất đai, thống nhất Trung Nguyên.

Nguyên một đám bá chủ từng phong quang vô hạn liên tiếp táng mệnh dưới vó sắt của quân Chu gia mà Tiểu Cửu nương lại trở thành họa thủy nổi tiếng thiên hạ.

Sau đó, khi mà Chu Gia Hành dẫn binh công phá phủ Khai Phong, cái đêm mà hắn sắp hoàn toàn thống nhất phương Bắc kia, Tiểu Cửu nương bị loạn quân truy đuổi nhảy từ tường thành xuống, kết thúc một đời long đong lận đận của nàng.

Đệ nhất mỹ nhân Trung Nguyên, cả cuộc đời ngắn ngủi của mình mặc cho người định đoạt, trợ giúp gia tộc hoàn thành bá nghiệp khai quốc chói lọi thiên cổ.

Nhưng thân là muội muội Hoàng đế khai quốc, nàng lại chẳng có tư cách hưởng thụ vinh hoa phú quý, còn bị lưu lại truyền thuyết với tiếng xấu dâm loàn, hồng nhan họa thủy trong dân gian.

Một nữ tử đáng thương cơ khổ như vậy, sau khi chết lại không mảy may chút lệ khí oán hận nào, chỉ hy vọng thiên hạ bách tính sớm ngày có thể sống trong an bình, không phải như nàng, nhận hết khổ sở giữa loạn thế.

...

Cửu Ninh có được phần ký ức của Tiểu Cửu nương. Tuy nói người bức bách Tiểu Cửu nương lấy chồng là cha đẻ của nàng, Chu Bách Dược, không liên quan gì tới Chu Gia Hành nhưng Cửu Ninh lại cảm thấy Chu Gia Hành nhất định là rất cảm kích.

Mẹ đẻ của hắn bị mẫu thân Tiểu Cửu nương, Thôi thị, đuổi ta khỏi phủ, chắc chắn hắn hận nàng đến tận xương tủy, đương nhiên sẽ không cứu nàng.

Hai huynh trưởn là đại lang và tam lang do vợ cả của Chu Bách Dược hạ sinh, không cùng mẹ ruột với nàng, đại lang xưa nay nhìn nàng không thuận mắt, tam lang đối với nàng rất tốt nhưng chỉ là một thư sinh yếu đuối, không cứu được nàng.

Những người khác không thân không thích lại càng không để ý tới nàng.

Gió từ khe hở rèm châu thổi vào hành lang, khói hương lượn lờ quẩn quanh bị thổi tan.

Nghĩ lại một đời long đong của Tiểu Cửu nương, Cửu Ninh không khỏi rùng mình.

Nàng tự nhận mình không có tấm lòng như Tiểu Cửu nương, bảo nàng tình nguyện bị gia tộc xem như công cụ đưa tới đưa lui nàng không làm được.

Nhiệm vụ lần này so sánh với làm nhân vật phản diện còn mệt mỏi hơn nhiều.

Không chỉ phải bảo vệ Chu Gia Hành mà còn phải phòng bị Cao Giáng Tiên, còn phải vật lộn cầu sinh giữa loạn thế.

Hệ thống chết tiệt còn suốt ngày nhắc nhở nàng không được làm việc ác, nhất định phải làm việc thiện tích đức.

Mà nàng chỉ là một tiểu nương tử cái gì cũng không có, ngay cả tự bảo vệ còn không làm được, chỉ có thể dựa vào sự che chở của gia tộc.

Cửu Ninh có phần muốn khóc.

- Hết chương 2 -

Hơn 3700 từ chưa tính chú thích các kiểu, nên giờ mới edit xong cho các nàng, thật đau khổ. Sẽ không có lịch đăng cố định đâu nhưng có thể khẳng định là mỗi tuần một chương nha, edit xong sẽ đăng ngay. \( ̄▽ ̄)/

~ Thế gian hỡi, editor của trẫm đâu rồi?! ~

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro